.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014
Những món quà ngon từ cốm mùa thu

Những món quà ngon từ cốm mùa thu


Cốm, món ngon thơm thảo từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội và đây cũng chính là nguyên liệu cho những món quà mang dấu ấn của vùng đất thủ đô.

Hà Nội chỉ thực sự bước vào thu khi đất trời trở nên hiền hòa, dễ chịu. Trong cái không khí trong lành và mát mẻ ấy, người bước chân theo nhịp những con phố phủ đầy lá vàng rớt rụng, rồi bất giác với gọi theo cô hàng cốm bán rong phía cuối đường để mua chừng vài ba gói cốm về nhà.


Cốm mùa thu theo chân người xuống phố. Ảnh: Lam Linh

Hà Nội có nhiều nơi làm cốm nhưng nổi tiếng nhất chính là cốm làng Vòng. Có lẽ chính vì sự kỳ công trong cả một quá trình mà cốm nơi đây, hạt nào hạt nấy có vị dẻo ngọt đặc trưng và hương thơm từ những cánh đồng quê mùa lúa chẳng nỡ chối từ. Thế nên nhìn cái cách người làng Vòng làm cốm mới thấy được sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và cả tâm huyết đong đầy trong từng hạt. Thông thường mỗi mẻ cốm làm ra sẽ có ba loại: Cốm đầu hay cốm lá me có hạt mỏng, mềm và dẻo, cốm cuối nia là loại cốm có hạt to, dày, hơi cứng và cốm giữa mùa là những hạt cốm dày và không cứng như cốm cuối nia.


Bắt đầu bước vào mùa thu, ấy cũng là thời điểm bước vào mùa cốm, người ra chợ chỉ cần nhìn thấy những chiếc thúng phủ lá khoai ráy hay lá sen xanh có cắm thêm vài ba nhành lúa là biết ngay có thể mua cốm về nhà. Cốm mua đầu mùa thường được tranh thủ ăn cùng chuối tiêu trứng quốc, là những quả chuối chín vàng và thoảng mùi thơm ngọt ngào. Chỉ cần cắt chuối thành từng đoạn ngắn hoặc bẻ làm đôi, chấm vào những hạt cốm được giữ mềm sau lớp lá là có thể thưởng thức hương vị dẻo bùi quyện cùng thứ vị ngọt dịu. Khách tới Hà Nội đầu mùa thu cũng thường ấn tượng vì món ngon đặc biệt là vì thế.

Sau những hạt cốm thơm đầu mùa là món chả cốm béo ngậy được chuẩn bị cho bữa tối trong gia đình. Vẫn là những hạt cốm xanh nhưng giờ được trộn chung cùng thịt xay, mỡ phần và gia vị sau đó nặn thành miếng cỡ lòng bàn tay. Nhà ai cầu kỳ thì bổ sung thêm chút bột mì, bột nở hay bột năng. Miếng chả cốm còn sống được đem hấp qua sau đó mới chiên vàng trên chảo dầu nóng. Vào những ngày tiết trời se lạnh, chả cốm nóng giòn được ăn cùng bánh mỳ, bún hoặc cơm. Món ngon có vị dẻo thơm từ cốm, xốp từ lớp vỏ ngoài và đậm đà của thịt khiến bữa cơm cứ thế mà nhanh chóng vơi đi.

Ngoài chả cốm ăn kèm cơm trong bữa ăn gia đình, một món ngon từ cốm nữa cũng không thể không nhắc tới là xôi cốm. Vẫn là nét đặc trưng vốn có của cốm mùa thu nhưng khi được biến tấu thành món xôi mềm dẻo, từng hạt cốm lại trở nên thật khác biệt. Đó chính là vị thơm bùi của đậu xanh, của xôi vò, vị ngọt của xôi dừa và hương lúa thơm trong từng hạt cốm. Người thích ăn ngọt khi nhâm nhi ăn thử chắc hẳn sẽ thấy thích thú và ngạc nhiên.


Cốm có màu xanh vàng tự nhiên hấp dẫn

Bên cạnh chuối trứng quốc chấm cốm mùa thu hay xôi cốm ngon ngọt, người Hà Nội cũng thường nhắc về chè cốm, đặc biệt là người trẻ, những người thường thích thú với các món chè ngon. Không giống như những món chè thịnh hành khác, chè cốm không ngọt sắc mà chỉ có vị ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi cùng hương thơm thoang thoảng khó có thể chối từ. Nhâm nhi một cốc chè dẻo vị cốm, thơm mùi đậu xanh, va ni và béo của nước cốt dừa để ngắm mùa thu đi ngang cửa cũng là một ý hay cho những ngày trời trong trẻo, thanh mát.

Và tới khi muốn tìm một món ngon thực sự khác biệt thì bánh cốm lại chính là thứ để tìm về. Sở dĩ bánh cốm trở nên đặc biệt hơn hẳn so với nhưng món ngon làm từ cốm khác là vì cốm không còn được giữ nguyên hạt như ban đầu mà được quyện thành lớp bánh dẻo cùng đường kính trắng. Mỗi chiếc bánh mỏng chỉ to cỡ lòng bàn tay người lớn được gói giấy bóng kính trắng bên ngoài và được đựng trong những chiếc hộp xinh xắn màu xanh lá mạ chính là món quà ý nghĩa tặng khách phương xa khi có dịp ghé qua Hà Nội.


Cốm còn được chế biến thành nhiều món ngon khác hấp dẫn.

Hà Nội vẫn chờ khách ghé qua mỗi đợt thu về bằng những món quà ngọt ngào từ cốm. Dừng chân tại thành phố trong một ngày thu đầy nắng, đừng quên kiếm tìm một hàng cốm thơm để nhâm nhi từng hạt xanh ngọt mát, để thứ hương đồng nội cứ mãi dịu dàng quẩn quanh.
Xem thêm
Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014
Ngây ngất đặc sản đất Nam Định

Ngây ngất đặc sản đất Nam Định


Quê hương Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn níu chân du khách bằng nhiều đặc sản độc đáo đắm say lòng người.

1. Phở bò 


Dẫu nhắc tới phở, nhiều người vẫn quen nhớ gọi tên Hà Nội nhưng ít ai biết nguồn gốc của phở ở Hà thành hay Nam Định cho tới nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nếu phở Hà Nội phong phú, đa dạng nguyên liệu cũng như cách thưởng thức thì phở Nam Định chỉ là các biến tấu từ phở và thịt bò. Phở bò Nam Định được nấu theo công thức bí truyền của mỗi gia đình nhưng vẫn có nét đặc trưng ở nước dùng ngậy thơm đậm đà, bánh phở nhỏ sợi và thịt bò ngọt, mềm.

Ngày nay, với bảng hiệu quảng cáo “Phở bò Nam Định” có mặt ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hay ra cả nước ngoài, nhưng muốn ăn món phở bò ngon như danh tiếng lưu truyền, thì hãy một lần thưởng thức món phở bò Nam Định tại chính mảnh đất Nam Định.

2. Nem nắm Giao Thủy


Nem nắm là món ăn gần gũi với nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu. Nem nắm được dùng làm mồi nhậu quen thuộc trong các cuộc vui dân dã. Nem Giao thủy là đặc sản đáng tự hào của huyện Giao Thủy, Nam Định. Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi nem mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.

3. Kẹo sìu châu

Đặc sản Nam Định trong trí nhớ của nhiều người có khi lại là vị ngọt ngào, giòn tan, bùi ngậy của những viên kẹo lạc sìu châu. Chỉ từ những hạt lạc, hạt vừng, qua bàn tay khéo léo của người dân xứ thành Nam đã tạo nên thứ quà quê đậm đà mà tinh khiết.


Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc, nguyên liệu làm kẹo Sìu châu cũng tương tự gồm lạc, vừng, đường, mạch nha nhưng đặc sản Nam Định thường dùng nhiều lạc ít nha nên thơm và ngon hơn. 

Kẹo sìu châu được ưa chuộng đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về. Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.

4. Kẹo dồi


Kẹo dồi có xuất xứ từ tỉnh Nam Định, ban đầu chỉ được bán trong các chợ ở một số làng quê trong tỉnh. Dần dần, nó đã trở thành một món quà quê, một đặc sản của vùng, tiến đến thành phố và tỏa đi nhiều nơi.Sở dĩ kẹo có cái tên thú vị như vậy bởi nó mang hình dạng giống như món dồi rất được ưa chuộng tại khu vực miền Bắc - Việt Nam. Kẹo có lớp vỏ màu trắng đục, giòn tan, bao tròn lấy nhân lạc rang bùi thơm, ăn không bị quá ngọt hay ngấy. Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi là thứ quà nhâm nhi với nước chè xanh được nhiều người ưa chuộng.

5. Bánh nhãn Hải Hậu

Bánh nhãn không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ đơn giản vì nó tròn và có màu giống quả nhãn. Bánh được làm từ một trong những sản phẩm nông sản của vùng đất nông nghiệp giàu có – loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.


Nguyên liệu làm bánh cũng như các khâu chế biến đều được chọn lựa, thực hiện kĩ càng công phu. Gạo nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn đều phải lựa loại ngon để bánh rán xong tròn trịa, màu giống quả nhãn và đều nhau nhìn bề ngoài có độ bóng. Khi ăn có độ giòn và có vị mát.

Ai đã từng thưởng thức bánh nhãn hẳn không quên hương vị thơm giòn, béo ngậy của bánh. Ngày nay bánh nhãn có mặt khắp nơi trong tỉnh Nam Định, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của địa phương.

6. Bánh xíu páo 


Bánh xíu páo là một trong những thức quà ngon, dân dã của người Hoa trước đây sống trên phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong) thuộc tỉnh Nam Định. Bánh xíu páo có vỏ bóc được ra thành từng lớp như vỏ bánh pía, nhưng nhân bánh là nhân mặn gồm thịt xá xíu, mộc nhĩ, mỡ lợn, trứng gà....Chiếc bánh xíu páo chiên vàng ruộm từ lâu đã là món ăn vặt quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh nơi đây.

7. Bánh gai


Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này. Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.

8. Cá nướng úp chậu

Cá nướng úp chậu chế biến cầu kỳ, thường chỉ được chuẩn bị trong những dịp lễ Tết đầu năm nhưng không vì thế mà mất đi tính đặc trưng của vùng đất Nam Định.


Những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng độc đáo này. Cá có phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức.

Cá lựa con ngon, tươi rói đem úp trong một chiếc chậu chuyên dụng rồi được đốt rơm, om trấu trong khoảng 5 tiếng mới có thành phẩm. Cá hấp thụ nhiệt qua chậu nên không cháy, không chảy nước mà săn chắc tự nhiên rất thơm ngon.
Xem thêm
Người đàn ông đằng sau món ăn đẹp nhất Nhật Bản

Người đàn ông đằng sau món ăn đẹp nhất Nhật Bản


Trong quán nhỏ chỉ dành cho tối đa 10 thực khách của Yoshiaki Tazakawa, những món ăn đều được trang trí rất công phu, đẹp mắt và độc đáo.

Bên trong cánh cửa nhỏ dẫn lên cầu thang với một thứ ánh sáng heo hắt là thế giới riêng của đầu bếp trứ danh Tokyo Yoshiaki Takazawa. Takazawa là chủ của một cửa hàng nhỏ cùng tên chỉ có 10 chỗ ngồi. Ông chủ nhà hàng thân thiện này luôn khuyến khích du khách cùng đồng hành với mình trong suốt chuyến du lịch ẩm thực kéo dài 3 tiếng đồng hồ khi bước chân vào nhà hàng.

Mỗi món ăn trên thực đơn của nhà hàng đều được Takazawa dồn nhiều tâm huyết và đều có một câu chuyện liên quan. Cùng với hương vị quyến rũ, sự độc đáo của các món ăn được làm bởi Takazawa đã khiến cho thực đơn tại nhà hàng của ông trở thành một trong những món ăn được thèm muốn nhất trên thế giới.

Với món ăn Rock on the Seashore (tạm dịch: đá trên bãi biển), Takazawa đã tạo ra từ bánh mì đen trộn khoai tây nghiền để hình thành nên một hòn đá. Đi kèm với món "bánh đá" này là một loại hải sản có xuất xứ từ Tây Ban Nha cùng rong biển đến từ Okinawa. Nói về món ăn đặc sắc này, ông chủ cửa hàng cho biết: "Tôi muốn miêu tả một bờ biển sống động nhất trên bàn ăn. Và tôi cũng muốn tạo nên một điều gì đó khác lạ so với những chiếc bánh thông thường".


Món ăn Rock on the Seashore.

Với món ăn Dinosaur Egg from Miyazaki (Trứng khủng long từ Miyazaki), Takazawa đã thể hiện sự tinh tế đến đỉnh cao trong việc chế biến và trang trí món ăn. Quả trứng khủng long được tạo thành từ bánh trứng đường và xoài nghiền, vỏ trứng được làm từ chocolate và bột nghệ, bột ớt. Dấu chân khủng long được làm từ wasabi.


Món Dinosaur Egg from Miyazaki.

Ayu in Clear Stream (Ayu ở dòng suối trong trẻo) được Takazawa sử dụng một kỹ thuật đặc biệt để tạo thành món ăn. Món ăn này ăn kèm với súp dưa chuột. Món cá Auy khi còn tươi, nó có mùi như một loại rau và không có mùi tanh.


Món Ayu in Clear Stream.

Raindrops (giọt mưa) cũng được nhiều du khách trầm trồ vì vẻ đẹp trong sáng của nó khi được bày lên chiếc lá sen. Takazawa cho biết ông luôn muốn thể hiện các mùa trong năm của Nhật Bản lên các món ăn. Và Raindrops tượng trưng cho mùa mưa.

Món Raindrops.

Ratatouille là một món ăn được làm từ 15 loại rau nấu chín, sau đó gói theo phong cách sushi. Cách thưởng thức món này tuyệt nhất là cho tất cả vào miệng và nhai. Bởi như thế, bạn có thể cảm nhận được từng loại hương vị khác nhau của rau cùng một lúc. "Đây là dấu ấn của tôi trong kỹ thuật nấu ăn", ông chủ cửa hàng tự hào nói về món Ratatouille của mình.


Các món ăn được Takazawa thể hiện rất tinh tế.

Các món ăn được bày biện trên một chiếc bàn nhỏ, trong một cửa hàng nhỏ và được chiếu sáng bởi ánh nến lung linh. Đó là tất cả sự mộng mơ, lãng mạn và thành ý mà Takazawa muốn truyền tải đến cho khách hàng của mình.

Địa chỉ quán:

3-5-2 Sanyo Akasaka, khu Minato, Tokyo, Nhật Bản.

Vài nét về ông chủ cửa hàng:

Yoshiaki Takaza sinh ngày 4/2/1976 trong một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon và bắt đầu học nấu ăn từ khi còn nhỏ. 18 tuổi, ông phụ việc trong các nhà hàng nấu ăn và sau đó đi học nghề. Năm 2005, ông mở cửa hàng của riêng mình. Tên tuổi và nhà hàng của ông thường xuyên xuất hiện trên các trang báo nước ngoài và được nhiều người ca ngợi là "một trong những nhà hàng hàng đầu thế giới làm thay đổi cuộc sống của bạn".
Xem thêm
5 món ăn hấp dẫn cho thời tiết giao mùa

5 món ăn hấp dẫn cho thời tiết giao mùa


Món kem ký "huyền thoại", trái cây đĩa và chè sấu là những món bạn nên đi ăn để cảm nhận vị mát lành khi thời tiết đang chuyển dần sang mát mẻ ở cả Sài Gòn và Hà Nội.

Trong khi Sài Gòn đang bước vào mùa mưa, thì trời Hà Nội cũng đã dần chuyển sang thu, không khí trở nên dễ chịu hẳn. Tuy vậy, vẫn còn đó chút oi nóng cuối mùa khiến bạn nhớ dư âm mát lạnh của những món ngon sau:

1. Kem ký "huyền thoại"

Những ai từng sống và lớn lên ở Sài Gòn, chắc chắn sẽ nhớ đến những ly kem ký đủ mùi, hơi cứng là lạnh tê răng. Sở dĩ gọi món này là "huyền thoại" vì từ lâu các tiệm bán kem ký đã gần như đóng cửa và nếu ai đó có muốn ôn lại hương vị tuổi thơ cũng đành ngậm ngùi vì không tìm ra chỗ bán. Tuy nhiên, kem ký đã xuất hiện trở lại ở một quán nhỏ trên đường Ca Văn Thỉnh, quận Tân Bình.

Người lớn lẫn trẻ nhỏ kéo đến nườm nượp. Giá kem ký vẫn như xưa, rẻ và nhiều. Nếu đi hai người, bạn chỉ nên kêu đĩa nhỏ 18.000 đồng, vì nếu kêu đĩa lớn có thể sẽ không ăn hết. Ngoài kem ký, ở đây còn bán các món chiên như há cảo, cá viên, tôm viên và các loại nước với giá trung bình chỉ từ 7.000 đồng. 


Đĩa kem ký nhỏ dành cho hai người ăn. 

2. Trái cây đĩa

Nói đến trái cây đĩa, phải nhắc đến con đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, Sài Gòn. Dọc con đường này, các quán bán trái cây đĩa xếp san sát nhau. Bạn có thể ngồi trong nhà hoặc trên lề đường và gọi cho mình một đĩa trái cây thêm dừa. Nếu không muốn ăn loại trái nào đó, bạn có thể yêu cầu không bỏ vào.

Một đĩa trái cây có giá 22.000 đồng và nếu bỏ thêm dừa sên (vị rất ngon) thì sẽ có giá 25.000 đồng. Khách hàng tìm đến con đường này thường là sinh viên - học sinh, những đôi yêu nhau và nhóm bạn. Theo kinh nghiệm thì bạn đừng nên vào vội những quán đầu đường, mà nên đi vào các quán ở phía cuối, trái cây tươi và đồ chiên ăn kèm cũng chất lượng hơn. 


Đĩa trái cây cho thêm nhiều dừa sên này có giá 25.000 đồng. Bên dưới có nhiều loại như dưa hấu, sapôchê, mít, thơm... 

3. Tàu hũ đá

Nơi bán tàu hũ đá đông khách và có giá "mềm" có lẽ là quán trên đường Ngô Quyền, quận 10, Sài Gòn. Mỗi lần đi qua là thấy mọi người ngồi san sát nhau để ăn món tàu hũ đá. Bên cạnh tàu hũ đá, quán còn bán các món chè thái, chè đậu, cocktail, nhãn nhục...

Những ngày trời oi bức, ăn một ly tàu hũ đá đặc sánh, vị ngọt dễ chịu còn vương trong miệng quả thật rất tuyệt. Giá một ly tàu hũ đá chỉ khoảng 6.000 đến 8.000 đồng. Ngồi ăn tàu hũ đá trên những chiếc ghế nhựa, bạn còn có thể ngắm xe cộ qua lại. Nếu đã tới đây, không ai lại ăn một ly rồi về, mà thường ăn từ 2-3 ly mới đứng lên. 


Nhìn ly tàu hũ đá khá bình thường, nhưng vị của nó nếu đã thử qua một lần sẽ lại muốn nếm thêm lần thứ hai, thứ ba. Khi ăn nên khuấy kỹ phía dưới để đường tan đều. 

4. Nước sấu

Món giải khát mùa hè ở Hà Nội được nhiều người ưa thích đầu tiên phải kể đến là nước sấu. Tuy nhiên, khi thời tiết đã chuyển mùa, cũng không quá khó để bạn tìm thấy những cốc nước sấu mát lành. Cách đơn giản nhất là bạn đến các quán nước vỉa hè trong thành phố.

Bên cạnh trà đá, nhân trần và các loại nước đóng chai, mỗi quán này sẽ có một hộp sấu ngâm bên cạnh. Khi khách gọi, chủ quán chỉ việc pha thêm nước lọc và đá là có ngay để phục vụ với giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng một cốc. Tùy từng nơi mà sấu ngâm còn có có thêm gừng hoặc dứa để tạo hương thơm hấp dẫn. 


Mỗi cốc nước sấu có khoảng 3-5 quả nhưng đủ mang đến cảm giác giòn chua hấp dẫn cho người ăn. Ảnh: hotdeal

5. Chè sen

Một món ngon nữa mà bạn không nên bỏ qua khi có dịp đến Hà Nội vào thời gian này chính là chè sen. Để có được món ăn mát bổ này, hạt sen là thành phần không thể thiếu, thường có nhiều vào cuối hạ, đầu thu. Với những hàng quán không quá cầu kỳ, một cốc chè đôi chỉ cần nấu hạt sen với đường, khi xong bỏ thêm cánh hoa nhài cho thơm cũng đủ làm người ăn mê mẩn.

Tuy nhiên, được lòng hơn cả vẫn là món chè sen long nhãn với đủ vị ngọt, bùi hấp dẫn. Các cô cậu học trò vẫn thường rỉ tai nhau ra phố Thiền Quang hoặc Hàng Bạc ăn chè sen mỗi khi tan lớp. Lạ miệng hơn là chè sen nước dừa trên phố Bát Đàn với vị ngọt tự nhiên.


Chè sen long nhãn. 


Xem thêm
Những đặc sản có một không hai của miền Tây

Những đặc sản có một không hai của miền Tây


Những con đuông to tròn ngọ nguậy trong chén nước mắm hay rắn mối nằm chễm chệ trên chiếc đĩa ăn đôi khi sẽ làm bạn sợ sệt khi có ý định thưởng thức.

Ngoài các món quen thuộc có vẻ ngoài dễ nhìn thì miền Tây còn có những món ăn làm du khách e ngại khi nhìn thấy. Tuy nhiên đó là những món đặc sản có một không hai và luôn là món khoái khẩu của rất nhiều người. 

1. Đuông dừa

Đuông dừa là một loài ấu trùng của bọ cánh cứng như kiến dương. Loài bọ này thường chọn những cây dừa to khỏe để đẻ trứng, nở thành ấu và ăn cổ hũ dừa để lớn dần. Đây là một trong những đặc sản quý của người sành ẩm thực. Tuy ngon nhưng không phải ai cũng dám thử vì nhìn hình dáng lúc đầu nhiều người vẫn tưởng là loài sâu hơn là một món đặc sản. 

Đuông dừa được biến tấu thành nhiều món hấp dẫn. Dễ chế biến và được nhiều người ưa thích là đuông dừa sống ăn kèm với nước mắm ớt. Những con đuông còn sống được thả vào chén rượu trắng để tự thải ra các chất bẩn sau đó rửa sạch và cho vào chén mắm ớt. Nhìn con đuông ngọ nguậy nhiều người sẽ không dám động đũa nhưng đã thử thưởng thức qua, vị béo ngọt sẽ làm du khách thòm thèm. Ngoài ăn sống, đuông còn được chế biến thành nhiều món thơm ngon khác như đuông chiên bơ, đuông hấp sôi hay đuông dừa nấu cháo. 


Đuông dừa sống chấm nước mắm ớt sẽ khiến nhiều người sợ sệt khi thưởng thức. 

