.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014
Đi dọc miền Tây Thanh Hóa

Đi dọc miền Tây Thanh Hóa

Vùng đất này được ví như miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh, cảnh đẹp hùng vĩ hiện lên như khúc độc hành của riêng sông Mã.

Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu, đứa con gái 25 tuổi ngồi bó gối trong thành phố, cảm giác "nhớ rừng" quay quắt về một miền xa vắng ít nắng, nhiều mưa. Vậy là nó lên kế hoạch, sửa sang lại xe cộ để về với miền Tây Thanh Hóa.

Với nó, những cái tên quen thuộc như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... đủ núi cao, sông sâu, ruộng bậc thang, món ăn khó lẫn như một miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh chứa những bí mật không bao giờ khám phá hết.


Những nếp nhà sàn bình dị ẩn hiện cùng ruộng bậc thang.

Dọc cung đường này không có hoa cải trắng, tam giác mạch nên thơ, chỉ có cái ầm ào, dữ dội của dòng sông Mã và sự gập ghềnh của đường đi kích thích máu "liều". Dân du lịch bụi thường đi theo quốc lộ 6, từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) tới Trung Sơn, Trung Lý (Mường Lát) rồi xuôi Hồi Xuân (Quan Hóa), Cành Nàng (Bá Thước), chạy dọc sông Mã rồi lại ngược Cẩm Thủy, đi đường mòn Hồ Chí Minh về tạo thành một vòng tròn thú vị.

Mường Lát kỳ vĩ và nên thơ là nơi đầu tiên trong hành trình con sông Mã trở về đất Việt sau khi uốn lượn cả trăm cây số trên đất Thượng Lào. Trong tiếng Thái, Mường Lát nghĩa là "nơi nước tràn qua", và mùa mưa chính là lúc nước từ hàng trăm con suối tràn qua bản để về sông Mã. Đường từ Co Lương về trung tâm Mường Lát đi qua vài chục con suối lớn nhỏ, có đá chắn ngang lòng. Sông Mã như con ngựa bất kham nên những dòng suối đổ về đó cũng không có dáng vẻ hiền lành thường thấy.

Con đường không dài nhưng đủ nhớ với dốc cao vừa lầy vừa trơn, thử thách bản lĩnh người cầm lái bằng những cú trượt dốc, bùn đất cuốn chặt hai bánh xe. Gặp đoạn này, xế phải vững tay lái, còn ôm thì sẵn sàng xuống xách giầy và lội bộ qua.


Trẻ em miền núi đáng yêu, không ngại ngần trước ống kính máy ảnh.


Từng dải lúa, nương ngô trải dài từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia, dập dềnh trong nắng sớm. Tén Tằn, Tam Chung... được coi là vựa lúa của vùng biên. Vào mùa gặt, từng lớp sóng lúa màu xanh chen lẫn màu vàng, đem no ấm về trong mùi cơm nếp mới hòa cùng màu khói tỏa trên những mái tranh. Cuối tháng 8 là thời điểm các thiếu nữ Mông ngồi dệt sợi, may váy bên bờ suối để chuẩn bị ăn Tết độc lập. Nơi thượng nguồn sông Mã, cuộc sống gắn liền nương rẫy còn xiết bao vất vả.

Ấn tượng vào Mường Lát là đi qua nhiều cầu đủ loại như cầu tre, cầu gỗ, lớn nhất là cầu treo bắc qua sông Mã ngay trung tâm thị trấn Mường Lát. Nghỉ qua đêm ở đây giá chỉ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Từ ban công nhà nghỉ nhìn xuống, mây bay là là phủ kín những dãy núi bên sông.

Mải mê ngắm núi rừng mà chưa kịp đến thị trấn, bạn có thể xin ở lại nhà dân trong bản. Họ rất nhiệt tình, sẵn sàng cho ngủ lại qua đêm không lấy tiền nhưng có thể bạn sẽ phải uống với gia chủ vài chén rượu ngô trước khi đi nằm. Nếu may mắn, bạn còn được họ mời thưởng thức món sâu măng xào lá chanh, đặc sản của núi rừng chỉ có vào độ tháng 9, tháng 10.

Đường từ Mường Lát về thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) vẫn là núi cao, sông rộng nhưng không còn cái hiểm trở của trời Tây Tiến nữa. Hai bên bờ sông Mã rợp bóng mát của những rừng luồng. Mùa nước cạn, sông Mã hiện ra nhiều bãi sỏi, ghềnh đẹp mắt. Từ thị trấn Hồi Xuân chạy thẳng đường xuống Nam Xuân thăm hang Ma, nơi nghĩa địa chứa những quan tài bằng gỗ của người Thái. Những vách đá khổng lồ như tạc xuống dòng sông. Cửa hang nằm khuất sau những tán cây rừng rậm rạp bên sườn Pa Cáng.


Những vách núi sừng sững như tạc vào lòng sông.


Dưới sông, những bè, mảng của đồng bào dân tộc xuôi dòng, tập kết thành từng điểm. Họ khỏe mạnh, lên thác xuống ghềnh cự phách như những con cá lăng. Dòng nước dữ dội đi vào trong câu ca: Nhất Chiếng, nhì Cả, ba Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi. Cuộc sống nay đây mai đó, nhiều người bị thủy thần cướp đi cũng không khiến họ bỏ nghề, vẫn vượt sóng cuộn, thác ghềnh để mưu sinh.

Không nhiều kỳ bí như Mường Lát, Quan Hóa, Pù Luông giống cô gái Thái hiền hậu, đẹp rạng ngời còn say ngủ giữa núi rừng hoang vu.

Kho Mường, bản Nủa, bản Hin, phố Đòn là những cái tên gợi nhớ khi đến nơi này. Bản Hiêu (xã Cổ Lũng) bình yên với ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn dựa lưng vào núi và chuyện kỳ bí về những báu vật của rừng khiến cho ta có cảm giác được về nhà. Thác Hiêu nước ầm ào chảy suốt ngày đêm, với lượng đá vôi lớn trong nước nên có thể biến cây thành đá.

Trải nghiệm đã qua trong các cuộc hành trình đến và trở về khiến nhiều người muốn quay lại những cung đường đầy bùn lầy, để ngắm nhìn ruộng bậc thang lúa chín vàng trong nắng chiều yên ả, cùng con người chân chất. Năm tháng trôi, những chuyến đi dài bồi đắp tâm hồn dày thêm mãi. Từ lúc trót yêu những cung đường, đứa con gái từng độc hành lên biên giới, có khi thêm người bầu bạn lọ mọ vào bản xa. Miền Tây Thanh Hóa vẫn là nỗi nhớ chơi vơi giữa cuộc sống bộn bề.
Xem thêm
Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014
3 món lươn ngon ở Thanh Hóa

3 món lươn ngon ở Thanh Hóa

Cháo lươn, lươn om và miến lươn là những biến tấu hấp dẫn, độc đáo làm từ lươn ở xứ Thanh. Nhiều khách du lịch khi đến đây có cảm giác ngậm ngùi tiếc nuối vì chỉ được thưởng thức “tại trận” mà không thể mang về.

Vào mùa mưa tháng 8, khi những cơn mưa rào mùa hạ rơi xuống cánh đồng lúa xanh đang thì con gái cũng là lúc lươn vào mùa phát triển mạnh. Những con lươn đồng nhờ nước cả tìm mồi nên béo vàng óng mượt, thường to bằng ngón chân cái, lẩn mình trong hang. Thật khó để phân biệt đâu là hốc lươn, đâu là hốc rắn và đâu là lỗ cua, nhưng nếu là những “thợ” săn lươn chuyên nghiệp thì chỉ loáng nhìn sẽ nhận ra ngay.

Chỉ những chú lươn đồng với hai màu vàng đen săn chắc mới có thể làm nên sức hút kỳ lạ cho các biến tấu hấp dẫn được chế biến từ lươn như gỏi, nướng, chiên, xào, làm chả, hấp, nấu canh… Nhưng xếp vào hàng thương hiệu, đặc sản thì phải kể đến 3 món lươn sau:

Cháo lươn

Nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy bát cháo lươn của người Thanh Hóa, bởi nó giống như bát canh nấu loãng, nước cháo trong leo lẻo, gạo còn nguyên hạt, và thường rất nhiều lươn.


Cháo lươn bổ dưỡng, ăn nóng mới ngon, người mới ốm dậy ăn cùng ớt tươi cho toát mồ hôi sẽ nhanh lại người.


Người Thanh Hóa tâm niệm rằng, bát cháo càng trong, càng nhiều nước càng ngon, bởi cốt cháo lươn là ăn lấy nước, ngon bổ tập trung hết trong nước cháo. Một bát cháo lươn ngon bao gồm thật nhiều lươn xào mềm, đậm đà hương vị, gạo phải còn nguyên hạt, nở xòe, bát cháo khi được bưng ra thơm mùi hành phi, đẹp mắt với màu hành, ngổ xanh và đậu phụ xắt miếng vuông nhỏ, rán vàng.

