.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014
Thăm quan sân vận động Incheon cùng “Cuộc đua kỳ thú”.

Thăm quan sân vận động Incheon cùng “Cuộc đua kỳ thú”.


Khác với những thử thách thiên về văn hóa và truyền thống các thành viên của “Cuộc đua kỳ thú” cùng với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam đã đến với Sân vận động Incheon, khám phá sân vận động cùng với những thử thách sức bền cam go nhưng không kém phần thú vị.

Đại hội Thể thao Châu Á - Asiad lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 19/9 đến ngày 4/10 tại thành phố Incheon, Hàn Quốc. Vừa qua, sân vận động chính tổ chức ASIAD 2014 đã hoàn thành và chính thức mở cửa. Sân vận động Incheon được tạo hình với hai cánh cung lớn cuốn vào nhau, mô phỏng theo điệu nhảy Seung Moo truyền thống. Sân vận động được thiết kế mềm mại, uyển chuyển như từng bước chân đang nhảy múa, hai cánh cung tượng trưng cho âm dương hòa quyện.


Nhân dịp Hàn Quốc đăng cai tổ chức ASIAD 17, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã chính thức phát động chiến dịch “Du lịch Hàn Quốc - Cổ vũ Việt Nam” từ tháng 4 năm 2014 nhằm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch trong năm 2014 và kêu gọi các đơn vị liên quan tham gia vào hoạt động gây quỹ chung “Cổ vũ Việt Nam 2014”. Quỹ được sử dụng để tặng thưởng cho các vận động viên thuộc Đội tuyển Thể thao quốc gia Việt Nam tham dự ASIAD 17 và đào tạo vận động viên trẻ. 



Như một phần của chiến dịch, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã hỗ trợ và đưa Cuộc đua kỳ thú tới Hàn Quốc và đặc biệt là thành phố Incheon. Khám phá sân vận động mới vừa mang dáng vẻ hiện đại, vừa hữu dụng này, các đội thành viên trong Cuộc đua kỳ thú đã cùng nhau rượt đuổi tới đây và có những thử thách thú vị và gay cấn. Cuộc chạy đua nghẹt thở ở sân vận động Incheon được xem là một trong những thử thách giàu cảm xúc nhất cuộc đua kỳ thú năm nay.






Đến với sân vận động Incheon, trải qua những thử thách nghẹt thở và giàu cảm xúc, vỡ òa lên khi bứt phá, vượt qua đối thủ, các thành viên của Cuộc đua kỳ thú, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng mong muốn du khách Việt Nam có thể trải qua những cảm xúc vỡ òa như vậy khi cổ vũ đội tuyển Việt Nam tham dự ASIAD 17 tại đây.

Tour du lịch đặc biệt “Cuộc đua kỳ thú – Cổ vũ Việt Nam” đã được xây dựng bởi Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cùng một số các đơn vị du lịch hàng đầu có uy tín nhằm mang đến cho du khách một trải nghiệm mới lạ và khó quên.

Lịch trình của tour sẽ lần lượt đến với hòn đảo Jeju tươi đẹp, tới thăm những thắng cảnh nổi tiếng, nơi các đội đua đã trải qua những thử thách khắc nghiệt nhất của thiên nhiên và cũng được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa độc đáo của nơi này. Sau Jeju sẽ là lịch trình tại Seoul và Incheon tới thăm những điểm đến chính mà cuộc đua kỳ thú đã đi qua, khách du lịch còn được trực tiếp tham gia những trò chơi mà đội đua đã từng bị thử thách và có thể có nửa ngày tham gia trực tiếp xem – cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đấu tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục.

Hơn nữa tham gia tour, du khách không chỉ được ghé thăm sân vận động Incheon, vào xem và trực tiếp tham gia cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam tại các bộ môn có đội tuyển thi đấu mà còn được nhận tặng vé vào cửa xem các bộ môn như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông vv…, áo cờ đỏ sao vàng để cổ vũ đội nhà và quà tặng đặc biệt là túi đựng mỹ phẩm du lịch của Lock and Lock trị giá 400 nghìn đồng do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tài trợ.

Nói về sản phẩm này, ông Kang Sungghil – Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ : “Thông qua chương trình “Cuộc đua kỳ thú – cổ vũ Việt Nam” tại Hàn Quốc, KTO tại Việt Nam muốn gửi đến Đội tuyển Thể thao Việt Nam những lời chúc chiến thắng và mong muốn được đưa càng nhiều du khách Việt Nam yêu thể thao đến trực tiếp cổ vũ đội nhà, cùng tận hưởng những khoảnh khắc chiến thắng ý nghĩa cùng ĐTTT Việt Nam. Hy vọng sản phẩm du lịch với những điểm đến mới thú vị và dịch vụ chất lượng sẽ mang đến sự hài lòng lớn từ du khách Việt Nam”.

Xem thêm
Người đàn ông đằng sau món ăn đẹp nhất Nhật Bản

Người đàn ông đằng sau món ăn đẹp nhất Nhật Bản


Trong quán nhỏ chỉ dành cho tối đa 10 thực khách của Yoshiaki Tazakawa, những món ăn đều được trang trí rất công phu, đẹp mắt và độc đáo.

Bên trong cánh cửa nhỏ dẫn lên cầu thang với một thứ ánh sáng heo hắt là thế giới riêng của đầu bếp trứ danh Tokyo Yoshiaki Takazawa. Takazawa là chủ của một cửa hàng nhỏ cùng tên chỉ có 10 chỗ ngồi. Ông chủ nhà hàng thân thiện này luôn khuyến khích du khách cùng đồng hành với mình trong suốt chuyến du lịch ẩm thực kéo dài 3 tiếng đồng hồ khi bước chân vào nhà hàng.

Mỗi món ăn trên thực đơn của nhà hàng đều được Takazawa dồn nhiều tâm huyết và đều có một câu chuyện liên quan. Cùng với hương vị quyến rũ, sự độc đáo của các món ăn được làm bởi Takazawa đã khiến cho thực đơn tại nhà hàng của ông trở thành một trong những món ăn được thèm muốn nhất trên thế giới.

Với món ăn Rock on the Seashore (tạm dịch: đá trên bãi biển), Takazawa đã tạo ra từ bánh mì đen trộn khoai tây nghiền để hình thành nên một hòn đá. Đi kèm với món "bánh đá" này là một loại hải sản có xuất xứ từ Tây Ban Nha cùng rong biển đến từ Okinawa. Nói về món ăn đặc sắc này, ông chủ cửa hàng cho biết: "Tôi muốn miêu tả một bờ biển sống động nhất trên bàn ăn. Và tôi cũng muốn tạo nên một điều gì đó khác lạ so với những chiếc bánh thông thường".


Món ăn Rock on the Seashore.

