.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014
7 món ngon phải thử khi ghé thăm Hà Giang

7 món ngon phải thử khi ghé thăm Hà Giang

Mảnh đất địa đầu Tổ quốc này không chỉ có cháo ấu tẩu hay thắng dền, mà còn nhiều món ăn hấp dẫn hơn thế.

Dưới đây là 7 món ăn mà du khách nên thử khi ghé thăm Hà Giang

1. Thắng dền


Thắng dền có vị ngọt đặc trưng của đường hoa mai cô đặc. 

Thắng dền là một loại bánh ăn chơi khá phổ biến tại thành phố Hà Giang. Nhiều người nhầm tưởng đây là món bánh trôi miền xuôi nhưng thắng dền lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Bánh làm từ bột nếp, đường và được nặn thành viên tròn, Chỉ khi có khách gọi, chủ quán mới cho bánh vào luộc rồi chan nước bao gồm đường hoa mai cô đặc, dừa và gừng. Đây là món ăn khá hợp vào khí trời mát mẻ ở Hà Giang, đặc biệt trong những ngày đông. Vị cay cay của gừng sẽ khiến du khách nhớ mãi không thôi.

2. Thắng cố

Mang đậm nét văn hóa vùng cao, thắng cố là món ăn được nhiều du khách tìm tới khi ghé thăm Hà Giang. Được chế biến từ nội tạng và xương trâu, bò, thắng cố không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với những ai sành ăn thì món ăn này vẫn để lại ấn tượng khó quên. Được ninh kỹ với các loại thảo quả và gia vị đặc trưng của miền núi, thắng cố có vị ngậy, bùi khác lạ. Du khách có thể tìm cho mình một bát thắng cố ở bất kỳ đâu nhưng tới các chợ phiên và nhâm nhi cùng cốc rượu ngô của người dân tộc sẽ là lựa chọn tốt nhất.

3. Rêu nướng

Là một món ăn độc đáo của người Tày tại Hà Giang, rêu nướng có hương vị rất riêng. Để có món rêu nướng ngon, người Tày thường lựa chọn những đám rêu non nhất, rồi khéo léo tách phần nhớt phù sa bên ngoài đem trộn với một số loại gia vị như muối, mì chính, lá mùi tàu… sau đó gói vào lá đem nướng. Món rêu nướng của người Tày có tác dụng chữa bệnh nên được nhiều người yêu thích.

4. Rau trộn


Món rau trộn ngon hơn nhờ có lơ khoải. 

Được chế biến từ các loại rau phổ biến tại Hà Giang như cải bắp, cải ngọt hay quả đậu và một số thành phần phụ khác như xúc xích, bánh bao và bánh lơ khoải, dưới đôi bàn tay khéo léo của những con người ở cao nguyên đá, món ăn này trở nên đặc biệt hơn hết. Cách chế biến cũng khá đơn giản. Sau khi chiên riêng từng nguyên liệu, chủ quán sẽ trộn lại cùng một loại tương đặc biệt. Chính loại tương này đã làm nên vị cay lạ của rau trộn. Vị mềm mềm của bánh lơ khoải cùng vị giòn tan của các loại rau quả đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn này.

5. Bánh cuốn trứng

Cũng là bánh cuốn nhưng ở Hà Giang món ăn này lại không dùng cùng nước chấm như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vào đó, khi tráng trên bếp, bánh sẽ được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bột trắng ngần bên ngoài gói lại. Khi thưởng thức, thực khách sẽ ăn kèm với một bát nước lèo thả giò trắng thơm ngon ở trong. Món ăn này ăn lạnh hay nóng đều ngon vì vị ngậy của trứng cùng hương thơm đậm đà của nước lèo.

6. Bánh tráng


Ít ai ngờ Hà Giang cũng có món bánh tráng nổi tiếng

Bánh tráng có lẽ là món ăn không còn xa lạ với nhiều người. Tại cao nguyên đá Hà Giang, nhiều du khách đã dễ dàng tìm được món ăn khoái khẩu này. Cũng được làm từ bột gạo, trứng, hành tươi, bánh tráng Hà Giang có hương vị đặc biệt bởi thứ gạo trồng nơi đây. 

7. Cháo ấu tẩu

“Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang”, câu nói này quả thực không sai. Món ăn này không chỉ có mùi thơm ngậy, bùi cay mà còn có vị đắng đặc trưng của củ ấu tẩu, thành phần chính của cháo. Khi mới ăn bạn sẽ hơi khó nuốt nhưng nếu đã quen thì lại trở thành món ăn gây nghiện. Được coi là món cháo giữ nhiệt do vậy thời điểm phù hợp nhất mà du khách có thể thưởng thức món ăn này là mùa đông.
Xem thêm
Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014
7 điểm dừng chân lý tưởng nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang

7 điểm dừng chân lý tưởng nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang


Phố cổ Đồng Văn với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lượn sóng, cột cờ Lũng Cú với lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trong gió, Mã Pì Lèng hùng vĩ bên dòng Nho Quế thơ mộng..là những điểm dừng chân lý tưởng trên cao nguyên đá Hà Giang.

1. Cột cờ Lũng Cú



Cột cờ Lũng Cú.

Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam.Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng.


Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

Cột cờ Lũng Cú có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25 tháng 9 năm 2010.
Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng Tây Bắcđịa đầu của Việt Nam.

2. Phố cổ Đồng Văn


Quán cà phê phố cổ Đồng Văn.

Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn,Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.


Hiện nay chợ phố cổ Đồng Văn không còn có cảnh họp chợ. 

Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 "đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.

3. Dinh thự họ Vương


Dinh thự họ Vương.

Nằm trong thung Lũng Sà Phìn, Dinh thự nhà họ Vương, được Vương Chính Đức xây dựng trong 8 năm. Vị trí đất được thầy địa lý Trung Quốc đặt cho, trên một gò đất trong thung lũng, phía trước là ngọn núi có hình "mâm sôi",xung quanh là các dặng núi cao, vừa thuận lợi cho sinh sống và phòng thủ.Thợ xây chủ yếu từ Trung Quốc, vật liệu cũng được mua từ Trung Quốc và các nơi ngoài vùng chở đến.Kiến trúc mang phong cách Trung Quốc, Pháp, và H'mông.



Bên trong dinh thự họ Vương.

Dinh thự có chỗ cho làm việc ( chính sự), sinh hoạt gia đình, nghỉ ngơi,canh gác.Trong đó có các kho chứa ( thuốc phiện, lương thực, vũ khí...), các buồng nghỉ ( cho các bà vợ ), nhà bếp ( gồm cả cối xay, giã gạo), tháp canh... Phia ngoài nhà chính có nơi chăn nuôi, nơi ở cho các kẻ hầu hạ, binh lính, bể chưa nước ăn (nước mưa dùng cho cả năm-khoảng 300 m3). Xung quanh là các bức tường bảo vệ bằng đá có lỗ châu mai. Hiện Dinh thự đã được xếp hạng Di tích lich sử. Một người chắt của 'Vua Mèo", hiên đang trông coi khu Di tích, giới thiệu cho khách tham quan.

4. Hồ sinh thái Quang Minh


Hồ sinh thái Quang Minh thuộc huyện Bắc Quang

Thuộc huyện Bắc Quang, hồ Quang Minh có tổng diện tích khoảng 300 ha, trong đó diện tích mặt nước hồ trên 70 ha, còn lại là đồi núi, ngoài ra còn có suối và hang động, tài nguyên thực vật chủ yếu là rừng tái sinh và rừng trồng.

Đây là một địa điểm sinh thái lý tưởng cho khách du lịch, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và phong phú, có khí hậu mát mẻ, trong lành, đường giao thông thuận tiện, người dân bản địa vẫn giữ nguyên phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Thời điểm tham quan thích hợp là mùa khô (từ tháng 8 đến đầu năm sau), thời điểm nước trong hồ xanh và ổn định, tạo điều kiện cho du khách có thể kết hợp các loại hình du lịch, dịch vụ khác quanh vùng.

5. Núi đôi Quản Bạ


Núi đôi Quản Bạ.

Quản Bạ là huyện cửa ngõ nằm về phía Tây Nam của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Cách thành phố Hà Giang 46km về phía Bắc, vượt qua dốc Bắc Sum cao ngất trong mây là du khách đã đến với cổng trời Quản Bạ. Đứng từ đây có thể ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn thơ mộng quanh năm mát mẻ được ví như “Đà lạt” của Hà Giang, đặc biệt được tận mắt chiêm ngưỡng Núi Đôi Quản Bạ tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng.

6. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì


Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang ở Hà Giang đẹp nhất nằm ở hai huyện Hoàng Su Phì và Xí Mần, khu vực đẹp nhất là ở xã Thông Nguyên, Bản Péo, Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Dịch và một số bản trên đường từ Bắc Hà (Lào Cai) đi Hoàng Su Phì.


Ruộng bậc thang mùa gieo mạ.


Mùa vàng Lũng Cú. 

Đến đây, du khách sẽ ngất ngây trước cảnh sắc muôn hình của những thửa ruộng bậc thang được tạo ra từ bàn tay của con người. Bạn nên đi vào tháng 9, tháng 10, và đầu mùa xuân bởi đây là thời điểm những thửa ruộng bậc thang được chuẩn bị gieo cấy và đang lên xanh.

7. Sông Nho Quế dưới chân Mã Pí Lèng


Sông Nho Quế trong xanh hiền hòa dưới chân Mã Pì Lèng. 

Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. 


Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin

Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi con mèo”.


Nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc rất đẹp. 

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại Lũng Cú một đoạn của nó là ranh giới 2 nước, đến gần Đồng Văn thì nó chảy hẳn vào nội địa VN, qua hẽm núi Tu Sản và sau đó chạy dọc theo đèo Mã Pí Lèng. Đến Mèo Vạc thì sông Nho Quế tách ra chảy theo hướng đông và đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm. Một điểm đặc sắc là phần lớn thời gian trong năm, nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc rất đẹp.
Xem thêm
Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014
Cẩm nang cho chuyến thăm cao nguyên đá Hà Giang

Cẩm nang cho chuyến thăm cao nguyên đá Hà Giang

Với phong cảnh hùng vĩ với những thửa ruộng bậc thang, cánh đồng hoa cải đẹp mê hồn và bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao, cao nguyên đá Hà Giang luôn là điểm hấp dẫn du khách.

Chuyến du lịch 3 ngày ở Hà Giang sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.

Thời tiết

Là tỉnh miền núi cao nên khí hậu ở Hà Giang lạnh rõ rệt so với vùng thấp và trung du kế cận. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21-23 độ C. Nét nổi bật của khí hậu là độ ẩm cao trong năm, mưa nhiều và kéo dài. Bạn có thể du lịch Hà Giang vào bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng thời gian đẹp nhất là tháng 10, 11 và 12, khi hoa tam giác mạch hay những cánh đồng cải khoe sắc. Còn mùa xuân, hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng khiến bạn như đang bồng bềnh trên mây.

Điểm tham quan

Khu di tích kiến trúc nhà Vương: Công trình độc đáo, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Đây không chỉ là dinh thự mà còn là pháo đài phòng thủ giữa cao nguyên đá trong thời kỳ lịch sử. Nhà Vương có diện tích trên 1.000 mét đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Khu dinh thự này đã được trùng tu lại và trở thành một điểm nhấn độc đáo trong chuyến du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn.


Khu dinh thự nhà Vương trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Phố cổ Đồng Văn: Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá... Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất. Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.

Cột cờ Lũng Cú: Điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.

Lễ hội chợ tình Khâu Vai: Chỉ diễn ra một năm một lần vào gần cuối tháng 3 âm lịch. Phiên chợ cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc 24 km, là một phiên chợ độc đáo, hấp dẫn. Gọi là chợ nhưng chẳng có người mua, cũng chẳng có người bán, trai gái kéo nhau đến đây một lần chỉ để gặp gỡ và nói lời yêu. Già thì đến gặp bạn tình xưa, trẻ đến tìm người tình mới. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đủ màu sắc trang phục của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng... khiến phiên chợ cứ như một rừng hoa di động khoe sắc.


Phố cổ Đồng Văn.

Bãi đá cổ, di chỉ khảo cổ: Cách trung tâm huyện Xí Mần khoảng 17 km, là quần thể những tảng đá có khắc những dấu hiệu trên đó mà theo các nhà khoa học, những hình khắc đó đã có niên đại 2.000 năm. Bãi đá có khoảng 7 phiến đá lớn và 2 cự thạch (tảng đá cực lớn) trên đó có khắc vẽ khoảng 80 hình đa dạng... Bãi đá khắc cổ là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khoa học và du khách ưa khám phá, tìm hiểu lịch sử.

Chợ phiên vùng cao: Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên. Nơi đây không chỉ là hình thức tổ chức kinh tế mà còn là nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà và sâu sắc, chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Hà Giang thường có các phiên chợ lùi ở các xã. Gọi là chợ lùi vì họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần. Ví dụ tuần này họp vào chủ nhật, tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tiếp theo sẽ vào thứ 6... Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà nó còn là nơi biểu hiện đậm nét nhất những bản sắc văn hóa dân tộc của vùng cao.

Ăn uống

Đến vùng đất Hà Giang, bạn đừng bỏ qua món bánh cuốn trứng với lớp bột ướt mỏng tang, bên trong là màu đỏ lòng đào của trứng, đặc sản của mảnh đất địa đầu tổ quốc.

Một món ăn mà du khách tới Hà Giang không thể bỏ qua được là cháo ấu tẩu được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ, củ ấu được ninh kỹ với nước hầm chân giò béo ngậy cùng các loại rau thơm. Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm.

Thắng cố không phải là món ai cũng ăn được nhưng là món đặc sản của Tây Bắc với mùi thơm của thảo quả, hạt dổi, củ sả với vị béo ngậy của thịt.

Thắng dền ở Đồng Văn trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Vị ngọt của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng sẽ hấp dẫn du khách khi đến vào ngày lạnh.


Nồi thắng cố lục bục sôi trên bếp trong các phiên chợ ở Hà Giang.

Cơm Lam Bắc Mê dần trở thành một đặc sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Khi thưởng thức, cơm lam có mùi thơm phức quyện cùng với lá chuối và ống nướng, ăn cùng với muối vừng hay ăn cùng cá suối nướng sẽ thật thú vị.

Đặc sản làm quà

Với điều kiện khí hậu, cam Bắc Quang ngon nức tiếng với những trái chín mọng mang hương vị riêng biệt, ngọt ngào là món quà mà bất kỳ du khách nào cũng muốn mang về cho người thân, bạn bè.

Lạp xưởng gác bếp được làm từ loại thịt nửa nạc nửa mỡ được ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng ám mùi khói bếp với mùi thơm đặc trưng khiến bạn ăn một lần mà nhớ mãi.
Xem thêm
Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014
Cao nguyên đá Hà Giang - phút bâng khuâng sau những triền núi

Cao nguyên đá Hà Giang - phút bâng khuâng sau những triền núi


Hà Giang, cái tên nghe gần mà xa xôi, rồi những địa danh Mèo Vạc, Đồng Văn, Mã Pì Lèng…Những cái tên thôi thúc những chuyến đi, những khát khao khám phá, để thấy con người thật nhỏ bé, để thấy cuộc đời như con thuyền nhỏ trôi trong dòng sông vũ trụ thiên nhiên bao la này.

Cao nguyên đá tai mèo Hà Giang, tôi hay bạn đã đến nơi này và chắc sẽ còn ngày quay lại; để đứng đón gió lộng trên cổng trời, trải tầm mắt ra xa trên Mã Pì Lèng. Hay đơn giản chỉ là nhấp chén rượu ngô cay nồng phiên chợ Đồng Văn, và say theo nụ cười ngát bông hoa rừng của cô thiếu nữ người Mông...


Và một lần nữa, để lần theo những bước chân trên lối mòn kia, để lại được bâng khuâng sau những triền núi kia. (Ảnh: Cà phê hương sơn tây)

300km từ Hà Nội theo quốc lộ 2, đến với thành phố Hà Giang.Một chặng đường quen thuộc với nhiều người có dòng máu khám phá chảy trong huyết quản. Nhưng bao nhiêu đó mới chỉ là khởi đầu, một thành phố êm đềm bên dòng sông Lô, đường phố rất sạch đẹp.


Hoa cúc dại nở trên nền đá tai mèo. (Ảnh: Hachi8)

Dường như đây là nơi nghỉ chân tốt cho một hành trình dài đang chờ đợi phía trước. Hiển nhiên, đến Hà Giang để khám phá thì không ai đến thành phố rồi về. Một cao nguyên đá phía trước, một hành trình lên dốc xuống đèo, núi cao vực sâu, những dòng sông xanh thẳm phía trước, một hành trình lên dốc xuống đèo, núi cao vực sâu, những dòng sông xanh thẳm chạy xuyên qua những hẻm núi, và tận cùng: một nền văn hóa đang chờ đợi phía trước.


Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hữu tình. (Ảnh: Trần Thanh Ngọc)

Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đây từng là “vùng tự trị người Mèo”. Những dãy núi đá trải dài bất tận, những dòng sông uốn khúc quanh co, bạn sẽ không biết đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc của cao nguyên đá này. Chỉ có con người nhỏ bé, ẩn hiện sau những rang đá tai mèo, những bước chân lần theo những con đường mòn nhỏ ẩn khuất đâu đấy sau những ngọn núi. Và những làng bản ẩn hiện trên những sườn núi chênh vênh.


Núi đôi Quản Bạ. 

Đường đi chênh vênh, đá tai mèo là thứ "đặc sản" của nơi này. Những cánh rừng không trải dài vô tận, đan xen với những triền đá. Và đâu đó, có thể bắt gặp những triền núi lác đác những cánh rừng sa mộc, mang dáng dấp phong cảnh phương Bắc, mà ở Việt Nam, thật sự hiếm hoi.


Phút thảnh thơi. (Ảnh: Cà phê hương sơn tây)

Ở Phố Cáo, Hà Giang nơi những ngôi nhà cổ của người Mông, sống quây tụ và hồn hậu với thiên nhiên, nơi đây còn đặc biệt với những cánh đồng cải vàng ngút mắt hay dọc những vách đá tai mèo sắc nhọn đan xen những cánh vàng tươi tắn trước gió xuân.


Mùa cải vàng ở Phố Cáo. 

Những bản làng trải dài, ẩn khuất trên những sườn núi. Một nền văn hóa của người dân tộc thiểu số, những phiên chợ vùng cao sặc sỡ sắc màu, những giai điệu trẩm bổng của tiếng sao Mông, những ánh mắt thẹn thùng của thiếu nữ, những bát rượu ngô thơm nồng mùi men lá...


Vui chơi dưới nắng 

Đi theo những lối mòn men theo triền núi, bước qua nhưng bờ rào được xếp bằng đá núi, để có thể cảm nhận cao nguyên đá, để là một phần của nơi này.
Xem thêm
Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014
6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

Bạn có thể đi thuyền giữa những cánh đồng lúa xanh mát của Ninh Bình hay chạy xe ngang qua sắc hồng lãng mạn của tam giác mạch Hà Giang.

Dưới đây là 6 cánh đồng thu hút khách du lịch ở miền Bắc:

1. Cánh đồng lúa Mù Cang Chải


Những bậc thang lúa hệt như một bức tranh sơn dầu. Ảnh: phuonglinh94

Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của dân xê dịch và yêu thích bộ môn nhiếp ảnh mỗi mùa lúa về. Nằm tại tỉnh Yên Bái, những ruộng lúa ở huyện Mù Cang Chải tập trung chủ yếu tại ba xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.

