.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014
Chiêm ngưỡng vòng quay khổng lồ top 10 thế giới tại Đà Nẵng

Chiêm ngưỡng vòng quay khổng lồ top 10 thế giới tại Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng vừa ghi thêm vào danh sách các công trình độc đáo sản phẩm ấn tượng mới là “Vòng quay Mặt trời - Sun Wheel”.

Hạng mục đầu tiên được khánh thành của Công Viên Châu Á này hứa hẹn sẽ là điểm đến không thể nào bỏ qua của bất kỳ ai đặt chân đến thành phố biển xinh đẹp.


Được khởi công vào tháng 10/2013, “Vòng quay mặt trời - Sun Wheel” được các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đến từ Đức, Nhật, Thái Lan cùng các kỹ sư và công nhân Việt Nam thực hiện. “Vòng quay mặt trời - Sun Wheel” đang dần hình thành để ra mắt người dân Đà Nẵng vào ngày 18/7 tại Công viên Châu Á (Phía Nam Đài tưởng niệm 2/9, Quận Hải Châu, Đà Nẵng).


“Vòng quay mặt trời - Sun Wheel” nằm trong một quần thể kiến trúc kết hợp giữa hiện đại và nét giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước Á Châu, được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của kiến trúc sư Bill Bensley, người đã kiến tạo nên tuyệt tác thiên đường nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.


“Vòng quay mặt trời” đã góp thêm vào danh sách những điểm đến đặc sắc và độc đáo nhất của Du lịch Đà Nẵng trong năm 2014.


Du khách có thể thu vào tầm mắt một Đà Nẵng lung linh về đêm hay huyền ảo dưới ánh hoàng hôn. 


Giờ đây người dân Đà Nẵng hoàn toàn có quyền tự hào khi nhắc đến “Vòng quay mặt trời – Sun Wheel” như cách mà những công dân thế giới luôn nói về The London Eye (London, Anh), Singapore Flyer (Singapore), Beijing Great Wheel (Bắc Kinh, Trung Quốc), The Texas Star ( Taxas, Mỹ) hay Big – O (Nhật Bản).


Về đêm, “Vòng quay Mặt trời- Sun Wheel” tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của thành phố biển


Vòng quay dưới ánh bình minh.


Vòng quay khổng lồ đạt vận tốc 15 phút/ 1 vòng và có thể chở được tối đa 384 hành khách mỗi lượt với 64 cabin.



Với chiều cao ấn tượng lên đến 115m – “Vòng quay Mặt trời – Sun Wheel” hiện đang thuộc TOP 10 vòng quay cao nhất thế giới.


“Vòng quay Mặt trời” sẽ chính thức khai trương vào ngày 18/7 và mở cửa đón khách từ 21h00 đến 23h00 cùng ngày.
Xem thêm
Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014
Huế mở “tháng vàng du lịch” thu hút khách

Huế mở “tháng vàng du lịch” thu hút khách


Tháng 9/2013 sẽ là “Tháng Vàng du lịch” tại Thừa Thiên Huế với nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn dành cho khách du lịch.

"Tháng vàng du lịch tại Di sản Huế" nhân dịp Quốc khánh 2/9, bắt đầu từ 2/9 đến 30/9, trong dịp này, du khách được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mãi.


Đây cũng là nội dung chương trình Kích cầu du lịch đợt 2 nhằm hưởng ứng Lễ phát động chương trình kích cầu du lịch trong năm 2013 của Bộ VHTTDL; kỷ niệm 20 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nếu du khách mua vé tham quan ba điểm (Hoàng Cung, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng) sẽ được miễn vé tham quan các điểm di tích còn lại (bao gồm lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và điện Hòn Chén); giảm 20% giá vé cho các đoàn tham quan các điểm di tích từ 10 người trở lên (mua 10 vé được giảm 2 vé); giảm 50% giá vé xem biểu diễn Nhã nhạc Huế tại Duyệt Thị Đường vào các suất ban ngày và buổi tối; miễn phí thuyết minh tại Đại Nội cho đoàn từ 20 khách trở lên; miễn vé tham quan di tích cho các đoàn sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh (có giấy giới thiệu của các trường); giảm 20% giá dịch vụ xe điện đưa đón tham quan khu vực Hoàng Cung; giảm 10%-20% giá các dịch vụ (hàng lưu niệm, giải khát,...) trong các điểm tham quan của khu di sản Huế.

Mục đích chính của chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị Di sản Huế (vật thể và phi vật thể), các dịch vụ đang hoạt động và sẽ triển khai thực hiện tại các điểm tham quan của di tích Huế thông qua những hoạt động giảm giá, khuyến mãi, tặng thưởng cho du khách và các công ty du lịch đưa khách đến tham quan di tích Huế.

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra chương trình kích cầu du lịch lần này tại Huế còn có các hoạt động và sự kiện văn hóa hấp dẫn khác như: Khai trươngTrưng bàySưu tập đồ sứ thời Nguyễn của nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận, Trần Đắc Lực (Phú Yên)từ ngày 18/9/2013 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 03 Lê Trực, Huế); Trưng bàyBút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn (1802-1945)từ ngày 19/9/2013 và Trưng bàyHình ảnh các di sản thế giới của Việt Namtừ ngày 20/9/2013 tại khu vực Trường lang Tử Cấm Thành, Đại Nội, Huế).

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tại một số địa điểm công cộng (sân Nghinh Lương Đình, Công viên Mùng Ba tháng Hai); Hội nghị gặp gỡ các khu Di sản Thế giới ở Việt Namtổ chức tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (sáng 21/9/2013) vàDạ nhạc tiệc (Gala Dinner dành cho đại biểu dự hội nghị) tại Sân Điện Cần Chánh - Đại Nội, Huế (tối ngày 21/9/2013).

Năm 2014, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đón 2,8-3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2-1,3 triệu lượt; doanh thu du lịch toàn ngành tăng 16-18%, đóng góp 54-55% GDP của tỉnh.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, Thừa Thiên-Huế đón đạt gần 1,8 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 650 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt hơn 1.626 tỷ đồng.
Xem thêm
Khách Trung Quốc lại bắt đầu đổ về Đà Nẵng

Khách Trung Quốc lại bắt đầu đổ về Đà Nẵng


Nhiều khách du lịch Trung Quốc và Hoa ngữ đang có xu hướng quay trở lại Đà Nẵng sau một thời gian ngưng trệ do ảnh hưởng của tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Từ giữa tháng 7 đến nay, thị trường khách Trung Quốc và Hoa ngữ đến Đà Nẵng đã có khởi sắc trở lại. 


Sau một thời gian gián đoạn, một số đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng đã mở lại.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng trong tháng 8-2014 ước đạt 15.080 lượt khách, tăng 26% so với tháng 7-2014 (11.960 lượt khách). Như vậy, đến nay, có 6 đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng do 5 hãng khai thác hoạt động. Dự kiến đến ngày 17-8, hai đường bay Tây An - Đà Nẵng và Thành Đô - Đà Nẵng cũng hoạt động trở lại.

Sau một thời gian gián đoạn, một số đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng đã mở lại. Các đường bay trực tiếp từ Trung Quốc đã khôi phục trở lại như: Hàng Châu - Đà Nẵng (18-7), Bắc Kinh - Đà Nẵng (3-8), Côn Minh - Đà Nẵng (7-8).

Đại diện Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng cho hay, các đơn vị lữ hành sẽ phục vụ khách du lịch Trung Quốc trên tinh thần cởi mở, hiếu khách, tạo cho du khách Trung Quốc cảm giác an tâm khi đi du lịch ở Đà Nẵng.

Trước tình hình thị trường khách Trung Quốc có dấu hiệu chuyển biến tích cực, Sở Văn hoá thế thao và Du lịch Đà Nẵng sẽ tích cực triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục duy trì việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách nói chung và du khách tiếng Hoa nói riêng.

Một số doanh nghiệp lữ hành cho hay, tuy lượng khách ban đầu chưa ổn định nhưng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan. Nếu trong tháng 8, lượng khách lẻ chiếm phần lớn thì khoảng tháng 9, tháng 10 đã có nhiều đoàn khách từ thị trường Trung Quốc đặt tour qua các hãng lữ hành đến Đà Nẵng tham quan, du lịch.

Trước đó, tình hình căng thẳng trên Biển Đông khiến cho 14 trong số 15 đường bay giữa Trung Quốc và TP. Đà Nẵng ngừng hoạt động và lượt khách Trung Quốc đến Đà Nẵng giảm mạnh. Tổng lượt khách Trung Quốc đến Đà Nẵng được ghi nhận trong nửa đầu năm 2014 là 50.000 khách so với 68.226 lượt khách trong nửa đầu năm 2013, giảm 26,7%.

Nguyên nhân là doTrung Quốc và Đài Loan đã khuyến cáo người dân sẽ gặp nguy hiểm khi du lịch Việt Nam.Riêng Đài Loan nâng mức cảnh báo lên màu vàng, chỉ sau mức cao nhất là màu đỏ.

Tuy nhiên trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã chủ động tìm cách chuyển hướng thị trường khác tại các nguồn khách từ các nước tiềm năng như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Xem thêm
Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014
Đi dọc miền Tây Thanh Hóa

Đi dọc miền Tây Thanh Hóa

Vùng đất này được ví như miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh, cảnh đẹp hùng vĩ hiện lên như khúc độc hành của riêng sông Mã.

Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu, đứa con gái 25 tuổi ngồi bó gối trong thành phố, cảm giác "nhớ rừng" quay quắt về một miền xa vắng ít nắng, nhiều mưa. Vậy là nó lên kế hoạch, sửa sang lại xe cộ để về với miền Tây Thanh Hóa.

Với nó, những cái tên quen thuộc như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... đủ núi cao, sông sâu, ruộng bậc thang, món ăn khó lẫn như một miền Tây Bắc thu nhỏ trong lòng xứ Thanh chứa những bí mật không bao giờ khám phá hết.


Những nếp nhà sàn bình dị ẩn hiện cùng ruộng bậc thang.

Dọc cung đường này không có hoa cải trắng, tam giác mạch nên thơ, chỉ có cái ầm ào, dữ dội của dòng sông Mã và sự gập ghềnh của đường đi kích thích máu "liều". Dân du lịch bụi thường đi theo quốc lộ 6, từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) tới Trung Sơn, Trung Lý (Mường Lát) rồi xuôi Hồi Xuân (Quan Hóa), Cành Nàng (Bá Thước), chạy dọc sông Mã rồi lại ngược Cẩm Thủy, đi đường mòn Hồ Chí Minh về tạo thành một vòng tròn thú vị.

Mường Lát kỳ vĩ và nên thơ là nơi đầu tiên trong hành trình con sông Mã trở về đất Việt sau khi uốn lượn cả trăm cây số trên đất Thượng Lào. Trong tiếng Thái, Mường Lát nghĩa là "nơi nước tràn qua", và mùa mưa chính là lúc nước từ hàng trăm con suối tràn qua bản để về sông Mã. Đường từ Co Lương về trung tâm Mường Lát đi qua vài chục con suối lớn nhỏ, có đá chắn ngang lòng. Sông Mã như con ngựa bất kham nên những dòng suối đổ về đó cũng không có dáng vẻ hiền lành thường thấy.

Con đường không dài nhưng đủ nhớ với dốc cao vừa lầy vừa trơn, thử thách bản lĩnh người cầm lái bằng những cú trượt dốc, bùn đất cuốn chặt hai bánh xe. Gặp đoạn này, xế phải vững tay lái, còn ôm thì sẵn sàng xuống xách giầy và lội bộ qua.


Trẻ em miền núi đáng yêu, không ngại ngần trước ống kính máy ảnh.


Từng dải lúa, nương ngô trải dài từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia, dập dềnh trong nắng sớm. Tén Tằn, Tam Chung... được coi là vựa lúa của vùng biên. Vào mùa gặt, từng lớp sóng lúa màu xanh chen lẫn màu vàng, đem no ấm về trong mùi cơm nếp mới hòa cùng màu khói tỏa trên những mái tranh. Cuối tháng 8 là thời điểm các thiếu nữ Mông ngồi dệt sợi, may váy bên bờ suối để chuẩn bị ăn Tết độc lập. Nơi thượng nguồn sông Mã, cuộc sống gắn liền nương rẫy còn xiết bao vất vả.

Ấn tượng vào Mường Lát là đi qua nhiều cầu đủ loại như cầu tre, cầu gỗ, lớn nhất là cầu treo bắc qua sông Mã ngay trung tâm thị trấn Mường Lát. Nghỉ qua đêm ở đây giá chỉ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Từ ban công nhà nghỉ nhìn xuống, mây bay là là phủ kín những dãy núi bên sông.