Với món ăn Dinosaur Egg from Miyazaki (Trứng khủng long từ Miyazaki), Takazawa đã thể hiện sự tinh tế đến đỉnh cao trong việc chế biến và trang trí món ăn. Quả trứng khủng long được tạo thành từ bánh trứng đường và xoài nghiền, vỏ trứng được làm từ chocolate và bột nghệ, bột ớt. Dấu chân khủng long được làm từ wasabi.


Món Dinosaur Egg from Miyazaki.

Ayu in Clear Stream (Ayu ở dòng suối trong trẻo) được Takazawa sử dụng một kỹ thuật đặc biệt để tạo thành món ăn. Món ăn này ăn kèm với súp dưa chuột. Món cá Auy khi còn tươi, nó có mùi như một loại rau và không có mùi tanh.


Món Ayu in Clear Stream.

Raindrops (giọt mưa) cũng được nhiều du khách trầm trồ vì vẻ đẹp trong sáng của nó khi được bày lên chiếc lá sen. Takazawa cho biết ông luôn muốn thể hiện các mùa trong năm của Nhật Bản lên các món ăn. Và Raindrops tượng trưng cho mùa mưa.

Món Raindrops.

Ratatouille là một món ăn được làm từ 15 loại rau nấu chín, sau đó gói theo phong cách sushi. Cách thưởng thức món này tuyệt nhất là cho tất cả vào miệng và nhai. Bởi như thế, bạn có thể cảm nhận được từng loại hương vị khác nhau của rau cùng một lúc. "Đây là dấu ấn của tôi trong kỹ thuật nấu ăn", ông chủ cửa hàng tự hào nói về món Ratatouille của mình.


Các món ăn được Takazawa thể hiện rất tinh tế.

Các món ăn được bày biện trên một chiếc bàn nhỏ, trong một cửa hàng nhỏ và được chiếu sáng bởi ánh nến lung linh. Đó là tất cả sự mộng mơ, lãng mạn và thành ý mà Takazawa muốn truyền tải đến cho khách hàng của mình.

Địa chỉ quán:

3-5-2 Sanyo Akasaka, khu Minato, Tokyo, Nhật Bản.

Vài nét về ông chủ cửa hàng:

Yoshiaki Takaza sinh ngày 4/2/1976 trong một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon và bắt đầu học nấu ăn từ khi còn nhỏ. 18 tuổi, ông phụ việc trong các nhà hàng nấu ăn và sau đó đi học nghề. Năm 2005, ông mở cửa hàng của riêng mình. Tên tuổi và nhà hàng của ông thường xuyên xuất hiện trên các trang báo nước ngoài và được nhiều người ca ngợi là "một trong những nhà hàng hàng đầu thế giới làm thay đổi cuộc sống của bạn".
Xem thêm
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014
Khu rừng gợi cảm giác rùng rợn ở Nhật Bản

Khu rừng gợi cảm giác rùng rợn ở Nhật Bản


Khu rừng Aokigahara âm u rậm rạp từng có khoảng 500 người tự sát nằm ngay dưới chân núi Phú Sĩ là nơi nhiều du khách muốn tới để thử thách lòng dũng cảm của bản thân.

Aokigahara được biết đến ở Nhật Bản với 3 lý do chính. Thứ nhất là do nơi đây tập trung hàng nghìn cây cối xanh mướt cùng những hang động băng, động đá. Thứ hai là rừng nằm ngay phía Tây Bắc núi Phú Sĩ nổi tiếng. Ngoài ra, Aokigahara còn được nổi tiếng với không ít người dân Nhật bản nhờ tên gọi rừng tự sát. 

Khu rừng là địa điểm thường được kết hợp để du khách thăm thú sau khi đã tới núi Phú Sĩ vì vẻ đẹp vừa thanh bình vừa kỳ thú của mình. Aokigahara có từng trảng cây cỏ xanh mướt nối liền san sát nhau và gần như không có bất kỳ động vật hoang dã nào sinh sống tại đây. Khu rừng yên tĩnh và mát mẻ dường như không có gì khác biệt, nhưng thực tế nơi đây chứa hàng trăm động băng và hang đá với những “giếng trời” thoáng rộng, nằm rải rác khắp khu rừng. 


Một động băng nằm trong rừng Aokigahara. Ảnh: imgarcade

Aokigahara còn mang theo mình nhiều tích gắn liền với ma quỷ và hồn ma không siêu thoát của những người tới đây tự sát. Người ta cho rằng từ xưa, những gia đình người dân đói khổ thường mang con cháu hoặc thành viên gia đình vào rừng rồi bỏ lại vì không có đủ cơm ăn. Những người bị bỏ lại đã chết đói trong rừng và trở thành những linh hồn không siêu thoát, nhập vào cây cối, khiến nơi đây luôn rậm rạp đến mức dường như không còn chút khí, nền đất gập ghềnh khó đi bởi rễ cây chằng chịt như muốn giữ lại bất cứ ai lỡ bước vào đến tận rừng. Bên cạnh đó, la bàn không thể sử dụng được trong Aokigahara vì vô số mỏ khí quặng giàu sắt từ trong đất núi lửa nằm quanh khu vực. 


Một góc của khu rừng chằng chịt cây cối và gốc rễ. Ảnh: wiki

Hiện nay dọc con đường ra vào trong rừng là rất nhiều tấm biển bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, kêu gọi những người có ý định tự sát hãy nghĩ lại về cuộc đời mà cha mẹ đã ban tặng. Bên cạnh đó là những lời khuyên hãy đi gặp và nói chuyện với cảnh sát địa phương trước khi có ý định từ bỏ mạng sống của mình.

Tuy nhiên, con số tự sát vốn không hề nhỏ tại Nhật vẫn không ngừng tăng lên. Cho tới nay, số vụ tự tử trong rừng đã lên tới hơn 500 người, khiến Aokigahara trở thành địa điểm nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản và thứ hai trên thế giới (sau cầu Cổng Vàng ở Mỹ) là nơi có nhiều người tự sát.

Mặc cho việc có thể sẽ bất chợt gặp phải một xác đang phân hủy trong rừng sâu hay bị cuốn vào những cây cổ thụ rậm rạp, Aokigahara vẫn thu hút không ít khách du lịch từ Nhật Bản và thế giới tới thăm thú các hang động, hay đơn giản là muốn thử thách sự can đảm của bản thân. Hơn nữa, có chăng chính những tin đồn về ma quỷ giữ chân hoặc cái tên "Rừng tự sát" và địa điểm tự sát nhiều đứng thứ 2 thế giới đã khiến không ít người muốn đặt chân đến xem tận mắt nơi này. 
Xem thêm
Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014
Loveland, công viên giáo dục giới tính của người Hàn Quốc

Loveland, công viên giáo dục giới tính của người Hàn Quốc

Ngay từ cổng vào công viên Loveland, du khách được đón chào bằng những bức tượng mang hình dáng các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

Hàn Quốc từng có thời quá khứ rất nghiêm ngặt trong các vấn đề giới tính. Những năm 70, khi tuần tra trên phố, cảnh sát thậm chí còn đo độ dài váy ngắn của phụ nữ. Bảo thủ là từ thường dùng để mô tả về quốc gia này, nhất là khi so sánh với nước láng giềng như Nhật Bản.

Chuyện giáo dục giới tính ở Hàn Quốc do vậy dường như là vấn đề còn bị bỏ ngỏ. Do đó, nhiều người có thể cảm thấy bối rối trước việc Hàn Quốc đưa bảo tàng tình dục vào hoạt động với tên gọi Loveland, đặt tại đảo Jeju – phía nam nước này. Trên website chính thức, Loveland được giới thiệu là “đã phá vỡ mọi luật lệ truyền thống về tình dục”.


Loveland được xem là điểm đến của nhiều cặp đôi để khám phá, tìm hiểu thêm về sex.
 Ảnh: wordpress.com.


Ngay khi vào cổng, bạn sẽ được chào đón bởi những biểu tượng đầy thân thiện như găng tay hoặc mũ đội đầu với kiểu dáng các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Điều này khiến Loveland trông giống phòng trưng bày hơn là một công viên. Hàng loạt tượng điêu khắc với tư thế nhạy cảm đi kèm các biển tên mang tính chơi chữ, chẳng hạn “Alice in Wondickland”.

Lee Sung-huyng – Giám đốc Loveland chia sẻ mục đích hoạt động của công viên là tạo ra niềm vui cho người xem qua những bức tượng. “Thông thường người Hàn Quốc rất ngại trò chuyện về tình dục. Nhưng ở đây, bất cứ ai cũng có thể cởi mở bàn tán về sex. Đây là điều hiếm khi xảy ra ở những nơi khác”, Sung-huyng nói. Trong quầy café của bảo tàng, nhiều món truyền thống cũng được phục vụ như kimchi hoặc bulgogi (thịt bò ướp) hay sữa trứng với hình dạng bộ phận nhạy cảm.

Ngoài việc xem các hiện vật trưng bày, điểm thú vị khác ở Loveland là ngắm nhìn khách thăm công viên. Hầu hết họ là công dân Hàn Quốc, cười nói ồn ã. Một số đôi trẻ lại có chút rụt rè nhưng không kém phần hồ hởi. Đối với một quốc gia nghiêm cấm hành vi khiêu dâm, những bức tượng ở Loveland có thể làm người xem thấy lạ lẫm.

Bối rối và đỏ mặt vì chứng kiến hiện vật trưng bày ở Loveland, Kim Woo – một chàng trai trẻ cho biết cậu cùng bạn gái đến công viên để “học hỏi thêm về sex”. Còn Seo Jung và người yêu lại chia sẻ lý do là các cặp đôi khác quen họ đều đã từng tới đây khám phá.

Công viên Loveland có thể xem như câu trả lời cho sự thiếu hụt về giáo dục giới tính với một loạt nội dung học tập tại Hàn Quốc. Nhiều hiện vật ở đây bị coi như những hình ảnh khiêu dâm tệ hại từ những năm 80. Tuy vậy, lượng khách đến thăm công viên chính là bằng chứng hữu hình cho thấy Loveland có ý nghĩa không chỉ đơn thuần là một tiếng cười.

Một khách tham quan có tên Sean Han thẳng thắn cho biết chính bố mẹ là người đã đưa anh tới Loveland. “Trước đây, bố mẹ tôi từng đến công viên và nay họ gợi ý tôi nên dẫn bạn gái tham quan để tìm hiểu thêm về bản thân”, Sean chia sẻ.

Ngoài công viên tình dục, Jeju cũng còn nhiều địa điểm khác hấp dẫn du khách đến khám phá. Hiện nơi này có 3 cảnh quan tuyệt đẹp được UNESCO công nhận là núi Hallasan, mọc chính giữa hòn đảo. Thứ hai là đỉnh Seongsan Ilchulbong – một miệng núi lửa khổng lồ và cuối cùng là những hang động hình thành từ đợt phun trào dung nham với nhiều màu sắc.
Xem thêm
Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014
3 điểm du lịch cổ đẹp như tranh vẽ ở Nhật

3 điểm du lịch cổ đẹp như tranh vẽ ở Nhật


Đến thăm những ngôi làng cổ vài trăm năm tuổi, bạn sẽ được tận hưởng không gian êm đềm của làng quê và khám phá lối kiến trúc truyền thống ở xứ sở hoa anh đào.

Dưới đây là 3 điểm du lịch dành cho du khách thích vẻ đẹp cổ xưa khi có dịp tới Nhật Bản.

Làng Oshino Hakkai

Cách thủ đô Tokyo chưa đầy 100 km, nằm ngay dưới chân núi Phú Sĩ, làng Oshino Hakkai là điểm đến thú vị đối với những du khách thích khám phá nếp sống xưa cũ còn vẹn nguyên của người Nhật.

Thăm khu làng cổ Oshino Hakkai, bạn sẽ được thư thả tản bộ trên con đường đất nhỏ, hai bên là những bụi thông xanh thẫm rất đỗi nên thơ, trữ tình, được ngắm nhìn những ngôi nhà cổ xưa rêu phủ đầy mái, những mảnh vườn trồng rau, ngô và hồ nước xanh trong vắt soi hình bóng cây cổ thụ.


Những ngày nắng đẹp, đứng ở một nơi cao ráo trong làng, bạn còn có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ phía đằng xa.

Điều làm du khách ấn tượng nhất khi đến đây là được thưởng thức dòng nước tinh khiết dẫn trực tiếp từ núi Phú Sĩ và ngâm đôi tay mình trong dòng nước băng giá trong vòng một phút để "nhập cảnh" trước khi khám phá vẻ đẹp thanh bình, yên ả của khu làng cổ. Những trái cây tươi ngon do dân làng trồng được cũng là thứ làm khách du lịch cảm thấy thích thú khi đến đây.

Thành phố Takayama

Còn có tên gọi khác là Hida-Takayama, thành phố Takayama (nghĩa là "ngọn núi cao") thuộc tỉnh Gifu, nằm ở trung tâm của Nhật Bản. Chính vì nằm ở trên cao và tồn tại khá cô lập so với các vùng khác nên Takayama có điều kiện để phát triển nền văn hóa riêng trong suốt hơn 300 năm qua. Không giống như các đô thị rộng lớn và nhộn nhịp khác, cuộc sống ở Takayama diễn ra chậm chạp, từ tốn như một thước phim quay chậm.

Takayama nổi tiếng với những món ăn mang đậm phong vị địa phương như sansei (rau củ vùng núi), wasakana (cá sông), thịt bò, mì soba, ramen, sake...


Takayama là thành phố nhỏ xinh, gây thiện cảm với du khách bởi nét thanh bình, cổ kính.

Takayama có rất nhiều địa điểm cho du khách khám phá như: Bảo tàng thành phố, được xây dựng vào năm 1895, miễn phí vé tham quan từ 8h30 đến 17h hàng ngày, trừ thứ 2; Đền Sakurayama Hachimangu nổi tiếng với lễ hội Takayama Matsuri, được tổ chức từ ngày 9 đến 10/10 hàng năm và là một trong ba lễ hội đẹp nhất tại Nhật Bản; Khu chợ sáng Migayawa bên bờ sông gần trung tâm thành phố, nơi bày bán các mặt hàng thủ công truyền thống địa phương, các sản phẩm nông nghiệp tươi ngon theo mùa.

Làng Shirakawa - go

Từ Takayama, mất chưa đầy nửa tiếng để đến làng cổ Shirakawa-go ở miền Trung Nhật Bản. Du khách có thể đến làng Shirakawa bằng xe buýt theo tuyến Tokyo – Toyama – Kanazawa rồi từ đây đi xe buýt tới làng Shirakawa.

Báu vật của Shirakawa-go chính là những ngôi nhà Gasso-zukuri hơn 250 tuổi. Trong tiếng Nhật, Gassho-zukuri có nghĩa là “hình dáng như bàn tay khép vào nhau khi cầu nguyện”. Vì vậy, cấu trúc của những ngôi nhà này có phần đặc biệt với phần mái được lợp bằng cỏ tranh dày 40 - 80 cm, độ dốc lớn để che đỡ những trận cuồng nộ của thiên nhiên và những lớp tuyết phủ dày vào mùa đông. Những ngôi nhà cổ ở đây đều được xây theo hướng Bắc hoặc Nam để mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ, dễ chịu.


Toàn cảnh khu làng cổ từ trên cao.

Cho đến tận bây giờ, dân làng vẫn sống trong những ngôi nhà gỗ truyền thống của ông cha để lại. Vật liệu, cách xây dựng và cấu trúc căn nhà đều không hề thay đổi. Những ngôi nhà cổ ở đây thường có 3 tầng chính, gồm một tầng trệt và 2 tầng lửng. Tầng trệt mô phỏng theo kiểu nhà truyền thống của Nhật gồm phòng khách, phòng đọc, phòng thờ và những phòng riêng dành cho các thành viên trong gia đình, tầng trên cùng thường dùng để làm kho nông sản và chỗ nuôi tằm.

Ngôi làng cổ xinh đẹp này cũng chính là nơi tác giả Fujiko Fujio sáng tác những tập đầu tiên của bộ truyện tranh Đôrêmon nổi tiếng. Năm 1995, làng Shirakawa được biết đến nhiều hơn khi UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Xem thêm
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014
Làng cổ Nhật Bản Shirakawa-go: Nơi thời gian chẳng thể chạm tới

Làng cổ Nhật Bản Shirakawa-go: Nơi thời gian chẳng thể chạm tới


Làng cổ Shirakawa-go là niềm tự hào của người dân miền Trung Nhật Bản.

Dòng chảy sôi động của cuộc sống hiện đại dường như không chảy qua đây khi 300 năm nay, Shirakawa-go vẫn giữ nguyên được hình dáng nguyên sơ của kiến trúc cũng như lối sinh hoạt và phong tục truyền thống.

Truyền thuyết Ngôi làng “2 bàn tay cầu nguyện”

Cái tên Shirakawa-go có nghĩa là Làng của con sông trắng tọa lạc ở phía bắc vùng Tokai, tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản. Qua cây cầu gỗ, làng Shirakawa-go hiện ra trước mắt với hơn 30 mái nhà có hình dáng đặc trưng như 2 bàn tay úp vào nhau lúc đang cầu nguyện. Ở độ cao 400m so với mực nước biển, hàng năm tuyết bao phủ Shirakawa-go tới 5 tháng. Thậm chí có năm tuyết phủ dầy những con đường mòn quanh làng tới hơn 1m. Bởi thế những cái mái nhà được dựng theo lối gasho-zukuri , dốc đứng để tuyết không thể đóng nặng trên mái nhà.


Làng Shirakawa-go (ảnh: cmatiassetelle.com)

Mặt trước của ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ, một ngôi nhà ít nhất thì cũng phải có đến 7 cái cửa sổ. Truyền thuyết của vùng Tokai, tỉnh Gifu – nơi ngôi làng tọa lạc kể rằng: Những ô cửa sổ đó là để đón thần mặt trời vì Shirakawa-go nằm trên núi cao rất gần với thần Amaterasu. Trong Kojiki, Amaterasu được miêu tả là vị thần tỏa ra ánh sáng và thường được nói đến như thần mặt trời vì hơi ấm và lòng nhân ái đối với những người thờ phụng bà.


Phóng viên VOV đang tiếp xúc với người dân tại làngShirakawa-go

Một điểm đặc biệt nữa là những ngôi nhà ở đây không hề dùng đinh để đóng mà thay vào đó buộc bằng thừng. Một ngôi nhà khang trang nhất ở đây cũng chỉ dựng trong 1 tháng, với sự tham gia của tất cả dân làng, nhưng từ lâu lắm rồi, dân làng không xây dựng mới.

Thời gian như chẳng thể chạm tới

Đặt chân tới ngôi nhà của ông Shigo Oijimi, một ngôi nhà khang trang nhất trong làng, cuộc sống hiện tại bỗng chốc quay lại thời khắc lịch sử cách đây cả trăm năm. Gia đình ông Singo cũng là những người định cư sớm nhất ở làng. Ngôi nhà của ông Shigo có 3 tầng và được trưng bày rất nhiều những dụng cụ làm nông nghiệp truyền thống từ bao đời nay của cả làng. Và cũng hàng trăm năm nay, những người đàn ông trong gia đình ông Shigo luôn giữ thói quen, khi có khách quý đến nhà là phải mặc trang phục Hakama truyền thống của Nhật Bản và phải mời khách đến bên bếp lửa dùng trà. Nhấp môi chén trà xanh, ông Oijimi kể: Gia đình tôi đã ở làng hơn 200 năm nay và đến giờ tôi vẫn quen nấu nước pha trà trên bếp củi, dù việc dùng bếp ga sẽ rẻ hơn rất nhiều.


Những vật dụng của người dân là của bao thế hệ ngày xưa để lại.

Những đồ gia dụng trong nhà ông Shigo đều là của biết bao thế hệ ngày xưa để lại, vào những ngày lễ, gia đình ông đều dùng những cái bếp, cái nồi cũ để nấu các món ăn truyền thống. Cũng như nhiều gia đình khác ở làng, ông Shigo nuôi cá ở ao nhà, trồng lúa bao quanh ngôi nhà của mình để tự cung tự cấp phần nào lương thực cho gia đình. “Gạo làm ra cũng không được nhiều do vùng này lạnh quá và ruộng thì cũng không còn nhiều. Giờ người làng cũng già rồi, lứa thanh niên thì ra phố hết, làng chỉ còn toàn người già ở lại trồng trọt và chăm sóc nhà cửa”. Ông Shigo ngậm ngùi.



Làng Shirakawa-go bị tuyết bao phủ

Hãy đến trước khi muộn

Shirakawa-go được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Nước Nhật đưa ngôi làng này vào danh mục những di sản cần bảo vệ đặc biệt. Hàng năm có khoảng gần 2 triệu du khách đến đây nhưng với sự bảo vệ của chính quyền, Shirakawa-go không bị khai thác theo hướng du lịch hóa, bản chất cuộc sống của ngôi làng và người dân nơi đây vẫn như thuở ban đầu. Tuy nhiên, một thực trạng chung của những ngôi làng cổ ở Nhật Bản là sự “chết dần” do không có thế hệ trẻ kế cận gìn giữ nếp sống.


Du khách đến thăm làng Shirakawa-go.

Đây cũng là nỗi buồn của ông Shigo khi những người con của ông lần lượt rời làng. Hàng trăm năm nay, người dân làng Shirakawa-go vẫn luôn tâm niệm: đã là người dân của làng thì phải gánh trách nhiệm lưu giữ bảo tồn kiến trúc cũng như những phong tục truyền thống của làng. Vòng quay cuộc sống đã kéo nhiều người con của làng ra khỏi cái nôi văn hoá này. Hàng ngày, ông Shigo vẫn đứng bên cái bậu cửa 200 năm, đã chứng kiến vô vàn bước đi của nhiều thế hệ trong gia đình ông. Không giấu diếm hy vọng, ông mong một ngày những đứa con mình sẽ trở về để viết tiếp những truyền thuyết về làng Shirakawa-go, cũng như viết tiếp câu chuyện văn hoá truyền thống hơn 200 năm của dòng họ Shigo./.
Xem thêm
Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014
Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Thái

Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Thái


Không chỉ nổi tiếng với vị cay của lẩu, những món có vị ngọt bùi như xôi xoài, hay chua ngọt như Som Tam cũng rất được lòng du khách khi đến Thái Lan.

Dưới đây là những món ngon nên thử khi đến thăm đất nước chùa Vàng.

1. Gỏi đu đủ kiểu Thái

Som Tam hay được người Việt biết đến nhiều hơn với tên gọi "gỏi đu đủ kiểu Thái". Đây là một loại gỏi cay với nguyên liệu chính là đu đủ xanh bào sợi, cà chua, tỏi, tôm, đậu phộng và ớt. Món ăn này có đầy đủ các vị cơ bản của ẩm thực đất nước Chùa Vàng: vị chua của chanh, cay của ớt, mặn của nước mắm và ngọt của đường thốt nốt. Do được trộn bằng cách giã trong cối nên mới có tên "som tam" có nghĩa là "món giã trong cối có vị chua".


Som Tam, món ăn đường phố được nhiều người Thái yêu thích. Ảnh: Pose.

Som Tam được bày bán khá phổ biến dọc theo các con đường ở thành phố Bangkok. Đây được đánh giá là một món ăn thơm ngon, tươi mát và rất lành mạnh, thích hợp với mọi người.

2. Pad Thái

Pad Thái là một trong những món ăn không thể bỏ qua khi đến xứ sở Chùa Vàng. Pad có nhiều nét tương đồng với món hủ tíu xào hay phở xào ở Việt Nam với nhiều nét biến tấu khác nhau.


Pad gần giống hủ tíu xào hay phở xào ở Việt Nam. Ảnh: Chanphuocliem.

Nguyên liệu của món ăn này gồm có mì xào trộn trứng, đậu phộng, tôm khô, đậu phụ, sốt me, đậu, đôi khi có kèm với tôm hoặc mực. Món này cũng có thể chế biến bằng công thức hoàn toàn “chay tịnh”, chỉ với mì, giá đỗ và hành tây.

3. Canh chua Thái

Canh chua Thái nổi tiếng thế giới còn được biết đến với tên gọi Tom Yum Goong. Món ăn này được làm từ tôm cùng những loại gia vị và rau thơm có vị cay nồng và chua như lá chanh, riềng, xả, ớt, me...


Tom Yum Goong hấp dẫn du khách bởi màu sắc bắt mắt và hương vị chua ngọt đặc trưng. Ảnh: Depplus.

Tom Yum Goong dùng nóng với cơm hoặc bún đều rất ngon. Khi cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị cay xè của ớt, chua chua của chanh, hương thơm nồng của giềng, sả và vị ngọt của những con tôm tươi ngon.

4. Cà ri Thái

Khác với cà ri Ấn Độ, cà ri Thái có vị béo và thơm nhẹ của nước cốt dừa và không quá nồng mùi quế hồi. Cà ri ở Thái khá đa dạng nhưng nổi tiếng nhất là cà ri xanh và cà ri đỏ, tên của món ăn được lấy theo màu của từng loại cà ri.


Món cà ri xanh được nhiều du khách đến Thái ưa chuộng. Ảnh: Phoamthuc.

Cà ri xanh có vị ngọt còn cà ri đỏ rất cay. Món ăn này có thể được nấu với mọi loại thịt, phổ biến nhất là bò, lợn, gà và cá viên. Cà ri Thái thường ăn kèm với cơm hoặc bún.


Cà ri đỏ. Ảnh: Old.

5. Các món "lạ" từ côn trùng

Các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nói chung không còn xa lạ với những món ăn chế biến từ côn trùng, riêng đất nước Thái Lan lại được ví như thiên đường của món ăn này. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những quán ăn hay những xe đẩy chở đầy ắp những côn trùng đủ loại như dế, cào cào, nhện, bò cạp, sâu… Côn trùng được chế biến thành khá nhiều món nhưng đơn giản nhất là chiên vàng giòn rụm. Đây sẽ là một trải nghiệm đầy thách thức và thú vị cho bạn khi quyết định thử món ăn này.

6. Thịt lợn khô

Thịt lợn phơi khô được ướp cùng với xì dầu, rau mùi băm nhỏ và nước mắm có tên gọi là Moo dad diew. Đây là một đặc sản của Thái Lan mà bạn có thể mua mang về để nhâm nhi với bạn bè. Khi ăn, những xiên thịt khô này sẽ được rán vàng, chấm với nước ớt.

7. Thịt nướng

Thịt xiên nướng hay Moo ping rất nổi tiếng ở xứ Chùa Vàng được chế biến bởi thịt lợn ướp cùng với nước mắm, rau mùi và nước dừa, sau đó nướng trên than hồng. Món này thường ăn kèm với xôi và chấm tương ớt chúng thường được bày bán trên phố về đêm.

