Văn hóa ẩm thực Malaysia trong các món Halal
Malaysia không chỉ hấp dẫn du khách bởi những bãi biển nguyên sơ, nhiều hòn đảo kỳ thú và nền văn hóa đặc sắc mà còn là nơi hội tụ những tinh hoa ẩm thực trong các món ăn Halal.
Trong văn hóa Hồi giáo, các món ăn Halal và tháng ăn chay Ramadan được du khách biết đến nhiều hơn cả. Trong đó, món ăn được gọi là Halal phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của người Hồi giáo như: món ăn phải tinh khiết trong quá trình chế biến, trong sạch, lành mạnh và bổ dưỡng.
Đến Malaysia, sẽ là thiếu sót nếu bạn không thưởng thức Ayam Masak Merah, Gado Gado, hay Satay để cảm nhận trọn vẹn hương vị và văn hóa ẩm thực bản địa gửi gắm trong từng món ăn Halal.
Gado – Gado
Là món khai vị kết hợp giữa các loại rau thực vật nhiệt đới với sốt đậu phộng, Gado – Gado được hầu hết thực khách ăn chay ưa thích. Đặc biệt, trong tháng cầu nguyện Ramadan, người theo đạo Hồi sẽ kiêng ăn, uống từ 6h sáng đến 7h tối, song Gado – Gado vẫn được họ sử dụng thường xuyên trong bữa trưa.
Gado – Gado được hầu hết thực khách ăn chay ưa thích.
Món ăn có nguyên liệu chính là bắp cải hầm nhừ, đậu phụ, trứng, giá đỗ và một số loại rau nhiệt đới khác trộn lẫn trong nước sốt vị đậu phộng. Hỗn hợp nước sốt được làm từ nhiều loại gia vị truyền thống như sả, hành tây, tỏi, đậu phộng rang, tôm khô, ớt, bột thì là, nước me, nước cốt dừa được nêm nếm cho hợp khẩu vị. Khi ăn, thực khách sẽ gắp từng món vào đĩa của mình và rưới nước sốt lên rồi thường thức.
Được làm từ những nguyên liệu từ thiên nhiên, Gado – Gado hấp dẫn thực khách ăn chay bởi vị thanh mát của rau củ, bùi béo của đậu phộng với nước cốt dừa, mang đến hương vị tự nhiên, nhẹ nhàng mà thanh khiết.
Satay gà và Satay bò
Satay là món ăn bản địa, có mặt ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Malaysia, từ các quán cóc ven đường cho đến những nhà hàng sang trọng. Thoạt nhìn khá giống với thịt nướng của Việt Nam, song Satay không làm từ thịt heo mà phổ biến từ thịt gà, bò, thậm chí là thịt thỏ.
Bên cạnh sả, hành đỏ, hành tía, bột thì là, bột rau mùi, nghệ là gia vị thiết yếu góp phần làm nên màu vàng bắt mắt cho món ăn. Đầu bếp sẽ ướp thịt với tất cả các gia vị thảo mộc, để một ngày cho ngấm trước khi chế biến, sau đó xiên thịt dọc các que tre mỏng và nướng chín.
Satay, món ngon không thể bỏ qua khi đến Malaysia.
Satay là món khai vị khá ngọt so với khẩu vị của người Việt, song bạn có thể thưởng thức cùng gia vị và nước sốt đậu phộng, và đặc biệt là cơm trắng được ép thành miếng, dưa leo và hành tây. Từng xiên thịt vừa nướng nóng hổi xém màu vàng tươi, chấm cùng chút nước sốt, ăn kèm cơm trắng là món ngon không thể bỏ qua khi đến Malaysia.
Ayam Masak Merah
Ayam Masak Merah là món gà om với sốt cà chua cay ngọt, nước cốt dừa và rau củ. Từng miếng gà được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng với muối, gừng, tỏi, nghệ và ớt rồi đem chiên vàng óng. Hỗn hợp nước sốt sánh ngậy được đầu bếp cầu kỳ trong từng khâu chế biến, linh hoạt về định lượng để món ăn vẫn đảm bảo được độ béo, ngậy từ thực vật mà thoảng hương vị ngọt dịu của nước cốt dừa.
Ayam Masak Merah thưởng thức cùng với cơm trắng hoặc cơm cà chua sẽ thơm ngon đúng vị.
Một lượng lớn gia vị truyền thống được sử dụng làm nước sốt như các loại hoa hồi, quế, lá dứa và các gia vị sả, ớt, nghệ, hành tía…góp phần làm nên nét đa sắc, đa hương trong Ayam Masak Merah. Món ăn được thưởng thức cùng với cơm trắng hoặc cơm cà chua sẽ thơm ngon đúng vị.
Jelatah
Jelatah là sự kết hợp nhiều màu sắc của salad truyền thống với giấm, được người Hồi giáo dùng phổ biến trong tháng cầu nguyện Ramadan giống như Gado - Gado. Chỉ cần trộn đều các nguyên liệu dứa, hành tây, dưa chuột, cà chua, đậu phộng, cùng đường, giấm trắng, nêm nếm vừa miệng là đã có ngay món Jelatah thanh ngọt, mát lành.
Jelatah là món ăn được người Hồi giáo dùng phổ biến trong tháng cầu nguyện Ramadan.
Vị ngọt mát của hành tây thơm thảo vị chua của dứa, quyện với vị giòn sần sật của dưa leo, thơm bùi đậu phộng tạo nên món khai vị hoàn hảo trong những ngày nắng nóng.
Bạn có thể thưởng thức các món ăn Halal tại các khách sạn trên đường Phạm Đình Hổ, Hà Nội hay tại các nhà hàng ở khu phố Tây đường Bùi Viện, đường Đông Du, quận 1, TP HCM.
Ramadan là khoảng thời gian người Hồi giáo trên khắp thế giới thực hiện ăn chay và cầu nguyện. Theo nhiều người Hồi giáo, đó là một cách để thực hành kỷ luật tự giác. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Tháng ăn chay Ramadan năm nay sẽ diễn ra từ ngày 28/6 và kết thúc ngày 27/7.
Halal là một thuật ngữ có nghĩa là cho phép, hợp pháp, bao hàm mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người Hồi giáo, đặc biệt là trong thực phẩm, thức uống. Những món ăn được xem là “Halal” là những món ăn được làm từ trái cây và rau quả, các loại hải sản. Thịt phải được xử lý theo đúng phương pháp của đạo Hồi (trừ một vài trường hợp). Món ăn Halal đặc biệt “tránh” làm từ thịt heo, chó, động vật có móng vuốt như khỉ, hổ, gấu, loại chim săn mồi, động vật lưỡng cư như ếch, cá sấu, hay bất kỳ loài động vật khác không giết mổ theo luật Hồi giáo. Những đồ uống có cồn như bia, rượu, rượu mạnh không được phép sử dụng theo quy định của người Hồi giáo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét