.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014
Những món ngon trứ danh của quê lúa Thái Bình

Những món ngon trứ danh của quê lúa Thái Bình


Thái Bình từ lâu nổi tiếng là miền quê lúa với “chị Hai năm tấn”. Nơi đây còn là quê hương của nhiều món ăn vặt, ăn chơi đặc sắc không kém.

Bánh cáy

Nếu người Hải Dương tự hào với bánh đậu xanh, Bắc Ninh có bánh phu thê, Hà Nội là bánh cốm Hàng Than, còn sản vật nông nghiệp trên miền đất lúa Thái Bình chính là bánh cáy. Nguyên liệu chính của bánh hoàn toàn sử dụng những nông sản địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, vừng, lạc, mứt bí, gừng, gấc chín, mỡ phần, tinh dầu hoa bưởi.... Đây là loại bánh tổng hòa những đặc sản nông nghiệp Thái Bình, tạo nên món ăn địa phương đặc sắc. Mỗi khi đi xa, người dân nơi đây thường mang bánh cáy làm quà biếu như một cách giới thiệu về hình ảnh vùng quê mình.


Bánh cáy Thái Bình đã có tiếng trên toàn quốc

Men theo đường quốc lộ 39 tới huyện Đông Hưng, về làng Nguyên Xá chính là nơi sản sinh ra loại bánh đặc biệt này. Xưa kia, bánh cáy là sản vật được người dân làm để tiến vua. Bánh có tên khá đặc biệt. Người làng Nguyên Xá giải thích, miếng bánh có sự hòa quyện của nhiều màu trắng, vàng xen lẫn hồng giống như trứng cáy nên cái tên dân dã ấy đã ra đời.

Để làm được một tấm bánh cáy hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỷ mỷ cao của người thợ. Gạo nếp cái hoa vàng được lựa chọn kỹ càng rồi chia làm hai phần. Một phần gạo đồ xôi cùng gấc chín để tạo màu hồng tươi, phần còn lại đồ cùng nước quả dành dành để có màu vàng bắt mắt. Hai loại này khi thành xôi sẽ được giã nhuyễn như bánh giày, cán mỏng, cắt lát như mứt bí rồi sấy khô. Sau đó, người thợ sẽ cho sản phẩm vào chảo mỡ lợn sôi để lát bánh thơm giòn. Mỡ lơn thái hạt lựu rồi xào ngọt đến độ trong mướt. Các nguyên liệu còn lại cũng được trộn cùng đường mía và hâm nóng tới khi dậy mùi thơm thì cho vào khuôn lót vừng. Bánh cáy thành phẩm không phơi nắng, không chất bảo quản nhưng làm đúng quy cách sẽ bảo quản được khá lâu.

Ăn miếng bánh cáy xắn mỏng nhâm nhi cùng chén trà nóng để lai rai câu chuyện giữa tiết trời hơi se lạnh, du khách càng cảm nhận được nét nồng hậu của đất và người Thái Bình. Vị béo bùi đan xen sự dẻo, giòn hòa quyện với vị chan chát của trà xanh khiến miếng bánh càng nồng đượm.

Canh cá Quỳnh Côi


Canh cá Quỳnh Côi nức danh trên miền quê lúa

Quỳnh Côi là huyện cũ của tỉnh Thái Bình, thuộc phía tây huyện Quỳnh Phụ ngày nay. Cách trung tâm thành phố Thái Bình chừng 20km, thị trấn nhỏ Quỳnh Côi nổi tiếng với món canh cá với hương vị hấp dẫn đặc biệt mà chỉ vùng đất này có được.

Gọi là canh cá nhưng đây không phải là món canh nấu chua thường xuất hiện trong các bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình Việt. Đây là món ăn sáng ưa thích của nhiều gia đình ở vùng quê lúa. Món ăn được làm từ những nguyên liệu rất đời thường nhưng gây ấn tượng đặc biệt bởi sự ngọt mát dễ chịu hòa quyện lẫn nhau.

Trước kia, người Quỳnh Côi chỉ dùng cá rô đồng để nấu canh cá. Đặc biệt vào thời điểm tháng 10, cá rô béo ngậy hơn so với các mùa khác. Nhưng đến nay, nhu cầu ăn của người dân tăng lên còn lượng cá rô không dồi dào như trước nên nhiều quán hàng sử dụng cả cá trắm, cá quả để thay thế.

Cá được làm sạch, lọc kỹ phần nạc và thái miếng vừa ăn. Sau đó chúng được ướp đầy đủ nước cốt nghệ, chút mắm, tiêu. Khi cá đã ngấm kỹ gia vị, người ta dùng chảo sâu lòng để rán cá vàng giòn hai mặt. Phần tưởng chừng vứt đi như xương cá cũng được tận dụng để làm chả. Thường người đầu bếp chỉ lựa phần xương mềm để xay nhuyễn cùng hành khô, ớt tươi, thì là cho tới khi mềm mịn. Sau đó chúng được thêm chút thịt và nặn thành những viên chả nhỏ xinh. Chả cá được rán vàng đều hai mặt, đảm bảo độ xốp mềm . Đầu và phần xương sống cá ninh kỹ để lấy nước dùng trong vắt. Tùy theo từng mùa, canh cá sẽ có rau ăn kèm như rau ngót, cải cúc, rau rút hay rau cần.

Đặc biệt nhất của món canh cá Quỳnh Côi chính là những sợi bánh đa được làm tại đây. Bánh được làm từ gạo xay mịn và tráng mỏng. Dù không dùng hàn the nhưng bánh vẫn đảm bảo độ dai, mềm mượt. Bát canh cá Quỳnh Côi là sự tổng hòa của nhiều hương vị kích thích vị giác: nước dùng trong vắt đậm đà, miếng cá vàng ươm giòn rụm bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo vị ngọt bùi của cá, thìa là, rau theo mùa xanh mướt kèm miếng cà chua bổ cau đỏ tươi lẫn mùi cay nhẹ của gừng, ớt.... Món ăn giản dị như chính cuộc sống đời thường bình yên của vùng đất nơi đây.

Nem chạo


Nem chạo hay còn gọi là nem sống là món ăn không thể thiếu được trong ngày giỗ hay cưới hỏi ở làng Vị Thủy, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Chỉ những người đầu bếp có kinh nghiệm mới được tự tay chế biến để người ăn không bị đau bụng.

Khác với nem ở nhiều vùng miền trên cả nước, nem ở đây được làm từ thịt và xương sống lợn băm nhuyễn. Thịt lợn xẻ ra còn nóng hổi không dùng nước lã để rửa. Người ta lấy phần thịt mông và phần xương sống băm nhuyễn. Sau hơn 1 tiếng, thịt, xương và tủy hòa cùng nhau tạo ra độ dính, dẻo.

Nét hấp dẫn trong món nem chạo là bì luộc thái mỏng và thính gạo rang. Bì lợn được cạo sạch lông với nước sôi rồi thái nhỏ. Sau đó các nguyên liệu được trộn cùng nước mắm ngon, tỏi thái mỏng, ớt tươi, mỳ chính và thính gạo rang. Ở khâu cuối cùng, người thợ sẽ nằm nem thành từng quả nhỏ vừa đủ khéo để thịt không rơi ra ngoài.

Món ăn được dùng kèm rất nhiều tỏi tươi, ớt sống, lá sung, đinh lăng và lá ổi. Nhiều người nơi xa tới đây khi thưởng thức món ăn dân dã đã bị nghiền. Nem chạo thường xuất hiện trong dịp lễ tết hay cưới xin ở làng Vị Thủy để tăng thêm tình cảm gắn bó giữa gia đình.

Nộm sứa


Nộm sứa là món ăn dân dã quen thuộc xuất hiện ở nhiều vùng miền biển trên cả nước. Nhưng mỗi nơi, món ăn này lại có một “hơi thở” riêng. Người dân Thái Thụy, Thái Bình thường truyền tai nhau: “Tới Thái Thụy mà chưa thưởng thức nộm sứa coi như chưa về”. Câu mời chào quyến rũ đó khiến du khách thập phương khó lòng chối từ.

Sứa có rất nhiều ở vùng biển Thái Thụy. Thời điểm sứa nổi nhiều nhất vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm. Sau khi bắt về, sứa được làm sạch và ướp cùng muối phèn để tạo độ giòn, dai. Sau đó miếng sứa được cắt cẩn thận thành lát mỏng, trần qua nước sôi rồi xếp ra đĩa.

Nộm sứa ngọt mát rất thích hợp ăn vào dịp hè nóng nực. Đĩa sứa được trộn cùng hành tây thái mỏng, lá chanh, mực khô xé nhỏ, rau thơm và lạc rang. Hương vị sứa càng được dậy mùi hơn khi ăn kèm rau kinh giới và bát mắm tôm chanh ớt đánh sủi bọt. Ăn miếng nộm giòn ngon đậm đà càng khiến du khách cảm nhận trọn vẹn hương vị biển mặn mòi nơi đây.
Xem thêm
Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014
Đến thăm ruộng muối Diêm Điền của Thái Bình

Đến thăm ruộng muối Diêm Điền của Thái Bình


Trong hành trình tới vùng biển Thái Bình, không ít du khách tìm đến làng nghề truyền thống Diêm Điền, nơi những hạt muối trắng mặn mòi của biển khơi ra đời.

Cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, thị trấn Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng. Theo nghĩa Hán Việt, diêm là muối, điền là ruộng, nghĩa gốc của từ Diêm Điền có nghĩa là ruộng muối. Tên làng đã nói lên nghề của nhân dân nơi đây, đó là làm muối và đi biển.

Biển Diêm Điền với nồng độ mặn của nước biển đạt chuẩn để làm ra những hạt muối trắng. Làng nghề truyền thống làm muối biển ở đây đã có từ rất lâu đời. Nghề làm muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 trong năm. Đặc biệt vào tháng 4 và tháng 6 khi có những ngọn gió nồm thổi về, và nắng vàng gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất.


Thường xuyên tưới nước có độ mặn cao giúp lượng muối kết tinh tăng thêm độ dày.

Một ngày làm muối của người dân Diêm Điền bắt đầu từ sáng sớm. Đầu tiên là công đoạn làm đất. Người dân ngâm cát cùng nước biển, sau đó đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ.

Giữa trưa nắng, từ 12h đến 1h là khoảng thời gian người dân sử dụng công cụ đo độ mặn nước biển (Khúc xạ kế đo độ mặn) để xác định nồng độ muối. Công việc này góp phần đảm bảo chất lượng và sản lượng muối được ổn định. Nồng độ mặn của nước biển đạt từ 25 – 30 độ nước mới đông kết thành muối.


Thu hoạch muối.

Dưới ánh nắng hè gay gắt, trên từng thửa ruộng “trồng” muối, những người dân phơi mình trong cái nắng om da cháy thịt để có được thành quả lao động vất vả. Họ vui mừng vì được lao động trong cái nắng bỏng rát ấy, vì vụ mùa sẽ bội thu, hạt muối sẽ càng trắng trong. Ngược lại, nếu có cơn mưa bất chợt rơi xuống xem như uổng công vô ích, người nông dân lại phải bắt đầu lại quy trình từ đầu.

Khoảng 14h mỗi ngày, muối bắt đầu kết tinh trên đồng, nhà nông hối hả thu hoạch muối. Muối được gom lại thành từng ụ trắng tinh phản chiếu xuống mặt ruộng tạo nên bức tranh độc đáo. Từng ụ muối được đưa lên bờ cho bốc hết hơi nước và đóng vào bao.


Cánh đồng muối trải dài trắng tinh dưới nắng

Vất vả là vậy nhưng những người dân miền biển vẫn cần mẫn với nghề. Một lần đến và cảm nhận mới thấy trân trọng những hạt muối biển mặn mòi và yêu thêm những người dân lao động trên những cánh đồng muối trắng.

Biển Diêm Điền còn nổi tiếng với mắm cáy ngon tuyệt hảo. Người dân Thái Thụy thường mời khách đến chơi nhà những món ăn đặc sản của vùng như gỏi nhệch, sứa chua, gỏi sứa, canh ron… Du khách đến đây có thể kết hợp du lịch rừng ngập mặn Thụy Trường, đình An Cổ, phủ thờ chúa Muối và khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh.
Xem thêm
Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014
Cồn biển đẹp hàng đầu miền Bắc

Cồn biển đẹp hàng đầu miền Bắc

Sở hữu những bãi cát trải dài, độ dốc vừa phải, quanh năm sóng vỗ êm đềm nên tạo thành bãi tắm lý tưởng giúp Cồn Đen (Thái Bình) dần được nhiều du khách biết đến.

Không nổi tiếng về du lịch biển nhưng Thái Bình là nơi sở hữu nhiều cồn biển đẹp tại miền Bắc. Ngoài cồn Vành ở Tiền Hải, những người yêu vẻ đẹp nguyên sơ cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Thái Bình không nên bỏ qua Cồn Đen ở Thái Thụy, một địa điểm tạo cảm giác mới cho chuyến du lịch cuối tuần trong những ngày nắng nóng.

Cách Hà Nội khoảng 150 km và thành phố Thái Bình khoảng 40 km, du khách có thể dễ dàng đi đến Cồn Đen bằng cả phương tiện công cộng và cá nhân. Theo quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Phủ Lý, bạn rẽ vào quốc lộ 21, đi thẳng đến thành phố Nam Định rẽ trái vào quốc lộ 10 là đến thành phố Thái Bình.


Đường ra khu sinh thái Cồn Đen. Ảnh: dulichgo


Từ đây, bạn ra quốc lộ 39B rồi đi thẳng theo hướng đường đê là đến cồn Đen. Đơn giản hơn là bạn đi xe khách Hà Nội - Thái Bình, sau đó bắt xe buýt số 5 từ thành phố đến bến xe chợ Lục, rồi tiếp tục đón xe ôm ra cồn Đen (khoảng 7 km).

Được hình thành do kiến tạo bồi đắp phù sa và bùn cát của sông Trà Lý dưới tác động của dòng chảy giữa sông và chế độ thủy động lực vùng ven biển, nên Cồn Đen có địa hình tương đối bằng phẳng. Vào những ngày nắng nóng, đi dọc chiều dài khoảng 3 km của Cồn Đen, bạn sẽ cảm thấy dịu mát hơn khi ngắm những đợt sóng trắng xóa ào ạt xô bờ và dải thông xanh mướt đung đưa theo làn gió biển.

Với sự đa dạng của rừng ngập mặn, đây cũng là dịp để bạn thỏa sức tìm hiểu thế giới thiên nhiên ven biển ở Cồn Đen. Trên triền cát, những bông hoa muống biển tạo nét thi vị cho bờ biển, dưới nước vẹt, bần, đước, sú... tạo thành "bức tường xanh" chắn bão. Đây cũng là nơi trú ngụ của 500 loài động vật thủy sinh, cỏ biển và 200 loài chim các loại, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới tạo nên sức hấp dẫn rất riêng với du khách.


Du khách thích thú với sóng biển Thái Bình. Ảnh: dulichthaibinh.


Với những bãi cát trải dài, độ dốc vừa phải, quanh năm sóng vỗ êm đềm, Cồn Đen cũng là nơi rất thích hợp để tắm biển mỗi dịp hè về. Bạn cũng có thể tổ chức picnic và các trò vui chơi, giải trí trên biển như câu cá, bóng chuyền bãi biển sau những giờ phút vui đùa cùng sóng nước.

Là địa phương còn lưu giữ đa dạng các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bằng Bắc bộ, vì vậy khi đến Cồn Đen bạn cũng đừng quên tham quan các di tích lịch sử và làng nghề truyền thống ở Thái Bình. Gần có thể kể đến các điểm du lịch ở huyện Thái Thụy như khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, chùa Bảo Linh, đền Hệ, đền Hét, đền Hạ Đồng, đền Tam Tòa, đình Từ và đình Đông.

Xa hơn là Cồn Vành ở Tiền Hải, đền Trần ở Hưng Hà rồi vào làng chiếu Hới, tới chùa Keo và làng vườn Bách Thuận ở Vũ Thư, xuống làng chạm bạc Đồng Xâm và làng mây tre đan Thượng Hiền ở Kiến Xương và thưởng thức chèo làng Khuốc ở Đông Hưng.

Tuy xung quanh Cồn Đen cũng có hàng quán bình dân với những dịch vụ cần thiết dành cho khách tham quan, nhưng nếu kết hợp tham quan các điểm du lịch khác thì thị trấn Diêm Điền và thành phố Thái Bình là nơi bạn sẽ được thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng của vùng quê lúa như bánh cáy, canh cá, gỏi nhệch, nộm sứa, bánh gai, bún bung hoa chuối.
Xem thêm