.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014
Hồ Ba Bể, viên ngọc xanh giữa núi rừng

Hồ Ba Bể, viên ngọc xanh giữa núi rừng


Với khung cảnh nên thơ hữu tình, hồ Ba Bể hiện lên trong mắt du khách như thể viên ngọc xanh bí ẩn giữa núi rừng Đông Bắc.


Nằm cách Hà Nội chừng 230 km, hồ Ba Bể (Bắc Cạn) là một điểm du lịch nổi tiếng tại miền bắc Việt Nam. 


Năm 1995, hồ Ba Bể được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của tế giới cần được bảo vệ. 


Mặc dù nằm ở độ cao 145 m so với mực nước biển nhưng hồ Ba Bể luôn giữ được màu xanh của mây trời hòa quyện. Đặc biệt vẻ đẹp ấy còn trở nên quyến rũ hơn nữa khi sáng sớm, sương mù chưa tan. 


Du khách ghé thăm hồ Ba Bề ngoài việc thưởng ngoạn vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên còn có cơ hội được trải nghiệm khung cảnh bao la, rộng lớn ấy bằng thuyền độc mộc, phương tiện di chuyển độc đáo tại đây. 



Với hình dáng nhỏ nhắn, thuyền độc mộc trở thành điểm nhấn ấn tượng trên bức tranh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ của hồ Ba Bể. 


Ngày nay, mặc dù thuyền độc mộc đã được thay thế một phần bằng thuyền máy nhưng thiết kế của những loại thuyền này vẫn không khác nhiều so với thuyền độc mộc là bao. 


Du khách vẫn có cơ hội được trải nghiệm những cảm xúc hồi hộp xen lẫn lo lắng mà thích thú trên con thuyền nhỏ chồng chềnh giữa sóng nước…. 


….để khi làm quen với nhịp chèo là có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp, yên bình xung quanh. 


Một góc bến thuyền tại hồ Ba Bề, nơi bắt đầu cho hành trình tham quan.
Xem thêm
Tour cà phê cuối tuần ở Sài Gòn và Hà Nội

Tour cà phê cuối tuần ở Sài Gòn và Hà Nội


Tiết trời dịu nhẹ là điều kiện lý tưởng để hẹn gặp vài người bạn ở một quán cà phê phá cách, tràn ngập cây xanh hay chỉ đơn giản là có không gian yên tĩnh.

Bạn có thể tham khảo những quán cà phê ở Sài Gòn và Hà Nội dưới đây cho ngày nghỉ vào cuối tuần này.

1. Cliché Cafe

Nằm trong con hẻm đường Trần Cao Vân, quận 1, Cliché Cafe có không gian tuy cũ kỹ nhưng lại thu hút khách. Được thiết kế gồm hai tầng bao gồm tầng trệt có tủ đứng đầy sách truyện men theo cầu thang và tầng trên cổ điển với những vật dụng xưa như máy đánh chữ, tivi cũ, điện thoại… Bước vào Cliché Cafe, bạn sẽ cảm nhận ngay không gian ấm cúng và nhẹ nhàng. Đặc biệt, gu nhạc ở Cliché rất hay, tạo nên sự tĩnh tâm cho khách. 


Nhiều người gọi không gian của Cliché Cafe là không gian của thời thơ ấu. Ảnh:hcmlife

Dù mang vẻ cổ điển, nhưng Cliché vẫn điểm xuyết chút nét hiện đại của Sài Gòn. Bạn nào yêu thích chụp hình có thể “phải lòng” Cliché trong lần đầu tiên vì lối trang trí nội thất đầy tính nghệ thuật với hoa khô và những trang sách. Giá thức uống của Cliché tương đối cao do nằm ở vị trí trung tâm Sài Gòn, tuy nhiên nếu bàn về chất lượng thì bạn có thể gật gù vì nước uống có vị rất đặc trưng. 

Địa chỉ: Hẻm 20 Trần Cao Vân, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn. 

2. Cakes & Ale

Cakes & Ale là quán cà phê tái hiện gia đình trung lưu xưa ở Sài Gòn. Đến Cakes & Ale, bạn không chỉ được thưởng thức tách cà phê nóng trong khung cảnh gia đình xưa, mà còn được tận mắt xem cách làm bánh của chủ quán. Mùi bánh nướng tỏa ra khắp ngóc ngách của căn nhà, thơm đến nỗi bạn không thể không lại gần khu bếp và ăn một cái bánh nhỏ. Từ căn hộ chung cư cũ trên đường Lý Tự Trọng, hai vợ chồng chủ quán Cakes & Ale đã dồn tâm huyết để thiết kế quán thật gần gũi với người Sài Gòn. 


Gian bếp của Cakes & Ale là điểm nhấn của quán. Bạn còn có thể tham gia các khóa làm bánh khi có thời gian. 

Từ chiếc điện thoại quay số, chiếc tivi cũ cho đến máy hát đều có thể gợi nhớ cho bạn về căn nhà xưa trong ký ức. Cakes & Ale cũng khá chọn lọc khách, nếu bạn gây tiếng ồn hoặc thiếu tôn trọng không gian chung, bạn có thể bị mời ra khỏi quán. 

Địa chỉ: Phòng 9, lầu 1, số 23 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn

3. Fly Cupcake Garden

Con đường Tú Xương, quận 3 vốn nổi tiếng có nhiều mô hình cà phê độc đáo nhưng Fly Cupcake Garden vẫn tạo được cho mình nét riêng nhờ những chiếc bánh cupcake nhỏ xinh. Fly Cupcake Garden có hai không gian riêng biệt là ngoài vườn và trong nhà. Nhiều khách đến thường chọn vào trong vì bên ngoài khá nóng bức dù có nhiều cây xanh bao phủ. Đến Fly Cupcake Garden mà không thử qua bánh ngọt sẽ là một thiếu sót to lớn. 


Những chiếc bánh cupcake ngộ nghĩnh được làm theo yêu cầu. Ảnh: flycupcake


Fly Cupcake tuy nhỏ nhưng tủ bánh khá sặc sỡ và thực đơn đa dạng. Giá bánh ở Fly Cupcake Garden hợp túi tiền, nhưng giá nước hơi đắt so với đối tượng sinh viên, học sinh. Ngoài việc thưởng thức bánh ngon, bạn còn có thể đặt bánh viết chữ hoặc trang trí theo ý muốn để tặng bạn bè hoặc người thân dịp đặc biệt. 

Địa chỉ: 25A Tú Xương, quận 3, Sài Gòn. 

4. Shot Cafe

Nằm trong con ngõ nổi tiếng với món bún đậu mắm tôm - Phất Lộc, Shot Cafe là địa chỉ dành cho những ai đang tìm một không gian cho riêng mình ngay giữa phố cổ đông đúc.


Không gian trầm của Shot Cafe. Ảnh: FB Shot Cafe

Khác với vẻ ngoài đơn giản có phần nhỏ bé, bên trong quán khá rộng rãi với thiết kế hai tầng đẹp mắt. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được bầu không khí ấm cúng, thân thiện khi bước vào trong Shot Cafe, nhờ lối bài trí tinh tế giữa những gam màu trầm cùng nội thất mộc, điểm xuyết là màu sắc xanh tươi, rực rỡ của cỏ cây, hoa lá.

Những câu chuyện bằng ảnh cũng được thể hiện khéo léo qua những bức hình được treo khắp nơi trên tường bên trong quán. Bên cạnh đó là chiếc đàn piano và guitar để khách đến Shot có thể trổ tài. Vào một số buổi tối trong tuần, quán còn tổ chức những buổi nhạc sống để thay đổi bầu không khí.

Tùy vào sở thích bạn có thể chọn chỗ ngồi trên những bộ bàn ghế cao bằng gỗ hoặc thảm bệt có gối dựa lưng. Ngoài không gian trong nhà yên tĩnh, quán cũng dành một chiếu nghỉ ngoài trời với thảm cỏ xanh để thực khách có thể ngắm bầu trời cao vút hiện lên trên những nóc nhà san sát.

Địa chỉ: số 60, Phất Lộc, Hà Nội.

5. Analog Cafe

Cũng là quán cà phê có diện tích khá khiêm tốn nhưng Analog trên phố Tô Hiến Thành lại thu hút du khách bởi phong cách cổ điển đang rất được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Nếu là tín đồ vintage, chắc hẳn bạn sẽ không thể rời mắt với những món đồ được bài trí trong quán, từ bộ bàn ghế gỗ, chiếc đài cát sét, tivi, đến cái quạt đồng, chồng sách cũ, chậu hoa. Bởi thế, không gian của Analog thật sự giống như là một căn hộ thu nhỏ của nhiều thập kỷ trước.


Analog thu hút bởi vẻ mộc mạc bình dị và có nét xưa cũ. Ảnh: Analog Cafe

Nếu thích một chút riêng tư, bạn vẫn có thể hài lòng với căn gác xép khá rộng và thoáng của Analog. Vẫn những bộ bàn ghế gỗ cổ trong không gian ngập tràn ánh sáng vàng ấm áp, những ngày nghỉ của bạn sẽ dường như chưa bao giờ bình yên và tĩnh lặng đến thế. Đồ uống của Analog tuy không quá đặc sắc nhưng cà phê ở đây được đánh giá là rất đáng thử. 

Địa chỉ: 3A, Tô Hiến Thành, Hà Nội.

6. Jam Cafe

Nằm trong con ngõ rộng rãi, thoáng đãng, JAM có khung cảnh đẹp và được chia thành nhiều không gian phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.


Tông xanh chủ đạo của JAM Cafe. Ảnh: FB Jam Cafe

Quán xanh mát với tông màu chủ đạo là gam xanh cây cỏ. Không gian ở đây rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh với nhiều góc nhỏ độc đáo. Quán có khoảng sân với nhiều loại cây cối khác nhau tạo cảm giác như quán cà phê vườn với phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

Tầng 1 phía ngoài thiết kế theo kiểu bar nhìn khá đẹp, ấm cúng. Vào bên trong thiết kế ngồi bệt, có lẽ ở đây phù hợp với các đôi. Tầng 2 cũng có một phòng nghe nhạc và phòng phía ngoài thiết kế không gian mở. Nhìn chung JAM cà phê khá yên tĩnh, một không gian khác biệt với phố phương Hà Nội.

Địa chỉ: số 34, ngõ 26, Vương Thừa Vũ, Hà Nội.
Xem thêm
Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014
8 cây nến khổng lồ trong chùa Đất Sét ở miền Tây

8 cây nến khổng lồ trong chùa Đất Sét ở miền Tây


Bửu Sơn Tự nổi tiếng ở miền Tây không chỉ có hơn 1.000 tượng Phật với các linh vật bằng đất mà còn có những chiếc nến khổng lồ cháy được 100 năm.

Cuối tuần hay lễ, Tết, khách du lịch đến Sóc Trăng đừng quên ghé thăm công trình nghệ thuật độc đáo của một nghệ nhân không qua trường lớp - ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970). Vị trụ trì đời thứ tư này đã tạo ra 1.991 tượng lớn nhỏ bằng đất sét, trong đó có hơn 1.000 tượng Phật để thờ trong Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), đường Tôn Đức Thắng, phường 5, TP.Sóc Trăng.


Bửu Sơn Tự còn gọi là chùa Đất Sét

Ngôi chùa cổ trên 200 năm này hình thành từ am tự của dòng họ Ngô ở làng Nhâm Lăng, tổng Nhiêu Khánh, nay là TP. Sóc Trăng. Trước đây gia đình này nghèo nhưng hiếu đạo. Cha mẹ ông Tòng là cư sĩ tại gia, kế thừa đời thứ 3 của giòng tộc. Ông là con thứ tư, gọi theo người miền Nam (không có anh cả) là Cậu năm Tòng.

Cuộc sống vất vả, thân phụ Ngô Kim Đính không có điều kiện cho con đến trường nên ông Tòng phải nghỉ học sớm, ở nhà phụ giúp cha mẹ trông coi am tự. Năm 18 tuổi, thấy phụ mẫu tuổi già sức yếu, nhà không ruộng rẫy nên ông tìm đến xã Phú Hữu của huyện Long Phú (Sóc Trăng) thuê 2 công đất. Ban ngày ông cuốc đất trồng khoai, đêm đọc kinh Phật.


2 trong 6 chiếc đèn cầy nặng 200 kg/chiếc, cao 2,6 m có thể cháy hơn 100 năm

Sau mùa thu hoạch, ông chèo xuồng chở khoai ra chợ Sóc Trăng bán và ngất xỉu vì làm quá sức. Hay tin, ông Ngô Kim Đính cùng vợ đưa con về, nhưng không có tiền mua thuốc chữa trị nên lập bàn hương án, ngày đêm cầu nguyện mười phương chư Phật cùng Đức Quan Âm phù hộ suốt 3 ngày 3 đêm. Ông Tòng tỉnh lại và khỏe mạnh hẳn ra.

Từ đó, vào mỗi buổi sáng, ông Tòng đi về hướng Tây của am tự khoảng 1 km để đào đất sét gánh về nặn tượng Phật theo trí tưởng tượng của mình. Trước khi nặn tượng, đất sét được ông phơi khô, dùng chày giã nhuyễn rồi rây bỏ rễ tạp, sau đó đổ nước vào nhào nhiều giờ cho đất được dẻo dai.


Cặp đèn 100 kg/chiếc cháy liên tục 44 năm nay vẫn còn 1/3

Tuy không qua trường lớp nhưng với bàn tay tài hoa của mình, từ năm 1928 đến 1970, ông Tòng đã dùng đất sét tạo ra hơn 1.000 tượng Phật lớn nhỏ, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu... để thờ. Những linh vật trang trí trong chùa cũng tạo ra từ đất sét như thanh sư, bạch hổ, kim lân, long mã, lục long đăng… được sơn phết tỉ mỉ bằng sơn, dầu bóng.

Khi còn là am, nơi thờ tự này được che bằng lá, diện tích nhỏ hẹp. Từ lúc ông Tòng làm trụ trì, am được tôn tạo, mở rộng trên tổng diện tích gần 500 m2, và người dân trong vùng quen gọi là chùa Đất Sét.


Bảo tòa liên hoa bằng đất sét

Bước vào chánh điện, du khách không khỏi ngạc nhiên trước công trình kiến trúc độc đáo của nghệ nhân Ngô Kim Tòng. Đó là khu nhà tam giáo cộng đồng (Phật, Nho, Lão) được chống đỡ bằng 24 cột cây, ốp đất sét. Sự sắp xếp của nghệ nhân trụ trì đã tạo thành tư tưởng "tam giáo đồng nguyên" trong nội điện, như Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Di Lặc, Khổng Tử, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế…

Đối diện chánh điện thờ mười phương chư Phật là tượng Bảo tòa liên hoa, có đến 1.000 cánh sen, được ông Tòng xây dựng vào năm 1940. Trên mỗi cánh sen của Bảo tòa có một vị Phật ngự. Phía dưới đài sen là Bát quái Thiên tiên với 8 cung Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu và dưới đài sen và Bát quái Thiên tiên có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ.


Trước Bảo tòa liên hoa là Tháp Đa Bảo cao 3,5 m cũng được làm bằng đất sét

Trước Bảo tòa liên hoa là Tháp Đa Bảo cao 3,5 m gồm 13 tầng, 208 cửa vị thần. Tháng 9/2013, hai công trình bằng đất sét lớn nhất này được cấp bằng xác lập kỷ lục Việt Nam.

Không chỉ có hàng nghìn tượng Phật và linh vật bằng đất sét độc đáo, Bửu Sơn Tự còn nổi tiếng với 8 chiếc đèn cầy (nến) khổng lồ được Trụ trì Ngô Kim Tòng đúc vào năm 1940. Để làm được 6 đèn cầy nặng 200 kg/chiếc và 2 đèn nặng 100 kg/chiếc, ông Tòng chặt nhỏ 1,4 tấn sáp nguyên chất, nấu lỏng rồi đổ vào khuôn, là những tấm tôn lợp nhà cuộn lại. 


Kim lân trong chùa Đất Sét

Một tháng sau kể từ ngày đổ sáp tan chảy, những chiếc đèn cầy 200 kg to một người ôm không hết được dựng lên với chiều cao 2,6 m. Cặp đèn nhỏ 100 kg/chiếc được thắp liên tục 44 năm từ ngày 18/7/1970 (lúc ông Tòng qua đời) nhưng đến nay vẫn còn 1/3 thân đèn chưa cháy hết. Như vậy, 3 cặp đèn loại 200 kg/chiếc, mỗi cặp có thể cháy hơn 100 năm.

Bốn năm trước, Bửu Sơn Tự được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Trụ trì chùa đời thứ 8 hiện nay là thầy Khánh Thọ (57 tuổi), cháu gọi ông Tòng bằng bác ruột.


Chánh điện của chùa thờ mười phương chư Phật cũng được tạo ra từ đất sét

Nét đặc trưng của chùa Đất Sét là không có sư vì đây là nơi thờ tự tại gia, và không nhận tiền công đức. Con cháu trong dòng họ Ngô giúp thầy Trụ trì bảo vệ chùa, chỉ bán bên ngoài những vật phẩm địa phương cho khách thập phương đến hành hương, viếng Phật.
Xem thêm
Những món quà ngon từ cốm mùa thu

Những món quà ngon từ cốm mùa thu


Cốm, món ngon thơm thảo từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội và đây cũng chính là nguyên liệu cho những món quà mang dấu ấn của vùng đất thủ đô.

Hà Nội chỉ thực sự bước vào thu khi đất trời trở nên hiền hòa, dễ chịu. Trong cái không khí trong lành và mát mẻ ấy, người bước chân theo nhịp những con phố phủ đầy lá vàng rớt rụng, rồi bất giác với gọi theo cô hàng cốm bán rong phía cuối đường để mua chừng vài ba gói cốm về nhà.


Cốm mùa thu theo chân người xuống phố. Ảnh: Lam Linh

Hà Nội có nhiều nơi làm cốm nhưng nổi tiếng nhất chính là cốm làng Vòng. Có lẽ chính vì sự kỳ công trong cả một quá trình mà cốm nơi đây, hạt nào hạt nấy có vị dẻo ngọt đặc trưng và hương thơm từ những cánh đồng quê mùa lúa chẳng nỡ chối từ. Thế nên nhìn cái cách người làng Vòng làm cốm mới thấy được sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và cả tâm huyết đong đầy trong từng hạt. Thông thường mỗi mẻ cốm làm ra sẽ có ba loại: Cốm đầu hay cốm lá me có hạt mỏng, mềm và dẻo, cốm cuối nia là loại cốm có hạt to, dày, hơi cứng và cốm giữa mùa là những hạt cốm dày và không cứng như cốm cuối nia.


Bắt đầu bước vào mùa thu, ấy cũng là thời điểm bước vào mùa cốm, người ra chợ chỉ cần nhìn thấy những chiếc thúng phủ lá khoai ráy hay lá sen xanh có cắm thêm vài ba nhành lúa là biết ngay có thể mua cốm về nhà. Cốm mua đầu mùa thường được tranh thủ ăn cùng chuối tiêu trứng quốc, là những quả chuối chín vàng và thoảng mùi thơm ngọt ngào. Chỉ cần cắt chuối thành từng đoạn ngắn hoặc bẻ làm đôi, chấm vào những hạt cốm được giữ mềm sau lớp lá là có thể thưởng thức hương vị dẻo bùi quyện cùng thứ vị ngọt dịu. Khách tới Hà Nội đầu mùa thu cũng thường ấn tượng vì món ngon đặc biệt là vì thế.

Sau những hạt cốm thơm đầu mùa là món chả cốm béo ngậy được chuẩn bị cho bữa tối trong gia đình. Vẫn là những hạt cốm xanh nhưng giờ được trộn chung cùng thịt xay, mỡ phần và gia vị sau đó nặn thành miếng cỡ lòng bàn tay. Nhà ai cầu kỳ thì bổ sung thêm chút bột mì, bột nở hay bột năng. Miếng chả cốm còn sống được đem hấp qua sau đó mới chiên vàng trên chảo dầu nóng. Vào những ngày tiết trời se lạnh, chả cốm nóng giòn được ăn cùng bánh mỳ, bún hoặc cơm. Món ngon có vị dẻo thơm từ cốm, xốp từ lớp vỏ ngoài và đậm đà của thịt khiến bữa cơm cứ thế mà nhanh chóng vơi đi.

Ngoài chả cốm ăn kèm cơm trong bữa ăn gia đình, một món ngon từ cốm nữa cũng không thể không nhắc tới là xôi cốm. Vẫn là nét đặc trưng vốn có của cốm mùa thu nhưng khi được biến tấu thành món xôi mềm dẻo, từng hạt cốm lại trở nên thật khác biệt. Đó chính là vị thơm bùi của đậu xanh, của xôi vò, vị ngọt của xôi dừa và hương lúa thơm trong từng hạt cốm. Người thích ăn ngọt khi nhâm nhi ăn thử chắc hẳn sẽ thấy thích thú và ngạc nhiên.


Cốm có màu xanh vàng tự nhiên hấp dẫn

Bên cạnh chuối trứng quốc chấm cốm mùa thu hay xôi cốm ngon ngọt, người Hà Nội cũng thường nhắc về chè cốm, đặc biệt là người trẻ, những người thường thích thú với các món chè ngon. Không giống như những món chè thịnh hành khác, chè cốm không ngọt sắc mà chỉ có vị ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi cùng hương thơm thoang thoảng khó có thể chối từ. Nhâm nhi một cốc chè dẻo vị cốm, thơm mùi đậu xanh, va ni và béo của nước cốt dừa để ngắm mùa thu đi ngang cửa cũng là một ý hay cho những ngày trời trong trẻo, thanh mát.

Và tới khi muốn tìm một món ngon thực sự khác biệt thì bánh cốm lại chính là thứ để tìm về. Sở dĩ bánh cốm trở nên đặc biệt hơn hẳn so với nhưng món ngon làm từ cốm khác là vì cốm không còn được giữ nguyên hạt như ban đầu mà được quyện thành lớp bánh dẻo cùng đường kính trắng. Mỗi chiếc bánh mỏng chỉ to cỡ lòng bàn tay người lớn được gói giấy bóng kính trắng bên ngoài và được đựng trong những chiếc hộp xinh xắn màu xanh lá mạ chính là món quà ý nghĩa tặng khách phương xa khi có dịp ghé qua Hà Nội.


Cốm còn được chế biến thành nhiều món ngon khác hấp dẫn.

Hà Nội vẫn chờ khách ghé qua mỗi đợt thu về bằng những món quà ngọt ngào từ cốm. Dừng chân tại thành phố trong một ngày thu đầy nắng, đừng quên kiếm tìm một hàng cốm thơm để nhâm nhi từng hạt xanh ngọt mát, để thứ hương đồng nội cứ mãi dịu dàng quẩn quanh.
Xem thêm
Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014
Ngây ngất đặc sản đất Nam Định

Ngây ngất đặc sản đất Nam Định


Quê hương Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn níu chân du khách bằng nhiều đặc sản độc đáo đắm say lòng người.

1. Phở bò 


Dẫu nhắc tới phở, nhiều người vẫn quen nhớ gọi tên Hà Nội nhưng ít ai biết nguồn gốc của phở ở Hà thành hay Nam Định cho tới nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nếu phở Hà Nội phong phú, đa dạng nguyên liệu cũng như cách thưởng thức thì phở Nam Định chỉ là các biến tấu từ phở và thịt bò. Phở bò Nam Định được nấu theo công thức bí truyền của mỗi gia đình nhưng vẫn có nét đặc trưng ở nước dùng ngậy thơm đậm đà, bánh phở nhỏ sợi và thịt bò ngọt, mềm.

Ngày nay, với bảng hiệu quảng cáo “Phở bò Nam Định” có mặt ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hay ra cả nước ngoài, nhưng muốn ăn món phở bò ngon như danh tiếng lưu truyền, thì hãy một lần thưởng thức món phở bò Nam Định tại chính mảnh đất Nam Định.

2. Nem nắm Giao Thủy


Nem nắm là món ăn gần gũi với nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu. Nem nắm được dùng làm mồi nhậu quen thuộc trong các cuộc vui dân dã. Nem Giao thủy là đặc sản đáng tự hào của huyện Giao Thủy, Nam Định. Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi nem mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.

3. Kẹo sìu châu

Đặc sản Nam Định trong trí nhớ của nhiều người có khi lại là vị ngọt ngào, giòn tan, bùi ngậy của những viên kẹo lạc sìu châu. Chỉ từ những hạt lạc, hạt vừng, qua bàn tay khéo léo của người dân xứ thành Nam đã tạo nên thứ quà quê đậm đà mà tinh khiết.


Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc, nguyên liệu làm kẹo Sìu châu cũng tương tự gồm lạc, vừng, đường, mạch nha nhưng đặc sản Nam Định thường dùng nhiều lạc ít nha nên thơm và ngon hơn. 

Kẹo sìu châu được ưa chuộng đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về. Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.

4. Kẹo dồi


Kẹo dồi có xuất xứ từ tỉnh Nam Định, ban đầu chỉ được bán trong các chợ ở một số làng quê trong tỉnh. Dần dần, nó đã trở thành một món quà quê, một đặc sản của vùng, tiến đến thành phố và tỏa đi nhiều nơi.Sở dĩ kẹo có cái tên thú vị như vậy bởi nó mang hình dạng giống như món dồi rất được ưa chuộng tại khu vực miền Bắc - Việt Nam. Kẹo có lớp vỏ màu trắng đục, giòn tan, bao tròn lấy nhân lạc rang bùi thơm, ăn không bị quá ngọt hay ngấy. Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi là thứ quà nhâm nhi với nước chè xanh được nhiều người ưa chuộng.

5. Bánh nhãn Hải Hậu

Bánh nhãn không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ đơn giản vì nó tròn và có màu giống quả nhãn. Bánh được làm từ một trong những sản phẩm nông sản của vùng đất nông nghiệp giàu có – loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.


Nguyên liệu làm bánh cũng như các khâu chế biến đều được chọn lựa, thực hiện kĩ càng công phu. Gạo nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn đều phải lựa loại ngon để bánh rán xong tròn trịa, màu giống quả nhãn và đều nhau nhìn bề ngoài có độ bóng. Khi ăn có độ giòn và có vị mát.

Ai đã từng thưởng thức bánh nhãn hẳn không quên hương vị thơm giòn, béo ngậy của bánh. Ngày nay bánh nhãn có mặt khắp nơi trong tỉnh Nam Định, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của địa phương.

6. Bánh xíu páo 


Bánh xíu páo là một trong những thức quà ngon, dân dã của người Hoa trước đây sống trên phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong) thuộc tỉnh Nam Định. Bánh xíu páo có vỏ bóc được ra thành từng lớp như vỏ bánh pía, nhưng nhân bánh là nhân mặn gồm thịt xá xíu, mộc nhĩ, mỡ lợn, trứng gà....Chiếc bánh xíu páo chiên vàng ruộm từ lâu đã là món ăn vặt quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh nơi đây.

7. Bánh gai


Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này. Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.

8. Cá nướng úp chậu

Cá nướng úp chậu chế biến cầu kỳ, thường chỉ được chuẩn bị trong những dịp lễ Tết đầu năm nhưng không vì thế mà mất đi tính đặc trưng của vùng đất Nam Định.


Những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng độc đáo này. Cá có phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức.

Cá lựa con ngon, tươi rói đem úp trong một chiếc chậu chuyên dụng rồi được đốt rơm, om trấu trong khoảng 5 tiếng mới có thành phẩm. Cá hấp thụ nhiệt qua chậu nên không cháy, không chảy nước mà săn chắc tự nhiên rất thơm ngon.
Xem thêm
7 vùng biển, đảo Việt Nam được thế giới tôn vinh

7 vùng biển, đảo Việt Nam được thế giới tôn vinh


Những danh hiệu bãi biển đẹp nhất, vịnh đẹp nhất, hòn đảo huyền bí nhất... được các trang mạng, báo quốc tế bình chọn cho Nha Trang, Lăng Cô, Côn Đảo.


Vịnh Hạ Long – vùng nước đẹp nhất thế giới: Trong một khảo sát mới đây, trang web du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet đã xếp vịnh Hạ Long đứng thứ hai trong danh sách 10 vùng nước hấp dẫn nhất thế giới. Địa danh này cũng đươc VeryFirstTo bình chọn là một trong những điểm chụp hình đẹp nhất thế giới. Ảnh: Wallpho.


Côn Đảo – hòn đảo huyền bí nhất thế giới: Không chỉ được Travel And Leisure bình chọn là một trong 20 hòn đào bí ẩn nhất thế giới, Côn Đảo còn lọt vào 10 hòn đảo lãng mạn nhất thế giới và 10 hòn đảo có chất lượng khách sạn tuyệt nhất thế giới của cẩm nang du lịch quốc tế Lonely Planet. Ảnh: Paisleycurtain


Lăng Cô - vịnh biển đẹp nhất thế giới: Câu lạc bộ Vịnh biển thế giới (Wordbays Club) bầu chọn và vinh danh Lăng Cô là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới vào năm 2009. Hiện nay, mỗi năm đều có lễ hội vinh danh danh hiệu này. Ảnh: Skyscrapercity.


Nha Trang - Vịnh và bãi biển đẹp nhất thế giới: Nha Trang mê hoặc du khách với những bãi tắm có dải cát trắng mịn trải dài đến những hòn đảo ngoài khơi đẹp ngỡ ngàng... Vì những điều này mà Nha Trang đã được tạp chí cẩm nang du lịch Lonely Planet bình chọn là vịnh biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: sunrisenhatrang




Mỹ Khê - bãi biển quyến rũ nhất hành tinh: Tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes đã bình chọn bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Ảnh: dulichkinhdo.


Bãi Dài - bãi biển hoang sơ nhất thế giới: Bãi Dài của đảo Phú Quốc đã được mạng Concierge.com (chuyên về du lịch, khách sạn của Australia), bình chọn đứng đầu trong số 13 bãi biển đẹp và hoang sơ nhất thế giới. Trước đó, bãi biển này cũng được hãng tin ABC News (Australia) giới thiệu là một trong những bãi biển hoang sơ đẹp, sạch nhất thế giới. Ảnh: Carpedmhotel.


Bãi biển An Bàng - Bãi biển đẹp nhất thế giới: Năm 2001, bãi biển An Bàng cũng đã lọt vào danh sách “50 bãi biển đẹp nhất thế giới” do trang mạng du lịch CNNGo xếp hạng. Điểm lạ là dù tọa lạc gần Hội An, một trong những địa điểm du lịch hút khách nhất của Việt Nam, bãi biển này vẫn rất vắng khách và hoang sơ. Ảnh: Citypassguide.
Xem thêm
Địa điểm đón trăng lý tưởng ở Hà Nội dịp trung thu

Địa điểm đón trăng lý tưởng ở Hà Nội dịp trung thu


Tết trung thu, ngoài việc ngắm trăng, thả đèn nhiều người còn tìm đến những con phố đầy màu sắc để trải nghiệm lễ hội dân gian truyền thống.

Rằm Tháng Tám hay còn được gọi là Tết trung thu, Tết trông trăng mà trong suy nghĩ ngây thơ của những đứa trẻ đó là giấc mơ kỳ diệu, huyền ảo với những đêm rước đèn ông sao, những đêm chờ trăng phá cỗ, được thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon và tìm đến không khí trung thu qua các lễ hội dân gian ở chợ đêm phố cổ, Hàng Mã, công viên Hồ Tây, Bảo tàng Dân tộc học hay Sân vận động Mỹ Đình.

