.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014
Trải nghiệm mùa hè ở biển xanh Cà Ná

Trải nghiệm mùa hè ở biển xanh Cà Ná

Sự giao hòa độc đáo giữa biển cả, mây trắng, núi xanh đã tạo nên một Cà Ná hoang sơ, bình lặng trong lòng du khách khi có dịp đến xã ven biển của tỉnh Ninh Thuận.



Cung đường Cà Ná là một đoạn của quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang 30 km về phía nam. Nếu không kịp đón ánh bình minh bạn vẫn có thể đến đây hít thật sâu hương vị biển mặn mòi.



Từ sáng sớm, cảng biển Cà Ná tấp nập thuyền bè vào neo đậu. Bạn có thể thăm thú mọi ngõ ngách và ăn sáng cùng người dân nơi đây với các món như bánh căn, bánh xèo được đổ bằng mực, tôm tươi rói.



Đây cũng là cơ hội để bạn dạo quanh cảng biển và tìm hiểu lối sống đơn sơ mộc mạc của những ngư dân. Đừng quên mua những loại hải sản mà mình thích với giá rất phải chăng.



Những con cá còn tươi rói vừa cập cảng buổi sớm mai.



Sau khi no căng bụng với bữa sáng và hiểu hơn lối sống của ngư dân, hãy ra biển nhìn ngắm những con sóng xô tấp vào bờ. Dõi mắt ra những khoảng không bao la để thấy biển xanh quê hương vô tận.



Nơi xa xa, bạn sẽ bắt gặp các ngư dân trên chiếc thuyền thúng kéo những mẻ lưới đầy ấp cá tôm. 



Thả hồn theo những bãi cát hoang sơ và cơn sóng xô bờ tới tấp hay chụp vài tấm hình lưu niệm là trải nghiệm khó quên cho chuyến đi biển lãng mạn.



Đôi lúc bạn sẽ bắt gặp những ngư dân yên bình câu cá trên những phiến đá kỳ dị. Nếu đem theo cần, bạn cũng có thể thư thả câu cá, vừa để giải trí, vừa làm một bữa tiệc nhỏ lúc trưa về.



Còn không hãy dạo biển với đôi chân trần và tìm những mảnh san hô hình thù lạ lẫm để làm quà hay kỷ niệm cho chuyến đi.



Men theo những phiến đá để bắt những chú cua biển và tung tăng đùa vui với nước xanh trong, sạch đẹp.



Bạn cũng có thể mượn chiếc thúng xinh xắn của ngư dân để tập chèo và làm vài tấm ảnh trên chiếc thúng nhỏ lênh đênh giữa biển khơi.



Leo lên những phiến đá quanh biển Cà Ná để được căng mình hưởng thụ những làn gió mát rượi từ biển khơi và đắm mình trong hương biển.

Xem thêm
Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014
Nét hoang sơ quyến rũ của dòng suối Lạnh

Nét hoang sơ quyến rũ của dòng suối Lạnh


Nước suối trong xanh, hàng cọ bên đường xòe ô che nắng, tiếng chim rừng líu lo là những khung cảnh đặc sắc mà suối Lạnh ở Ninh Thuận mang đến vào mùa xuân.

Có hai con đường dẫn du khách đến với suối Lạnh. Một là theo con đường quốc lộ 27B thuộc xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, chạy vào khoảng 25 km. Con đường thứ hai bắt đầu từ ngã ba Ninh Bình, huyện Ninh Sơn chạy vào khoảng 20 km theo hướng bắc, du khách sẽ đến được suối Lạnh, thuộc địa phận xã Phước Thành, huyện Bác Ái. 


Cảnh đẹp như tranh vẽ dọc con đường đến suối Lạnh.

Dọc con đường vào suối là những mảng rừng xanh đại ngàn, kết hợp với núi đá tạo nên khung cảnh hoang sơ hùng vĩ. Trên triền dốc thoai thoải là những đàn cừu, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ, cùng các cô cậu mục đồng người Raglai với gánh gùi trên vai đựng nắm rau rừng tươi ngon mới hái.

Đến suối Lạnh vào sớm tinh mơ, du khách sẽ được nghe tiếng gáy của gà rừng, tiếng chim líu lo, tiếng suối chảy róc rách êm tai. Tất cả hòa với nhau tạo nên những cung bậc âm thanh độc đáo như món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng rừng núi nơi đây.

Nhiệt độ của dòng suối luôn khoảng 5-10 độ C nên buổi sáng du khách thường không thể ngâm mình, thay vào đó có thể men theo những phiến đá trên dòng suối ngược về thượng nguồn để ngắm khung cảnh hoang sơ, hít thở không khí trong lành và đắm chìm trong không gian của rừng xanh bao la.


Nước trong xanh, đá và rừng cây tạo nên một suối Lạnh độc đáo.

Vào những buổi trưa ánh nắng chói chang, du khách có thể kiếm vài cành củi khô rồi lựa bãi đất trống nướng thịt mang theo. Nếu có vài lon bia hãy ngâm chúng trong dòng nước suối Lạnh khoảng 30 phút để cảm nhận vị mát lành. Trong khi chờ đợi, du khách có thể thỏa sức vẫy vùng trong dòng nước chảy ra từ mạch nguồn của rừng xanh bao la.

Để rồi sau bữa tiệc hoang dã tự nhiên ấy, du khách ngồi lại bên những tảng đá phẳng lì và trò chuyện ngắm ánh chiều tà xuyên qua những tán cây cổ thụ của rừng già. Chiều về, đôi khi du khách sẽ bắt gặp cảnh tắm tiên của cư dân bản địa Raglai ẩn hiện sau những lùm cây hay trong bãi suối ít người qua lại.

Cư dân sống quanh khu vực suối Lạnh là người bản địa Raglai, họ có lối sống giản dị mộc mạc với nhiều lễ hội khiến du khách phải ngẩn ngơ khi tình cờ bắt gặp. Đó là vào các dịp như lễ bỏ mã, lễ cưới…những chàng trai cô gái Raglai tay trong tay quanh ánh lửa hồng của núi rừng. Họ cùng đàn ca, nhảy múa, gợi lên lối sống cộng đồng độc đáo của những cư dân vùng rừng núi cao nguyên.


Những tảng đá men lên thượng nguồn suối Lạnh.

Nhạc sĩ Trần Tiến từng có dịp ghé qua và ca khúc nổi tiếng “Giấc mơ Chapi” là những cảm xúc dào dạt mà ông đã bắt gặp khi tham gia lễ hội với người dân Raglai. Tiếng đàn Chapi bên ché rượu cần trên những ngôi nhà sàn, bên ánh lửa bập bùng đêm trăng làm đắm say lòng du khách, bởi tất cả như đang được bước vào vũ hội thần tiên thuở ban sơ.
Xem thêm