Cháo lươn Thanh Hóa ăn cùng bánh đa vừng, giống như người Hà Nội ăn cháo với quẩy chiên giòn. Bạn có thể thưởng thức những quán cháo lươn gia truyền ở đường Nguyễn Chích, Trường Thi, phố Bà Triệu, Lê Hoàn và dọc đường Đình Hương.

Lươn bung chuối xanh

Món ăn này đòi hỏi người làm phải thật khéo trong việc chọn nguyên liệu và cầu kỳ trong khâu chế biến. Lươn được chọn phải là loại to vàng, độ lớn vừa phải và có hai màu rõ rệt: bụng vàng, lưng đen. Sau khi tuốt hết nhớt bằng tro bếp, lươn được sơ chế và cắt khúc dài 3 - 5 cm, cuộn bên trong nhân thịt bằm mộc nhĩ. Chuối xanh tước vỏ ngoài, ngâm muối cho hết mủ rồi xắt lát, bóp mẻ cùng với lươn, nêm gia vị, vỏ quýt, mắm tôm, hành, ớt, ướp khoảng 20 phút rồi bắc lên bếp đun.


Lươn bung nóng hổi ăn vào ngày mưa rét đưa cơm không gì bằng.


Các bà nội trợ ở quê thường truyền tai nhau câu ca dao xưa “Cá rô quyện với nồi rang/ Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau”. Hẳn vì thế, lươn bung củ chuối phải ninh thật lâu, nhỏ lửa để hương vị được quyện hòa vào nhau. Khi chuối mềm nhừ, nước sánh sền sệt là có thể bắc ra, rắc rau ngổ lên trên và đem dùng nóng.

Vị béo của lươn vàng hòa với vị ngọt bùi của chuối, thêm vị chua của mẻ, nhấn nhá chút cay của vỏ quýt và ớt, dậy mùi của mắm tôm... tạo thành món ăn đặc sản của miền quê thanh bình. Nếu muốn tìm về thưởng thức lươn om ngon đúng điệu, bạn hãy về Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa vào những tháng mưa, đặc biệt là trong mâm cơm ngày rằm tháng 8.

Miến lươn

Miến lươn lại là một biến tấu mang phong vị riêng, nổi bật với nước dùng ngọt thanh rất đặc trưng. Nguyên liệu chính làm nên món ăn chỉ bao gồm miến và lươn. Miến rong của người Bắc đem rửa sạch trần sơ qua nước sôi, rồi nhúng lại vào nồi nước dùng lươn cho miến nở, thấm đượm hương thơm vị đậm đà của nước dùng rồi cho vào bát. Thịt lươn sau khi lọc kỹ xương đem ướp tiêu, muối rồi xào nhanh trong lửa to để thịt lươn săn lại mà vẫn phô màu vàng óng của da lươn.


Chỉ từ 25.000 đến 35.000 đồng, bạn có thể tìm ăn ở phố Hàng Đồng, Tịch Điền, Nguyễn Trãi.


Bí quyết làm nên thương hiệu riêng cho miến lươn Thanh Hóa lại nằm ở nước dùng. Nước dùng muốn ngon phải được nấu từ xương lợn, gà và xương lươn, tất cả được ninh thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên.

Khi thưởng thức, bạn có thể ăn cùng đậu rán hoặc một chút giá sống, rất mát và bổ. Sợi miến dai, thịt lươn giòn bùi, nước dùng đậm đà cùng vị thơm của các loại rau như kinh giới, tía tô, húng thơm... sẽ làm bạn phải nhớ mãi về thức quà quê bình dị mà nghĩa tình này.
Xem thêm
Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014
Du lịch hè tại 4 bãi biển tuyệt đẹp ở Thanh Hóa

Du lịch hè tại 4 bãi biển tuyệt đẹp ở Thanh Hóa

Ngoài bãi tắm Sầm Sơn đã được biết tiếng nhiều năm nay, các bãi tắm Hải Tiến, Hải Hòa, Hải Thanh là những điểm bạn có thể chọn khi có ý định tắm biển hè này.

Với 100 km đường biển, tỉnh Thanh Hóa có nhiều bãi tắm đẹp cho khách du lịch ghé thăm.

Bãi biển Sầm Sơn


Biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển gần Hà Nội và dễ di chuyển. Ảnh: Vanchai.

Là một trong những bãi biển được khai thác đầu tiên của các tỉnh phía Bắc, biển Sầm Sơn nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 16 km về phía Đông. Khu biển này được người Pháp sử dụng làm điểm tắm biển riêng từ năm 1906 với nhiều biệt thự cổ, trong đó có cả biệt thự nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại.

Biển Sầm Sơn dài khoảng 10 km, sóng to, nước êm, cát mịn và độ muối vừa phải. Không chỉ bãi tắm đẹp, Sầm Sơn còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Trong số này có Cổ Giải là nơi Trường Lệ tiếp xúc với biển, đền Ðộc Cước (còn gọi là đền Gầm) ngự trên đỉnh hòn Cổ Giải, gắn liền với truyền thuyết chàng khổng lồ xẻ đôi mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thủy quái bảo vệ dân chài, còn một nửa đứng canh trên đỉnh hòn Cổ Giải. Hòn Trống – Mái cũng là một địa điểm được du khách yêu thích.

Nhưng sau một thời gian dài phát triển, bãi biển này nảy sinh rất nhiều tệ nạn, đặc biệt là nạn chặt chém khách du lịch về các dịch vụ ăn uống và mua sắm... biển Sầm Sơn tự đánh mất ưu thế.


Bãi biển Hải Hòa, Tĩnh Gia


Biển Hải Hòa sóng êm và chưa phát triển. Ảnh: Haihoa.

Từ thành phố Thanh Hóa đến thị trấn Còng huyện Tĩnh Gia chừng 40 km, rẽ trái thêm 3 km sẽ đến được biển Hải Hòa.

Biển Hải Hòa mới được biết đến trong vài năm gần đây, khi các bãi biển dọc đất nước bắt đầu được khai thác thành các khu du lịch. Biển vẫn giữ được những nét hoang sơ và thơ mộng với bãi cát mềm tràn cát trắng và rặng phi lao quanh năm xanh mướt. Khi mặt trời vừa lên, xóm chài rộn rã bởi những buổi kéo lưới. Chợ cá họp ngay trên bãi biển với những mẻ cá tôm tươi rói. Nắng lên cao cũng là lúc chợ tan, trả lại phút yên tĩnh cho biển khơi.

Biển Hải Hòa gần gũi và thân thiện, không có nhiều dịch vụ cùng cảnh bán hàng rong hay chèo kéo khách, giá cả phải chăng. Bãi biển đẹp nguyên sơ, nước trong xanh, sóng hiền hòa. Du khách có thể thưởng thức các món đồ hải sản tươi ngon, tận hưởng hương vị mặn mòi của biển, cùng kéo lưới với các ngư dân để đón những mẻ cá đầu tiên của ngày. Đặc biệt, chỉ có biển Hải Hòa mới có món đặc sản gỏi sứa chấm nước sốt nóng, nộm sứa với lá sung và bánh đa...


Bãi biển Hải Thanh, Tĩnh Gia


Biển Hải Thanh nhỏ nhắn, vắng người. Ảnh: Thanhhoa.

Biển Hải Thanh thuộc Xã Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa có chiều dài khoảng 4 km, trải dài từ mũi núi Thổi tới chân núi Du Xuyên.

Bãi biển nhỏ và sóng vừa với những làng chài yên bình. Ngoài khơi là Hòn Mê với khoảng 10 đảo lớn nhỏ. Không chỉ nghỉ ngơi và tắm biển, du khách có thể than quan nhiều di tích lịch sử như chùa Đót Tiên, đền Quang Trung và các nhà thờ thuộc giáo xứ Ba Làng có lịch sử khoảng 5 thế kỉ trước.

Hải Thanh với làng chài ven biển tấp nập. Ở đây có nước mắm rất nổi tiếng, đó là nước mắm Ba Làng. Các sản phẩm tươi sống thường có là cua, ghẹ, ốc, vẹm xanh, tôm, ngao, và xò , . . .


Bãi biển Hải Tiến, Hoằng Hóa


Biển Hải Tiến duyên dáng. Ảnh: TTVH.

Bãi biển Hải Tiến nằm cách Hà Nội 175 km, cách thành phố Thanh Hóa 30 km, dọc theo QL1A, qua cầu Tào Xuyên rẽ trái và đi thẳng 15 km là tới.

Biển Hải Tiến mới được đưa vào phục vụ khách du lịch từ vài năm nay với chiều dài 12 km. Không khí trong lành, bãi cát dài có thể cho bạn nhiều lựa chọn điểm tắm riêng tư mà vẫn đảm bảo sạch và an toàn. Vùng cửa biển với những căn chòi trông ngao, những ruộng muối vuông vức, rừng tự nhiên xanh thẳm.

Biển Hải Tiến vẫn còn nhiều nét hoang sơ với các dịch vụ chưa phát triển. Ngoài một vài nhà nghỉ và nhà hàng ăn uống, bạn hoàn toàn được sống trong khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh với biển xanh và những làng chài hiền hòa. Bạn có thể đi chợ hải sản sớm vào buổi sáng, mua đồ về và nhờ khách sạn nấu giúp hoặc đặt đồ ăn tại nhà dân với giá cả hợp lý, tươi ngon.
Xem thêm
Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014
Hai món đắng khó quên của núi rừng xứ Thanh

Hai món đắng khó quên của núi rừng xứ Thanh

Ngụm canh trôi qua cuống họng đắng tê người, nhưng ai trót ăn rồi thì thương nhớ mãi.

Măng đắng của người Thái

Mưa phùn mùa xuân bắt đầu lắc rắc, người Thái ở Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước của tỉnh Thanh chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng. Mưa làm cho những búp non nhọn hoắt nhú lên khỏi mặt đất. Để măng lên cao, vị đắng sẽ loãng dần lên người hái măng chỉ chọn những búp dài bằng gang tay mang về luộc.


Món măng đắng luộc có thể chấm với muối trộn hạt mắc khẻn, chấm mắm tôm hoặc chấm nước mắm pha tỏi ớt vẫn ngon. Ảnh: Phương Hòa.

Bóc vài lớp bẹ dính đất ở ngoài, cây măng trắng nõn dần hiện ra. Măng để ngâm nước muối vài giờ cho bớt vị hăng, đắng rồi cho vào nồi đổ nước xăm xắp. Chỉ cần luộc trong vòng 15 phút là có một đĩa măng ngon. Măng luộc xong rồi chẻ làm tư, xong dùng tay cầm lên mà chấm ăn ngon lành.Thứ măng có vị đắng bùi, đưa vào miệng còn nhăn mặt nhưng chỉ cần nhai một lúc, đảo qua đầu lưỡi rồi nuốt sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của măng.

Măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khẻn của người dân bản địa ăn là ngon nhất, cảm nhận được hết hương vị của núi rừng. Nếu không có mắc khẻn thì có thể thay thế bằng mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút đường, ớt, tỏi ngon không kém.

Giữa mâm cao cổ đầy, món măng đắng giản dị nhưng ăn rồi lại nghiện, ăn hoài không biết chán. Trong mâm cơm giữa núi rừng, khách cứ thế mà đảo mắt tìm đĩa măng. Nếu không thích ăn luộc thì có thể cắt nhỏ rồi xào với thịt, cho thêm ít lá lốt ăn cũng rất ngon.

Canh đắng xứ Mường

Cây đắng thường mọc ở khen núi, khi trở thành thứ rau được người Mường đem về trồng trong vườn. Mỗi khi nhà có khách quý hoặc dịp lễ Tết, người Mường thường bứt một nắm lá để nấu canh đãi khách. So với măng đắng, mướp đắng thì món canh đắng của người Mường ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc còn đứng trên một bậc. Lá đắng dù tươi hay khô, nấu rồi vẫn đắng đến tê người.


Canh đắng nấu thịt gà băm nhỏ vẫn là ngon nhất. Ảnh: Tịnh Tâm.

Lá đắng có thể nấu cùng với lòng lợn, lòng bò, ruột cá, nhưng ngon nhất vẫn là thịt gà băm nhỏ. Thịt gà băm tẩm sả, ớt, mắm tôm, mẻ, thêm chút gia vị rồi để chừng 15 phút. Khi mỡ nóng già, cho hành phi thơm rồi đổ hỗn hợp trên vào, đảo đều tay cho chín tới. Sau đó, cho lá đắng thái nhỏ vào tiếp tục đảo và cho nước. Dù nấu với thứ gì, người Mường cũng cho một bát tiết vào cho có màu và có như vậy mới thành nồi canh.

Canh chín bắc ra dùng nóng, thường ăn trước bữa cơm. Sau khi uống cạn chén rượu mừng gặp mặt, chủ nhà múc một bát canh mời khách. Ai mới ăn lần đầu sẽ vừa húp vừa nhắm mắt, rùng mình kêu đắng nhưng miệng thì vẫn không thể rời bát canh.

Đã trót thương canh đắng xứ Mường rồi, nếu thèm thì chỉ còn cách xách xe máy mà chạy về với núi rừng, ăn chính món canh mà người dân nơi đây nấu, dù có nhớ công thức nấu thì cũng không thể ngon bằng.
Xem thêm