Mải mê ngắm núi rừng mà chưa kịp đến thị trấn, bạn có thể xin ở lại nhà dân trong bản. Họ rất nhiệt tình, sẵn sàng cho ngủ lại qua đêm không lấy tiền nhưng có thể bạn sẽ phải uống với gia chủ vài chén rượu ngô trước khi đi nằm. Nếu may mắn, bạn còn được họ mời thưởng thức món sâu măng xào lá chanh, đặc sản của núi rừng chỉ có vào độ tháng 9, tháng 10.

Đường từ Mường Lát về thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) vẫn là núi cao, sông rộng nhưng không còn cái hiểm trở của trời Tây Tiến nữa. Hai bên bờ sông Mã rợp bóng mát của những rừng luồng. Mùa nước cạn, sông Mã hiện ra nhiều bãi sỏi, ghềnh đẹp mắt. Từ thị trấn Hồi Xuân chạy thẳng đường xuống Nam Xuân thăm hang Ma, nơi nghĩa địa chứa những quan tài bằng gỗ của người Thái. Những vách đá khổng lồ như tạc xuống dòng sông. Cửa hang nằm khuất sau những tán cây rừng rậm rạp bên sườn Pa Cáng.


Những vách núi sừng sững như tạc vào lòng sông.


Dưới sông, những bè, mảng của đồng bào dân tộc xuôi dòng, tập kết thành từng điểm. Họ khỏe mạnh, lên thác xuống ghềnh cự phách như những con cá lăng. Dòng nước dữ dội đi vào trong câu ca: Nhất Chiếng, nhì Cả, ba Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi. Cuộc sống nay đây mai đó, nhiều người bị thủy thần cướp đi cũng không khiến họ bỏ nghề, vẫn vượt sóng cuộn, thác ghềnh để mưu sinh.

Không nhiều kỳ bí như Mường Lát, Quan Hóa, Pù Luông giống cô gái Thái hiền hậu, đẹp rạng ngời còn say ngủ giữa núi rừng hoang vu.

Kho Mường, bản Nủa, bản Hin, phố Đòn là những cái tên gợi nhớ khi đến nơi này. Bản Hiêu (xã Cổ Lũng) bình yên với ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn dựa lưng vào núi và chuyện kỳ bí về những báu vật của rừng khiến cho ta có cảm giác được về nhà. Thác Hiêu nước ầm ào chảy suốt ngày đêm, với lượng đá vôi lớn trong nước nên có thể biến cây thành đá.

Trải nghiệm đã qua trong các cuộc hành trình đến và trở về khiến nhiều người muốn quay lại những cung đường đầy bùn lầy, để ngắm nhìn ruộng bậc thang lúa chín vàng trong nắng chiều yên ả, cùng con người chân chất. Năm tháng trôi, những chuyến đi dài bồi đắp tâm hồn dày thêm mãi. Từ lúc trót yêu những cung đường, đứa con gái từng độc hành lên biên giới, có khi thêm người bầu bạn lọ mọ vào bản xa. Miền Tây Thanh Hóa vẫn là nỗi nhớ chơi vơi giữa cuộc sống bộn bề.
Xem thêm
Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014
Những đặc sản Nha Trang quyến rũ

Những đặc sản Nha Trang quyến rũ


Bánh căn, bánh xèo chảo hay bún sứa là những món không thể bỏ qua khi bạn đến thành phố biển Nha Trang. 

Biển luôn là thiên đường của hải sản. Những món ăn của xứ biển ít nhiều phảng phất vị tanh ngái miền cát mà tùy theo cách chế biến của địa phương lại mang hương vị đặc trưng. 

1. Bánh căn

Nam Trung Bộ là xứ sản sinh ra bánh căn. Tuy khởi nguồn từ Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng bánh căn qua bàn tay chế biến của người Nha Trang, ngoài mùi vị đặc trưng của bột gạo còn mang hơi vị của sự phóng khoáng như tính cách người dân nơi đây. Bánh căn giống với bánh khọt của miền Nam nhưng khác giai đoạn khi cho vào khuôn bánh.

Nếu như bánh khọt người Nam “chiên” bột gạo với dầu ăn thì người Trung lại “nướng” bột gạo. Nhân bánh mới là điều làm nên bánh căn Nha Trang. Ngoài bánh căn thông thường với nhân trứng cút, trứng gà hay thịt bò, người Nha Trang còn cho thêm mực, hến và tôm hấp vào nhân làm thành bánh căn mực, hến hay bánh căn tôm. Hoặc bạn cũng có thể gọi bánh thập cẩm, muốn ăn nhân nào chỉ việc nói người bán làm cho. Bỏ thêm muỗng mỡ hành lên trên bánh, rắc chút vụn bánh mì chiên, gắp cọng rau, nhúm xoài, thứ hỗn hợp này hòa tan trong miệng giòn rụm, gói gọn đủ hết cả mùi, vị và sắc của món ăn.


Mỗi cái bánh căn là được đổ cùng một con tôm. Bánh căn vừa đổ ăn liền rất ngon. 

Bánh căn không ăn riêng rẽ mà phải gắp từng cặp, chấm ngập vào nước chấm cho ngấm vào trong nhân ăn mới ngon. Ngoài nước chấm là nước mắm ớt pha kiểu miền Trung, thực khách còn có thể gọi thêm chén nước cá hay chén xíu mại để ăn cùng. Khi ăn bánh căn bạn nên gọi thêm đĩa xoài sống, xoài Cam Ranh với vị chua đặc trưng của trái cây xứ cát rất thích hợp khi ăn chung với bánh căn. 

Địa điểm gợi ý: đường Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Trãi, thành phố Nha Trang.

2. Bánh xèo chảo

Một biến tấu khác của bánh xèo miền Nam đó chính là bánh xèo có thêm hải sản của dân miền biển. Bánh xèo đúc bằng chảo nên được gọi là bánh xèo chảo, khác với các loại bánh xèo miền Trung thường đúc bằng khuôn đất như bánh khọt. Mật độ tìm thấy quán bánh xèo chảo không nhiều bằng bánh căn nhưng du khách đến Nha Trang ít nhất thường bỏ túi một địa điểm để đến thử.


Bánh xèo chảo nóng hổi, người bán lấy ra là đem liền cho thực khách.