Phố Hàng Mã


Phố Hàng Mã dịp trung thu. Ảnh minh họa

Dược mệnh danh là “con phố trung thu”, cứ mỗi dịp Rằm Tháng Tám phố Hàng Mã lại rộn ràng, ngập tràn màu sắc với đủ loại đồ chơi và bánh nướng, bánh dẻo, khác mua lúc nào cũng nườm nượp khiến con phố nhỏ chỉ trực chờ để tắc nghẽn.

Dịp trung thu, phố Hàng Mã thường bày bán nhiều đồ chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi hình chú ỉn hiền lành, mặt ông địa ngộ nghĩnh cùng những chiếc đèn kéo quân đủ loại to nhỏ và đèn ông sao rực rỡ sắc màu và nó trở thành tuyến phố có địa điểm chụp ảnh độc và lạ nhất trong dịp trung thu.

Chợ đêm phố cổ


Phố cổ Hà Nội dịp trung thu. Ảnh minh họa

Phố cổ là nơi hiếm hoi ở thủ đô mà khách du lịch và người dân sống ở Hà Nội có cơ hội thưởng thức một phong vị tết trung thu đậm chất cổ truyền, nguyên sơ theo đúng ý nghĩa của nó.

Tại khu vực chính ở chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ dọc Hàng Đào là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống. Đi học các ngôi nhà cổ kính ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, những đèn lồng lung linh, xinh xắn, tỏa khắp các khu phố. Không những vậy còn có những quán ăn bụi hấp dẫn bày ra ở hai bên đường, cùng với nhiều mặc hàng lưu niệm, thời trang, đèn lồng, chụp ảnh kỷ niệm, nặn tò he khá thu hút sự tò mò của khách, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bảo tàng Dân tộc học


Bảo tàng Dân tộc học dịp trung thu. Ảnh minh họa

Bảo tàng dân tộc học là địa điểm vui chơi Trung thu khá mới mẻ của trẻ em Việt Nam bởi ở đây các em không chỉ được trải nghiệm không khí trung thu đúng chất cổ truyền của dân tộc mà còn được tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa của các nước Đông Nam Á.

Các hoạt động về văn hóa truyền thống của Bảo tàng Dân tộc học mỗi dịp trung thu đã khá quen thuộc nhưng vẫn có sức hấp dẫn và được hưởng ứng như làm đồ chơi trung thu, làm đồ chơi bằng đá, bột, hát đồng dao, kể sự tích trung thu và chơi các trò chơi dân gian.

Sân vận động Mỹ Đình


Sân vận động Mỹ Đình dịp tết trung thu. Ảnh minh họa

Từ nhiều năm trở lại đây, vào dịp trung thu, nhiều bạn trẻ lại tìm đến khu vực Sân vận động Mỹ Đình để thả đèn trời. Đây là một địa điểm khá lý tưởng cho dịp trung thu bởi sự yên tĩnh ở đó nhờ khoảng trống trước Sân vận động Mỹ Đình giúp ta tìm thấy sự bình yên, nhẹ nhõm như trở về tuổi thơ với thú vui thả diều.

Bắt đầu từ khoảng 9 giờ tối đêm trung thu, trên bầu trời ở khu vực Sân vận động đã ngập tràn những sắc diều rực rỡ: xanh, đỏ, tím, vàng cùng với đó là những hình thù ngộ nghĩnh như hình bướm, cá chép, siêu nhân trông khá vui mắt.

Công viên Hồ Tây


Công viên Hồ Tây dịp trung thu. Ảnh minh họa

Không gian của khu vui chơi, giải trí công viên Hồ Tây dịp trung thu sẽ được trang hoàng lộng lẫy, huyền ảo với hàng ngàn những chiếc đèn lồng được treo khắp công viên. Không những vậy, bạn còn choáng ngợp với những mâm ngũ quả khổng lồ với các loại bánh trái thơm ngon được sắp xếp đẹp mắt và thu hút, nhất là đối với các khán giả nhí.

Mỗi năm, công viên Hồ Tây đều có các hoạt động ca nhạc, vui chơi, giải trí khác nhau để phục vụ cho khách tham quan và trải nghiệm. Cùng với đó là các trò chơi dành cho thiếu nhi nhằm giúp các bé thể hiện được sự khéo léo và năng khiếu của bản thân với những phần quà hấp dẫn như mặt nạ, đèn ông sao đủ màu sắc, tạo hứng thú cho trẻ.
Xem thêm
5 món ăn hấp dẫn cho thời tiết giao mùa

5 món ăn hấp dẫn cho thời tiết giao mùa


Món kem ký "huyền thoại", trái cây đĩa và chè sấu là những món bạn nên đi ăn để cảm nhận vị mát lành khi thời tiết đang chuyển dần sang mát mẻ ở cả Sài Gòn và Hà Nội.

Trong khi Sài Gòn đang bước vào mùa mưa, thì trời Hà Nội cũng đã dần chuyển sang thu, không khí trở nên dễ chịu hẳn. Tuy vậy, vẫn còn đó chút oi nóng cuối mùa khiến bạn nhớ dư âm mát lạnh của những món ngon sau:

1. Kem ký "huyền thoại"

Những ai từng sống và lớn lên ở Sài Gòn, chắc chắn sẽ nhớ đến những ly kem ký đủ mùi, hơi cứng là lạnh tê răng. Sở dĩ gọi món này là "huyền thoại" vì từ lâu các tiệm bán kem ký đã gần như đóng cửa và nếu ai đó có muốn ôn lại hương vị tuổi thơ cũng đành ngậm ngùi vì không tìm ra chỗ bán. Tuy nhiên, kem ký đã xuất hiện trở lại ở một quán nhỏ trên đường Ca Văn Thỉnh, quận Tân Bình.

Người lớn lẫn trẻ nhỏ kéo đến nườm nượp. Giá kem ký vẫn như xưa, rẻ và nhiều. Nếu đi hai người, bạn chỉ nên kêu đĩa nhỏ 18.000 đồng, vì nếu kêu đĩa lớn có thể sẽ không ăn hết. Ngoài kem ký, ở đây còn bán các món chiên như há cảo, cá viên, tôm viên và các loại nước với giá trung bình chỉ từ 7.000 đồng. 


Đĩa kem ký nhỏ dành cho hai người ăn. 

2. Trái cây đĩa

Nói đến trái cây đĩa, phải nhắc đến con đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, Sài Gòn. Dọc con đường này, các quán bán trái cây đĩa xếp san sát nhau. Bạn có thể ngồi trong nhà hoặc trên lề đường và gọi cho mình một đĩa trái cây thêm dừa. Nếu không muốn ăn loại trái nào đó, bạn có thể yêu cầu không bỏ vào.

Một đĩa trái cây có giá 22.000 đồng và nếu bỏ thêm dừa sên (vị rất ngon) thì sẽ có giá 25.000 đồng. Khách hàng tìm đến con đường này thường là sinh viên - học sinh, những đôi yêu nhau và nhóm bạn. Theo kinh nghiệm thì bạn đừng nên vào vội những quán đầu đường, mà nên đi vào các quán ở phía cuối, trái cây tươi và đồ chiên ăn kèm cũng chất lượng hơn. 


Đĩa trái cây cho thêm nhiều dừa sên này có giá 25.000 đồng. Bên dưới có nhiều loại như dưa hấu, sapôchê, mít, thơm... 

3. Tàu hũ đá

Nơi bán tàu hũ đá đông khách và có giá "mềm" có lẽ là quán trên đường Ngô Quyền, quận 10, Sài Gòn. Mỗi lần đi qua là thấy mọi người ngồi san sát nhau để ăn món tàu hũ đá. Bên cạnh tàu hũ đá, quán còn bán các món chè thái, chè đậu, cocktail, nhãn nhục...

Những ngày trời oi bức, ăn một ly tàu hũ đá đặc sánh, vị ngọt dễ chịu còn vương trong miệng quả thật rất tuyệt. Giá một ly tàu hũ đá chỉ khoảng 6.000 đến 8.000 đồng. Ngồi ăn tàu hũ đá trên những chiếc ghế nhựa, bạn còn có thể ngắm xe cộ qua lại. Nếu đã tới đây, không ai lại ăn một ly rồi về, mà thường ăn từ 2-3 ly mới đứng lên. 


Nhìn ly tàu hũ đá khá bình thường, nhưng vị của nó nếu đã thử qua một lần sẽ lại muốn nếm thêm lần thứ hai, thứ ba. Khi ăn nên khuấy kỹ phía dưới để đường tan đều. 

4. Nước sấu

Món giải khát mùa hè ở Hà Nội được nhiều người ưa thích đầu tiên phải kể đến là nước sấu. Tuy nhiên, khi thời tiết đã chuyển mùa, cũng không quá khó để bạn tìm thấy những cốc nước sấu mát lành. Cách đơn giản nhất là bạn đến các quán nước vỉa hè trong thành phố.

Bên cạnh trà đá, nhân trần và các loại nước đóng chai, mỗi quán này sẽ có một hộp sấu ngâm bên cạnh. Khi khách gọi, chủ quán chỉ việc pha thêm nước lọc và đá là có ngay để phục vụ với giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng một cốc. Tùy từng nơi mà sấu ngâm còn có có thêm gừng hoặc dứa để tạo hương thơm hấp dẫn. 


Mỗi cốc nước sấu có khoảng 3-5 quả nhưng đủ mang đến cảm giác giòn chua hấp dẫn cho người ăn. Ảnh: hotdeal

5. Chè sen

Một món ngon nữa mà bạn không nên bỏ qua khi có dịp đến Hà Nội vào thời gian này chính là chè sen. Để có được món ăn mát bổ này, hạt sen là thành phần không thể thiếu, thường có nhiều vào cuối hạ, đầu thu. Với những hàng quán không quá cầu kỳ, một cốc chè đôi chỉ cần nấu hạt sen với đường, khi xong bỏ thêm cánh hoa nhài cho thơm cũng đủ làm người ăn mê mẩn.

Tuy nhiên, được lòng hơn cả vẫn là món chè sen long nhãn với đủ vị ngọt, bùi hấp dẫn. Các cô cậu học trò vẫn thường rỉ tai nhau ra phố Thiền Quang hoặc Hàng Bạc ăn chè sen mỗi khi tan lớp. Lạ miệng hơn là chè sen nước dừa trên phố Bát Đàn với vị ngọt tự nhiên.


Chè sen long nhãn. 


Xem thêm