2. Rắn

Rắn có lẽ là loài động vật khiến nhiều người sợ hãi nhất vì có hình dáng ghê rợn. Miền Tây là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn và mùa lũ là lúc người dân nơi đây săn bắt được nhiều nhất. Khi nước lũ tràn về, tổ rắn bị ngập nước. Chúng trôi theo dòng nước và được thợ săn đón lõng rồi dùng vợt để bắt. 

Món ăn từ rắn rất phong phú và hầu như món nào cũng ngon. Phổ biến nhất phải kể đến rắn nấu cháo đậu xanh, xào xả ớt, nướng trui, hầm xả, lẩu rắn, gỏi rắn… Đặc sản miền Tây không chỉ phong phú mà cả cách chế biến cũng rất điệu nghệ. Nhiều người làm khô rắn để dành ăn dần hay đãi khách quý gần xa.



Món rắn ngày nay có nhiều trong các nhà hàng
3. Rắn mối

Là loài bò sát có hình dáng giống kỳ nhông nhưng mập hơn và có lớp vảy bóng, rắn mối sống quanh vườn nhà và ăn các con mối. Rắn mối có nhiều nhất ở miền Tây và xuất hiện quanh năm. Người dân nơi đây bắt rắn mối bằng cách kiếm vài con tép trấu móc vào lưỡi câu và đặc dọc hè nhà. Chỉ cần thấy con mồi ngoe nguẩy thì chắc rằng con rắn mối sẽ bị dính câu.

Sơ chế rắn mối bằng cách làm sạch sau đó nhúng vào nước sôi và cạo sạch vảy. Chặt bỏ hết phần đầu, chân và bỏ ruột, tuyệt nhiên không được bỏ đuôi vì đây là phần ngon và bổ nhất. Sau đó, rắn mối được chiên giòn nguyên con và ăn với mắm ớt.

Nhìn những con rắn mối chình ình trên đĩa nguyên con bạn sẽ cảm thấy e ngại vì dáng hình lạ lẫm, tuy nhiên khi đã ngấm qua vị thơm, thịt của nó sẽ khiến bạn muốn thưởng thức thêm lần thứ hai. Ngoài chiên rắn mối còn nhiều cách chế biến khác như xào sả ớt hay nướng mọi.


Rắn mối ngày nay được nuôi và bày bán khắp mọi nơi.
4. Dơi

Người miền Tây kháo nhau rằng “muốn ăn thịt dơi thì về miền Tây”, đủ để thấy rằng đây cũng là một trong những món đặc sản của vùng đất này. Tuy nhiên để thưởng thức được món ăn với dáng hình kỳ dị này thì không hề dễ dàng chút nào. Bởi thịt dơi được xem là món ăn khó chế biến, từ công đoạn săn bắt đến khâu sơ chế để thành món ăn được nhiều dân nhậu thèm thuồng. Người miền Tây phân biệt dơi gồm hai loại: dơi sen và dơi quạ. Dơi sen là loài dơi nhỏ bay tầm thấp vào những lúc trời nhá nhem tối, còn dơi quạ lớn hơn, bay tầm cao vào lúc trời tối khuya.

Dơi được lột da rút hết bộ ruột sau đó chế biến thành món nhắm rượu. Đặc biệt khi sơ chế dơi không được rửa qua nước, nếu không thịt sẽ mất đi hương vị thơm ngọt vốn có. Sau đó, dơi được chế biến thành nhiều món như khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải hoặc cuốn bánh tráng. Thịt dơi được xem là ngon nhất khi đem nấu cháo với đậu xanh vừa mát, vừa bổ và tăng cường sinh lực. 


Món ăn độc đáo này được xem là ngon nhất trong các món ăn có hình thù lạ lẫm. 

5. Chuột

Những cánh đồng trù phú, bát ngát ở miền Tây thích hợp cho các loài chuột đồng sinh sôi và phát triển. Tuy là loài động vật phá hoại mùa màng nhưng chuột cũng là món đặc sản khiến nhiều người mê mẩn. Nhìn dáng vẻ bè ngoài nhiều người cũng e dè thưởng thức, nhưng khi đã một lần nếm qua những món ăn chế biến từ chuột đồng không ít người sẽ tặc lưỡi vị mùi thơm ngon có một không hai này.


Người nước ngoài xem thịt chuột là món ăn “kinh dị”.

Thịt chuột đồng được chế biến thành nhiều món đặc trưng, thơm ngon và ngọt thịt nhất vẫn là chuột nướng trui ngay ngoài đồng, lột da xé miếng chấm muối ớt hay muối tiêu chanh. Nhiều người còn biến tấu thêm nhiều món độc đáo khác như chuột hấp chanh, chuột nấu cơm mẻ, chuột xào lăn, quay lu hay khìa nước dừa… Chuột đồng đã trở thành thương hiệu độc đáo của người miền Tây khi đã có mặt tại các nhà hàng, quán ăn sang trọng khắp ở Sài Gòn.
Xem thêm
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014
Bánh nào ngon cho ngày Trung Thu?.

Bánh nào ngon cho ngày Trung Thu?.


Tinh tế hay giản đơn, hiện đại hay truyền thống, mỗi người đều có cách lựa chọn bánh Trung thu của riêng mình. Bánh nào mới là ngon cho ngày Tết đoàn viên này?

Tuổi thơ là thứ quả dịu ngọt mà mỗi lần nếm người ta khó quên được vị của nó trong suốt quãng chiều dài nỗi nhớ. Chẳng có tuổi thơ nào là tuyệt diệu hơn bởi trong tim mỗi người đó luôn là quãng thời gian dịu mát nhất.

Tôi nhớ Tết Trung Thu của những đứa trẻ con xóm nghèo chúng tôi. Hằng năm chỉ mong chờ 1-6 và Rằm Trung thu để xếp hàng rồng rắn kéo đuôi nhau đến nhà văn hóa xóm. Mâm cỗ trông trăng vỏn vẹn bánh dẻo và bánh nướng với miếng mứt bí hoặc miếng thịt mỡ béo ngậy, những con vật xếp hình ngộ nghĩnh từ múi bưởi chua nhưng đứa nào cũng háo hức chờ phá cỗ. Tôi nhớ món bánh Trung thu “xịn” mà mẹ mua chiêu đãi cả nhà Trung thu năm xưa. Đó là chiếc bánh có nhiều vị “ngon” nhất mà tôi từng được nếm. Tôi nhớ cái nhìn thèm thuồng và ánh mắt tự hào của đứa nhỏ là tôi khi đó lúc được cầm trong tay miếng bánh “xịn” mẹ cho.

Trung thu bây giờ tôi không còn tìm thấy cái nhìn háo hức của lũ trẻ năm xưa. Không còn tìm thấy cái nhìn thèm thuồng và khao khát những món quà bánh đắt tiền. Thế giới đang đổi thay từng ngày và thậm chí chỉ vài cú nhấp chuột người ta cũng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình bất kỳ thương hiệu uy tín nào, đủ nhân và đủ vị.


Những người yêu thích hương vị mê ly của bánh ngọt Pháp hẳn sẽ không bỏ qua các loại bánh nhân tiramisu trà xanh (matcha) vị nhẹ nhàng phảng phất hòa cùng vị ngọt thanh đặc trưng của Tiramisu. Với một cô gái mơ mộng, vị béo ngậy và ngọt ngào của bánh phô mai cà phê chắc chắn sẽ không bao giờ là nỗi thất vọng. Có thể thưởng thức cùng một ly capuchino hay tách trà nóng trong những ngày chớm thu se se lạnh này.