Quán bánh xèo chảo mực nho nhỏ dưới chân Tháp Bà là nơi khách du lịch thường rỉ tai nhau. Ngoài ra, nếu thích thì khách có thể xin thêm bánh tráng để cuốn bánh xèo, ăn kèm rau sống nữa thì rất tuyệt. Mỗi bánh có đường kính tầm 25 cm. Quán bánh xèo chảo quyến rũ du khách bằng rổ mực tươi rói còn xanh màu nước biển, chế biến đến đâu bỏ mực đến đó. Bánh xèo được đổ với tôm hoặc mực tùy theo khẩu vị của khách. Bánh xèo Nha Trang khi chế biến cũng thường cho trứng cút hay trứng gà vào giữa bánh tương tự như bánh căn. 

Địa điểm gợi ý: đường Tô Hiến Thành, thành phố Nha Trang.

3. Bún cá dầm - Bún sứa

Đến Nha Trang sẽ thực sự là một thiếu sót nếu không thưởng thức bún cá hay bún sứa. Món ăn này thường sử dụng bún lá Ninh Hòa và nguyên liệu cá bò. Trong một tô bún, cá và sứa thường được bỏ chung, chả cá chiên là nguyên liệu không thể thiếu, có nơi còn cho lòng cá, trứng cá để tăng thêm độ ngọt và phong phú. Từng khoanh cá dày cộp bỏ da và xương, những lát sứa trong veo, dai dai hấp dẫn thực khách.


Điểm đặc trưng nước dùng món bún là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá.

Bún ăn với rau sống và mắm tôm. Nước dùng của các món bún có điểm đặc trưng là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá, mùi vị khó lẫn vào đâu được. Đa số các món ở Nha Trang đều dùng với ớt xanh nguyên trái hoặc xay ra để át mùi tanh của cá, cộng với sa tế các loại. Nếu bạn không quen ăn cay thì đây sẽ là điểm nên lưu ý.

Địa điểm gợi ý: đường Thống Phan Bội Châu, khu vực Chợ Đầm, Yết Kiêu, thành phố Nha Trang

4. Nem nướng

Đến Nha Trang là phải ăn nem Ninh Hòa. Người chưa biết ăn thì nghe tiếng thơm của món đặc sản địa phương nên muốn thử cho biết, còn người ăn rồi thì tìm đến ăn nữa cho đã thèm. Người dân địa phương có khi gọi nem nướng là nem cuốn bởi muốn ăn phải tự cuốn cho vừa ý, chấm với nước chấm sền sệt được chế biến theo cách riêng của người bản xứ.


Ăn một miếng nem nướng, bạn lại muốn bỏ vào miệng thêm một miếng nem nữa. 

Tương tự như gỏi cuốn, bò bía trong Nam, món nem nướng khi ăn phải cuốn chung với bánh tráng, ram dưa chua và rau các loại. Sở dĩ nem Ninh Hòa ngon có tiếng là vì nguyên liệu được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của vùng Ninh Hòa, để sao cho có hương vị đặc biệt không giống bất cứ loại nem nào ở nơi khác. Quả thật, nem ăn không ngấy vì không có dính chút mỡ nào, cộng với các thành phần phụ cùng rau dưa các loại hòa quyện đủ vị béo, chua, giòn, cay, no mà không ngán. 

Địa điểm gợi ý: đường Thống Nhất, thành phố Nha Trang.
Xem thêm
Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014
Nhút Thanh Chương - Đặc sản xứ Nghệ

Nhút Thanh Chương - Đặc sản xứ Nghệ


Nhắc đến món ngon xứ Nghệ không thể không nhắc tới món nhút Thanh Chương. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” mà bất cứ du khách nào đến đây cũng muốn được một lần thưởng thức.

Nhút là cách gọi quen thuộc của người miền Trung, là quả mít muối mặn ăn với cơm cũng giống như món dưa muối của người miền Bắc. 

Ở xứ Nghệ có nhiều nơi làm nhút, nhưng nơi làm nhút phổ biến và ngon hơn cả là ở huyện Thanh Chương bởi nơi đây nổi tiếng trồng được giống mít ngon của tỉnh Nghệ An. Thường thì mỗi năm chỉ có một mùa mít, nên nhút được muối dùng để ăn quanh năm, tùy từng mùa mà chế biến những món ăn khác nhau.


Nhút Thanh Chương

Nghề làm nhút ở Thanh Chương có từ lâu đời, là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình. Vật liệu để làm nhút gồm có mít xanh và muối trắng. Mít xanh, loại ương ương càng ngon. Mít đang ở trên cây, người ta hái xuống, gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa rồi bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Sau đó cho muối trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng bỏ vào vại sành khoả đều trên bề mặt, bỏ vỉ vào dằn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày. Hàng ngày trong bữa cơm, một bát nhút và nước mắm làm nước chấm là đủ. Ngoài ra nhút còn được chế biến thành món canh hoặc xào.

Vào mùa đông gió rét, nhút xào thịt ba chỉ nêm ớt, đường ăn với cơm nóng rất ngon, vị chua chua của nhút, ngọt của đường, cay cay của ớt, sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn rất ngậy và giòn. Vào mùa hè, nhút có thể làm nộm tai heo nhấm rượu hay đem nấu canh cá chua, canh lạc ăn bùi bùi chua chua rất lạ miệng lại có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho cơ thể. Hay chỉ đơn giản, nhút chấm nước mắm tỏi, rau kinh giới ăn cơm canh cũng ngon không kém. 

Nhút ăn giòn giòn, mặn của muối, cay xè của ớt, và dậy mùi thơm của mít, thanh ngọt của mía đường…”quyện” một vị ngon rất đặc biệt.

Đến Nghệ An, ăn một bữa cơm quê dân dã với nhút du khách sẽ hiểu hơn về con người và sự đậm đà xứ Nghệ.
Xem thêm
Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014
Cẩm nang cho chuyến du lịch Phan Thiết

Cẩm nang cho chuyến du lịch Phan Thiết


Với những bãi biển hiền hòa, đồi cát vàng óng đủ sắc màu, thêm những lễ hội địa phương độc đáo, Phan Thiết hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách một chuyến khám phá thú vị.

Cách TP HCM khoảng 200 km, Phan Thiết thu hút đông đảo du khách đến từ miền Nam và các vùng lân cận như Đà Lạt, Nha Trang, Đồng Nai… cho những ngày nghỉ cuối tuần và các dịp lễ.

Thời tiết và thời gian du lịch

Thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ nên Phan Thiết mang khí hậu hơi nóng, tháng 4 và 5 là thời điểm nóng nhất trong năm. Du khách có thể đến Phan Thiết bất cứ mùa nào, tuy nhiên nên tránh thời điểm cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vì đây là mùa tảo biển nở hoa hay còn gọi là “thủy triều đỏ”. Hiện tượng này làm cho nước biển chuyển màu và kèm theo mùi hôi nên không thích hợp cho việc tắm biển nghỉ dưỡng. Đầu tháng 6 hay từ tháng 8 đến tháng 12 là thời điểm thích hợp cho những chuyến đi của du khách.

Phương tiện di chuyển

Từ Hà Nội:

Bạn có thể đi bằng tàu hỏa từ ga Hà Nội xuống ga Phan Thiết, từ đây đón xe taxi hay xe buýt vào trung tâm thành phố Phan Thiết.

Đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau đó bạn khởi hành đến Phan Thiết bằng xe khách công cộng với giá 150.000-250.000 đồng một vé.

Từ TP HCM:

Bạn có thể đi tàu hỏa từ ga Sài Gòn hay xe khách công cộng tại bến xe Miền Đông với giá vé 150.000-250.000 đồng một người.

Nghỉ ngơi

Trung tâm thành phố Phan Thiết và xung quanh bãi biển có nhiều resort cho du khách lựa chọn. Tuy nhiên nếu kết hợp khám phá cuộc sống ngư dân, du khách có thể đến xin nghỉ ngơi trong các làng chài ven biển, thuận lợi cho việc thưởng thức hải sản giá rẻ và tìm thêm những điểm du lịch mới từ người dân địa phương.

Địa điểm tham quan

Phan Thiết phân chia thành bốn khu vực chính đó là: trung tâm thành phố, Mũi Né, Mũi Kê Gà và Hòn Rơm. Du khách có thể chọn điểm dừng chân tại một trong 4 khu vực này, từ đó tiếp tục hành trình khám phá các địa danh nổi tiếng khác tại Phan Thiết.

- Trung tâm thành phố Phan Thiết: Nằm trên tuyến quốc lộ 1A và có con sông Cà Ty chảy qua tạo nên những khu vui chơi, ẩm thực sầm uất ở hai bên bờ. Đến đây vào buổi chiều hay tối, du khách sẽ có được không gian yên tĩnh, mát mẻ và thoải mái thưởng thức những ẩm thực đặc sắc của địa phương.

- Mũi Né: Còn được gọi là “Làng Tây” vì thu hút đông đảo khách du lịch đến từ nước ngoài, Mũi Né là một trong những điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nhất tại Việt Nam. Đến đây bạn thỏa sức đắm mình trong biển nước xanh, tận hưởng những ánh nắng vàng len lỏi vào những sớm mai. Ngoài biển xanh, những đồi cát thơ mộng cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách. Với hơn 18 màu sắc liên tục thay đổi theo ngày, giờ, đồi cát trông huyền ảo như một bức tranh thiên nhiên độc đáo. Du khách còn có thể thư giãn với trò chơi trượt ván cát đầy sôi động.

- Mũi Kê Gà: Cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp bình dị, hoang sơ, nơi đây có bãi cát sạch, trắng mịn thích hợp cho du khách tắm biển, phơi nắng và tham gia các hoạt động đốt lửa trại, tiệc ngoài trời… Ngoài biển, nơi đây còn có ngọn hải đăng hơn 100 tuổi. Vượt qua 184 bậc thang để leo lên đỉnh ngọn hải đăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên với trời, mây và biển nước.


Mũi Kê Gà với nhiều phiến đá hình thù độc đáo. Ảnh: Hồng Liên.

- Hòn Rơm: Là một tiểu khu du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km gọi là bãi sau Hòn Rơm, tại đây nước xanh trong vắt, không có đá ngầm. Du khách đến đây thường hay ngắm ánh bình minh hay hoàng hôn trên những bãi cát phẳng lặng, ban đêm với không gian tĩnh mịch ngắm ánh trăng sáng vằng vặc đẹp lung linh và trữ tình.

- Núi Tà Cú: Có phong cảnh đẹp đẽ và hàng cây xanh tốt xum xuê, du khách có thể thỏa mình trong khí trời xanh mát và trong lành. Nếu ưa mạo hiểm du khách có thể lên đỉnh qua hơn 1.000 bậc thang hoặc đi bằng cáp treo để được ngắm toàn cảnh bức tranh thủy mặc gồm trời mây, biển nước và rừng núi giao hòa trông rất tuyệt đẹp.

- Tháp Po Sah Ina: Là một cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn, với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, du khách đến đây sẽ mê mẩn bởi sự sáng tạo độc đáo từ bàn tay khối ốc con người qua những chi tiết kiến trúc và điêu khắc. Ngoài ra, vào tháng 10 hàng năm du khách sẽ được tham gia lễ hội Kate với đồng bào Chăm.

- Trường Dục Thanh: Là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước Bình Thuận lập ra vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh. Đây cũng là ngôi trường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay, trường còn giữ nhiều kỷ vật tương đối nguyên vẹn để du khách tham quan và tìm hiểu. 

- Bãi Rạng: Bãi Rạng hay biển Rạng là bãi tắm đẹp nhất của thành phố Phan Thiết, nằm dưới những rặng dừa dày đặc trông giống khu rừng dừa rất đẹp mắt. Hè về, bãi Rạng chiều nào cũng đông đúc khách tắm biển và thưởng thức cá chuồn xanh nướng ngọt thơm. 

- Bãi biển Đồi Dương: Nằm cạnh trung tâm thành phố Phan Thiết nhộn nhịp nhưng bãi biển Đồi Dương vẫn mang trong mình vẻ đẹp hiền hòa. Đến đây bạn sẽ được nghe tiếng sống vỗ rì rào, êm dịu để xoa đi cái mệt nhọc sau những ngày làm việc vất vả.

- Bàu Trắng: Đến đây vào mùa hè du khách sẽ được thưởng ngoạn những cánh sen xanh, đỏ, tím, vàng rực rỡ cả một vùng hồ nước thênh thang. Bên trên là những bãi cát mềm mịn cho du khách thỏa sức nô đùa.


Bàu Trắng với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ. Ảnh: Tuấn Đào.

