Địa điểm đón trăng lý tưởng ở Hà Nội dịp trung thu
Tết trung thu, ngoài việc ngắm trăng, thả đèn nhiều người còn tìm đến những con phố đầy màu sắc để trải nghiệm lễ hội dân gian truyền thống.
Rằm Tháng Tám hay còn được gọi là Tết trung thu, Tết trông trăng mà trong suy nghĩ ngây thơ của những đứa trẻ đó là giấc mơ kỳ diệu, huyền ảo với những đêm rước đèn ông sao, những đêm chờ trăng phá cỗ, được thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon và tìm đến không khí trung thu qua các lễ hội dân gian ở chợ đêm phố cổ, Hàng Mã, công viên Hồ Tây, Bảo tàng Dân tộc học hay Sân vận động Mỹ Đình.
Phố Hàng Mã
Phố Hàng Mã dịp trung thu. Ảnh minh họa
Dược mệnh danh là “con phố trung thu”, cứ mỗi dịp Rằm Tháng Tám phố Hàng Mã lại rộn ràng, ngập tràn màu sắc với đủ loại đồ chơi và bánh nướng, bánh dẻo, khác mua lúc nào cũng nườm nượp khiến con phố nhỏ chỉ trực chờ để tắc nghẽn.
Dịp trung thu, phố Hàng Mã thường bày bán nhiều đồ chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi hình chú ỉn hiền lành, mặt ông địa ngộ nghĩnh cùng những chiếc đèn kéo quân đủ loại to nhỏ và đèn ông sao rực rỡ sắc màu và nó trở thành tuyến phố có địa điểm chụp ảnh độc và lạ nhất trong dịp trung thu.
Chợ đêm phố cổ
Phố cổ Hà Nội dịp trung thu. Ảnh minh họa
Phố cổ là nơi hiếm hoi ở thủ đô mà khách du lịch và người dân sống ở Hà Nội có cơ hội thưởng thức một phong vị tết trung thu đậm chất cổ truyền, nguyên sơ theo đúng ý nghĩa của nó.
Tại khu vực chính ở chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ dọc Hàng Đào là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống. Đi học các ngôi nhà cổ kính ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, những đèn lồng lung linh, xinh xắn, tỏa khắp các khu phố. Không những vậy còn có những quán ăn bụi hấp dẫn bày ra ở hai bên đường, cùng với nhiều mặc hàng lưu niệm, thời trang, đèn lồng, chụp ảnh kỷ niệm, nặn tò he khá thu hút sự tò mò của khách, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Bảo tàng Dân tộc học
Bảo tàng Dân tộc học dịp trung thu. Ảnh minh họa
Bảo tàng dân tộc học là địa điểm vui chơi Trung thu khá mới mẻ của trẻ em Việt Nam bởi ở đây các em không chỉ được trải nghiệm không khí trung thu đúng chất cổ truyền của dân tộc mà còn được tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa của các nước Đông Nam Á.
Các hoạt động về văn hóa truyền thống của Bảo tàng Dân tộc học mỗi dịp trung thu đã khá quen thuộc nhưng vẫn có sức hấp dẫn và được hưởng ứng như làm đồ chơi trung thu, làm đồ chơi bằng đá, bột, hát đồng dao, kể sự tích trung thu và chơi các trò chơi dân gian.
Sân vận động Mỹ Đình
Sân vận động Mỹ Đình dịp tết trung thu. Ảnh minh họa
Từ nhiều năm trở lại đây, vào dịp trung thu, nhiều bạn trẻ lại tìm đến khu vực Sân vận động Mỹ Đình để thả đèn trời. Đây là một địa điểm khá lý tưởng cho dịp trung thu bởi sự yên tĩnh ở đó nhờ khoảng trống trước Sân vận động Mỹ Đình giúp ta tìm thấy sự bình yên, nhẹ nhõm như trở về tuổi thơ với thú vui thả diều.
Bắt đầu từ khoảng 9 giờ tối đêm trung thu, trên bầu trời ở khu vực Sân vận động đã ngập tràn những sắc diều rực rỡ: xanh, đỏ, tím, vàng cùng với đó là những hình thù ngộ nghĩnh như hình bướm, cá chép, siêu nhân trông khá vui mắt.
Công viên Hồ Tây
Công viên Hồ Tây dịp trung thu. Ảnh minh họa
Không gian của khu vui chơi, giải trí công viên Hồ Tây dịp trung thu sẽ được trang hoàng lộng lẫy, huyền ảo với hàng ngàn những chiếc đèn lồng được treo khắp công viên. Không những vậy, bạn còn choáng ngợp với những mâm ngũ quả khổng lồ với các loại bánh trái thơm ngon được sắp xếp đẹp mắt và thu hút, nhất là đối với các khán giả nhí.
Mỗi năm, công viên Hồ Tây đều có các hoạt động ca nhạc, vui chơi, giải trí khác nhau để phục vụ cho khách tham quan và trải nghiệm. Cùng với đó là các trò chơi dành cho thiếu nhi nhằm giúp các bé thể hiện được sự khéo léo và năng khiếu của bản thân với những phần quà hấp dẫn như mặt nạ, đèn ông sao đủ màu sắc, tạo hứng thú cho trẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét