.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014
Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết

Về Hà Tiên - Kiên Giang ăn sò huyết


Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá,... ở độ sâu một, hai thước so với mặt nước. Thức ăn quan trọng của chúng là các mảnh vụn hữu cơ, thực vật phù du và tảo đơn bào.

Sò huyết phân bố ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương từ đông châu Phi đến Úc, Nhật Bản.

Ở nước ta, sò huyết xuất hiện nhiều nhất ở Phú Yên, Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, đặc biệt là vùng biển Hà Tiên, Kiên Giang. Dân gian ở đây thường truyền nhau rằng: chưa ăn sò huyết, chưa tới Hà Tiên... 


Sò huyết

Đợi khi thủy triều xuống, người ta mang thúng lội bùn bắt sò. Khi chân đạp trúng thì liền thò tay xuống bắt bỏ vào thúng. Có người thì dùng cào để tìm sò cho nhanh, mà có khi còn được nhiều hơn. Sò bắt về, phải ngâm trong nước lạnh vài tiếng đồng hồ để sò nhả sạch bùn đất. Sau đó, dùng bàn chải cứng chà rửa sạch bên ngoài vỏ. 

Dân gian vùng Hà Tiên – Rạch Giá có nhiều cách chế biến sò huyết vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng. Để giữ được nguyên chất ngọt của con vật này, người ta chà rửa cho vỏ sò thật sạch, để ráo nước rồi đổ ra tô. Nấu nước thật sôi chế vào cho ngập. Sò vừa hé miệng đỏ tươi. Từng miếng chanh đã cắt sẵm vắt qua miệng sò. Dùng đũa cạy sò ra chấm với muối tiêu chanh, hay nước mắm ngon nguyên chất với vài lát ớt hiểm. Dân gian gọi món ăn này là sò trụng nước sôi hay sò tái chanh. Món ăn giữ được nét nguyên thủy, hoang sơ đậm mùi mặn mòi của vùng quê ven biển.


Sò huyết tái chanh

Cũng với những con sò đã rửa sạch ấy, người ta làm món sò huyết rang me. Đây là sự phối ngẫu tuyệt vời giữa vị ngon ngọt của sò với vị chua thanh của me, khiến món ăn trở nên cực kỳ hấp dẫn. Món này chế biến cũng đơn giản, nhưng để thật ngon cần có bàn tay khéo léo của người nấu ăn và khả năng tăng giảm gia vị sao cho độ ngọt chua, mặn, cay hài hòa.


Sò huyết rang me 


Trước hết, người ta bắc chảo dầu cho thật nóng, đổ sò nhanh vào, chao nhanh qua cho sò há miệng rồi trút ra. Me chín đem dầm với nước nóng, bỏ hột. Tiếp tục bắc chảo nóng, cho dầu ăn, tỏi bằm nhuyễn vào xào cho vàng thơm rồi cho nước me, nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu, tương cà, sa tế vào, quậy đều để tan gia vị. Nếm chua, ngọt, cay sao cho vừa ăn mới cho sò ào chảo trở lại đảo đều là được. Sò huyết rang me cũng chấm với muối tiêu chanh cùng ít cọng rau răm cho đậm đà.

Sò huyết nấu cháo cũng là món ăn rất bổ dưỡng, đặc biệt có ích cho người bệnh mới khỏe hay người lao lực nhiều, cơ thể bị suy kiệt.

Đầu tiên người ta chọn gạo lúa mùa loại ngon, vo sạch để thật ráo nước rồi bắc chảo lên rang vừa ngả màu vàng. Bắc nồi nước sôi trút gạo vô nấu cho nhừ. Có thể thêm ít nấm rơm đã làm sạch cắt làm hai, làm tư, … Cũng có người ninh thêm mấy khúc xương heo để nước cháo thêm ngọt, thêm bổ.


Cháo sò huyết

Sò huyết luộc sơ qua nước sôi, dùng dao bén tách lấy thịt sò ra. Bắc chảo mỡ, phi tỏi cho thơm rồi để thịt sò vào xào. Nêm nếm đậm đà vừa ăn, sao cho độ mặn, ngọt, cay, … được hòa quyện. Xào sò xong lại cho sò vô nồi cháo đã nhừ. Cháo sôi, nêm lại lần nữa là được. Múc vào tô, rắc hành, rau mùi, hành phi, tiêu cho thơm ngon.

Cháo sò huyết quyến rũ người thưởng thức ở cái màu đỏ lạ của cháo – phần được gọi là huyết của loại hải sản này tiết ra; màu xanh của rau đắng, màu trắng của giá đậu xanh, hành lá và của phần thịt sò huyết đỏ thắm bên trong, kèm theo đó là một ít nước mắm ngon, thêm một ít ớt cay và lát chanh chua.

Tóm lại, sò huyết là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được dân gian chế biến thành nhiều món ăn. Món nào cũng có tác dụng chữa bệnh tốt liên quan đến huyết áp, suy nhược cơ thể, …
Xem thêm
Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014
Đến Kiên Giang mùa biển gọi

Đến Kiên Giang mùa biển gọi

Là một tỉnh ven biển thuộc phía Tây Nam nước ta, có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, Kiên Giang có rất nhiều sự lựa chọn cho bạn khi mùa du lịch biển đảo đang tới gần.

Ngoài Phú Quốc đã trở nên nổi tiếng, bạn có thể ghé thăm đảo Nam Du, Hải Tặc, Hòn Sơn, Hòn Nghệ ở Kiên Giang.

Phú Quốc- thiên đường nghỉ dưỡng

Biển xanh, cát trắng và những khu rừng nguyên sinh cùng không khí trong lành làm nên sự hoang sơ mời gọi những ai yêu biển đảo. Hòa mình trong làn nước của trong xanh của Bãi Sao, bước chân lướt trên cát mịn của Bãi Dài, hay thưởng thức gỏi cá trích, nhấm nháp ly rượu sim… sẽ thấy Phú Quốc đúng là thiên đường đáng để trải nghiệm.


Phú Quốc hoang sơ mời gọi.


Nam Du - bình yên và trong trẻo

Nằm ở phía đông nam đảo Phú Quốc, cách đất liền khoảng 60 km, quần đảo Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên một cảnh sắc ấn tượng giữa vịnh Thái Lan. Vẻ đẹp chung của các đảo thuộc Nam Du là bãi cát trắng trải dài và nước biển xanh ngắt, nhưng khám phá rõ hơn từng điểm đến trên đảo thì bạn sẽ cảm nhận được những những nét thú vị riêng biệt. Hòn Lớn rộn ràng những con tàu xanh đỏ nổi bật trên màu nước xanh ngắt và nền trời xanh dịu, tạo nên bức tranh sống động mà yên bình. Hòn Ngang, Hòn Dầu, Hòn Mấu… cảnh vật hoang sơ với những hàng dừa đổ bóng xuống bãi cát. Bãi Kim Mến có những làn sóng mơn man êm dịu, thích hợp với việc ngâm mình xua tan mệt mỏi.


Làn nước trong xanh làm dịu cái nóng nực ngày hè.


Đảo Hải Tặc - hòa mình với thiên nhiên hoang dã

Chỉ mất hơn một giờ đi tàu từ bến tàu Hà Tiên để đến với xã đảo Tiên Hải, và bắt đầu hành trình khám phá vùng biển hiền hòa, khác với cái tên nghe có vẻ “đáng sợ” ấy. Dịch vụ du lịch trên đảo chưa phát triển nhiều, nên chuyến du ngoạn với tính chất hoang dã sẽ đem lại cho bạn cảm giác thú vị. Câu cá cùng thuyền dân, đi dọc các bãi đá bắt ốc ngọt, cua đá… và rồi tự nướng cá bằng cành cây khô, hay xin nhờ bếp một nhà dân hiếu khách để chế biến, chiều đi “săn” hoàng hôn từ những điểm nhìn khác nhau, tối cắm trại ngủ trên đảo nghe tiếng sóng vỗ về hòn đảo nhỏ.


Hoang dã và yên bình nơi đảo Hải Tặc.


Hòn Sơn - thị tứ ngoài khơi

Nằm trong khu vực tam giác Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc, Hòn Sơn bốn mùa thuyền buôn và tàu đánh bắt tới lui tấp nập, nhất là ở Bãi Nhà. Bãi Thiên Tuế mang vẻ đẹp huyền ảo, có đình thần Nam Hải uy nghi, gắn liền với những huyền thoại của cư dân vùng biển đảo. Đẹp nhất là Bãi Bàng, nằm uốn mình như hình cánh cung với làn nước trong xanh, cùng với những hàng dừa buông mình trong gió biển. Sau khi vùng vẫy cùng sóng biển, có thể tắm nước ngọt bằng dòng suối Tiên nước trong vắt chảy từ đỉnh Ma Thiên Lãnh xuống.


Cảnh sắc quyến rũ ở Bãi Bàng.


Hòn Nghệ non nước hữu tình

Đảo Hòn Nghệ nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, gồm hai khu vực chính là ấp Bãi Nam và Bãi Chướng. Hòn đảo xinh đẹp này có khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh, đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng... hầu hết đều còn hoang sơ với nhiều nét độc đáo riêng. Từ những bãi đá nhiều hình thù cùng sóng biển xanh trong với nhiều lồng bè nuôi cá bồng bềnh trên biển khơi tạo nên bức tranh êm đềm. Đến thăm Hòn Nghệ nhất định phải thử món chả trứng cá ngát mùi béo ngậy, ăn một lần nhớ mãi.


Bức tranh cuộc sống êm đềm nơi biển khơi.


Xem thêm
Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014
Đẹp mê hồn bãi biển Nam Du

Đẹp mê hồn bãi biển Nam Du


Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên con tàu băng băng tiến về phía trước, vừa cảm nhận từng làn gió mát rượi bao phủ khắp thân thể, vừa khám phá những hòn đảo lớn nhỏ cùng cây cối xanh mướt lần lượt hiện ra trước mắt, lại được chú lái tàu vui tính kể về lịch sử của Nam Du.


Tôi biết đến Nam Du qua một lần lang thang trên mạng. Đang mơ màng về biển giữa cái nắng tháng 3 như đổ lửa ở Sài Gòn, tôi bắt gặp bức ảnh biển xanh ngăn ngắt giữa bầu trời bao la trong vắt cùng hai cây dừa đổ bóng nghiêng nghiêng như mời gọi trên Facebook một người bạn. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một ý nghĩ: xách ba lô và lên đường.


Tôi lập tức tìm hiểu thông tin về hòn đảo này trên internet cũng như các diễn đàn phượt khác nhau. Tuy nhiên, thông tin khá là ít, hình ảnh về nơi này cũng không có nhiều. Lúc đó tôi chỉ biết Nam Du là một quần đảo nhỏ thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang. Đảo lớn nhất ở quần đảo Nam Du là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron.


Du lịch đảo Nam Du vẫn chưa phát triển, mọi thứ còn khá hoang sơ và tự nhiên. Bình thường, tôi ít khi mạo hiểm đến nơi nào đó khi chưa có nhiều thông tin kiểm chứng như thế, nhưng mong muốn được đến hòn đảo tuyệt vời ngay trong mùa hè đã thôi thúc khiến tôi quyết định lên đường.

Cùng đi với tôi còn có một nhóm bạn mê chụp ảnh. Họ đã bị những bức ảnh hoang sơ mà quyến rũ của Nam Du chinh phục.


Sau gần 8 tiếng xe chạy, chúng tôi đến bến tàu Rạch Giá vào một buổi sáng nắng vàng ươm trên những bến tàu. Mất thêm 2 tiếng nữa để thuê tàu cao tốc ra Hòn Lớn, cuối cùng Nam Du cũng hiện ra như những gì tôi mong đợi. Mà không, phải nói là hơn những bức ảnh tôi đã xem đi xem lại nhiều lần. Biển, trời, sóng nước, cây cối, cái gì ở Hòn Lớn này cũng đẹp như tranh vẽ. Ngay đến cảng cá cũng thật nên thơ với những con tàu đầy màu sắc nổi bật lên trên làn nước trong vắt giữa bầu trời cao lồng lộng, xa xa là những con sóng bạc đầu, thay phiên nhau tấp vào bờ.

Ấn tượng trước vẻ đẹp “mở màn” của Hòn Lớn, chúng tôi liền thuê tàu khám phá các đảo lân cận. Sau khi chuyển hành lý từ chở khách sang tàu nhỏ, chúng tôi háo hức lên đường. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên con tàu băng băng tiến về phía trước, cảm nhận từng làn gió mát rượi bao phủ khắp thân thể vừa khám phá những hòn đảo lớn nhỏ cùng cây cối xanh mướt lần lượt hiện ra trước mắt, lại được chú lái tàu vui tính kể về lịch sử của Nam Du.

Nam Du có 21 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như là Hạ Long của miền Nam. Hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu nhưng có nguồn cho rằng tên “Nam Du” xuất phát từ tên “Nam Dự” (nghĩa là “đảo phía nam”) do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ nho thời xưa. Trong dân gian còn lưu truyền các câu nói rất thú vị về 21 đảo trong hệ thống quần đảo Nam Du.

"Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai

Đô Nai quay sang Bờ Đập

Bờ Đập tấp lại hòn Lò Hòn Lò mò đến hòn Ngang

Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng

Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu

Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo

Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông

Hòn Ông dông đến hòn Dâm

Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre

Hòn Tre te đến hòn Mốc

òn Mốc xốc lại hòn Nhàn Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn

Hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm

Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô

Hòn Khô vô bãi Chệt

Bãi Chệt lết lên hòn Lớn". 


Sau một hồi lênh đênh trên biển, tàu tấp vào Hòn Ngang. Nước biển một màu xanh ngọc bích, cộng với quang cảnh hoang sơ như một bức tranh đẹp làm chúng tôi không kìm được nữa, liền nhảy xuống tắm. Lặn ngụp một hồi thỏa thích trong dòng nước trong vắt nhìn rõ đáy biển, chúng tôi rời Hòn Ngang để đến Hòn Dầu vì nghe nói nơi đây hải sản rất tươi ngon, là chỗ lý tưởng để dừng chân vào chiều tối.


Đúng như lời giới thiệu, khi tới nơi chúng tôi đã thấy những chiếc ghe đánh bắt hải sản đang tấp vào bờ. Người ngư dân với bàn tay thô ráp thoăn thoắt hốt từng đám cá, mực, ốc đổ rào rào vào thau. Nhìn cá còn quẫy đuôi tanh tách, những con ốc biển thân mình óng ánh bò lên thành chậu làm chúng tôi thật phấn khích.


Để tăng thêm phần thú vị cho chuyến đi, chúng tôi quyết định không ăn ngay tại đó mà mua về rồi kiếm một chỗ thanh vắng trên đảo để đốt lửa làm một bữa BBQ "dã chiến". Vị ngọt lừ của tôm, mực, ốc biển tươi đã cho chúng tôi một bữa tối thỏa thê mang đậm hương vị biển, sẵn sàng cho việc khám phá một trong những hòn đảo đẹp nhất Nam Du vào ngày hôm sau – Hòn Mấu.



Khi ánh bình minh vừa le lói qua những mảnh lưới đánh cá treo vắt vẻo trên sào, chúng tôi hăm hở lên thuyền. Dưới cái nắng rực rỡ trong lành buổi sớm mai, bầu trời xanh cao vời vợi cùng những đám mây trắng trôi lững lờ, Hòn Mấu hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng.


Trên mặt biển bao la xuất hiện những hòn đá nhấp nhô đủ mọi hình thù, bề mặt lởm chởm, sần sùi tạo nên bức tranh kỳ vĩ. Kỳ vĩ nhưng thật yên bình vì mặt biển ở đây rất tĩnh lặng, sóng chỉ lăn tăn đủ làm gợn dòng nước chứ không đánh ào ạt như những nơi khác.


Thú vị nhất là khi nắng lên cao, ánh mặt trời chiếu xuống làn nước trong những khe đá, màu nước gặp ánh nắng phản chiếu với màu đen của đá thành trắng xóa, bàng bạc, nhìn từ xa hệt những làn khói trắng bay lơ lửng trên thiên đình như trong phim Tây Du Ký. Xa xa phía bờ là làn nước trong veo soi bóng những hòn sỏi nhiều màu sắc, nơi người ta chỉ muốn nằm dài ngâm mình ngắm nhìn cây cối xanh mướt cùng những tán lá dừa bay bay trong gió.


Nơi chúng tôi đến chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, mái tôn mái lá mộc mạc khép nép bên những hàng dừa. Hầu như nhà nào cũng có những cây cột thật cao, cây sào thật dài treo lủng lẳng mảnh lưới trắng xóa.



Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống còn nghèo khó, cơ cực, đến nỗi nhiều chỗ không có được một con đường theo đúng nghĩa. Muốn đi từ đầu này đến đầu kia, người ta phải men theo một lối mòn nằm giữa những ngôi nhà với nhau.

Rời Hòn Mấu, chúng tôi lên thuyền qua hòn Hai bờ đập. Con thuyền lướt sóng yên ả giữa những tia nắng cuối cùng, mang theo một màu vàng rực. Tới Hai bờ đập, mặt trời ngày càng xuống thấp. Do nước cạn quá, tàu không thể vào bờ được, chúng tôi đành lội nước, vận chuyển hành lý vào bờ. Sau gần 30 phút vật lộn với gió biển, cát ướt, chúng tôi cũng tới được bờ.

Những mệt mỏi chỉ tan biến khi một đống lửa to được đốt lên để chuẩn bị cho bữa tiệc tối tưng bừng giống đêm trước. Nhưng không còn la cà, lần này chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi để đón ánh bình minh của buổi sớm hôm sau.



Đúng là không gì tuyệt vời hơn khi đón bình minh trên biển, nhất là một nơi có biển đẹp mơ màng như Nam Du. Sau đó, chúng tôi ăn sáng và tắm biển, dọn dẹp hành lý, chờ tàu đón về Hòn Lớn, từ đây chúng tôi lên tàu cao tốc về lại Rạch Giá, rồi lên xe về lại Sài Gòn, kết thúc chuyến đi tuyệt vời.


Nếu bạn từng trầm trồ trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của Maldives, thì tôi tin chắc bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp của Nam Du.
Xem thêm