8. Xôi xoài

Món này có tên gọi là Khao Niew Ma Muang, rất nổi tiếng ở Thái Lan. Xôi nếp dẻo thơm được dàn mỏng ra đĩa, xoài xếp lên trên rồi chan nước cốt dừa và rắc thêm chút đậu phộng hay chút vừng rang. Vị chua nhẹ của xoài sẽ giúp trung hòa vị ngọt và béo của nước cốt dừa, tạo nên một hương vị khó quên. Món xôi xoài thường được bán ở trên các xe tuk tuk và có mặt ở hầu khắp các đường phố Bangkok.
Xem thêm
Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014
Ghé thăm lâu đài với giếng nước ma ám "gai người" ở Nhật Bản

Ghé thăm lâu đài với giếng nước ma ám "gai người" ở Nhật Bản

Himeji không những lâu đài đẹp nhất nước Nhật mà còn nổi tiếng với giếng nước Okiku bị ma ám đầy bí ẩn.

Lâu đài Himeji là một trong những công trình lịch sử quan trọng nhất của Nhật Bản, với kiến trúc xinh đẹp và được bao phủ bằng một màu trắng rực rỡ, Himeji còn được gọi với cái tên "lâu đài Diệc Trắng".



Ngày nay, lâu đài này nằm ở thành phố cùng tên Himeji, thuộc tỉnh Hyōgo. Hijime là hình mẫu điển hình nhất cho phong cách kiến trúc lâu đài ở Nhật Bản với nền móng cao đắp bằng đá, những bức tường quét vôi trắng và chia thành nhiều tầng theo hình chóp.



Điểm đặc biệt nhất của lâu đài này là hệ thống phòng thủ bằng mê cùng độc đáo và rắc rối. Để có thể lên đến tòa lâu đài chính, người ta sẽ phải vượt qua hàng loạt các cánh cổng, sân trong, đường ngang ngõ tắt. Vì vậy, những tên trộm không rõ địa hình sẽ đi nhầm vào các ngõ cụt và dễ dàng bị tóm gọn.



Lâu đài có 6 tần và được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, để chống cháy người ta đã chát thạch cao lên các bức tường. Những cột gỗ được sử dụng đều có đường kính lớn và độ chịu lực cao, có những cột gỗ to được xác định có niên đại 780 năm, thuộc loại bách đại cổ thụ.


Một trong những lý do khiến Himeji thu hút sự chú ý đông đảo du khách đó là sự tồn tại của giếng nước bị ma ám trong khuôn viên của tòa lâu đài. Giếng nước gắn liền với lời đồn của linh hồn của một cô gái đánh chết oan không thể siêu thoát có tên là Okiku. 


Thi thể của Okiku bị vất xuống giếng, tên của cô cũng được lấy để đặt tên cho giếng nước này. Người ta kể rằng, hàng đêm Okiku vẫn hiện về khóc lóc và gào thét vì sự oan ức của mình.


Mặc dù được xây dựng từ năm 1346, và tồn tại suốt hơn 600 năm qua, lâu đài Himeji vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguy nga, lộng lẫy của mình. 


Năm 1993, Himeji đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đây cũng là "tam đại quốc bảo thành" của Nhật Bản bên cạnh lâu đài Matsumoto và lâu đài Kumamoto.
Xem thêm
Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014
Nom banh chok, tinh túy ẩm thực đường phố Campuchia

Nom banh chok, tinh túy ẩm thực đường phố Campuchia


Nếu nhắc đến Việt Nam người ta nhớ ngay đến phở thì bún gánh cà ri cá Nom banh chok được xem là “món quốc hồn quốc túy” ở đất nước Chùa Tháp.

Du lịch đến thành phố Phnom Penh không khó để bắt gặp tiếng rao của các bà các chị nối đuôi nhau gánh bún Nom banh chok (năm bờ chóc) trên khắp các nẻo phố. Người Campuchia ăn Nom banh chok bất kể lúc nào. Có lẽ từ bé họ đã phải lòng sợi bún mềm với nước dùng thơm mùi cà ri hấp dẫn, lại có đậu đũa và ngó sen giòn giòn, thêm tí ớt cay cay nghĩ đến đã thèm.


Những thứ rau không thể thiếu để có một bát Nom banh chok truyền thống.

Gánh Nom banh chok một đầu là rổ đựng rau tươi, gồm hoa chuối, đu đủ, ngó sen, đậu đũa, cần ta, một ít rau thơm, lá bạc hà, chanh và ớt. Tất cả được đậy lại bằng lá sen lớn, đầu kia là vại nước sốt cà ri cá trắng, bùi béo, ngọt đậm đà, tỏa mùi thơm rất hấp dẫn.

Nước dùng Nom banh chok là bí quyết làm nên sự lôi cuốn kỳ diệu cho món ăn. Người Khmer ở Campuchia xem mắm bank chok như đặc sản dùng để đãi khách quý đến chơi nhà và là nguyên liệu chính để nấu nước dùng trong các món bún. Mắm được làm từ nguyên liệu chính là cá nước ngọt cùng với các gia vị khác như muối, đường, tiêu, tỏi, ớt, cơm nguội theo một tỷ lệ nhất định, qua bàn tay của người Khmer đã tạo ra thứ mắm truyền thống, lâu đời có một không hai trên thế giới.


Để khử mùi gắt khó chịu và giữ lại vị ngọt tự nhiên của cá, người Khmer dùng gia vị truyền thống như trái chúc (chanh rừng), ngải bún....

Nhìn những tô bún bốc khói nghi ngút, hương tỏa bay ngào ngạt trên những gánh hàng rong, ít ai biết rằng nguyên liệu làm nên nó được nấu từ mắm cá và không hề vương vấn mùi tanh, vẫn thơm ngon, vị mặn ngọt vừa phải.

Đặc biệt bún Campuchia không có hàn the nên thường kém dẻo và dai như bún ở các nơi khác. Khi ăn có vẻ bột và dễ dính tay hơn nhưng lại làm cho người ăn có cảm giác an toàn và ngon miệng hơn nhiều.

Khi có khách muốn ăn, người bán hàng nhanh nhảu đặt gánh hàng ngồi xuống, bào hoa chuối nhanh thoăn thoắt. Đầu tiên là một lớp rau thơm ở dưới đáy tô, sau đó là ngó sen và đậu đũa, thêm đu đủ bào sợi, phủ lên một lớp bún, rồi cẩn thận múc nước sốt cà ri cá vàng óng ánh mỡ, đậm hương sả, lá chanh và nghệ vàng rưới lên trên mặt bún, cuối cùng rắc lớp hoa chuối lên trên cùng. Nước cà ri chỉ xâm xấp, sao cho khi trộn đều lên thì nước bám đủ vào bún và rau. Hương thơm ngào ngạt và vị ngon đậm đà của món bún dân dã làm bất kỳ thực khách nào ăn xong cũng đều cảm thấy thòm thèm.


Chỉ 2 phút là bạn đã có ngay tô Nom Banh Chok thơm ngon giòn giòn, giá 2000 riel (tương đương 10.000 đồng) để thưởng thức.


Nếu có dịp ghé thăm Campuchia, hãy đừng ngần ngại ngồi giữa phố đông ăn liền tay một bán bún Nom banh chok để thấy được nét độc đáo riêng có của ẩm thực đường phố nơi đây.

Xem thêm
Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014
7 trải nghiệm nên thử khi đến Thái Lan

7 trải nghiệm nên thử khi đến Thái Lan

Uống sinh tố trái cây, ngồi xe tuk-tuk, thăm thú chợ đêm hoặc ăn bánh mì kẹp kem là những điều nho nhỏ bạn nên thử khi đến Thái Lan. 

Không cần phải tốn nhiều tiền cho dịch vụ mới khiến bạn hài lòng về chuyến du lịch đến "đất nước Chùa Vàng", chỉ cần bỏ túi 7 gợi ý trải nghiệm dưới đây bạn sẽ có thể hình dung về cuộc sống ở đất nước này. 

1. Uống sinh tố trái cây

Cách chống lại cái nóng ở Thái Lan hiệu quả phải nói đến các loại sinh tố trái cây. Dọc các con đường phía nam Thái Lan hoặc Bangkok có rất nhiều quầy bán sinh tố đã cắt sẵn trái cây và cho vào ly đặt lên kệ. Bạn chỉ việc chọn loại mình thích và người bán sẽ xay thành sinh tố. Nghe tưởng chừng không thú vị lắm, nhưng thực tế vị trái cây ở đây rất ngon và giá tiền lại không quá một USD. Nhìn những chiếc ly trái cây đẹp mắt và ngon lành, khó ai có thể chối từ.


Những ly trái cây tươi đầy màu sắc được xếp ngay ngắn trên kệ. Bạn chỉ việc nhìn qua, chọn loại mình thích và yêu cầu người bán xay thành ly sinh tố thơm ngon. 


2. Ngồi xe tuk-tuk

Những chiếc xe tuk-tuk đủ màu sắc được lái với vận tốc khá nhanh khoảng 60km/h. Bạn có thể sẽ hơi hoảng hồn một chút với trình "tay lái lụa" của tài xế. Tuy nhiên, ngồi xe tuk-tuk là một trải nghiệm bạn nhất định không thể bỏ qua khi đến Thái Lan. Nhớ cầm theo bản đồ để không bị "chặt chém". Bản đồ thường được phát miễn phí ở ngay sân bay với số lượng không hạn chế, do đó bạn cũng cần cầm 2-3 phòng hờ. 


Xe tuk-tuk là loại xe đặc trưng ở Thái Lan. Bạn cần phải thủ sẵn bản đồ, thậm chí thương lượng rõ ràng về giá để tránh bị tài xế "chặt chém". 


3. Ăn cá tươi trên bãi biển

Thay vì dùng bữa trưa trong một nhà hàng sang trọng, hãy thưởng thức một món hoàn toàn khác. Bạn có thể tạt ngang một trong vô số những sạp bán thức ăn ven đường và mua một con cá tươi hoặc hải sản. Giá một con cá thông thường khoảng 1,5 USD. Tiếp đó, bạn mua salad đu đủ, món nổi tiếng Thái Lan và đem ra bãi biển ăn cùng với món cá này. 


Những con cá tươi, cua biển được bày bán trong một sạp ven đường. Chọn một con cá thật tươi, chế biến và ra biển ngồi nhâm nhi với món salad đu đủ. 


4. Tham quan bằng thuyền đuôi dài

Thái Lan sở hữu một số bãi biển đẹp nhất thế giới và cách để nhìn ngắm chúng trọn vẹn nhất chính là ngồi thuyền đuôi dài, còn được gọi là taxi dưới nước. Đây là loại thuyền truyền thống của Thái Lan và mức giá đi thuyền tương đối rẻ. Bạn chỉ việc bắt thuyền, ngồi lên đó và để chiếc thuyền đưa bạn tham quan những cảnh đẹp trên biển. 


Chiếc thuyền đuôi dài di chuyển chầm chậm để bạn có thể tham quan cảnh vật nên thơ xung quanh. 


5. Thăm thú chợ đêm

Ở Thái Lan có rất nhiều khu chợ đêm nằm rải rác khắp nơi với những gian hàng bày bán quần áo, trang sức và thực phẩm thơm ngon. Đến chợ đêm bạn không chỉ hòa vào không khí chộn rộn mà còn được thưởng thức những món ăn ngon. Chẳng hạn như ở khu chợ đêm Krabi, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy một nhóm trẻ con khoảng 8-10 tuổi biểu diễn nhảy múa hoặc bắt gặp tiệm bán món kem chiên, còn được gọi là "món ăn của những vị thần". 


Chợ đêm là địa điểm bày bán rất nhiều thứ đẹp mắt. Ở đây bạn có thể mua mọi thứ từ quần áo, túi xách hoặc trang sức. Người Thái Lan ít khi nào nói thách nên bạn có thể an tâm phần nào. 


6. Ăn bánh mì kẹp kem

Bánh mì kem là món tráng miệng truyền thống nổi tiếng ở Thái Lan. Một khoanh bánh mì ngọt sẽ được múc kem và rải phía trên một chút xôi dẻo. Mùi vị rất lạ so với những cây kem tươi bạn từng ăn. Ngoài ra, bạn cũng nên thử qua món kem xôi xoài và kem chiên. 


Bánh mì kẹp kem là món tráng miệng truyền thống ở Thái Lan. Vào bữa trưa nóng bức, món kem này sẽ giúp bạn giải nhiệt hiệu quả. 


7. Ở trong một căn chòi bãi biển

Thái Lan có rất nhiều kiểu nhà nghỉ như thế này và đây là một lựa chọn tối ưu cho chuyến du lịch của bạn. Căn lều được bài trí đơn giản nhưng khá gọn gàng và sạch sẽ. Bạn sẽ nghe tiếng sóng biển rì rào khi ở đây, một nơi rất thanh bình và yên tĩnh. 


Căn chòi bãi biển có diện tích khiêm tốn nhưng mang lại sự ấm cúng. Ở trong căn chòi này bạn chỉ nghe âm thanh sóng biển, và điều đó khiến giấc ngủ của bạn sâu và êm dịu hơn. 
Xem thêm
Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014
Bí kíp để không bị lộ là khách du lịch khi đến Hong Kong

Bí kíp để không bị lộ là khách du lịch khi đến Hong Kong

Chụp ảnh cùng các món ăn và đăng lên mạng chia sẻ với bạn bè hay để lại tiền tip là thói quen mà người dân Hong Kong thường làm.

Làm theo các bước sau đây, bạn sẽ đỡ cảm thấy bị cô đơn và trở thành người xa lạ giữa Hong Kong náo nhiệt, phồn hoa.

Bắt taxi

Khi vẫy xe taxi, hãy giơ thẳng tay, sau đó chỉ dùng phần bàn tay và cổ tay để gọi. Hãy hành động một cách dứt khoát và rõ ràng.

Trò chuyện

Khi nói chuyện với mọi người, dù bạn đang nói tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác, hãy thêm các hậu tố bằng tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ được nói chủ yếu ở Hương Cảng) la, ar, wor, gar.... Ví dụ: Hong Kong is so awesome la!


