.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014
Nhút Thanh Chương - Đặc sản xứ Nghệ

Nhút Thanh Chương - Đặc sản xứ Nghệ


Nhắc đến món ngon xứ Nghệ không thể không nhắc tới món nhút Thanh Chương. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” mà bất cứ du khách nào đến đây cũng muốn được một lần thưởng thức.

Nhút là cách gọi quen thuộc của người miền Trung, là quả mít muối mặn ăn với cơm cũng giống như món dưa muối của người miền Bắc. 

Ở xứ Nghệ có nhiều nơi làm nhút, nhưng nơi làm nhút phổ biến và ngon hơn cả là ở huyện Thanh Chương bởi nơi đây nổi tiếng trồng được giống mít ngon của tỉnh Nghệ An. Thường thì mỗi năm chỉ có một mùa mít, nên nhút được muối dùng để ăn quanh năm, tùy từng mùa mà chế biến những món ăn khác nhau.


Nhút Thanh Chương

Nghề làm nhút ở Thanh Chương có từ lâu đời, là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình. Vật liệu để làm nhút gồm có mít xanh và muối trắng. Mít xanh, loại ương ương càng ngon. Mít đang ở trên cây, người ta hái xuống, gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa rồi bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Sau đó cho muối trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng bỏ vào vại sành khoả đều trên bề mặt, bỏ vỉ vào dằn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày. Hàng ngày trong bữa cơm, một bát nhút và nước mắm làm nước chấm là đủ. Ngoài ra nhút còn được chế biến thành món canh hoặc xào.

Vào mùa đông gió rét, nhút xào thịt ba chỉ nêm ớt, đường ăn với cơm nóng rất ngon, vị chua chua của nhút, ngọt của đường, cay cay của ớt, sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn rất ngậy và giòn. Vào mùa hè, nhút có thể làm nộm tai heo nhấm rượu hay đem nấu canh cá chua, canh lạc ăn bùi bùi chua chua rất lạ miệng lại có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho cơ thể. Hay chỉ đơn giản, nhút chấm nước mắm tỏi, rau kinh giới ăn cơm canh cũng ngon không kém. 

Nhút ăn giòn giòn, mặn của muối, cay xè của ớt, và dậy mùi thơm của mít, thanh ngọt của mía đường…”quyện” một vị ngon rất đặc biệt.

Đến Nghệ An, ăn một bữa cơm quê dân dã với nhút du khách sẽ hiểu hơn về con người và sự đậm đà xứ Nghệ.
Xem thêm
Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014
Chiêm ngưỡng cây thị “cổ đại” ở Nghệ An

Chiêm ngưỡng cây thị “cổ đại” ở Nghệ An


Cây thị “cổ đại” này nằm trên mảnh đất của gia đình anh Võ Văn Tá ở xóm 9, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Về xã Quỳnh Hoa, hỏi thăm cây thị “cổ nhất” không ai là không biết, bởi từ lúc họ sinh ra đã thấy cây thị với kích thước to lớn mọc ở giữa làng.

Anh Võ Văn Tá- người được UBND xã giao cho nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cây thị cho biết, từ khi anh sinh ra đã thấy cây thị to lớn này mọc ngay giữa làng (nằm trong phần đất của gia đình). Trải qua nhiều năm tháng, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, bom đạn của giặc thù dội xuống nhưng đến nay cây thị vẫn cứ xanh tốt, quả lại ra rất nhiều.

Theo anh Tá, cứ đến rằm tháng bảy thì anh bắt đầu hái quả. Quả thị có kích thước to bằng cái bát cơm, có mùi rất thơm.

“Cứ đến rằm tháng bảy, ngồi trong nhà mà vẫn ngửi thấy mùi thơm của quả thị ở ngoài đường. Năm nào cũng vậy, gia đình thường xuyên chăm sóc, tưới nước để cho cây thị phát triển tốt, lá xanh và cho quả nhiều”, anh Tá cho biết thêm.

Theo quan sát, cây thị có đường kính hơn 3m, có chiều cao khoảng 15m, có hình thù rất đẹp. Để ôm được cây thị này thì phải có khoảng 5 người lớn dang tay ra mới ôm kín được.

Từ khi biết tin cây thị có nhiều năm tuổi, người dân ở khắp mọi nơi đến để chiêm ngưỡng. Nhiều người còn chụp ảnh, ghi lại hình để làm kỷ niệm.

Ông Phan Thanh Lý- chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết, theo lịch sử thì cây thị nói trên có từ thời triều Nguyễn. Sau khi đánh tan hàng chục vạn quân Xiêm và Thanh năm 1788, Nguyễn Huệ (Quang Trung) định dời đô về Phù Hoa (nay là xã Quỳnh Hoa). Lúc bấy giờ Phù Hoa đã có 100 cái giếng và có nhiều cây thị to, đẹp.

“Cây thị này có độ tuổi hàng trăm năm, vì sau khi vua Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm, Thanh và định dời đô về Phù Hoa thì cây thị đã có từ trước đó rồi” ông Lý cho biết.










Chiêm ngưỡng cây thị gần 1000 năm tuổi ở xã Quỳnh Hoa
Xem thêm
Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014
Thăm Làng Hoàng Trù và Làng Sen quê Bác

Thăm Làng Hoàng Trù và Làng Sen quê Bác


Đã sinh ra và lớn lên ở cái mảnh đất hình chữ S này thì từ đứa con nít cho đến ông lão tóc bạc phơ không ai là không biết đến làng Hoàng Trù và làng Sen, quê hương của Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nằm trên trục đường 46, cách thành phố Vinh 13km, Nam Đàn là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt. Hiện nay Nam Đàn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hoá có ý nghĩa to lớn đặc biệt là Khu tích Kim Liên gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụm di tích quan trọng là làng Hoàng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Bác, mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ cụ cử Vương Thúc Quý….


Làng Hoàng Trù, nơi Bác Hồ được sinh ra.

Làng Hoàng Trù cách làng Kim Liên khoảng 2 km, cùng thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; cách thành phố Vinh đi theo khoảng 15 km về phía tây. Nơi đây có cụm di tích Hoàng Trù, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Đây cũng là nơi gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của Bác, cùng câu chuyện cảm động về những bậc sinh thành.


Vẫn nếp nhà năm xưa.

Cụm di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép – ông bà ngoại của Bác Hồ; ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân; và ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan – thân sinh Bác Hồ. Cụm di tích Hoàng Trù là một quần thể rộng 7 sào Trung Bộ (khoảng 3.500m2), mang đậm dấu ấn làng quê Việt.


Bạn chắc chắn sẽ ứa nước mắt khi nghe giọng cô hướng dẫn viên kể về cuộc đời khi nhỏ của Bác.

Làng Sen nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chính ở Làng Sen này, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng chào đời và sinh sống ở đây những năm thiếu thời. Dưới mái nhà tranh của quê ngoại, quê nội, sống trong tình thương yêu của gia đình, họ tộc và bà con xóm giềng đã nuôi dưỡng trong Bác một tâm hồn yêu thương với Đất nước và con người Việt Nam.


Làng Sen quê nội Bác Hồ.

Tới cụm di tích Làng Sen, du khách sẽ được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc. Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. 


Nơi đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật khi xưa của gia đình Bác.

Cũng chính nơi này, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con quê Hương Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa từ trong tâm hồn mình. Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên và còn là Di tích Quốc gia đặc biệt.


Đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan, người mẹ của Bác Hồ.
Xem thêm