"Kỳ quan hiện đại" vẫn gây kinh ngạc sau cả thế kỷ
Kênh đào Panama đã chính thức khai trương cách đây đúng một thế kỷ, vào ngày 15/8/1914. Bất chấp việc phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại mới, sự kỳ vĩ của nó vẫn khiến người ta không khỏi kinh ngạc.
Một số người gọi kênh đào Panama là "kỳ tích vĩ kỹ thuật vĩ đại nhất" của nhân loại. Số khác xem thường, chỉ gọi nó là "con mương cỡ bự". Có điều người ta không thể phủ nhận là con kênh đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong hoạt động giao thông vận tải dùng đường thủy. Khi tham quan công trình vào năm 1910, đại sứ Anh ở Mỹ là James Bryce đánh giá: "Tôi xem kênh đào là hoạt động cải thiện thiên nhiên lớn nhất mà chúng ta từng làm được trên hành tinh này".
Một kỳ tích về xây dựng
Pháp là nước đầu tiên thử tìm cách xây dựng kênh đào xuyên Panama trong năm 1881, sau khi đã có được thành công với kênh đào Suez ở Ai Cập. Phụ trách hoạt động xây dựng là nhà ngoại giao Ferdinand De Lesseps. Nhưng sau 8 năm sau, ông vẫn không thể thành công. Cuối cùng, công ty đứng sau kế hoạch xây kênh Panama bị vỡ nợ và gần 1.000 nhà đầu tư đã mất sạch tiền.
Có người nói De Lesseps không thành công do ông muốn làm con kênh không dùng âu tàu, giống như kênh Suez. Vấn đề là địa hình nơi kênh Suez chạy qua rất bằng phẳng, nằm ngang với mặt nước biển. Trong khi đó kênh đào Panama lại chạy qua các khu vực rừng núi.
Xây dựng kênh đào Panama là công việc vô cùng khó khăn, với bệnh dịch là trở ngại chính khi đó
Gustave Eiffel, nổi tiếng với tòa tháp Eiffel, đã được mời tới để thiết kế các âu tàu cho kênh đào. Ông kiếm được khối tiền, nhưng nỗ lực của ông chẳng thay đổi được tình hình. Về sau ông còn bị khởi tố vì trục lợi từ công trình. De Lesseps thì chết trong cảnh không một xu dính túi vào năm 1894.
Thực tế thì không phải khó khăn về địa hình hay chi phí khổng lồ đã khiến người Pháp thất bại. Kẻ thù lớn nhất khi đó là bệnh dịch. Toàn bộ dự án kênh đào Panama được cho là đã khiến 28.000 người thiệt mạng, chủ yếu là do muỗi đốt gây bệnh sốt rét và sốt vàng da.
Khi người Mỹ tiếp quản lại công việc vào năm 1904, nỗi sợ sốt vàng da khiến công nhân không dám đi làm. Căn bệnh gây ra các triệu chứng kinh khủng như nôn mửa, hôn mê sâu và cái chết, trong khi người ta chẳng có phương thức chữa bệnh nào khác ngoài vài ly rượu whisky hoặc dùng xăng xoa bóp da bệnh nhân.
Nhiệm vụ chống bệnh được giao cho quan chức phụ trách y tế là đại tá William Gorgas. Ông đã thuyết phục các chính trị gia ở Washington bơm cho mình 1 triệu USD để dọn sạch một khu vực đầm lầy và rừng rậm rộng 1.296 km2 - một trong những hoạt động ngăn chặn dịch bệnh lớn nhất lịch sử khi đó.
Năm 1905, hơn 4.000 người đã được điều vào các lữ đoàn diệt muỗi. Họ phun bột chống muỗi vào mọi cống thoát nước, vũng nước. Tới năm 1906, trong số 26.000 người lao động làm việc trên con kênh, 21.000 người đã phải vào viện điều trị. Nhưng sau đó nỗ lực chống muỗi thành công.