- Hòn Ghềnh: Đứng từ đây bạn sẽ nhìn thấy một bên là Mũi Né trải dài, một bên là Hòn Rơm xanh mát tạo thành một vòng cung như đôi tay ôm lấy biển khơi xanh trong. Nước biển ở đây trong vắt có thể nhìn thấy cả san hô dưới đáy, trên bờ là những ghềnh đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau tạo nên một tuyệt tác độc đáo. 

Lễ hội truyền thống địa phương

- Hội đền Dinh Thím Thầy: Diễn ra vào ngày 15-16/9 âm lịch hàng năm tại đền Dinh Thầy, cách Phan Thiết khoảng 70 km. Hội có nhiều hoạt động mang sắc thái tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Nhiều người tin rằng Thầy Thím rất linh thiêng, khách hành hương với lòng tôn kính và thành tâm sẽ nhận được may mắn và bình an.

- Lễ hội Cầu Yên: Là một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm, được tổ chức hàng năm tại các làng Chăm với ý nghĩa tống tiễn những cái xấu xa, không may của năm cũ và rước những điều may mắn cho năm mới. Sau lễ là phần hội với những cuộc thi múa, hát truyền thống Chăm. Diễn ra vào đầu tháng Giêng Chăm lịch.

- Lễ hội Kate: Cũng là lễ hội truyền thống của người Chăm, được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch (tháng 10 dương lịch). Lễ hội với ý nghĩa tưởng nhớ các vị vua, các thần linh có công ơn với dân tộc.

- Lễ hội Nghinh Ông: Diễn ra vào tháng 7 âm lịch, đây là lễ hội cúng cá Ông của ngư dân miền biển được tổ chức hai năm một lần với mong ước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, dân chúng ấm no hạnh phúc. Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian và món ăn truyền thống đặc sắc đậm đà hương vị biển.

- Đua thuyền mừng Xuân trên sông Cà Ty: Diễn ra vào mùng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm, các thuyền đua được trang trí cờ hoa, biểu ngữ rực rỡ sắc màu, hòa lẫn với tiếng trống, tiếng kèn cùng tiếng reo hò cỗ vũ của người dân và du khách tạo nên một không khí rộn ràng sôi động.

Món ăn đặc sản

- Bánh canh chả cá: Miếng chả được chiên vàng hay hấp chín ăn kèm với những sợi bánh màu trắng mềm dẻo, nước lèo thơm ngọt được ninh nhừ bởi những con cá tươi ngon được bắt về từ biển khơi Phan Thiết. Món này hơi cay nên nếu không ăn được cay bạn nên dặn người bán pha chế cho phù hợp khẩu vị.

- Bánh căn: Được nướng chín bởi những gốm Chăm Bình Đức, xã Phan Hòa, bánh căn vừa mang hơi thở của vùng đất nắng gió, vừa mang hương vị biển qua phần nhân hải sản như tôm, mực hấp dẫn. Đây là món bánh chế biến đơn giản nhưng được nhiều du khách thích thú.

- Gỏi cá: Được chế biến từ những loài cá có thịt ngọt mềm như cá mai, cá suốt hay cá đục. Một đĩa gỏi cá mai phai hội tụ đủ bốn vị chua, cay, giòn, tươi của chanh, ớt, rong tuyết và tươi ngon của cá. 

- Dông cát: Có thể nướng hoặc làm gỏi tùy theo khẩu vị của thực khách. Đây là một trong những món ăn đặc sản phổ biến thích hợp cho dân nhậu.


Dông nướng với miếng thịt thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Văn Trãi

- Cua huỳnh đế: Cua ở đây có quanh năm nhưng ngon nhất là vào độ tháng Chạp, lúc này cua cái và đực đều đầy gạch và có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Du khách có thể thưởng thức bằng cách nướng hoặc hấp. Cua huỳnh đế phân bố nhiều ở vùng biển Tuy Phong.

Ngoài các đặc sản trên du khách có thể thưởng thức bánh tráng mắm ruốc, bánh hỏi lòng heo, bánh quai vạc và các hải sản từ biển như mực, tôm, cá đủ loại với giá khá rẻ và tươi ngon. 

Quà mua về

Du khách nên mua các loại hải sản tươi ngon tại các làng chài ven biển hay vào sâu trong những cảng cá sầm uất. Ngoài ra, du khách có thể mua sản phẩm gốm Chăm – Bình Đức hay dệt Chăm – Phan Hòa với nhiều mẫu mã đẹp mắt không kém các sản phẩm Chăm của Ninh Thuận.
Xem thêm
Sớm mai trong trẻo ở Sầm Sơn

Sớm mai trong trẻo ở Sầm Sơn


Bãi biển nằm ở Thanh Hóa là cái tên được nhiều người nhắc đến trong suốt mùa hè ở miền Bắc và những ngày này đang thay đổi để xóa dần những định kiến lâu nay.

Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày có những vẻ đẹp khác nhau để mỗi người có thể tận hưởng những khoảnh khắc cảm xúc của riêng mình. Khi bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công.

Chợ hải sản được họp ngay bên bờ biển, du khách có thể chọn lựa và thưởng thức tôm, cua, ốc, ghẹ, mực, cá thu, cá ngừ… Đây là những đặc sản vừa được cất lên từ biển Sầm Sơn. Khi mặt trời dần lên cao, biển Sầm Sơn lóng lánh dát vàng, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xoá ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng vàng ươm, những cánh diều rực rỡ chao liệng giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả.


Sáng mai bình yên và trong trẻo ở Sầm Sơn. Ảnh: Mạnh Cường.

Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm. Trong cái nóng oi ả của mùa hè miền Bắc, không có gì tuyệt hơn là được ngâm mình trong làn sóng biển trong xanh và đùa nghịch cùng những con sóng trắng xóa. Bạn cũng có thể nằm phơi mình trên bãi cát, tận hưởng hương vị của biển cả, đâu đó vi vu tiếng sáo diều. Hãy lắng nghe những thanh âm của biển và đón cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn hoặc cùng nhau xây lâu đài cát rồi lại trả nó về với biển khơi khi những đợt sóng lên cao.

Đêm Sầm Sơn, biển mờ ảo dưới ánh trăng, vẫn những đợt sóng vỗ bờ nhưng dường như êm đềm hơn. Vẫn là những âm thanh ấy nhưng không phải là tiếng vui đùa của du khách nhảy theo từng con sóng bạc đầu, mà là tiếng thì thầm của biển và sóng cùng với bản nhạc du dương của gió và rặng phi lao. Cảm giác cát mát rượi dưới những bước chân, biển trước mặt nhưng chứa đầy vẻ huyền ảo.

Trải qua bốn mươi bậc đá lên đến đền Độc Cước cổ kính, thu vào tầm mắt cảnh biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ chạy dài theo mép biển, xa xa là những làng chài nấp sau rặng phi lao hát vi vu trong gió. Chuyện xưa kể rằng, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, rồi dạt vào bờ, bà nằm lại đây, nguyện làm con đê chắn sóng cho cả làng Kẻ Trường. Cảm phục và xót thương trước tấm lòng cao cả của bà, nhân dân trong vùng đem đất đá đắp lên thi hài bà thành dáng núi Trường Lệ như ngày nay.


Sầm Sơn nhìn từ dãy Trường Lệ. Ảnh: Mạnh Cường.

Theo sườn núi Trường Lệ quanh co giữa những vạt thông reo, ta bắt gặp hai hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn, tưởng chừng chỉ cần gió mạnh là đổ sụp xuống. Nhưng ngàn đời nay nó vẫn nằm đó như minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu, như thách thức với thời gian và sóng gió. Đó là hòn Trống Mái, biểu tượng thủy chung của tình yêu.

Chuyện rằng ở vùng Sầm Thôn có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh lại siêng năng hết mực yêu thương nàng tiên nữ xinh đẹp giáng trần. Ngọc Hoàng hay tin con gái kết duyên cùng người hạ giới thì vô cùng tức giận, sai người xuống trừng phạt. Chàng Ngư Phủ hết lời khuyên nhủ trở về trời, nhưng nàng một mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến vợ chồng thành đôi chim, khi sứ giả bước vào định bắt thì đôi chim non kia biến thành đá đứng trơ trơ, được người dân gọi là hòn Trống Mái.

Rời Sầm Sơn, vấn vương trong đầu hình ảnh buổi mai trong trẻo của đô thị biển xinh đẹp đang trở mình thức giấc trong ánh bình minh đón chào ngày mới sau giấc ngủ 100 năm có lẻ.
Xem thêm
Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014
no image

Vẻ đẹp diêm dân trên ruộng muối Long Điền


Dưới cái nắng cháy da, những diêm dân ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn miệt mài với công việc làm muối mưu sinh.


Nếu có dịp đến biển Long Hải, vùng biển hoang vu và xanh mát thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, theo tỉnh lộ 44A đến huyện Long Điền, bạn sẽ thấy những ruộng muối kéo dài xa tít. 


Diêm dân không ngại trời nắng gắt, vì dưới cái nóng đổ lửa hạt muối mới mau tạo hình. 


Những lằn muối trắng xóa, song song nhau đang chờ được thu hoạch. 

Muối chất đống lên thành ngọn, một diêm dân người nhỏ thó đang cố gắng càu muối lên phía trên. 

Người và xe kút-kít nối đuôi nhau để chuyển muối đi. 


Chiều buông xuống, dòng người vẫn tiếp tục di chuyển, bóng dáng họ in xuống mặt nước. 


Mỗi người một khu vực, họ xúc đầy muối trên ruộng và cho vào xe. 


Phải trải qua ngày làm việc vất vả, diêm dân mới thu hoạch được lượng muối thế này, nhưng giá muối bán ra ngoài thị trường lại có mức giá rẻ mạt.


Họ đẩy xe kút-kít đi dọc bờ ruộng và tập trung đổ ở một điểm.


Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày và quá trình làm ra những hạt muối lấp lánh mằn mặn vô cùng vất vả. 


Công việc người làm muối gắn liền với nắng cháy da và nước biển mặn, nhưng thu nhập lại thuộc vào loại thấp nhất. Mỗi ngày ra ruộng muối là lưng áo diêm dân lại thấm đẫm mồ hôi. 


Xem thêm
Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014
Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết

Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết


Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá,... ở độ sâu một, hai thước so với mặt nước. Thức ăn quan trọng của chúng là các mảnh vụn hữu cơ, thực vật phù du và tảo đơn bào.

Sò huyết phân bố ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương từ đông châu Phi đến Úc, Nhật Bản.

Ở nước ta, sò huyết xuất hiện nhiều nhất ở Phú Yên, Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, đặc biệt là vùng biển Hà Tiên, Kiên Giang. Dân gian ở đây thường truyền nhau rằng: chưa ăn sò huyết, chưa tới Hà Tiên... 


Sò huyết

Đợi khi thủy triều xuống, người ta mang thúng lội bùn bắt sò. Khi chân đạp trúng thì liền thò tay xuống bắt bỏ vào thúng. Có người thì dùng cào để tìm sò cho nhanh, mà có khi còn được nhiều hơn. Sò bắt về, phải ngâm trong nước lạnh vài tiếng đồng hồ để sò nhả sạch bùn đất. Sau đó, dùng bàn chải cứng chà rửa sạch bên ngoài vỏ. 

Dân gian vùng Hà Tiên – Rạch Giá có nhiều cách chế biến sò huyết vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng. Để giữ được nguyên chất ngọt của con vật này, người ta chà rửa cho vỏ sò thật sạch, để ráo nước rồi đổ ra tô. Nấu nước thật sôi chế vào cho ngập. Sò vừa hé miệng đỏ tươi. Từng miếng chanh đã cắt sẵm vắt qua miệng sò. Dùng đũa cạy sò ra chấm với muối tiêu chanh, hay nước mắm ngon nguyên chất với vài lát ớt hiểm. Dân gian gọi món ăn này là sò trụng nước sôi hay sò tái chanh. Món ăn giữ được nét nguyên thủy, hoang sơ đậm mùi mặn mòi của vùng quê ven biển.


Sò huyết tái chanh

Cũng với những con sò đã rửa sạch ấy, người ta làm món sò huyết rang me. Đây là sự phối ngẫu tuyệt vời giữa vị ngon ngọt của sò với vị chua thanh của me, khiến món ăn trở nên cực kỳ hấp dẫn. Món này chế biến cũng đơn giản, nhưng để thật ngon cần có bàn tay khéo léo của người nấu ăn và khả năng tăng giảm gia vị sao cho độ ngọt chua, mặn, cay hài hòa.


Sò huyết rang me 


Trước hết, người ta bắc chảo dầu cho thật nóng, đổ sò nhanh vào, chao nhanh qua cho sò há miệng rồi trút ra. Me chín đem dầm với nước nóng, bỏ hột. Tiếp tục bắc chảo nóng, cho dầu ăn, tỏi bằm nhuyễn vào xào cho vàng thơm rồi cho nước me, nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu, tương cà, sa tế vào, quậy đều để tan gia vị. Nếm chua, ngọt, cay sao cho vừa ăn mới cho sò ào chảo trở lại đảo đều là được. Sò huyết rang me cũng chấm với muối tiêu chanh cùng ít cọng rau răm cho đậm đà.

Sò huyết nấu cháo cũng là món ăn rất bổ dưỡng, đặc biệt có ích cho người bệnh mới khỏe hay người lao lực nhiều, cơ thể bị suy kiệt.

Đầu tiên người ta chọn gạo lúa mùa loại ngon, vo sạch để thật ráo nước rồi bắc chảo lên rang vừa ngả màu vàng. Bắc nồi nước sôi trút gạo vô nấu cho nhừ. Có thể thêm ít nấm rơm đã làm sạch cắt làm hai, làm tư, … Cũng có người ninh thêm mấy khúc xương heo để nước cháo thêm ngọt, thêm bổ.


Cháo sò huyết

Sò huyết luộc sơ qua nước sôi, dùng dao bén tách lấy thịt sò ra. Bắc chảo mỡ, phi tỏi cho thơm rồi để thịt sò vào xào. Nêm nếm đậm đà vừa ăn, sao cho độ mặn, ngọt, cay, … được hòa quyện. Xào sò xong lại cho sò vô nồi cháo đã nhừ. Cháo sôi, nêm lại lần nữa là được. Múc vào tô, rắc hành, rau mùi, hành phi, tiêu cho thơm ngon.

Cháo sò huyết quyến rũ người thưởng thức ở cái màu đỏ lạ của cháo – phần được gọi là huyết của loại hải sản này tiết ra; màu xanh của rau đắng, màu trắng của giá đậu xanh, hành lá và của phần thịt sò huyết đỏ thắm bên trong, kèm theo đó là một ít nước mắm ngon, thêm một ít ớt cay và lát chanh chua.

Tóm lại, sò huyết là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được dân gian chế biến thành nhiều món ăn. Món nào cũng có tác dụng chữa bệnh tốt liên quan đến huyết áp, suy nhược cơ thể, …
Xem thêm
Công viên châu Á Đà Nẵng có những trò chơi gì?

Công viên châu Á Đà Nẵng có những trò chơi gì?

Công viên Châu Á Đà Nẵng - Asia Park Da Nang nằm phía Đông Nam Đài Tưởng niệm, trên đường 2/9 dọc theo bờ Tây sông Hàn, ngay chân cầu Tuyên Sơn với diện tích đất khoảng 89ha (gồm 48,65ha mặt đất và hơn 40ha mặt nước). 

Đây là khu công viên vui chơi giải trí hàng đầu tại Đông Nam Á với quy mô đầu tư “khủng” lên đến 4.000 tỉ đồng.

Công viên Châu Á Dự kiến công viên được phân làm 4 phân khu chức năng chính là công viên văn hoá (297.000m2), công viên vui chơi giải trí (107.000m2, khu nhà biểu diễn đa năng (47.907m2) và bãi đỗ xe (35.900m2). Riêng trong khu công viên vui chơi giải trí sẽ có đến 60 trò chơi, trong đó có đến 20 trò chơi cảm giác mạnh dành cho người dân địa phương và du khách du lịch Đà Nẵng khám phá.


Trong 20 hạng mục trò chơi mạo hiểm ở công viên châu Á có những trò chơi rất được chú ý.

Một hạng mục cực kì hấp dẫn, có lẽ là được chú ý nhất sẽ có mặt tại Công viên châu Á Asia Park , đó là RollerCoaster, tàu lượn siêu tốc. Đây là 1 trò chơi “đúng chất cảm giác mạnh”, không dành cho người yếu tim.


Tàu siêu tốc. Ảnh minh họa

Hạng mục tiếp theo của Asia Park là Monorail – hệ thống tàu điện trên cao vận tải trên một ray, ray này đóng vai trò là hệ đỡ và dẫn hướng.


Monorail – hệ thống tàu điện trên cao. Ảnh : Where in Da Nang

Chắc hẳn những ai đã từng biết đếnDisneyland Adventure Park in California đều biết có 2 hạng mục trò chơi hấp dẫn không kém là Tháp rơi tự do và Máng trượt tốc độ cao. Và 2 hạng mục này sẽ nằm trong dự án các trò chơi ở công viên châu Á.


Tháp rơi tự do ở Bà Nà. Ảnh minh họa


Máng trượt Bà Nà. Ảnh minh họa – Where in Da Nang

Hiện tại ở công viên châu Á đã có 1 hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào 18/7/2014 đó là vòng đu quay Sun Wheel Đà Nẵng. Với chiều cao ấn tượng lên đến 115m, vòng quay khổng lồ này đạt vận tốc 16 phút/1 vòng và có thể chở được tối đa 384 hành khách mỗi lượt với 64 cabin hiện là 1 trong 10 vòng đu quay lớn nhất trên Thế Giới.


Vòng quay mặt trời - Sun Wheel
Xem thêm
Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014
Hội An rực vàng trong ánh nắng

Hội An rực vàng trong ánh nắng

Đến Hội An những ngày đầu tháng 8 để cảm nhận vẻ đẹp dịu dàng phố cổ trong ánh nắng vàng dịu nhẹ và nhịp sống bình yên dưới những nếp nhà cổ kính.


Mặc dù mùa mưa ở Hội An bắt đầu từ tháng 8 nhưng đây vẫn là thời điểm lý tưởng để bạn chiêm ngưỡng ánh nắng vàng như rót mật trên khắp cả ngả đường.



Màu nắng hòa cùng màu tường vôi cũ kỹ khiến không gian càng thêm rực rỡ và quyến rũ.



Khác với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác, Hội An không quá đông đúc và xô bồ mà thu hút bởi vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính.



Dạo bước trên các con phố ở đây, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những vòng quay xe đạp chầm chậm lăn đều. 



Đó có thể là xe đạp của những người dân phố Hội hoặc du khách ghé lại tham quan. 



Gánh hàng rong trên phố Hội trong ánh nắng sớm mai.



Con phố tĩnh mịch ngập tràn ánh nắng ở Hội An.



Giàn hoa rực rỡ dưới ánh nắng.



Đôi uyên ương tình tứ trên con đường ngập nắng. 



Trưa nắng.



Rêu phong phố Hội.


Xem thêm