Nhiều người đã bắt đầu thấy chán ngấy với các vị bánh truyền thống, vậy là thị trường bánh Trung Thu năm nay xuất hiện thêm nhiều loại bánh với nhân mới lạ, hấp dẫn như bánh nhân kem lạnh, các loại bánh rau câu ngọt mát, bánh nhân chay hay bánh sử dụng đường ăn kiêng v.v…


Sự thay đổi và đa dạng của các loại bánh Trung thu cũng khiến cho cách thưởng thức bánh Trung thu thêm phong phú. Nếu như trước đây, bánh trung thu thường được thưởng thức cùng với tách trà mạn thì bây giờ, người ta có thể chọn cho mình một ly rượu vang. Cũng gần giống với tác dụng của trà mạn, rượu vang có chưa nhiều amino acid, chất khoáng và vitamin có thể loại bỏ cảm giác ợ bụng khi ăn nhiều bánh trung thu có chứa nhiều dầu mỡ và đường. Ngoài ra, rượu vang còn có giúp cho quá trình tiêu hóa lượng dầu mỡ trong bánh trung thu, loại bỏ cảm giác béo ngậy và nhanh chán khi ăn đồ ngọt.


Tinh tế hay giản đơn, hiện đại hay truyền thống, mỗi người đều có cách lựa chọn của riêng mình. Còn tôi, Trung Thu năm nay, tôi vẫn lựa chọn giản đơn truyền thống. Nghĩa là một hộp bánh nướng, dẻo trứng muối đậu xanh cùng một ấm trà thơm phức. Dù có thể lũ trẻ con tôi không còn cái nhìn thèm thuồng và khao khát chờ đợi món bánh Trung thu như tôi lúc xưa nhưng quây quần bên gia đình trong những ngày này vẫn là điều thiêng liêng nhất mà tôi muốn chúng trân trọng
Xem thêm
Ba chốn ăn quà vặt “nức tiếng” ở Hà Thành

Ba chốn ăn quà vặt “nức tiếng” ở Hà Thành


Không chỉ trẻ con, người lớn thích thú mà khách nước ngoài đến Hà Nội cũng mê mẩn những món quà vặt ở ba chốn này…

Chợ Nghĩa Tân

Ra đời sau nhưng các hàng bánh mì chảo đang trở thành "thương hiệu" mới cho khu vực Nghĩa Tân. Hiện nay tại đây có khoảng 5 hàng bánh mì chảo với chất lượng và giá cả khá tương đồng. Món bánh mì đẹp mắt, đầy đặn với nước sốt chua ngọt đặc biệt đang là món được các bạn sinh viên vô cùng ưu ái.


Khu chợ Nghĩa Tân khá rộng, món nổi tiếng hàng đầu là tào phớ. Chỉ với khoảng 6.000 đồng là bạn đã có thể thưởng thức bát tào phớ thơm ngon với các nguyên liệu ít nơi có được đầy đủ như nước dừa, thạch xanh, lạc, dừa khô, dừa tươi...

Đây là địa điểm tụ tập của nhiều học sinh, sinh viên cũng như giới văn phòng làm việc quanh khu vực này. Tào phớ ở đây mịn, mướt và có màu ngà tự nhiên chứ không mang màu trắng của thạch cao hay các loại phụ gia thực phẩm khác.

Đưa một miếng tào phớ lên miệng, vị ngọt thanh của nước đường, sự mịn màng thanh nhã của tào phớ và mùi thơm của hoa nhài khiến cho cơn khát mau chóng được giải tỏa.


Ngay gần đó là các hàng thịt xiên nướng, bánh mì bơ cực hấp dẫn. Chỉ cần di chuyển một đoạn rất ngắn nữa, bạn đã lạc vào khu đồ ăn "chống đói" hiệu quả như cháo trai, bánh giò, bánh tẻ, bún đậu...với giá cả phải chăng, hàng quán lại san sát tha hồ lựa chọn.

Không chỉ nổi tiếng nơi buôn bán đông đúc nhất Hà Thành, chợ Đồng Xuân còn được coi là khu chợ ẩm thực yêu thích của nhiều du khách. Bạn sẽ tìm thấy những mon ngon quen thuộc nhưng với cách chế biến và hình thức tương đối lạ như bún chả que, phở hủ tíu... Bún ốc ở chợ thì khó nơi nào có thể bì kịp về chất lượng và giá cả.

Chợ Đồng Xuân

Ở đây mặc dù không niêm yết, song giá đồ ăn bán tại ngõ chợ Đồng Xuân cao nhất chỉ 35.000 đồng.


Có những quán ăn đã tồn tại ở đây ngót ngét gần 100 tuổi và được xem là nghề gia truyền. từ những ngày chiến tranh, người ta vừa trú ẩn dưới hầm vừa bán bún.Cho tới bây giờ mỗi ngày quán phục vụ vài trăm thực khách.

Bún chả kẹp que tre nướng là món ăn ít thấy trên các tuyến phố của thủ đô nhưng riêng tại ngõ chợ này, các hàng bún chả kẹp tre nằm san sát nhau, hàng nào cũng đông nườm nượp khách. Giá bún chả kẹp tre ở đây chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bát, rẻ hơn các nơi khác ở Hà Nội.




Cũng ở đây, mỗi đĩa bánh tôm đủ cho một người ăn no có giá chỉ 25.000 - 30.000 đồng. Giá rẻ, bánh ngon, mùi tôm chiên bùi bùi, thơm phức là những "điểm cộng" giúp quán đắt khách cả ngày.

Nhiều khách nước ngoài tìm tới ngõ chợ Đồng Xuân không chỉ để thưởng thức một cách nhanh nhất, kinh tế nhất các món ngon đặc sản Hà thành mà còn bởi thái độ phục vụ luôn vui vẻ, chu đáo của các bà chủ quán

Chợ Thành công

Theo một số người dân, trước đây, chỉ có một vài quán bán cháo, chè phục vụ phụ huynh học sinh và các em nhỏ trường mầm non đối diện. Sau này, thấy buôn bán có lời lãi, nhiều hộ dân cư xung quanh cũng mở thêm hàng quán.


Tại nơi đây, bạn có thể tìm thấy đủ các món ăn vặt yêu thích thay vì phải lặn lội xách xe chạy... quanh Hà Nội. Từ bún đậu, bún chả, phở cuốn, cháo, miến, nộm tới các món "hảo ngọt" như chè, bánh trôi tàu... bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy một quán ưng ý ở khu chợ này.

Trong chợ có một hàng cháo trai rất nổi tiếng với cháo được xay nhuyễn, trai và quẩy đều giòn dai, đậm đà rất hấp dẫn. Được biết cháo trai ở đây được nấu theo công thức Huế nên mới sánh đặc, quyện dính như hồ và thơm mùi bột gạo ngon lành như thế.

Điểm khác biệt nữa của món cháo trai bán ở đây là một bát cháo tương đối bé. Có thể do bán quen cho trẻ con nên người bán chỉ định lượng trong bát nhỏ. Người lớn muốn ăn nhiều thì cứ việc ăn thêm bát mới chứ không phân biệt bát lớn, bát nhỏ như các hàng cháo thông thường.

Tuy nhiên, với vô vàn món ngon ở đây, bạn cũng đừng quá tham khi ăn 2 bát, hãy để dành bụng để khám phá các món ăn khác.

Bên cạnh các loại chè, bạn cũng có thể thử các loại nộm rất ngon ở nơi đây để giải nhiệt, chống ngấy trong những ngày hè nắng nóng. Ngoài nộm bò khô còn có rất nhiều loại nộm độc đáo như nộm tai hoa chuối, nộm nem chạo, nộm sứa, nộm lá lách...

Chỉ khoảng 30 phút dừng chân ở đây, bạn có thể được thưởng thức rất nhiều món ăn yêu thích mà không phải chạy khắp nơi như mọi khi.
Xem thêm
Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014
Các món lạ miệng chế biến từ đậu rồng

Các món lạ miệng chế biến từ đậu rồng

Đậu rồng được trồng khá nhiều ở các tỉnh Nam Bộ, được dùng để chế biến các món ăn xào, gỏi, canh chua..., tuy dân dã nhưng rất hấp dẫn với những ai đã từng thưởng thức một lần.

Cây đậu rồng còn có các tên khác như: đậu khế, đậu vuông, đậu xương rồng… (vì quả có 4 khía giống quả khế hoặc thân cây xương rồng). Nhờ có vị ngọt, giòn và mang giá trị dinh dưỡng cao, đậu rồng thường được người dân ở các tỉnh phía Nam chế biến thành các món ăn đa dạng trong những bữa cơm gia đình như món xào, trộn gỏi hay muối chua...


Đậu rồng ngon trái hơi to, dài, màu xanh mượt, bóng láng. Ảnh: Lan Thoa


Đậu rồng ngon là trái phải to, vừa phải, có màu xanh nhạt là trái non. Trước khi chế biến phải tước bỏ xơ và rửa sạch. Món đơn giản nhất là xào, có thể xào đậu rồng với thịt bò, heo hoặc với nấm. Đậu rồng sau khi được cắt bỏ hai đầu và cắt lát xéo, sẽ đem luộc sơ với nước sôi có pha một ít muối, xong cho ra rổ để ráo nước. Làm như thế đậu sẽ có màu xanh nuột hấp dẫn, khi xào nhanh chín và ít ra nước hơn. Thịt được xào chín cho săn, sẽ bỏ đậu rồng vào đảo đều tay, nêm nếm gia vị vừa ăn, cho thêm chút hành ngò là đã được một món xào thơm ngậy. Còn khi xào chay với nấm thì ta cần xào hai chảo riêng, sau đó mới cho hỗn hợp nấm, đậu rồng vào đảo sơ lại. Để đảm bảo cho món ăn không bị mềm và ra nhiều nước.

Ngoài ra, đậu rồng còn được dùng để làm gỏi cùng với mực và cà rốt, tạo vị giòn chua đặc biệt. Khi làm món này đậu rồng sẽ được ngâm với nước muối nhạt, sau đó thái vát và ngâm ngay vào nước lạnh để giữ màu xanh. Cà rốt bào vỏ thái sợi, mực thái miếng đem hấp chín. Sau đó, mực cho vào tô rưới nước pha gồm đường, tương ớt, nước mắm, vừng, để khoảng 15 phút cho thấm. Cuối cùng, cho cà rốt, đậu rồng mực vào trộn chung.


Đậu rồng trộn gỏi với thịt heo và hành tây trông rất bắt mắt. Ảnh: vnsharing.


Đậu rồng còn được dùng để nấu canh chua. Nguyên liệu rất đơn giản: cá, me và đậu rồng. Cách chế biến như nấu canh chua cá, khi nước sôi cho đậu đã cắt miếng vào. Món canh vừa có vị chua từ me, vừa ngọt từ đậu là món giúp thanh nhiệt trong mùa hè nóng bức.

Loại thực phẩm này còn có thể được rán sốt ớt rất hấp dẫn và lạ miệng. Đậu sẽ được nhúng vào bột rán hòa sẵn có lòng đỏ trứng gà, đem chiên giòn, vớt ra, để ráo dầu. Nước sốt ớt làm từ ớt sừng, hành, tỏi, nước mắm, bột năng. Khi ăn rưới sốt ớt lên đậu, vị cay xè của nước ớt hòa cùng từng miếng đậu rồng rán vàng ươm và giòn tan đến đầu lưỡi gây cảm giác thú vị và mê mẩn cả người.

Khi chán ngấy với những món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm từ thịt cá. Mọi người thường có xu hướng tìm đến các món muối chua và đậu rồng cũng thường được người ta muối kèm với cà rốt, dưa cải, cà pháo.... Hoặc nhiều người cũng rất ưa món đậu rồng luộc hay ăn sống chấm với mắm, cá kho, thịt kho. Đặc biệt, trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng, đậu rồng được trộn chung với sốt mayonnaise thành món salad khai vị.


Đậu rồng luộc ăn kèm chao, nước mắm hoặc nước tương pha thêm chanh, ớt. Ảnh:Lan Thoa


Ngày nay, bên cạnh thu hoạch trái người ta còn tận dụng hạt đậu rồng làm nguyên liệu chế biến bột dinh dưỡng, ép lấy dầu hoặc rang xay để chế biến một loại thức uống có hương vị như cà phê. Hoa có màu xanh nhạt được sử dụng làm màu thực phẩm cho các món cơm hay bánh ngọt.
Xem thêm
Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014
Bản đồ ẩm thực miền Trung tại Kon Tum

Bản đồ ẩm thực miền Trung tại Kon Tum

Dù không ghé qua dải đất miền Trung nhưng du khách vẫn có thể nếm thử những đặc sản nổi tiếng như mì Quảng hay nem nướng Ninh Hòa khi có chuyến du lịch ở vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Dưới đây là một số địa chỉ mà du khách có thể thưởng thức món ngon tại Kon Tum.

1. Mì Quảng


Mì Quảng được bán tại đường Phan Chu Trinh, Kon Tum. Ảnh: T.P

Nhắc đến Quảng Nam, nhiều người thường nghĩ tới món mì Quảng ngon nổi tiếng. Đây là món mì được làm từ bột gạo xay mịn, tráng thành bánh sau đó thái những sợi mỏng. Mì Quảng có phần nước dùng rất ít, điều làm nên đặc trưng của món ăn này. Thông thường sau khi đặt lên trên lớp mì nào là tôm, thịt heo nạc, thịt gà, rau thơm gồm rau trà quế, rau húng, hoa chuối thái mỏng, lạc rang giã nhỏ,... người bán sẽ chan lên bát mì một loại nước dùng được ninh từ tôm và một số gia vị khác. Mì Quảng có vị tự nhiên, sợi mềm, dai,... khiến khách ăn một lần là nhớ mãi không thôi. Chẳng vậy mà mà món ngon này được rất nhiều người yêu thích. 

Tại Kon Tum, những tín đồ ẩm thực có thể tới đường Phan Chu Trinh để thưởng thức món ngon độc đáo, đậm chất miền Trung này.


2. Các món lươn xứ Nghệ


Cháo lươn có vị ngọt tự nhiên, hấp dẫn. Ảnh: Huấn Phan

Lươn là một trong những đặc sản nổi tiếng và ngon hấp dẫn tại xứ Nghệ. Chẳng vậy mà món ngon này xuất hiện ở rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, và tất nhiên không ngoại trừ Kon Tum. Với những thực khách mê mẩn các món lươn xứ Nghệ có thể tìm thấy ở Kon Tum súp lươn và cháo lươn. Mặc dù không đa dạng cá món như tại chính quê hương của nó nhưng chứng đó cũng đủ làm thực khách hài lòng.

Cháo lươn xứ Nghệ ở Kon Tum vẫn đủ đầy như hương vị truyền thống, đó là vị béo ngậy của lươn đồng hòa cùng cái ấm nóng của cháo và ớt cay nồng. Hay như súp lươn với màu sắc bắt mắt từ vàng của nghệ, xanh của hành lá, mùi tàu và khi nếm thử mới thấy mùi tanh không còn. Trường Chinh và Hùng Vương là hai con đường mà du khách có thể thưởng thức các món ngon độc đáo này.


3. Ẩm thực Ninh Hòa


Nem nướng được làm từ những nguyên liệu tươi nhất. Ảnh: Huấn Phan

Một trong những món ngon miền Trung mà người dân tại Kon Tum thường tìm thưởng thức khi ghé qua đường Lê Hồng Phong chính là nem nướng và bún cá. Sở dĩ hai món ăn này hấp dẫn thực khách tới vậy vì được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon nhất. Trong khi nem nướng được làm từ thịt heo còn tươi giã nhuyễn, trộn đều với mỡ thái hạt lựu, tỏi, tiêu, đường… sau đó nắm thành thanh dài rồi xiên que và nướng chín trên than hồng, thì bún cá được chế biến từ chả cá thác lác được làm khéo léo cùng các gia vị đi kèm như dứa, cà chua,...


4. Bún sứa


Bún sứa chỉ nhìn thôi đã thấy ngon miệng. Ảnh: dulichvietnam

Được xem như món ăn đặc trưng của biển miền Trung nên bún sứa chính là món ngon mà du khách có thể thưởng thức ngay tại Kon Tum mà không phải di chuyển tới Nha Trang, Phan Thiết hay Bình Định,.. Với thành phần chính gồm sứa biển, bún ăn kèm rau sống, mỗi một bát bún sứa mang đến cho thực khách những dư vị khó có thể quên. Đó là vị giòn sần sật của sứa được làm kỹ, vị ngọt đậm đà của nước hầm xương và vị cay cay của ớt dầu. Có thể hương vị không thể trọn vẹn như chính tại dải đất miền Trung nhưng với sự có mặt tại Kon Tum thì bún sứa vẫn là một gợi ý nên thử cho những ai bỗng nhiên nhớ hương vị quê nhà. 

Bún sứa Kon Tum được bán trên đường Đoàn Thị Điểm


5. Bánh gói 


Phan Đình Phùng là con đường của bánh gói miền Trung. Ảnh: thanhnien

Là một loại bánh khá giản dị, bánh gói không chỉ được người dân miền Trung yêu thích mà ngay tại Kon Tum, món ngon này cũng giữ nguyên được sự hấp dẫn của mình. Bánh được làm từ bột gạo pha với nước dứa, bên trong có nhân đậu xanh và mỡ heo cùng hành lá. Khách nếm thử hãy chầm chậm bóc lớp vỏ lá chuối xanh bên ngoài để lộ tấm bánh đầy đặn bên trong. Cắn một miếng mà cảm nhận được mùi thơm của thịt quyện cùng phần đậu xanh hấp dẫn. Khách có thể tìm mua cho mình món bánh ngon này trên đường Phan Đình Phùng.
Xem thêm
Thưởng thức vị cà phê khác lạ ở châu Âu

Thưởng thức vị cà phê khác lạ ở châu Âu

Cà phê không chỉ được coi là "quốc hồn quốc túy" của quốc gia vùng Đông Nam Âu Bosnia-Hercegovina mà còn là biểu trưng cho bản sắc con người nơi đây.


Trong khi các nước Tây Á, Bắc Phi và Đông Nam châu Âu đều phục vụ cà phê tương tự như của Thổ Nhĩ Kỳ (cùng một phương pháp với bột cà phê, họ chỉ thêm tên gọi của vùng sản xuất) thì Bosnia-Hercegovina là một trong số ít các quốc gia đặt tên cà phê không đơn giản vì tự tôn dân tộc và nhằm tạo một nét riêng.

Nếu muốn nếm hương vị cà phê cùng người dân bản địa thì bạn hãy gọi một tách ở Nanina Kuhinja. Đây là một nhà hàng nằm gần quảng trường Bascarsija, thủ đô Sarajevo của Bosnia. Những khách quen ở đây sẽ cho bạn biết “cà phê Bosnia không hề giống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ”, và sự khác biệt đó nằm ở chính quá trình pha chế.


Một góc phố của Sarajevo. Ảnh: Patrick Horton.


Cả hai loại cà phê đều cùng được rang lên tán nhỏ thành bột và nấu trong một chiếc ấm nhỏ có tay cầm gọi là džezva. Người Thổ Nhĩ Kỳ có cách nấu truyền thống là thêm vào ấm džezva một lượng đường tùy ý cùng nước lạnh trước khi đặt vào bếp. Còn khi pha cà phê Bosnia, nước lạnh được cho vào bếp trước, khi nước sôi thì rót một phần lưu ra ngoài. Cà phê lúc đó mới được cho vào ấm džezva và đặt lên lửa nhỏ trong vài giây để sôi trở lại đến khi nước tràn và tạo bọt. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần và lượng nước nóng lấy ra lúc trước được thêm vào ấm džezva.

Đối với những người sành sỏi chỉ cần vài phút là phát hiện ra điểm khác nhau khi uống. Công đoạn thêm nước nóng vào sau cùng của người Bosnia làm cho lớp bọt dày hơn và vị cà phê đậm hơn. Với những du khách lần đầu thử, khi nhìn vào cách phục vụ sẽ thấy được điểm khác giữa cà phê của Bosnia và của Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Thổ Nhĩ Kì thì ấm džezva đặt trong bếp, không mang ra bàn khách và cà phê được đựng trong một tách nhỏ. Còn ở Bosnia, cà phê được phục vụ bằng một khay kim loại có nguyên cả ấm džezva, cùng một tách gốm không, một ly nước trắng, một đĩa nhỏ đựng đường viên và một loại kẹo gọi là rahat lokum.

Khi bạn thưởng thức cà phê Bosnia thì hãy nhấp từng ngụm nhỏ trước. Dùng thìa vớt lớp bọt bên trên rồi khuấy cà phê trong ấm džezva (cà phê không có bọt thì không còn là cà phê Bosnia nữa). Nếu bạn là người thích uống ngọt thì không nên cho cả viên vào cà phê mà nên cắn một miếng nhỏ giữ trong miệng rồi hớp một ngụm cà phê. Cách uống này giúp bạn cảm nhận rõ rang hơn cả vị ngọt và đậm đà của cà phê Bosnia.


Cà phê Bosnia không phải cà phê Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Vladimir Dostalek


Có hai điểm thú vị khi phục vụ cà phê trong ấm džezva. Thứ nhất chính là cặn sẽ lắng lại (đây cũng là đặc điểm của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ) ở đáy ấm chứ không phải ở tách. Điều thứ hai nằm ở lớp đồng được mạ trên ấm džezvas giữ cho cà phê nóng lâu hơn. Tách uống cà phê ở Bosnia là loại nhỏ nên lượng cà phê bạn uống ít hơn bình thường nhưng hương vị lại đậm đà hơn. Ngoài ra, người Bosnia có thói quen ngồi trò chuyện hàng giờ bên tách cà phê. Họ coi cà phê là thức uống của quốc gia, việc uống cà phê là một phong tục truyền thống đóng vai trò quan trọng trong các buổi tụ họp.

Đến Bosnia, du khách sẽ có phần ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh thanh niên nước này đang say sưa uống espresso ở các quán cà phê nằm trên những con phố cổ. Mặc dù họ thích thưởng thức cà phê của châu Âu hơn là cà phê Bosnia nhưng vẫn giữ nguyên cách uống chậm rãi và thong thả. Đặc biệt rất hiếm khi thấy họ vừa uống vừa dùng điện thoại di động. Họ chỉ đơn giản là ngồi trò chuyện và uống cà phê cùng bạn bè, tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt của cuộc sống.
Xem thêm
Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014
Khoai Mán dị hình hấp dẫn người miền xuôi

Khoai Mán dị hình hấp dẫn người miền xuôi


Khoai sọ mán thường được bà con dỡ bán vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10, tháng 11, và cũng phải tiêu thụ cho nhanh, giống này không cất lâu để dành như khoai sọ bình thường.


Khoai sọ mán khi nấu lên thì dẻo, thơm, chắc khoai chứ không bở bung như khoai môn

Khoai sọ mán có nguồn gốc, hình thù, màu sắc không giống các loại khoai khác và đó chính là nét làm nên sự đặc sắc. Theo nhiều người thì có mua khoai về trồng cũng không có củ, chỉ người Dao Mộc Châu trồng mới được.

Nhiều người quen gọi món khoai sọ này là khoai sọ mán do người Dao vùng đất Mộc Châu (Sơn La) trồng. Một số vùng đất khác cũng có món khoai này nhưng xét về độ thơm ngon thì khoai do của người Dao là đúng chất và ngon nhất.

Chả biết phải thế không mà đi nhiều nơi, nhìn thấy và ăn nhiều loại khoai sọ, chẳng đâu thấy khoai sọ mán giống ở Mộc Châu. Nó không tròn, nhỏ như khoai bon, không có màu tim tím tròn trĩnh như khoai môn.

Khoai sọ mán liệt vào loại củ dị dạng được. Nó chẳng có hình thù nào mà gọi tên. Các mầm củ cứ đẻ ra lộn xộn thành những u, những mấu và to dần lên. Bổ củ khoai ra cũng không mấy khi thấy màu trắng ngần. Củ khoai có màu vàng nhạt, càng già màu vàng càng rõ hơn.


Dị hình, dị màu thế nhưng ai ăn một lần chắc chắn sẽ còn muốn có nhiều lần khác được thưởng thức nó. Sau khi gọt vỏ rửa sạch có thể thái miếng bằng bao diêm bỏ hấp trong nồi cơm vừa cạn nước. cơm chín khoai cũng chín, bỏ miếng khoai nóng hổi ra chấm lạc vừng, vừa ăn vừa xuýt xoa cảm nhận vị bùi bùi của miếng khoai vàng ruộm.

Khoai sọ mán khi nấu lên thì dẻo, thơm, chắc khoai chứ không bở bung như khoai môn. Củ khoai đó, được người Dao vùng cao nguyên Mộc Châu trồng từ lâu và được coi là một loại đặc sản rất lạ ở đây

Ai thích ăn chiên cũng có thể làm như chiên khoai tây cũng ngon. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn xào qua khoai với mắm, muối, mì chính cho ngấm gia vị rồi cho vào hầm xương. Khoai chín rắc thêm chút rau thơm gồm: thì là, rau mùi tàu, hành vào và bỏ ra thưởng thức. Chỉ riêng màu vàng của bát khoai óng mỡ, lác đác mấy cọng rau xanh đã đủ để thực khách ngây ngất.

Đưa miếng khoai vào miệng, thấy vị ngọt của nước hầm xương hòa lẫn cùng vị ngọt bùi của khoai. Giống khoai này có đặc điểm là cực kỳ bở, nếu chọn được củ khoai ngon (không già, không non quá) chẳng cần phải nhai, đưa vào miệng là đã tan nhừ.
Xem thêm
Những món bánh cuốn nổi tiếng miền Bắc

Những món bánh cuốn nổi tiếng miền Bắc


Nếu như bánh cuốn Thanh Trì được ăn cùng đậu rán nóng hổi thì bánh cuốn Hạ Long lại được ăn cùng chả mực vàng rộm. 

Ở mỗi vùng miền, món bánh cuốn lại có những biến tấu khác nhau hấp dẫn du khách trên dọc đường tìm hiểu ẩm thực Việt Nam. Dưới đây là 5 món bánh cuốn nổi tiếng và được nhiều người yêu thích.

1. Bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội

Nhắc tới bánh cuốn Tranh Trì, nhiều người thường nghĩ tới ngay món bánh tinh hoa của mảnh đất Hà thành ngàn năm văn hiến. Quả thật, ai đã từng một lần thưởng thức món ăn này sẽ chẳng thể quên được hương vị đậm đà của từng chiếc bánh. Bột sau khi dàn đều ra mặt tấm vải căng trên nồi nước chờ tới chín sẽ được cuộn lại bằng một thanh tre nhỏ rồi bỏ ra đĩa, cắt làm đôi. Bánh cuốn Thanh Trì có hai loại không nhân và có nhân từ hành, tôm nõn bóc vỏ giã bông hoặc thịt băm. Dù là loại nào thì món bánh này cũng đều được dùng với chả quế, đậu rán nóng và nước chấm mắm pha giấm có điểm thêm chút ớt tươi cho thêm phần bắt mắt. Mỗi miếng bánh cho vào miệng lại để lại thứ vị dịu dịu, êm êm và bùi ngậy quyện lại, khách ăn một lần là nhớ mãi không thôi.

2. Bánh cuốn Hưng Yên


Bánh cuốn Hưng Yên được cuốn lại thành hình ống. Ảnh: Đỗ Huyền

Nằm giáp gianh với Hà Nội cùng món bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng nhưng bánh cuốn Hưng Yên vẫn có những nét riêng hấp dẫn du khách có dịp ghé qua mảnh đất này. Nét riêng ấy nằm ở từng chiếc bánh dài cỡ chiếc đũa hình ống xếp gọn trong tấm lá chuối xanh mướt. Bánh cuốn Hưng Yên vẫn được tráng lớp vỏ mỏng như cách làm bánh cuốn thông thường nhưng sau khi chín sẽ được xếp lên thành chồng. Khi có khách gọi, chủ quan mới xúc nhân từ thịt băm và hành khô vào giữa tấm vỏ bánh rồi cuốn lại. Bánh cuốn Hưng Yên được ăn kèm với nước chấm có hòa cùng chút nhân bánh và vài lát ớt đỏ. Chính vì được làm theo dạng cuốn này mà bánh cuốn Hưng Yên có thể được mua làm quà cho khách phương xa.

3. Bánh cuốn Hạ Long

Chưa nếm thử bánh cuốn chả mực có lẽ là một thiếu sót lớn khi du khách có dịp ghé qua Hạ Long. Chả mực Hạ Long vốn nổi tiếng khắp miền bởi vị thơm giòn và khi kết hợp với bánh cuốn thì món ăn này lại càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Miếng bánh cuốn ở Hạ Long được tráng mỏng lộ rõ cả nhân thịt băm, nấm, mộc nhĩ bên trong cùng hương thơm quyến rũ của ruốc và hành phi. Khách tới ăn lấy một miếng bánh kèm rau mùi và một miếng chả mực vừa chiên xong, còn nóng hổi rồi chấm vào bát nước chấm màu vàng sóng sánh.

Khách tới Hạ Long thường gọi những đĩa bánh cuốn chả mực đầy đặn để cảm nhận vị giòn sần sật của chả mực và vị mềm dẻo của bánh cuốn. Bát nước chấm cũng là điểm nhấn đáng chú ý của món ăn này. Để giảm đi vị tanh từ mực, nước chấm bánh cuốn thường được pha cay hơn một chút. Thế mới biết người Hạ Long đã khéo léo biến tấu và kết hợp để có được món ăn thơm ngon, được nhiều người yêu thích đến nhường nào.

4. Bánh cuốn Hà Nam


Bánh cuốn Hà Nam được ăn cùng thịt nướng. Ảnh: hanam

Nhắc tới ẩm thực Phủ Lý, Hà Nam, nhiều người thường nghĩ ngay tới món bánh cuốn chả thơm ngon và hấp dẫn. Không giống như món bánh cuốn ở một số nơi khác, bánh cuốn chả Hà Nam được ăn nguội cùng thịt nướng và nước mắm nóng đủ vị chua cay mặn ngọt kèm một số loại rau thơm khác. Bánh sau khi được tráng sẽ được xếp thành từng tấm đặt chồng lên nhau.

Chả ăn kèm được làm từ thịt lợn ba chỉ để khi nướng lên không bị quá khô hay ngấy. Thịt sau khi thái miếng vừa ăn sẽ được ướp cùng nước mắm, hành khô, tiêu, đường và vừng trắng rồi nướng trên than củi. Tới khi bên ngòai miếng thịt có màu vàng rộm là đã có thể bày lên đĩa mời thực khách. Mặc dù không ăn kèm với chả giò, chả quế như món bánh cuốn nổi danh Thanh Trì hay miếng mực chiên vàng rộm như ở Hạ Long nhưng, món bánh cuốn với chả nướng Hà Nam vẫn hấp dẫn rất nhiều người. 


Xem thêm