Hong Kong là một trong những điểm đến hút khách du lịch ở châu Á. Ảnh: CNN.


Chụp ảnh

Người dân Hong Kong khi đi tại các nhà hàng thường rất thích chụp ảnh và đăng tải lên mạng để chia sẻ với bạn bè. Vì vậy hãy luôn hỏi người ăn cùng bạn có muốn chụp ảnh không trước khi thưởng thức ẩm thực.

Tiền tip

Nếu đến Trung Quốc, bạn không cần phải "boa" thêm tiền thì ở Hong Kong, đây gần như là một phần quan trọng trong phép lịch sự xã giao. Với mỗi hóa đơn 500 HKD, bạn có thể tip thêm 5,5 HKD nữa (1 HKD = 2.700 đồng) .

Gọi món

Người Hong Kong thường miêu tả cụ thể, rõ ràng món ăn mà họ muốn dùng. Ví dụ như: "Một cốc trà chanh ít đường, không đá và có thêm vài lát chanh" hay "Một bát mì không rau, nhiều thịt bò". Vì vậy, khi bước vào một quán ăn, hãy gọi chính xác món ăn mà bạn muốn.

Viết tắt

Người Hong Kong cũng có thói quen viết tắt hoặc nói tắt. Cửa hàng tiện ích 7-Eleven thường được ghi ngắn gọn là Seven, Circle K được ghi là OK. Mọi người cũng rất thích nói từ "sorry" là "sor".


Hong Kong có cuộc sống về đêm nhộn nhịp. Ảnh: CNN.


Xem thêm
Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014
Mùa siêu khuyến mãi ở Hong Kong

Mùa siêu khuyến mãi ở Hong Kong

Nhiều sản phẩm quần áo, đồ điện tử, trang sức, đá quý, đồng hồ… giảm giá đến 90% tại xứ cảng thơm từ nay đến hết tháng 9.

Đến với xứ cảng thơm - nơi mà có đến 87% khách du lịch đến mua sắm - người ta có thể tìm thấy đủ mọi hàng hóa trên thế giới tại đặc khu với diện tích chỉ vỏn vẹn 1.000 km2. Trong đó, quần áo, đồ mỹ phẩm và thiết bị điện tử là các mặt hàng phổ biến được du khách lựa chọn mua về.


Mùa sale ở Hong Kong kéo dài từ nay đến hết tháng 9 với mức giảm giá lên đến 90%.

Bạn có thể tìm thấy thiên đường thời trang và làm đẹp giảm giá đến 90% ở khu mua sắm bình dân Tsim Sha Tsui với chuỗi mua sắm liên hoàn Park Lane Shopper’s Boulevard. Nơi đây quy tụ gần 50 nhãn hiệu thời trang được phụ nữ ưa chuộng nhờ giá cả phải chăng. Trong đó, cửa hàng Ming Chueng dưới tầng hầm không chỉ có quần áo giá phải chăng như G2000, U2, Color 18, Esprit mà còn có cả các thương hiệu sang trọng như Episode, Jessica và Crocodile.

Con đường mỹ phẩm Granville với cửa hàng nước hoa và mỹ phẩm giá rẻ nổi tiếng như Lung Shing Dispensary. Một số địa chỉ mua sắm hấp dẫn khác phải kể đến như chợ Quý Bà trên phố Tung Choi, Jardine’s Crescent hay phố Đông Li Yuen, Tây Li Yuen, chợ đêm đường Temple... mang đến cho nữ du khách cơ hội lựa chọn quần áo, túi xách, ba lô, trang sức, hóa mỹ phẩm giá phải chăng.

Nếu muốn săn tìm các đồ hiệu giá giảm, bạn có thể ghé các khu mua sắm cao cấp, trung tâm thương mại lớn của Hong Kong như Harbour City, Trung tâm thương mại Landmark Square, Pacific Place, Galleria Square. Những nơi này quy tụ nhiều nhãn hàng của các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Louis Vuitton, Salvatore Ferragamo, Prada, Ralph Lauren, Burberry… Hong Kong còn có tòa nhà Peddar Building cổ kính - nơi có trụ sở thương hiệu thời trang Hong Kong nổi tiếng trên thế giới Shanghai Tang. Một điểm đến không thể bỏ qua nữa trong con đường mua sắm quần áo thời trang và mỹ phẩm thượng hạng là các trung tâm thương mại Island Beverly Center, WTC more, SOGO, Lee Gardens… ở “thành phố không ngủ” Causeway Bay.


Chợ Quý Bà, khu Mong Kok luôn tấp nập người mua sắm.

Đối với dân đam mê công nghệ thì Hong Kong là một "thánh địa" của các mặt hàng điện tử giá cạnh tranh. Hầu hết mọi người đều rỉ tai nhau đến mua máy tính tại bán đảo Kowloon, nơi có nhiều trung tâm bán máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại. Chợ trời khổng lồ về thiết bị điện tử cả mới lẫn cũ ở phố Ap Liu ở Sham Shui Po hay phố Nam Sai Yeung Choi sẽ đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm đồ công nghệ, điện tử của bạn. Chợ hoạt động từ trưa cho đến nửa đêm. Đảo Hong Kong cũng có một vài siêu thị máy tính giá phải chăng, đáng kể đến là Wan Chai Computer Centre.

Ngoài các mặt hàng trên, bạn cũng có thể mua quà tặng lưu niệm độc đáo cho người thân ở chợ Stanley nổi tiếng với các đồ tạo tác nghệ thuật Trung Hoa, lụa, đồ cổ. Phố Tai Yuean hấp dẫn với thế giới đồ chơi giá rẻ cho trẻ nhỏ hoặc tìm kiểu đồng hồ ưa thích cho bản thân hay một chiếc Rolex tại City Chain với hệ thống hơn 20 outlets kinh doanh đồng hồ. Nếu có chút am hiểu về đồ ngọc Trung Quốc, bạn cũng có thể tìm mua trang sức ngọc bích ở khu Yau Ma Tei để cầu xua đuổi điều xui và bảo vệ bản thân.


Du khách thưởng thức hải sản tươi ngon ở chợ đêm phố Temple.

Các cửa hàng ở Hong Kong không chỉ trưng bày hàng hóa mà còn tạo nên một môi trường mua sắm thoải mái, khi kết hợp cả mua sắm và giải trí. Nhiều trung tâm mua sắm có nhà hàng, cửa hàng sách, quán cà phê và rạp chiếu phim, một số thậm chí còn có sân trượt băng. Hay ở một số khu chợ như Stanley, chợ đêm đường Temple, du khách vừa mua sắm, vừa có thể thưởng thức hải sản và ẩm thực địa phương đặc sắc. Ngoài dịp hè, sự kiện giảm giá ở Hong Kong còn diễn ra vào dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán, cũng thu hút nhiều du khách quốc tế.
Xem thêm