.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014
Địa điểm đón trăng lý tưởng ở Hà Nội dịp trung thu

Địa điểm đón trăng lý tưởng ở Hà Nội dịp trung thu


Tết trung thu, ngoài việc ngắm trăng, thả đèn nhiều người còn tìm đến những con phố đầy màu sắc để trải nghiệm lễ hội dân gian truyền thống.

Rằm Tháng Tám hay còn được gọi là Tết trung thu, Tết trông trăng mà trong suy nghĩ ngây thơ của những đứa trẻ đó là giấc mơ kỳ diệu, huyền ảo với những đêm rước đèn ông sao, những đêm chờ trăng phá cỗ, được thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon và tìm đến không khí trung thu qua các lễ hội dân gian ở chợ đêm phố cổ, Hàng Mã, công viên Hồ Tây, Bảo tàng Dân tộc học hay Sân vận động Mỹ Đình.

Phố Hàng Mã


Phố Hàng Mã dịp trung thu. Ảnh minh họa

Dược mệnh danh là “con phố trung thu”, cứ mỗi dịp Rằm Tháng Tám phố Hàng Mã lại rộn ràng, ngập tràn màu sắc với đủ loại đồ chơi và bánh nướng, bánh dẻo, khác mua lúc nào cũng nườm nượp khiến con phố nhỏ chỉ trực chờ để tắc nghẽn.

Dịp trung thu, phố Hàng Mã thường bày bán nhiều đồ chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi hình chú ỉn hiền lành, mặt ông địa ngộ nghĩnh cùng những chiếc đèn kéo quân đủ loại to nhỏ và đèn ông sao rực rỡ sắc màu và nó trở thành tuyến phố có địa điểm chụp ảnh độc và lạ nhất trong dịp trung thu.

Chợ đêm phố cổ


Phố cổ Hà Nội dịp trung thu. Ảnh minh họa

Phố cổ là nơi hiếm hoi ở thủ đô mà khách du lịch và người dân sống ở Hà Nội có cơ hội thưởng thức một phong vị tết trung thu đậm chất cổ truyền, nguyên sơ theo đúng ý nghĩa của nó.

Tại khu vực chính ở chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ dọc Hàng Đào là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống. Đi học các ngôi nhà cổ kính ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, những đèn lồng lung linh, xinh xắn, tỏa khắp các khu phố. Không những vậy còn có những quán ăn bụi hấp dẫn bày ra ở hai bên đường, cùng với nhiều mặc hàng lưu niệm, thời trang, đèn lồng, chụp ảnh kỷ niệm, nặn tò he khá thu hút sự tò mò của khách, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bảo tàng Dân tộc học


Bảo tàng Dân tộc học dịp trung thu. Ảnh minh họa

Bảo tàng dân tộc học là địa điểm vui chơi Trung thu khá mới mẻ của trẻ em Việt Nam bởi ở đây các em không chỉ được trải nghiệm không khí trung thu đúng chất cổ truyền của dân tộc mà còn được tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa của các nước Đông Nam Á.

Các hoạt động về văn hóa truyền thống của Bảo tàng Dân tộc học mỗi dịp trung thu đã khá quen thuộc nhưng vẫn có sức hấp dẫn và được hưởng ứng như làm đồ chơi trung thu, làm đồ chơi bằng đá, bột, hát đồng dao, kể sự tích trung thu và chơi các trò chơi dân gian.

Sân vận động Mỹ Đình


Sân vận động Mỹ Đình dịp tết trung thu. Ảnh minh họa

Từ nhiều năm trở lại đây, vào dịp trung thu, nhiều bạn trẻ lại tìm đến khu vực Sân vận động Mỹ Đình để thả đèn trời. Đây là một địa điểm khá lý tưởng cho dịp trung thu bởi sự yên tĩnh ở đó nhờ khoảng trống trước Sân vận động Mỹ Đình giúp ta tìm thấy sự bình yên, nhẹ nhõm như trở về tuổi thơ với thú vui thả diều.

Bắt đầu từ khoảng 9 giờ tối đêm trung thu, trên bầu trời ở khu vực Sân vận động đã ngập tràn những sắc diều rực rỡ: xanh, đỏ, tím, vàng cùng với đó là những hình thù ngộ nghĩnh như hình bướm, cá chép, siêu nhân trông khá vui mắt.

Công viên Hồ Tây


Công viên Hồ Tây dịp trung thu. Ảnh minh họa

Không gian của khu vui chơi, giải trí công viên Hồ Tây dịp trung thu sẽ được trang hoàng lộng lẫy, huyền ảo với hàng ngàn những chiếc đèn lồng được treo khắp công viên. Không những vậy, bạn còn choáng ngợp với những mâm ngũ quả khổng lồ với các loại bánh trái thơm ngon được sắp xếp đẹp mắt và thu hút, nhất là đối với các khán giả nhí.

Mỗi năm, công viên Hồ Tây đều có các hoạt động ca nhạc, vui chơi, giải trí khác nhau để phục vụ cho khách tham quan và trải nghiệm. Cùng với đó là các trò chơi dành cho thiếu nhi nhằm giúp các bé thể hiện được sự khéo léo và năng khiếu của bản thân với những phần quà hấp dẫn như mặt nạ, đèn ông sao đủ màu sắc, tạo hứng thú cho trẻ.
Xem thêm
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014
Trung thu ấm cúng và ý nghĩa tại Hoàng Yến.

Trung thu ấm cúng và ý nghĩa tại Hoàng Yến.


Không cầu kỳ, không ồn ào, không dồn dập ... Hoàng Yến hướng đến mùa Trung Thu năm nay bằng những hoạt động thật ý nghĩa, nhẹ nhàng nhưng không kém phần thử thách và sôi động.

Tết trung thu - Có lẽ là thời điểm được mong đợi và chào đón nhất trong năm, ngày mà bất kể già trẻ lớn bé đều nôn nao và háo hức. Lẽ đơn giản là nhìn các em bé vui chơi với đủ thể loại lồng đèn, màu sắc, kỳ lân, ca múa nhạc thôi cũng đủ khiến bao người rộn ràng và vui sướng rồi.

Nhà nhà người người hay từng quốc gia Châu Á đều chọn cho mình một cách đón Trung Thu mới mẻ, khác lạ mà vẫn vẹn nguyên sự ấm cúng và ý nghĩa. Hoàng Yến chúng tôi cũng vậy - nơi được xem như ngôi nhà chung tôn vinh và gìn giữ vẻ đẹp Ẩm thực Việt Nam qua bao thế hệ vẫn không quên phát huy giá trị văn hóa gắn liền với những mùa lễ hội lớn của đất nước.

Không cầu kỳ, không ồn ào, không dồn dập ... Chúng tôi muốn hướng đến mùa Trung Thu năm nay bằng những hoạt động thật ý nghĩa, nhẹ nhàng nhưng không kém phần thử thách và sôi động.




Những sự kiện năm nay diễn ra tại Hoàng Yến được gắn liền với những chiếc bánh trung thu hay bánh mè được sử dụng từ loại bột bánh chuyên biệt từ nhà hàng. Đơn giản mà chất lượng, qua bàn tay khéo léo của các bé, hứa hẹn những chiếc bánh dẻo xinh xắn và đặc biệt ra sao? Hãy cùng chúng tôi điểm qua 3 chương trình chính của mùa trung thu năm nay nhé!

Chương trình 1

TRUNG THU NÀY, BẠN CÓ MUỐN THỬ SỨC VỚI CUỘC THI NÀY KHÔNG?

<Sẽ là một mùa trung thu thú vị đầy cảm hứng dành cho mọi công dân Việt Nam từ 10 tuổi trở lên>

-- -- - -> Những GIẢI THƯỞNG & PHẦN QUÀ HẤP DẪN đang chờ đón các bạn phía trước. Nhanh tay đăng ký cho bạn bè, gia đình và người thân cùng tham dự nhé!

Cơ cấu giải thưởng

- Đội về nhất: 4 phiếu quà tặng buffet tối thứ 7-CN tại NH Hoàng Yến

- Đội về nhì: 4 phiếu quà tặng buffet tối từ thứ 2-6

- Các đội tham gia đều được tặng Voucher 100,000 từ Hoàng Yến Hotpot và một phần dễ thương khác từ chương trình

- Vé xem phim BHD sẽ là quà tặng thú vị dành cho 2 cá nhân xuất sắc nhất.

Địa điểm tham gia chính thức:

Hoàng Yến Vietnamese Cuisine : Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Q7, Tp. HCM.

Điện thoại: (08) 2210 2304

Chương trình 2

TRUNG THU VUI NHỘN - XÔM TỤ VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH

"THỢ BÁNH TÀI BA" là chương trình giúp các bé trổ tài "Nặn bánh & Ăn bánh" đây!!

Chỉ đơn giản thực hiện các bước sau: 

-- - > Đăng ký tham gia (comment hoặc tin nhắn thoại/gọi trực tiếp hotline: 0934 086 638

-- -> Đến và tham gia nặn bánh 

-- -> Cuối cùng là ăn bánh Rất dễ phải không nào! Hãy thông báo đến gia đình, bạn bè và dắt theo các bé của bạn đển để trổ tài và trải nghiệm nhé! 

Địa điểm chính thức

Hoàng Yến Buffet Premier - Icon 68, Lầu 3, Tòa nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, Q.1, Tp. HCM.

ĐT: (08) 6684 2392 - 6684 2393.



Chương trình 3:

Thân tặng các em bé của gia đình những tạo hình tò he dễ thương và đón một mùa trung thu ý nghĩa cùng Hoàng Yến. 

Bạn chỉ cần dành chút thời gian ghé qua Hoàng Yến, ngắm nhìn Nghệ nhân của chúng tôi biểu diễn: chỉ với một cái bàn, chỉ với một cái ghế, và bột nếp đủ màu sắc, họ sẽ tặng cho con yêu của bạn bất kỳ tạo hình độc đáo theo yêu cầu. 

3 địa điểm "HOT":

1. Buffet Vincom: B3-27 Tầng B3, tòa nhà Vincom Center B, 72 Lê Thánh Tôn, Q1

2. Buffet Premier, Icon 68, Lầu 03, 02 Hải Triều, Q1

3. Hoàng Yến Vietnamese Cuisine : Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Q7, Tp. HCM
Xem thêm
Bánh nào ngon cho ngày Trung Thu?.

Bánh nào ngon cho ngày Trung Thu?.


Tinh tế hay giản đơn, hiện đại hay truyền thống, mỗi người đều có cách lựa chọn bánh Trung thu của riêng mình. Bánh nào mới là ngon cho ngày Tết đoàn viên này?

Tuổi thơ là thứ quả dịu ngọt mà mỗi lần nếm người ta khó quên được vị của nó trong suốt quãng chiều dài nỗi nhớ. Chẳng có tuổi thơ nào là tuyệt diệu hơn bởi trong tim mỗi người đó luôn là quãng thời gian dịu mát nhất.

Tôi nhớ Tết Trung Thu của những đứa trẻ con xóm nghèo chúng tôi. Hằng năm chỉ mong chờ 1-6 và Rằm Trung thu để xếp hàng rồng rắn kéo đuôi nhau đến nhà văn hóa xóm. Mâm cỗ trông trăng vỏn vẹn bánh dẻo và bánh nướng với miếng mứt bí hoặc miếng thịt mỡ béo ngậy, những con vật xếp hình ngộ nghĩnh từ múi bưởi chua nhưng đứa nào cũng háo hức chờ phá cỗ. Tôi nhớ món bánh Trung thu “xịn” mà mẹ mua chiêu đãi cả nhà Trung thu năm xưa. Đó là chiếc bánh có nhiều vị “ngon” nhất mà tôi từng được nếm. Tôi nhớ cái nhìn thèm thuồng và ánh mắt tự hào của đứa nhỏ là tôi khi đó lúc được cầm trong tay miếng bánh “xịn” mẹ cho.

Trung thu bây giờ tôi không còn tìm thấy cái nhìn háo hức của lũ trẻ năm xưa. Không còn tìm thấy cái nhìn thèm thuồng và khao khát những món quà bánh đắt tiền. Thế giới đang đổi thay từng ngày và thậm chí chỉ vài cú nhấp chuột người ta cũng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình bất kỳ thương hiệu uy tín nào, đủ nhân và đủ vị.


Những người yêu thích hương vị mê ly của bánh ngọt Pháp hẳn sẽ không bỏ qua các loại bánh nhân tiramisu trà xanh (matcha) vị nhẹ nhàng phảng phất hòa cùng vị ngọt thanh đặc trưng của Tiramisu. Với một cô gái mơ mộng, vị béo ngậy và ngọt ngào của bánh phô mai cà phê chắc chắn sẽ không bao giờ là nỗi thất vọng. Có thể thưởng thức cùng một ly capuchino hay tách trà nóng trong những ngày chớm thu se se lạnh này.


Nhiều người đã bắt đầu thấy chán ngấy với các vị bánh truyền thống, vậy là thị trường bánh Trung Thu năm nay xuất hiện thêm nhiều loại bánh với nhân mới lạ, hấp dẫn như bánh nhân kem lạnh, các loại bánh rau câu ngọt mát, bánh nhân chay hay bánh sử dụng đường ăn kiêng v.v…


Sự thay đổi và đa dạng của các loại bánh Trung thu cũng khiến cho cách thưởng thức bánh Trung thu thêm phong phú. Nếu như trước đây, bánh trung thu thường được thưởng thức cùng với tách trà mạn thì bây giờ, người ta có thể chọn cho mình một ly rượu vang. Cũng gần giống với tác dụng của trà mạn, rượu vang có chưa nhiều amino acid, chất khoáng và vitamin có thể loại bỏ cảm giác ợ bụng khi ăn nhiều bánh trung thu có chứa nhiều dầu mỡ và đường. Ngoài ra, rượu vang còn có giúp cho quá trình tiêu hóa lượng dầu mỡ trong bánh trung thu, loại bỏ cảm giác béo ngậy và nhanh chán khi ăn đồ ngọt.


Tinh tế hay giản đơn, hiện đại hay truyền thống, mỗi người đều có cách lựa chọn của riêng mình. Còn tôi, Trung Thu năm nay, tôi vẫn lựa chọn giản đơn truyền thống. Nghĩa là một hộp bánh nướng, dẻo trứng muối đậu xanh cùng một ấm trà thơm phức. Dù có thể lũ trẻ con tôi không còn cái nhìn thèm thuồng và khao khát chờ đợi món bánh Trung thu như tôi lúc xưa nhưng quây quần bên gia đình trong những ngày này vẫn là điều thiêng liêng nhất mà tôi muốn chúng trân trọng
Xem thêm
Các nước trên thế giới đón Tết Trung thu ra sao?

Các nước trên thế giới đón Tết Trung thu ra sao?


Tết Trung thu là ngày lễ quan trọng trong năm của nhiều nước Châu Á trên thế giới. Phong tục cổ truyền đón tết Trung thu ở những nước này có gì giống và khác nhau?


Việt Nam

Tết Trung thu theo Âm lịch vào ngày rằm tháng 8 hàng năm, còn được gọi là Tết trông trăng. Với Việt Nam, Trung thu đã trở thành ngày tết dành cho trẻ em.


Trẻ em Việt Nam được bố mẹ mua nhiều đồ chơi mới vào dịp Trung thu

Trong dịp này, người Việt thường bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Riêng trẻ em rất háo hức chờ đón dịp Trung thu bởi đây là thời điểm các em được người thân mua cho nhiều đồ chơi, bánh kẹo. Có những loại bánh đặc trưng mà thường chỉ dịp Trung thu mới có như bánh dẻo, bánh nướng... Đồ chơi truyền thống của trẻ em ngày xưa gồm đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn con giống... và không đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã như hiện nay.

Cùng trong dịp này, người ta thường mua bánh trung thu, rượu, trà để thờ cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, bạn bè. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ.

Ở nhiều nơi, Trung thu là dịp mở cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Trẻ em sẽ tham dự các cuộc rước đèn, thi hát trống quân. Khi trăng đã lên cao, các bé ngồi quây quần quanh mâm cỗ gồm nhiều loại bánh trái, hoa quả , cùng tham dự cỗ trông trăng và phá cỗ cho tới đêm khuya. Mâm cỗ trông trăng tuyền thống của trẻ em Việt Nam thường có bánh nướng, bánh dẻo, chú chó làm bằng tép bưởi và một số loại quả đặc trưng của mùa thu như chuối, hồng ngâm, thị, na, mía...

Trung Quốc


Trung thu là tết đoàn viên ở Trung Quốc. Vào dịp này, người Hoa thường tổ chức múa rồng lửa

Trong phong tục của người Hoa, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Bất cứ ai làm ăn ở xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên.

Sau bữa cơm sum họp, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau thưởng nguyệt (ngắm trăng) và ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lồng lung linh. Một trong những hoạt động không thể thiếu được trong dịp Trung thu của người Hoa đó là rước đèn lồng và múa rồng lửa. Người dân tin rằng rồng lửa sẽ mang lại nhiều may mắn và an lành tới mỗi gia đình.

Hàn Quốc

Tết Trung thu của người Hàn là tết Chuseok hay còn gọi với tên khác “Lễ tạ ơn”. Đây là ngày tết thứ 2 trong năm và được tổ chức vào đêm trước ngày rằm, kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch.


Một mâm cơm truyền thống đón Trung thu của người Hàn

Vào dịp này, người ở nơi xa cũng sẽ về quê hương để đoàn tụ với gia đình và cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và rượu sindoju hay dongdongju. Ngay từ sáng sớm, mọi người trong gia đình sẽ sắm sửa sửa, chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên tươm tất. Việc sắp xếp các món đồ trên bàn thờ cũng theo nguyên tắc chuẩn mực.


Người Hàn còn đi tảo mộ vào dịp Trung thu

Sau bữa cơm gia đình, mọi người cùng nhau tới thăm mộ và dọn dẹp sạch sẽ. Những món ăn, đồ uống cũng được con cháu chuẩn bị cẩn thận để dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, tùy theo mỗi vùng miền ở Hàn lại có những tập tục riêng.

Nhật Bản

Người Nhật ngày nay không còn sử dụng lịch âm nhiều như trước nữa nhưng vào ngày rằm tháng 8, họ vẫn lên chùa lễ Phật và tổ chức nhiều lễ hội vào dịp này.


Mâm cỗ truyền thống của người Nhật đón Trung thu

Mâm cỗ Trung thu theo truyền thống của người Nhật có rất nhiều loại bánh với màu sắc tươi tắn, dưa hấu, hạt dẻ... được bày biện đẹp mắt và đặt ngay ngắn gần cửa sổ. Ngoài ra, người Nhật còn ăn thêm món bánh dày dango vì cho rằng đây là món ưa thích của thỏ ngọc. Theo truyền thống dân gian của Nhật Bản, thỏ ngọc giã gạo trên mặt trăng, vì vậy khi ngắm trăng vào dịp Trung thu có thể thấy chú thỏ đang ăn bánh dày.

Thái Lan

Tết Trung thu ở Thái Lan với nhiều hoạt động hấp dẫnNgười Thái gọi tết Trung thu là “tết cầu trăng”. Mọi người đều tham gia lễ cúng trăng rằm. Mọi người ngồi quanh mâm cỗ với những món đồ đặc trưng của mùa thu như đào, sầu riêng, bánh Trung thu và chúc nhau mọi điều tốt lành. Đặc biệt bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống. Người Thái tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.

Xem thêm
Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014
Lên Mộc Châu vui tết độc lập với người Mông

Lên Mộc Châu vui tết độc lập với người Mông


Đến hẹn lại lên, vào dịp 2/9 hàng năm, người Mông từ già trẻ trai gái không phân biệt giàu nghèo nô nức đổ về thị trấn Mộc Châu cùng nhau vui Tết độc lập.

Người Mông ở Mộc Châu (Sơn La) có hai dịp Tết trong một năm là Tết dân tộc Mông, đón trước Tết Nguyên Đán một tháng và Tết độc lập ngày 2/9. Theo lời kể của những người Mông cao tuổi, sau cách mạng Tháng Tám và từ khi bác Hồ đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 đến nay, đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu đã rất trân trọng và lập nên một cái Tết mới là Tết Độc lập mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Đây là thời điểm để người Mông tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Với đồng bào Mông, Tết độc lập đã trở thành một thông lệ từ nhiều năm nay. Trong dịp lễ ý nghĩa này, người dân ăn tết còn lớn hơn cả Tết nguyên đán cổ truyền.


Những thiếu nữ Mông đi chơi Tết Độc lập. Ảnh: Vietnamtoday.

Không chỉ người Mông hay những đồng bào dân tộc khác mà du khách trong và ngoài nước cũng nô nức kéo về Mộc Châu chơi Tết Độc lập. Những ngày này đến Mộc Châu, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng khi được trải nghiệm và cảm nhận những nét đẹp văn hóa đa sắc màu của đồng bào Mông. Từ đêm 31/8 trở đi, khắp các nẻo đường như Mai Châu, Bắc Yên, người Mông đã xúng xính những bộ quần áo đẹp nhất để về Mộc Châu. Có những gia đình đã vượt qua quãng đường đồi núi gần 100 km để được đón Tết trong không khí đông đủ và vui vẻ.

Du khách lên Mộc Châu sớm có thể bắt gặp những cô gái chàng trai xiêm y rực rỡ, tay nắm tay chen nhau len chật cả con đường vào trung tâm phố huyện. Đâu đó còn hình ảnh những phụ nữ Mông tay dắt ngựa đưa chồng đi trên trục quốc lộ, đường nội thị… Những đêm đón Tết ấy, Mộc Châu bỗng chốc nhộn nhịp như một khu chợ tình khổng lồ, trai gái vui vẻ tìm hiểu, làm quen nhau. Đêm Tết trở thành đêm của những tình bạn, tình yêu chớm nở.

Nếu Tết truyền thống của tổ tiên người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa các bản với nhau thì Tết độc lập 2/9 diễn ra rộng rãi hơn. Đó là sự liên kết giữa các cộng đồng người Mông của các vùng miền khác nhau. Trong tiết trời mát mẻ của những ngày đầu tháng 9, nhu cầu ăn uống và sinh hoạt thường ngày đã nhường chỗ cho nhu cầu ăn ngon mặc đẹp, cởi mở tấm lòng giao lưu tình cảm.

Du khách đến chơi không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp dân tộc ở trang phục truyền thống bên ngoài, mà còn được tham gia và tìm hiểu một loạt các hoạt động. Tết Độc lập năm nay địa phương sẽ tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu gồm có thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, múa xòe, đánh tu lu, giã bánh dầy, tung còn, thi văn hóa ẩm thực các dân tộc... Bên cạnh đó là những chương trình văn nghệ như biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ dân tộc...


Thanh niên chơi quay giải trí trong ngày Tết Độc lập. Ảnh: Vietnamtoday.

Ngoài đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thì bà con dân tộc Mông từ các tỉnh khác của miền núi phía Bắc, từ nước bạn Lào và bà con nhân dân các dân tộc cũng về tham dự. Vài năm trở lại đây, một số bà con đồng bào Mông từ Lào Cai, Yên Bái ngoài đi chơi Tết còn đem theo các sản vật, vải vóc và nhất là váy Mông sang trao đổi, mua bán làm nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu cùng đủ loại trang phục dân tộc anh em. Nhờ đó mà Tết độc lập không chỉ thu hút du khách nói chung mà còn lôi cuốn cả những người yêu nhiếp ảnh về đây tác nghiệp.
Xem thêm
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014
Lễ hội đua tàu cao tại Ba Lan

Lễ hội đua tàu cao tại Ba Lan


Thành phố cảng Gdynia tại Ba Lan đã trở thành điểm tập trung của những chiếc tàu cao sẵn sàng cho lễ hội đua đặc biệt, đánh dấu mốc 40 năm kể từ khi những chiếc tàu cao đi vào Đông Âu.


Đây là dịp để người dân Ba Lan và du khách chiêm ngưỡng những chiếc tàu thủy hoành tráng nhất châu Âu.

Có hai lý do để hàng ngàn người tập trung bên bến cảng của thành phố Gdynia. Ai cũng mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc tàu thủy lớn nhất châu Âu giăng buồm trên vịnh Gdandsk và nóng lòng chờ đợi cuộc đua của chúng.

Năm 1974, Gdynia đã trở thành điểm đến nổi tiếng trên toàn thế giới khi đại diện Ba Lan, là quốc gia Đông Âu đầu tiên đăng cai tổ chức cuộc đua của những chiếc tàu cao. Ở thời điểm đó, đây là một sự kiện độc đáo có một không hai. 24 chiếc tàu cao đã trình diễn những màn đua tốc độ và phun nước ngoạn mục trong thời gian 4 ngày.

Vào ngày cuối cùng của lễ hội, tàu rời cảng và thực hiện nghi lễ diễu hành trên vùng biển Vịnh Gdansk. Đây là một trong những hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh của thành phố Gdynia gắn với sự phát triển của du lịch, giao thông và giao thương trên biển.
Xem thêm
Ba lựa chọn thông minh cho dân Hà thành dịp nghỉ lễ 2/9

Ba lựa chọn thông minh cho dân Hà thành dịp nghỉ lễ 2/9


Ngày nghỉ lễ Quốc khánh đang đến gần, rất nhiều du khách băn khoăn với câu hỏi quen thuộc: “Đi đâu nhân dịp nghỉ lễ?”. Hãy cùng tham khảo một vài điểm du lịch ngay tại Hà Nội mà du khách không phải mất công đặt tour, mua vé tàu xe.

Thiên đường Bảo Sơn 

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 8km, nằm trên Đại lộ Thăng Long, công viên Thiên Đường Bảo Sơn là khu vui chơi lớn, với hơn 40 hạng mục giải trí đa dạng.


Thiên đường Bảo Sơn là điểm đến khá phù hợp với chuyến đi trong ngày vì không cách xa Hà Nội nhiều. Nằm phía bên tay trái ngay Km số 8 đường Láng – Hòa Lạc, Thiên đường Bảo Sơn là một khu vui chơi, tham quan liên hoàn với nhiều khu mang nét đặc trưng riêng biệt của Hà Nội được xây dựng theo từng phân khu với chức năng riêng biệt.

Đến đây, bạn sẽ được thăm các khu bảo tồn khai thác giá trị văn hóa, được tham quan bảo tàng bướm, khu 15 làng nghề. Cùng với đó, nơi đây còn có nhiều trò chơi như đu văng, quay lắc lư, tàu điện siêu tốc, nhà ma, cầu trượt, bể sục, đu quay khổng lồ

Royal City - điểm ăn chơi đang “hot”


Hiện nay, Royal City là địa điểm vui chơi “hot” nhất Hà Nội phù hợp với mọi lứa tuổi. Đây cùng là tổ hợp hệ thống công viên nước khép kín trong nhà đầu tiên ở Việt Nam. Khu sân băng, rạp chiếu phim, làng ẩm thực hội tụ đủ các món ăn vùng miền, khắp năm châu và bãi để xe ngầm lớn nhất Việt Nam.

Bạn sẽ có dịp du lịch thưởng ngoạn ngay trong lòng thành phố với những hành trình không thể chối từ, được “mãn nhãn” với những kiến thiết lộng lẫy mà tinh tế, thỏa sức dạo chơi trong khu vườn châu Âu trên những chiếc “xe cổ”, tưng bừng “shopping” tại trung tâm mua sắm khổng lồ, tận hưởng không gian ấm cúng với bữa ăn ngon bên gia đình và bạn bè tại phố ẩm thực Vincom Mega Mall Royal City, hay thả mình thư giãn tại các khu vui chơi, spa...

Làng lụa vào thu


Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn.

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh chiếc giếng làng với những bông hoa sen, cạnh cây đa cổ thụ, buổi chiều vẫn họp chợ trước đình. Làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. "Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.

Hiện nay, Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.

Mới đến đầu làng ta đã nghe thấy tiếng dệt lụa rộn ràng và bắt gặp một không khí nhộn nhịp, tấp nập của cửa hàng giới thiệu làng Vạn Phúc được đặt ngay đầu làng với những xấp vải nhiều màu sắc. Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Cái nét đặc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc.
Xem thêm
Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014
Độc đáo lễ hội ném bánh kem ở Anh

Độc đáo lễ hội ném bánh kem ở Anh


Một trong những lễ hội đặc sắc nhất đảo quốc sương mù là lễ hội ném bánh kem vào mặt nhau. Lễ hội này cũng được xếp vào một trong “7 cuộc chiến ném đồ ăn lớn nhất thế giới”.

Lễ hội độc đáo này do ngài thị trưởng Mike FitzGerald của thị trấn Maidstone, hạt Kent đề xuất lần đầu tiên vào năm 1967, lấy cảm hứng từ các cảnh diễn trong phim của vua hài Charlie Chaplin.Hiện nay, lễ hội này được tổ chức thường niên tại Coxheath.


Tất cả các thí sinh cũng như khán giả đều rất háo hức bàn tán về các chiến thuật để đánh bại đối phương trước khi cuộc thi chính thức bắt đầu.16 đội thi, mỗi đội gồm 4 người trong các trang phục sặc sỡ đầy màu sắc, kỳ dị sẽ đấu với nhau trong khoảng thời gian 30 giây.



Các đội thi đấu bằng cách đứng ở khoảng 2,5m và ném bánh kem vào nhau. Tên gọi là cuộc thi ném bánh kem nhưng thực tế “nguyên liệu” để dùng cho cuộc thi lại được thay thế bằng bột mì và nước.



Nếu ném trúng vào mặt đối phương bạn sẽ được 6 điểm, 5 điểm nếu ném vào ngực. Còn nếu ném trượt 3 lần sẽ bị trừ điểm. Hiện nay thì không có cách ném đặc biệt nào nhưng theo luật quy định nếu thí sinh của đội nào sáng tác được 1 kiểu ném đặc biệt, đội đó sẽ được thêm điểm.

Trung bình có khoảng hơn 300 kg bột mỳ đã được sử dụng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội ném bánh kem này.



Năm nay, giải vô địch ném bánh kem thế giới năm 2014 đã thu hút 14 đội chơi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Sự kiện thường niên vốn được xem là một trong 7 cuộc thi ném đồ ăn lớn nhất thế giới này không những mang đến niềm vui cho nhiều người mà còn nhằm quyên góp tiền phục vụ các công tác từ thiện.
Xem thêm
Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014
Những lễ hội rộn ràng trên thế giới trong tháng 7

Những lễ hội rộn ràng trên thế giới trong tháng 7


Những màn đấu bò tót đầy kịch tích hay vẽ trên cơ thể là các lễ hội sôi động đang diễn ra vào tháng 7, hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Được tham gia vào các lễ hội sẽ khiến cho kỳ nghỉ của bạn thật đáng nhớ.

1. Lễ hội đấu bò tót, Tây Ban Nha

Nói đến Tây Ban Nha, người ta nhắc đến những cô gái nóng bỏng xoay tròn trong điệu nhạc Flamenco nồng nàn hay những trận đấu bò tót nảy lửa. Hàng năm, đất nước này tổ chức khoảng 5.000 trận đấu bò. Du khách đến đây luôn muốn một lần được tận mắt chứng kiến một trận đấu quyết liệt đã trở thành biểu trưng cho văn hóa nước này. Lễ hội đấu bò tót Pamplona thường được khai mạc vào đầu tháng 7 tại quảng trường Tòa thị chính Pamplona, kéo dài tới 9 ngày.


Mọi người đua nhau chạy thoát thân trước những chú bò hung hãn. Ảnh: H.H

Người tham gia trận đấu bò phải là những đấu sĩ đã trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, mặc trang phục truyền thống, trên tay cầm thanh kiếm và tấm vải đỏ, làm mọi cách để gây kích động những chú bò tót hung hãn trong đấu trường. Đua bò tót được coi là một trong những sự kiện văn hóa nguy hiểm và đầy bạo lực nhưng rất nhiều người muốn tham gia màn thi đấu đầy mạo hiểm này.

Ngoài ra, ở Tây Ban Nha còn có lễ hội vật ngựa Rapa Das Bestas được bắt đầu vào ngày thứ 7 đầu tiên trong tháng 7 và kéo dài trong 3 ngày. Ban đầu, Rapa Das Bestas được tiến hành để kiểm tra những con ngựa bệnh, cắt đuôi và cắt bờm cho chúng. Những người tham gia lễ hội này sẽ sử dụng đôi tay không để chiến đấu với một đàn ngựa hoang khoảng 500 con và cố gắng thuần hóa chúng.

2. Lễ hội vẽ trên cơ thể người, Áo

Body Painting được thế giới biết đến như một nghệ thuật độc đáo khi người họa sĩ thể hiện những hình vẽ trên cơ thể con người. Ở Áo, người ta tổ chức lễ hội Body Painting thường niên và thu hút hàng nghìn du khách tham quan lễ hội.

Bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn những nét vẽ nghệ thuật và sống động trên cơ thể con người, với những màu sắc khác nhau. Những tác phẩm che những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể con người một cách kín đáo và tinh tế được coi là những tác phẩm xuất sắc.

3. Lễ hội Calgary Stampede, Canada


Lễ diễu hành ở lễ hội Calgary Stampede. Ảnh: dulichcanada

Thường rơi vào tuần thứ 2, thứ 3 của tháng 7, lễ hội Stampede (còn được gọi là lễ hội cao bồi) được tổ chức thường niên và kéo dài khoảng 10 ngày. Điểm độc đáo thu hút du khách đến lễ hội là các cuộc thi cưỡi ngựa, cưỡi bò điên, vật bò trói lại hay đua ngựa quanh các thùng phi, đua xe ngựa... diễn ra rất sôi động và hấp dẫn. Những màn đấu đầy kịch tính luôn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của đám đông. Ngoài ra, du khách tham gia còn được thưởng thức những màn trình diễn ca nhạc, tham gia vào hội chợ, triển lãm nông nghiệp và thưởng thức những món ăn truyền thống.

4. Lễ hội hóa trang Santiago, Cuba

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở Cuba, là sự bùng nổ của màu sắc, nhịp điệu trống và khiêu vũ. Thành phố sôi động và biến thành một bữa tiệc lớn. Thời gian này, người dân Cuba được tụ tập và tưởng nhớ lại lịch sử của họ.

Lễ hội thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế đến thưởng thức âm nhạc và những điệu nhảy nóng bỏng, hấp dẫn, và nổi tiếng của Mỹ Latinh và Cuba như mambo, rumba, chachacha. Mọi người được hòa trong không khí sôi động và chiêm ngưỡng trang phục độc đáo, rực rỡ sắc màu của các vũ công và người tham gia.


Một thiếu nữ được hóa trang trong lễ hội. Ảnh: zeeglobe

5. Lễ hội Gion Matsuri, Nhật Bản

Du khách đến xứ sở mặt trời mọc vào tháng 7 sẽ có cơ hội được tham gia vào lễ hội Gion Matsuri, một trong những lễ hội nổi tiếng nhất Nhật Bản. Trong những ngày diễn ra lễ hội, hàng chục chiếc xe lớn được trang hoàng lộng lẫy với cồng, chiêng, trống đủ màu sắc rực rỡ diễu hành qua nhiều đường phố chính trong giai điệu nhạc truyền thống. Thú vị nhất là được ngắm các cô gái trong những bộ kimono duyên dáng và lộng lẫy.

Ngoài các cuộc diễu hành lớn trên, lễ hội Gion Matsuri còn có rất nhiều hoạt động và đêm hội sôi nổi được tổ chức như các đêm hội Yoiyoiyoiyam, Yoiyoiyama hay Yoiyama… Ngày nay lễ hội Gion Matsuri được duy trì đều đặn, đây chính là nơi thể hiện nét văn hóa truyền thống của đất nước Phù Tang.
Xem thêm
Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014
Tháng 7 đi lễ hội nho Ninh Thuận

Tháng 7 đi lễ hội nho Ninh Thuận


Festival Nho và Vang Ninh Thuận sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19/7. Đây là lễ hội hấp dẫn hứa hẹn nhiều điều thú vị và cũng là một điểm du lịch mới mẻ cho mùa hè.

Nho vốn là một loại quả tươi ngon, bổ dưỡng và rất đẹp mắt, vì vậy nếu được thong dong thả hồn mình cùng cánh đồng nho xanh mát trải dài bạt ngàn chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. 



Vườn nho xanh mát bạt ngàn của Phan Rang. Ảnh: calitravel

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, trung tâm của tỉnh là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, cách TP HCM khoảng 350 km, cách Nha Trang khoảng 105 km và cách Đà Lạt khoảng 110 km. Sân bay gần nhất để tới Ninh Thuận là Cam Ranh, cách khoảng 60 km. 

Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng với các loại nho và hệ thống vườn nho rộng lớn. Để tới với trang trại nho, bạn sẽ được đi bằng các chuyến xuồng máy băng qua sông, không khí mát mẻ cùng khung cảnh miền sông nước sẽ giúp tâm tư du khách thoải mái ngay từ những giây phút đầu tiên. Đến lúc đặt chân tới vườn nho xanh lá, cảm xúc hào hứng thích thú sẽ ùa tới khi được tận mắt chứng kiến hàng trăm chùm nho trĩu quả màu xanh màu đỏ tràn đầy sức sống. Đây chính là cơ hội tốt để chụp những bức hình lãng mạn và chạm thử vào từng trái nho. Hơn nữa, bạn có thể thưởng thức nho tươi do chính tay mình hái để cảm nhận được hết độ ngọt của nho đúng vụ.



Bạn có thể thưởng thức từng trái nho căng mọng tươi ngon. Ảnh: ihay.thanhnien

Sau khi đã thấm mệt, cùng trải bạt ngồi dưới giàn nho, thưởng thức thêm chút trà chiều cùng táo xanh, đón ánh nắng nhẹ nhàng mà bao nhiêu cái "gắt" đã được lá nho sum suê giữ lại, cùng ngồi nghe những người nông dân chôn rau cắt rốn đất Phan Rang kể chuyện trồng nho. Càng lắng nghe càng hiểu hơn bao nỗi vất vả nhọc nhằn nhưng cũng không kém phần hạnh phúc khi được chăm bón, tận tay tỉa từng lá nho, vun xới, tính toán che chắn mưa nắng để rồi trái nho đơm quả thơm ngọt cả một vùng. Bạn cũng sẽ được chia sẻ về cách bảo quản nho sao cho không bị hư hay dập, cách chọn nho ngon và thưởng thức rượu nho được chưng cất, ủ kĩ trực tiếp ngay tại vườn.

Hãy nhớ mua một vài chai rượu nho "made in Phan Rang" đặc biệt để làm quà cho bạn bè và người thân, và cũng để lưu dấu chút hương vị của Ninh Thuận trong trí nhớ.

Trong năm 2014, Festival Nho và Vang Ninh Thuận sẽ được tổ chức từ ngày 17/7 đến 19/7. Vì vậy bạn hãy sắp xếp chuyến đi của mình vào khoảng thời gian diễn ra lễ hội để vừa có thể thăm thú vườn nho, vừa có thể thưởng thức các chương trình văn hóa đặc sắc.


Cùng người nông dân nghe kể chuyện trồng nho, hái nho. Ảnh: yeutretho

Dưới đây là danh sách những hoạt động sẽ diễn ra tại Festival Nho và Vang do Ban tổ chức lễ hội cung cấp. Bạn hãy tham khảo để sắp xếp một thời gian biểu hợp lý, không bỏ lỡ bất kỳ hoạt động độc đáo và cảnh đẹp nào của Ninh Thuận nhé.

Chương trình chính thức:

Ngày khai mạc 17/7

8h: Diễu hành trên các đường phố bằng xe hoa với chủ đề Biển và Nho

9h: Triễn lãm ảnh và trao giải “Một vùng đất quyến rũ”. Có sự tham gia của các nhiếp ảnh gia có tác phẩm dự thi trên toàn quốc

10h: Đua thuyền thúng

15h: Điêu khắc bằng vật liệu cát với thông điệp Biển đảo Việt Nam (trước khai mạc).

17h: Thi: Ai là người khỏe nhất, Người ăn nhanh nhất

18h: Các ban nhạc đường phố (4 band) biểu diễn xung quanh khu vực hồ nước trung tâm. (Theo chủ đề các gian hang rượu vang các nước tại khu vực xung quanh hồ). Phối hợp với các gian hàng đặc sản của địa phương.

19h: Khách mời tham gia thử rượu vang tại khu vực trung tâm lễ hội.

- Diễu hành trên các đường phố bằng xe hoa với chủ đề Biển và Nho.

20h : Khai mạc lễ hội

Bắn pháo hoa tầm thấp khai mac lễ hội

Địa điểm tổ chức: Khu vực trung tâm Quảng trường 16/4

Ngày tiếp theo 18/7

9h: Hội thảo về chuỗi phát triển cây nho tại VN tại hội trường 01 khách sạn uy tín ở thành phố Phan rang - Tháp chàm do Viện phát triển cây trồng miền Nam, Sở NN&PPNT tỉnh Ninh Thuận, Viện Bông Nha Hố và Sở Khoa học công nghệ Ninh Thuận tổ chức.

10h: Biểu diễn máy bay điều khiển từ xa

15h: Thi thả diều

17h: Thi nấu ăn làm Chả cá lớn nhất Việt Nam

19h: Ca nhạc địa phương, múa dân gian, thả hoa đăng, bắn pháo hoa

20h: Gala dinner tại một Resort lớn của Ninh Thuận nhằm gây quỹ cho người nghèo.

Ngày bế mạc: ngày 19/7

14h: Thi leo cột hái nho.

18h: Tổng kết và trao giải thưởng, bằng khen cho các đơn vị, cá nhân tham gia.

19h: Lễ bế mạc lễ hội Nho và Vang quốc tế 2014 tại Ninh Thuận, ca nhạc

21h: Bốc thăm trúng thưởng
Xem thêm
Khai hội đình Trà Cổ tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh

Khai hội đình Trà Cổ tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh


Sáng 27/6 (tức 1/6 âm lịch), TP Móng Cái (Quảng Ninh) tổ chức khai hội đình Trà Cổ năm 2014.

Bắt đầu từ năm nay, Lễ hội đình Trà Cổ được Móng Cái nâng cấp thành lễ hội quy mô cấp thành phố, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách.



Được khôi phục từ năm 1993, Lễ hội đình Trà Cổ gắn liền với di tích đình Trà Cổ, một trong những ngôi đình cổ xưa nhất Việt Nam, được tôn vinh là cột mốc văn hóa, di sản văn hóa tinh thần đặc sắc nơi địa đầu Tổ quốc. Đình thờ 6 vị thành hoàng đã có công lập nên làng Trà Cổ.

Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 26 đến 28/6. Phần lễ bao gồm: Rước mâm hoa quả và cây đèn thần về đình; rước kiệu nghênh thần; rước cỗ chay, cỗ mặn của 12 ông đám cũ và 12 ông đám mới.

Phần hội năm nay có nhiều hoạt động phong phú, đặc biệt là chương trình nghệ thuật được tổ chức liên tục trong 3 đêm hội 26, 27 và 28/6 tại sân đình Trà Cổ, đình Tràng Vỹ với sự tham gia của gần 100 diễn viên.

Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại bãi biển và sân đình như: Đua bè, đan lưới, đẩy gậy, kéo co, cờ thẻ, ca bài chòi…
Xem thêm
Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014
Tưng bừng lễ hội rượu vang tại Bà Nà Hills

Tưng bừng lễ hội rượu vang tại Bà Nà Hills


Sau thành công của Lễ hội hoa, Bà Nà Hills tiếp tục tổ chức thành công Lễ hội rượu vang tại Hầm rượu Debay thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước.

Đến với lễ hội rượu vang, du khách được tận hưởng không khí sôi động và náo nhiệt với những vũ điệu độc đáo, nóng bỏng của các vũ công chuyên nghiệp, cùng với việc thưởng thức những ly rượu vang của những thương hiệu rượu vang nổi tiếng thế giới kèm với tiệc buffett trong không gian tuyệt đẹp vườn hoa Le Jarnin De'Amour.


Vũ điệu sôi động trong lễ hội rượu vang tại Bà Nà Hills.

Đây chính là điểm nhấn đặc sắc trong các mùa du lịch và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các sự kiện du lịch năm nay tại Bà Nà Hills. Hầm rượu Debay là một công trình kiến trúc đặc sắc, được đào sâu vào trong lòng núi, dài 100m, cao 2,5m và rộng khoảng 2m. Bên trong còn có các hầm cất giữ, hàm chưng cất, khu vực bar, lò sưởi và sảnh. Vách hầm được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời (một loại cây chỉ có ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng), vòm hầm được làm hình vòng cung để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối.

Đó chính là những lý do mà cho đến ngày nay Hầm rượu Debay vẫn tồn tại thách thức với thời gian trong khi hàng trăm ngôi biệt thự đã trở thành phế tích. Từ năm 1919 đến 1938, người Pháp đã cho xây dựng hàng trăm ngôi biệt thự, bệnh viện, bưu điện... ngay trên đỉnh Bà Nà để phục vụ nhu cầu nghỉ mát của các quan chức, sĩ quan quân đội Pháp, thương gia Pháp và những người Việt giàu có. Đồng thời, họ đã cho xây dựng hầm rượu Debay nhằm cất giữ các loại rượu và đặc biệt là loại rượu vang nổi tiếng được coi là "quốc hồn, quốc túy" được mang từ Pháp sang.
Xem thêm
Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014
Đồng bào Chăm vui đón tết Ramưwan

Đồng bào Chăm vui đón tết Ramưwan


Ngay từ sáng sớm 27-6, đông đảo các họ tộc người Chăm đã kéo về nghĩa trang ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam để cùng nhau làm lễ tảo mộ, cúng bái và mời tổ tiên về ăn tết với con cháu.

Sau lễ tảo mộ, mọi người trở về nhà làm lễ cúng ông bà, tổ tiên.


Lễ tảo tại Thôn Văn Lâm, xã Phước Nam - Ảnh: Hoàng Thạch vân


Lễ tảo tại Thôn Văn Lâm, xã Phước Nam - Ảnh: Hoàng Thạch vân


Lễ tảo tại Thôn Văn Lâm, xã Phước Nam - Ảnh: Hoàng Thạch vân


Lễ tảo tại Thôn Văn Lâm, xã Phước Nam - Ảnh: Hoàng Thạch vân

Tết Ramưwan của người Chăm kéo dài một tháng với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau. Năm nay, tại Ninh Thuận, tết Ramưwan diễn ra trong ba ngày (từ 26-6 đến 28-6).
Xem thêm
Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014
Những lễ hội độc đáo trên thế giới trong tháng 6

Những lễ hội độc đáo trên thế giới trong tháng 6


Vào tháng 6 hàng năm, trên thế giới có rất nhiều lễ hội được diễn ra, trong đó độc đáo nhất phải kể đến lễ hội thần Mặt trời, lễ hội Đêm trắng hay lễ hội âm nhạc Glastonbury…

Lễ hội thần mặt trời Inti Raymi ở Peru

Lễ hội Inti Raymi được tổ chức hàng năm vào ngày 24/6 tại thành phố Cuzco để tôn vinh thần mặt trời, vị thần được người Inca coi là đấng sáng tạo ra vạn vật trên trái đất cũng như quyết định vận mệnh của con người và vũ trụ nhằm cầu xin thần ban phát mùa màng bội thu, cánh đồng tươi tốt.


Lễ hội thường kéo dài một tuần. Vào ban ngày, người ta tổ chức trưng bày, triển lãm cùng các hoạt động nhảy múa, ca hát trên đường phố. Đến tối, nhiều chương trình nhạc sống được biểu diễn miễn phí ở quảng trường Plaza de Armas để phục vụ người dân địa phương.

Đặc biệt, một năm trước khi tổ chức, người ta đã phải chọn ra hàng trăm diễn viên để đóng vai các nhân vật lịch sử biểu diễn trong lễ hội. Các nghi lễ truyền thống đặc trưng như tế thần bằng lạc đà không bướu màu trắng, đốt rơm nhảy xung quanh đống lửa… đều sẽ được thực hiện một cách long trọng.

Lễ hội Đêm trắng ở Nga

Đêm trắng là một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ của ánh sáng vào giữa mùa hè phương Bắc khi các vùng có khí hậu ấm áp được chìm đắm bởi những ánh sáng rực rỡ, lấp lánh, nhiều màu trong cả màn đêm dài.


Mọi người thường thức cả đêm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của bầu trời còn rực rỡ ánh sáng mà người ta gọi đó là Đêm trắng. Đây là khoảng thời gian St Petersburg lộng lẫy nhất trong năm.

Những ngày vui chơi của lễ hội Đêm trắng bắt đầu từ tháng 5 khi thành phố cuối cùng cũng tràn ngập sắc xuân, các công viên cây cối xanh mướt, đầy sắc hoa. Nhưng cuộc vui chỉ thực sự bừng hẳn lên vào giữa tháng 6 khi mặt trời luôn xuất hiện ở đường chân trời nhưng không bao giờ lặn. Nếu hè này bạn định đến St Petersburg thì dưới đây là những điều bạn không nên bỏ lỡ khi bạn tham gia lễ hội Đêm trắng.

Lễ hội trồng lúa, Nhật Bản

Việc đầu tiên trong lễ hội là những người nông dân sẽ cày ruộng hay nói cách khác họ sẽ nô đùa trên những cánh đồng được canh tác, một cảnh bạn hiếm khi thấy ngày hôm nay ở các thành phố lớn. Các điểm tham quan chính của nghi lễ là những màn trình diễn nhảy múa đẹp mắt và các bài hát truyền thống.


Việc nhảy múa được cho là để tăng cường sức sống của hạt gạo. Bên ngoài cánh đồng lúa, chị em phụ nữ vừa hát vừa thực hiện việc gieo mạ. Ngoài ra một điệu nhảy được thực hiện bởi phụ nữ mặc trang phục kasa trang trí bằng hoa, ngoài ra còn có đoàn rước của các chiến binh samurai phủ trong áo giáp.

Lễ hội Ẩm thực và Rượu, Mỹ

Lễ hội Ẩm thực và Rượu được tổ chức hàng năm tại Aspen, thành phố thuộc tiểu bang Colorado, Mỹ. Lễ hội tổ chức nhiều hoạt động như thi nấu ăn, nếm rượu, hội chợ rượu, thực phẩm và cả những màn trình diễn nấu ăn của các đầu bếp danh tiếng. Tuy nhiên, đây là một trong ít lễ hội mà cộng đồng phải mua vé để tham gia.

Lễ hội âm nhạc Glastonbury, Anh

Lễ hội âm nhạc Glastonbury được tổ chức thường xuyên bắt đầu từ năm 1970 với ý nghĩa ca ngợi trái đất, âm nhạc và nghệ thuật. Lễ hội được diễn vào những ngày cuối tháng 6.


Đến Glastonbury, mọi người không chỉ được đắm chìm trong không gian âm nhạc mà còn thỏa sức thể hiện tình yêu của mình. Ban ngày, họ thả hồn theo các giai điệu, còn khi đêm về, họ dựng lều ngủ ngay trên cánh đồng Worthy Farm, vùng Somerset, tây nam nước Anh. Lễ hội Glastonbury năm nay kéo dài 5 ngày, thu hút gần 175.000 người tham gia.
Xem thêm
Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014
Các món ngon trong dịp Tết Đoan Ngọ

Các món ngon trong dịp Tết Đoan Ngọ

Ngoài tác dụng diệt trừ sâu bọ như quan niệm dân gian, các món ăn trong ngày 5/5 âm lịch như thịt vịt, rượu nếp và bánh tro còn giúp giải nhiệt trong những ngày đầu hè oi bức.

Dù đi đâu, làm gì thì trong ngày 5/5 âm lịch, nhiều người cũng quên những ký ức về các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày giết sâu bọ.

Cơm rượu nếp

Với ý nghĩa giết sâu bọ, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong sáng ngày Tết Đoan Ngọ. Bởi theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.

Cơm rượu nếp rất phổ biến trong cả nước nhưng ở mỗi vùng món ăn này lại có những đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc thì để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.


Cơm rượu nếp dân dã trong Tết Đoan Ngọ.
Thịt vịt

Không phổ biến như cơm rượu nếp nhưng thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết "giết sâu bọ" của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.

Vào ngày này, các chợ miền Trung và một số ở miền Bắc thường rộn rã việc mua bán vịt sống. Vịt sau khi mua về được chế biến thành nhiều món như vịt luộc chấm mắm gừng, vịt kho, bún măng vịt hay vịt om sấu ăn kèm bún. Trong đó phổ biến nhất là tiết canh vịt.


Bún vịt thanh mát ngày hè. 
Bánh tro

Cùng với nhiều loại hoa quả đầu mùa như mận, vải, xoài, măng cụt..., bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú tro, bánh gio hay bánh âm. Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.

Tùy từng nơi bánh được gói theo các hình dáng khác nhau như thuôn dài hay chóp tam giác. Bên trong bánh thường là nhân mặn hoặc ngọt, đôi khi không nhân. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.


Bánh tro. 
Bánh khúc

Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.

Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.

Chè kê



Chè kê trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế.

Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.

Chè kê nấu đơn giản những chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.

Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.
Xem thêm