Ruộng bậc thang Mùa Cang Chải hấp dẫn từ khi lúa mới chỉ là những mạ xanh mới nhú cho tới tháng 9,10 khi những ruộng lúa chuyển sang màu vàng ươm. Đứng từ đèo Khau Phạ, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của vùng núi Tây Bắc với bạt ngạt lúa. Những nếp nhà sàn ẩn mình trong đường cong mềm mại của lúa ngày mùa khiến Mù Cang Chải đẹp tựa bức tranh vẽ quyến rũ lòng người.

2. Hoa cải Mộc Châu


Hoa cải trắng làm xao xuyến lòng người. Ảnh: markettinghp

Nằm cách Hà Nội khoảng 200 km, Mộc Châu là điểm hẹn yêu thích của rất nhiều dân phượt mỗi dịp đông về. Vào thời điểm đó, trên khắp cao nguyên, màu trắng tinh khiết của hoa cải lại phủ đầy, níu giữ bước chân người lữ hành. Các khu vực như bản Pa Phách hay phía sau rừng thông bản Áng lúc nào cũng tấp nập những đoàn xe nối đuối nhau săn tìm khoảnh khắc đẹp.

Thung lung Mộc Châu đẹp nhất vào sáng sớm, khi lớp sương đêm còn vương lại trên những cành cây, thân lá là lúc những vạt hoa cải trở nên quyến rũ nhất. Trong không gian bao la cùng mùi hương thơm nhè nhẹ, sắc đỏ của trạng nguyên hay màu nâu trầm của đất điểm xuyến lại càng làm cho không gian trở nên thơ mộng và huyền ảo.

3. Đồi chè Mộc Châu


Những đồi chè mát mắt ở Mộc Châu. Ảnh: Cảnh Nguyễn Đức

Khác với cánh đồng hoa cải, đồi chè xanh ngát tạo nên sức hấp dẫn của Mộc Châu bất cứ thời gian nào trong năm. Vì là loại cây kinh tế chính nên khắp thị trấn, du khách đều có thể bắt gặp những đồi chè cao thấp với cảnh đẹp khác nhau.

Đặc biệt vào tháng 12, khi đặt chân tới Mộc Châu, du khách còn có thể tận mắt chiêm ngưỡng những bông hoa chè trắng muốt, nằm lẫn trong vạt lá xanh, thu hút biết bao loài ong bướm bay lượn, vô tình tạo thành bức tranh rất đẹp.

4. Tam giác mạch Hà Giang


Miên man cánh đồng tam giác mạch. Ảnh: Cảnh Nguyễn Đức

Được trồng nhiều ở Hà Giang, đặc biệt trên con đường từ Xí Mần đi Hoàng Su Phì, những cánh đồng tam giác mạch là điểm đến không thể bỏ lỡ của dân phượt mỗi dịp cuối thu, đầu đông. Vào thời gian này, tam giác mạch và Hà Giang lại trở thành chủ đề nóng hổi trên khắp các diễn đàn du lịch.

Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, khi mới nở có màu trắng sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và đỏ sậm. Có lẽ vì thế mà vào ngày mùa, sắc trắng lẫn hồng phớt trải dài khiến cao nguyên Hà Giang trở nên tươi mới.

5. Thung lũng Bắc Sơn, Lạng Sơn


Thung lũng Bắc Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: yeunhiepanh

Bắc Sơn là một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 160 km. Nơi đây không chỉ được biết đến như một di tích lịch sử lâu đời mà còn nổi tiếng bởi một thung lũng với những cánh đồng lúa đẹp.

Để ngắm được toàn cảnh thung lũng trù phú, bạn phải mất công leo lên đỉnh Bắc Sơn. Bên con sông uốn khúc là những mảng màu rực rỡ của lúa, xen lẫn là những nếp nhà sàn. Tất cả kết hợp với nhau như tăng thêm vẻ hữu tình cho một miền thung lũng.

6. Cánh đồng lúa Ninh Bình


Cánh đồng lúa đẹp mắt bên con sông Ngô Đồng. Ảnh: Khapnamchau

Nằm cách Hà Nội khoảng 110 km dọc theo quốc lộ 1A, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là một địa danh du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình. Du khách muốn tham quan phía bên trong hang động đều phải đi thuyền xuôi theo con sông Ngô Đồng và nhìn ngắm bức tranh đồng quê được tạo thành từ những thửa ruộng lúa và con sông mềm mại.

Khung cảnh đẹp nhất vào khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, khi cả một vùng rộng lớn được bao phủ bởi những ruộng lúa xanh xen lẫn vàng, tạo thành những mảng màu đẹp mắt.
Xem thêm
Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014
no image

Mùa xuân Hà Giang – Kỳ 1: Mùa đá nở hoa

Mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc bước vào mùa xuân như thay một màu áo mới, rực rỡ và tràn đầy sức sống.
Phố Cáo rực rỡ sắc màu
Phố Cáo rực rỡ sắc màu

Khắp các bản làng xa xôi, bên mái nhà trình tường và hàng rào đá đặc trưng là sắc hoa mận trắng nở bung đón nắng mới. Những tia nắng ấm áp mùa xuân lan tỏa khắp vùng núi đá tai mèo, trên những con đường đèo uốn lượn ngoằn ngoèo… Những luống cải vàng,tím, hoa mận trắng, hoa đào nở thắm rực rỡ trong nắng xuân.
 Những cung đường đèo trở nên rực rỡ với những thửa hoa cải tím
Những cung đường đèo trở nên rực rỡ với những thửa hoa cải tím
hoixuan4
Khóm hoa cải nổi bật giữa nền đá tai mèo
hoixuan8
hoixuan9
Những bông mận trắng tinh khôi bên hàng rào đá và nhà Trình Tường
Quần thể dinh nhà Vương trong nắng xuân
Quần thể dinh nhà Vương trong nắng xuân
Những cô bé người Mông diện đồ mới chơi trong vườn hoa ngày tết
Những cô bé người Mông diện đồ mới chơi trong vườn hoa ngày tết
hoixuan13
Người Mông vui xuân dưới những tán mận trắng xóa
Rực rỡ với hoa mận trắng cùng hoa đào thắm
Rực rỡ với hoa mận trắng cùng hoa đào thắm
Ngoài ra ngày tết bạn sẽ được hòa mình vào những lễ hội đặc sắc, ngắm bà con dân tộc trong những trang phục truyền thống sặc sỡ. Một số lễ hội chính như:
Hội Gầu Tào
hoixuan7
Người Mông vui hội Gầu Tào tại phố Cáo
Hội Gầu Tào của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mồng Một đến ngày Rằm tháng Giêng, nhằm mục đích cầu phúc hay cầu mệnh. Đây là ngày lễ quan trọng nhất của người Mông. Bạn có thể thưởng thức lễ hội tại phố Cáo, Phó Bảng, Sủng Là…
Hội xuân khèn Mông
Hội xuân khèn Mông
Hội xuân khèn Mông
Lễ hội xuân Khèn Mông tại chợ Đồng Văn cũ
Mỗi khi mùa xuân đến người Mông lại tổ chức hội khèn. Hội khèn vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Mông, vừa là nơi giao lưu văn hóa với các dân tộc khác, vừa là nơi trai gái gặp gỡ tìm bạn tâm tình, vừa là nơi những người già ôn lại chuyện cũ, tìm thấy những kỷ niệm đẹp của một thời
Tết của người Lô Lô
Lô Lô là một trong những dân tộc ít người, vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là dân tộc với lối sống, phong tục tập quán, trang phục sặc sỡ rất đặc trưng. Người Lô Lô sống tập trung tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.
hoixuan2
Những cô gái Mông lặng ngắm sông núi mùa xuân
Đường quốc lộ 4 từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc bây giờ đã rất thuận lợi. Việc thuê xe tại thành phố cũng sẵn. Chỉ việc bắt xe khách tối hôm trước là sáng sớm sau bạn có thể vi vu thăm thú được rồi. Mất tối thiểu 2 ngày 1 đêm là bạn đã có chuyến đi vòng quanh Hà Giang cơ bản nhất.
Theo IHay
Xem thêm