Ngày 11/11/1906 là thời điểm nạn nhân cuối cùng của sốt vàng da thiệt mạng. Công nhân không còn sợ bị ốm nữa. Ở thời kỳ xây dựng đỉnh cao, cứ mỗi 3 tháng rưỡi, người Mỹ lại đào xong một đoạn kênh dài bằng Eo biển Manche. Công việc cứ thế êm thuận cho tới khi toàn bộ công trình hoàn tất.
Bệnh nhân nhiễm bệnh sốt vàng da trong khi xây kênh đào Panama được đưa vào phòng điều trị cách ly
Sẽ bị đe dọa vị thế thống trị
Ngày hôm nay, khi một con tàu vào kênh đào Panama từ Đại Tây Dương, người ta phải dùng 3 hệ thống âu tàu nâng nó lên độ cao 26 mét, đủ để đi vào Hồ Gatun. Sau khi đi qua đoạn kênh đào Culebra Cut, tàu sẽ tiến vào một loạt âu tàu nữa và hạ độ cao 10m để ra hồ Miraflores. Tiếp đó nó sẽ đi qua 2 âu tàu cuối cùng để xuống Thái Bình Dương.
Âu tàu về cơ bản là các đoạn mương có trang bị cửa đóng mở ở hai đầu. Khi tàu đi vào, khóa sẽ đóng lại và người ta sẽ bơm vào hoặc rút nước ra khỏi đoạn mương, khiến tàu nâng hoặc hạ độ cao cần thiết, đủ để đi vào đoạn mương tiếp theo.
Trước khi kênh đào Panama được khai trương, hành trình từ New York tới California kéo dài hơn 20.000km. Sau đó, hành trình rút xuống chỉ còn hơn 8.000km. Đi tàu từ bờ biển phía Đông Panama, nằm ở Đại Tây Dương, tới Thái Bình Dương ở phía Tây vốn là hành trình vô cùng dài, thường mất 3 tuần lễ và buộc các con tàu phải đi dọc quanh Mũi Sừng ở Nam Mỹ. Nhưng kênh đào đã cắt hành trình xuống còn vỏn vẹn 15 giờ.
Một nửa thời gian trong số đó là để chờ tàu ra khỏi các âu tàu, trước khi con tàu khác có thể vào âu tàu và thực hiện hành trình. Ngày hôm nay kênh đào Panama là một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới.
Nhưng cái giá để đi qua kênh đào không hề rẻ. Chuyến đi hồi năm 2010 của tàu du lịch cỡ lớn Norwegian Pearl đã mất khoản phí khổng lồ 360.000 USD. Chi phí trung bình để đi qua kênh đào là 52.000 USD. Mức phí thấp nhất là 36 xu (1 USD = 100 xu) do công dân Mỹ Richard Halliburton trả cho nhà quản lý để bơi qua kênh đào vào năm 1928.
Ngày hôm nay kênh đào này, chuẩn bị hoàn tất hoạt động mở rộng trị giá hơn 3 tỷ bảng, vẫn được gọi là kỳ quan hiện đại, gây kinh ngạc. Nhưng nó sẽ còn là kỳ quan trong bao lâu nữa? Tháng trước Nicaragua đã thông báo kế hoạch xây kênh đào trị giá hơn 36 tỷ USD, dài 276km, chạy từ Đại Tây Dương qua Hồ Nicaragua, tới Thái Bình Dương. Kênh đào này sẽ rộng hơn, sâu hơn kênh đào Panama và được đánh giá sẽ giúp mang tới cho thế giới một lối đi tắt thực sự đáng tiền.
Geoff French, chủ tịch Viện kỹ sư dân dụng Pháp tuyên bố hôm 14/8: "Không có gì ngạc nhiên khi công trình cơ sở hạ tầng này, với khả năng chuyên chở số tấn hàng nhiều hơn 3,5 lần dự đoán ban đầu, được tôn vinh là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét