Về miền Tây ăn... cà
Hầu như trong khoảnh đất trống sau vườn ở mỗi nhà của cư dân miền Tây Nam bộ, người ta luôn trồng vài ba bụi cà để có trái ăn.
Dân gian miền đất Cửu Long giang này thường chia cà làm hai loại: cà dái dê, cà tím hoặc cà phổi và cà chua.
Tên gọi cà dái dê là dựa vào hính dạng của trái, có điều đây chỉ là cách hình dung đại khái chứ chưa chắc chính xác hoàn toàn. Tên gọi cà phổi là dựa vào đặc tính bên trong của nó. Hột và cơm xốp gần giống như… phổi động vật; tên gọi cà tím có lẽ do người ta dựa vào màu sắc của nó.
Loài cà này có nguồn gốc ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka. Đây là cây một năm, cao tầm ngang thân người lớn, thân cây có gai, với các lá lớn có thùy thô, dài cỡ gang tay. Hoa màu trắng hay tía, với nhị hoa màu vàng. Trái mọng nhiều cơm thịt, chứa nhiều hạt nhỏ và mềm.
Cà chua thuộc họ cây Bạch anh, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cà chua còn được biết đến với cái tên cà tomatl. Theo ngôn ngữ Nahuatl, tomatl có nghĩa trái cây sưng.
Loại cà chua hay được trồng phổ biến là loại cho trái dạng hình trứng với đường kính vài phân tây, chủ yếu có màu cam đỏ.
Cũng như nhiều nơi khác, trong nghệ thuật ẩm thực dân gian của người bình dân miền sông nước, cà chua, cà phổi thường xuyên có mặt.
Đối với cà phổi món ăn nhanh chóng mà hấp dẫn là nướng hoặc chiên. Trái cà hái về, cứ để nguyên vậy cho lên bếp than hồng. Trở tới lui vài lượt, cà sôi nước, vỏ cháy sém, bung ra. Vậy là cà chín. Dùng ta gợt nhẹ bỏ lớp vỏ và than đen bám bên ngoài. Làm nước mắm chua ngọt với ớt tỏi cay nồng, thêm ít cọng hành lá, củ hành tím xắt nhuyễn rồi trút cà lên.
Nước ngọt trong lòng cà bục ra màu vàng sánh. Chỉ cần có thế, nồi cơm gạo mới sẽ làm ấm lòng người lao động. Đây cũng là món được người ăn chay ưa thích. Có điều họ thay nước mắm bằng nước tương làm từ đậu nành thơm ngon.
Thay vì nướng, người ta chẻ cà ra làm hai, làm tư rồi bắc chảo dầu nóng lên rồi chiên vàng. Cách ăn cũng tương tự như cà nướng, có điều để nguyên vỏ. Người sành điệu cho rằng vỏ cà vừa dai, vừa giòn càng tăng thêm sự ngon miệng.
Một món ăn khác, mà cà phổi gần như luôn luôn có mặt là lẩu mẵm hoặc mắm kho. Khi nấu món ăn này, người ta chọn cà phổi non, cắt khúc nấu cùng với nước mắm và cá, tép,… trước khi cho rau bổi vào.
Người ta dựa vào vị của cà tạo ra mà gọi là cà chua. Người ta hái cà chua chín mọng ép lấy nước gạn bỏ xác để làm nước uống. Thức uống này vừa giải nhiệt tốt vừa có nhiều lợi cho sức khỏe. Ngoài việc ép nước uống, cà chua thường có mặt trong các món canh chua. Cùng với giá đậu xanh, bắp cải,… cà chua góp phần làm cho tô canh thêm đậm đà hương vị miền quê.
Cầu kỳ hơn, người ta cắt đôi trái cà ra, nặn bỏ hột rồi dồn thịt bằm vào đấy. Đem chiên vàng sẽ có món chả cà chua. Chả cà chấm nước mắm cay hoặc nước tương thì cơm no quên thôi.
Các mẹ, các chị miền quê khi ngày mùa rảnh rỗi còn dùng cà chua làm mứt. Người ta lựa cà chua chín tròn mọng dùng kim châm nhiều lổ nhỏ trên trái rồi ngâm trong nước vôi trong. Hôm sau, vớt cà ra rửa sạch bằng nước lạnh. Sau khi để cà chua thật ráo, bắc chảo đường lên sên cho đến khi ráo khô, đường keo lại, cà chua trở thành mứt vừa khô vừa bóng, trong, và rực màu tươi ngon.
Từ những trái cây dân dã, với sự khéo tay và óc sáng tạo, người miền Tây góp phần cho đời sống của chính họ ngày thêm phong phú và tràn trề niềm vui.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét