.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

“Ví dầu ăn trái bần chua”


Bần ăn với mắm cá chốt, xé ba khía muối trộn tỏi ớt thì ngon nhứt hạng!

Từ trung tâm thành phố Trà Vinh đi thêm 7km nữa đến bến phà Long Trị. Qua phà Long Trị, độ mươi phút thì đến cù lao Long Trị rồi đi thêm chừng 3km nữa thì đến nhà bà Tư Cúc - “phù thủy của những trái bần”, người đàn bà nông dân ít học lập lên doanh nghiệp, biến trái nhà quê thành món hàng đặc sản đi vào siêu thị, sang cả nước ngoài, vào bếp ăn của từng nhà…


Bà Tư Cúc - người biến trái bần nhà quê thành hàng đặc sản

Bữa cơm muộn có món cá kho bần, canh chua bần và món bần non ăn với mắm cá chốt. Ăn bần nói chuyện… bần. Nhà báo Ngô Vĩnh Nguyên kể lại giai thoại có liên quan đến cây bần: năm xưa khi chạy lánh quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh chạy nạn đến Ba Tri, thuyền của chúa lạc vào rạch Ụ, Cái Mít, Hàm Long (Hàm Luông). Nửa đêm đến Giồng Trôm, được cụ Trương Tấn Khương đưa đến nơi kín đáo ẩn trốn quân Tây Sơn. Tại đây chúa được gia đình ông Trần Văn Hạc dâng một bữa cơm nghèo gồm đặc sản địa phương là mắm cá chốt và trái bần chua. Chúa có lẽ vì quá đói nên ăn thấy ngon miệng. Ăn xong, chúa cảm kích ban tên mới cho cây bần là Thủy Liễu.


Dĩa mắm cá chốt và trái bần chua khiến chúa Nguyễn xiêu lòng

Cũng có một câu chuyện khác rất cảm động về cây bần. Xưa kia có đôi vợ chồng nghèo lắm, nghèo đến mức quanh năm sống trong bần hàn lam lũ nên xóm làng gọi luôn là vợ chồng Bần. Đói quá, vợ chồng Bần bồng bế con tìm vùng đất khác cắm câu ven sông để sống nhưng sức lực cạn suy, một ngày nọ chồng Bần ngã sông chết đuối, vợ Bần vừa đau vừa khổ nên cũng mất sau đó không lâu. Nơi vợ chồng ấy mất mọc lên hai cây cây lạ, một cây rậm lá, hoa tím, quả chua… người ta gọi đó là cây bần; một cây hoa trắng quả nhỏ có vị hơi mặn nên người ta gọi là cây mắm. 


Hai giai thoại về bần được kể trong bữa cơm toàn… bần nên rôm rã và thú vị. Bông bần, đọt bần và trái bần đều là những thứ ăn được. Khi ăn cơm, người ta có thể dầm bần chín với cá kho, mắm kho, để chấm rau sống, hoặc chấm ngay bằng gỏi bông bần. Bông bần được hái về bóp với dấm chua, làm gỏi. 


Mùa mưa hoa bần nở, nhuỵ rụng trắng mặt sông, chim dòng dọc làm tổ rất duyên dáng trong những bụi bần. Khi những lượn sóng bạc tung mình vào mùa gió chướng, mùa chim về tổ, dừa nước dày cơm, là mùa bần chín. Bần chín có vị chua chua ngọt ngọt ăn rất ngon nhưng vẻ non mơn mởn của bần xanh lại hấp dẫn vô cùng. Buổi trưa nghe văng vẳng tiếng ru con tha thiết của người mẹ trẻ “Đói lòng ăn trái bần xanh/Dù chua dù chát cũng đành vì ai...” nên đang ăn bữa cơm bần mà thương bần vô kể.

Bần ăn với mắm cá chốt, xé ba khía muối trộn tỏi ớt thì ngon nhứt hạng. Thịt cá chốt chắc, ngọt, không có hậu tanh “nặng” như cá tra hay basa. Cá chốt có ba ngạnh bén đâm đau nhức như ong chích. Mỗi lần quăng chài dính chừng 4 - 5 kg cá chốt là chuyện thường nhưng việc gỡ cá chốt cũng mệt vì mất cả tiếng bẻ ngạnh mới gỡ chúng ra khỏi chài. Bắt cá chốt thường lúc trời mát hoặc chạng vạng tối là lý tưởng. Cá lớn để chế biến món ăn, cá nhỏ làm mắm. Món mắm cá chốt ăn rất ngon, một con mắm vừa một miếng ăn. Mắm cá chốt ăn với đọt sộp, lá lụa, ớt hiểm xanh nhưng nhứt quyết là phải có bần chua thì mới ra món mắm. Món này ăn hao cơm mà vẫn chưa… đã.


Bần từng là thứ trái nhà quê, cá chốt từng là thứ cá không ai ăn giờ đã thành món đặc sản nơi thành phố… Dù món ăn đã ít nhiều thay đổi và được xem trọng nhưng về đồng ăn trái bần chua kèm với mắm cá chốt, lại nhất là ngay tại nhà bà Tư Cúc - “phù thủy của những trái bần” - thì mới thấm thía câu dặn dò: Ăn mắm thấm về lâu, để hiểu thêm tình nghĩa của người dân quê cũng thấm về lâu như vậy!
  • Blogger Comment
  • Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét