Cẩm nang cho chuyến dã ngoại về miệt vườn Sóc Trăng
Với những cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây trái trĩu quả và nền ẩm thực phong phú, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi về với miền sông nước Sóc Trăng.
Sóc Trăng được coi là một trong những thành phố đẹp và thơ mộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời tiết
Ở Sóc Trăng có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Du khách có thể đến Sóc Trăng vào bất kỳ mùa trong năm nhưng vào dịp tháng 11, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào lễ hội đua ghe ngo rất hấp dẫn và sôi động.
Phương tiện
Cách TP HCM khoảng 240 km, du khách có thể chọn đi bằng ôtô tự lái, xe khách hay một chuyến phượt bằng xe máy cũng khá dễ dàng vì đường xá thuận lợi. Thời gian đi mất khoảng 6 tiếng.
Các điểm tham quan
Lễ hội Ooc Om bok và đua ghe: vào tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân ở đây sẽ thả đèn nước, một hoạt động quan trọng trong lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo. Đèn nước thường là một chiếc bè làm từ cây chuối hoặc tre được lắp ghép thành chiếc thuyền với nhiều hoa văn trang trí lộng lẫy bên trong thắp nhiều đèn cầy. Lễ vật cúng thường là gạo, muối và các loại sản vật và trái cây, người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này luôn hấp dẫn khách du lịch.
Chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng tấp nập xuồng ghe. Ảnh: chuduviet
Các di tích lịch sử: ở Sóc Trăng có rất nhiều các công trình kiến trúc cổ xưa mang đậm dấu ấn lịch sử như chùa Tầm Vu có niên đại gần 350 năm, với công trình kiến trúc nghệ thật độc đáo đặc trưng của người Khmer nam bộ. Ngoài ra còn có chùa Dơi, chùa Đất Sét...
Khu căn cứ tỉnh ủy: được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Toàn khu di tích được đặt trong rừng tràm với tổng diện tích 20.000 ha, được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi, xung quanh là cây lá xanh mướt.
Bảo tàng Khmer: trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Khmer qua nhiều thế hệ như: trang phục, kiến trúc nhà ở, chùa chiền, nhạc cụ.
Chợ nổi ngã năm: là giao điểm của năm con sông đi năm ngả, rất nhộn nhịp. Du khách sẽ được tìm hiểu lối sinh hoạt của người dân với cảnh mua bán sầm uất trên xuồng ghe. Đây là dịp để bạn thưởng thức những trái cây đặc sản của miền sông nước.
Vườn cò Tân Long: nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò và một số loài chim trong một khu vườn rộng lớn. Thú vị nhất là sáng sớm hay chiều về được ngắm những cánh cò bay lượn, tận hưởng không gian yên bình.
Vườn cò Tân Long. Ảnh: Chudu
Khu du lịch sinh thái Cồn Mỹ Phước: du khách sẽ được thưởng thức những loại trái cây như nhãn, chôm chôm, măng cụt... ở những vườn cây trái xum xuê trên đất cù lao sông Hậu, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân miệt vườn.
Món ngon
Bún nước lèo nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ miền đất nào. Nước dùng được nấu từ dừa, sả, và một số loại mắm của người Khmer. Điểm trên bát bún là thịt lợn thái mỏng, tép, cùng ít gia vị như ớt, các loại rau.
Bún gỏi dà: giá và bún được trụng trong nước súp đậm đà rồi cho vào tô, thêm thịt ba chỉ thái sợi, tép, chút tương mặn và ớt bằm, ăn kèm xà lách và rau thơm. Điều khiến du khách không thể quên ở món ăn này là cách làm nước dùng gồm me chua, tương mặn khiến nước dùng rất đậm đà.
Bún vịt nấu tiêu: thịt vịt ướp với tiêu cùng các gia vị khác rồi nấu sơ qua, đổ vào nước dùng được ninh bằng xương và nước dừa tươi, ăn kèm giá đỗ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế... rất hấp dẫn.
Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành nên cọng mì có màu vàng óng. Người ta có thể chế biến mì sụa xào cùng các loại rau, nấm và hải sản hay thịt lợn, gà chấm với nước tương hoặc nước mắm giấm ớt. Còn mì sụa ngọt thường được nấu chè với trứng gà luộc có vị ngọt rất lạ miệng.
Bò nướng ngói: trước đây người ta dùng miếng ngói cong bằng đất nung để nướng thịt bò, về sau miếng ngói được thay bằng miếng thiếc tráng inox dày.
Bún nước lèo là món ăn nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ảnh: datmon
Cháo lòng Bưng Cóc: được nấu bằng gạo ngon với cật, tim, gan, cuống họng, cuống phổi… Tuy nhiên, nét độc đáo của cháo lòng Bưng Cóc chính là món dồi heo được chế biến để ăn kèm.
Cháo cá lóc rau đắng: gạo, cá lóc và rau đắng được chế biến thành món ăn đặc trưng vùng miền. Vị cá đồng thơm ngọt kết hợp với rau đắng và vị nước mắm đậm đà, chua thanh của chanh rất quyến rũ.
Quà tặng
Bánh Pía: có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, đó là mùi thơm của sầu riêng, vị béo ngậy của trứng vịt muối, vị ngon bùi của đậu xanh, khoai môn, và vỏ bánh nướng vàng giòn tan.
Bánh cống: có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp.