.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014
Thăm thác Bản Giốc hùng vỹ nơi biên cương

Thăm thác Bản Giốc hùng vỹ nơi biên cương

Hành trình đến với một trong những dòng thác tự nhiên đẹp nhất Việt Nam thuộc tỉnh Cao Bằng sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm đáng nhớ trong mùa hè năm nay.

Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng gần 90 km và Hà Nội gần 400 km. Đường dẫn tới thác Bản Giốc quanh co, uốn lượn quanh các sườn núi và có nhiều khúc cua hẹp, không khí trong lành, phong cảnh đồng quê vùng núi trù phú.


Thác Bản Giốc kỳ vĩ vùng biên.


Di chuyển

Xe khách đi Cao Bằng xuất phát từ bến xe Mỹ Đình có nhiều khung giờ để bạn lựa chọn. Nếu không có nhiều thời gian, bạn nên chọn chuyến tối để ngủ đêm trên xe, sáng sớm hôm sau tới nơi.

Còn nếu muốn chạy xe máy để trải nghiệm cung đường, bạn có thể đi theo quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng) hoặc quốc lộ 1 (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng).

Lưu trú và ăn uống

Dịch vụ ở Bản Giốc chưa quá phát triển, có một vài nhà nghỉ, quán ăn phục vụ du khách. Cách tốt nhất là trước chuyến đi nên liên hệ đặt phòng và bữa cơm, để nếu bị trễ lịch trình, đến nơi muộn bạn không phải kiếm tìm gấp gáp.

Các đặc sản Cao Bằng gồm: gà nướng, lợn bản, phở chua, cóng phù (hơi giống món bánh trôi tàu), xôi trám và hạt dẻ Trùng Khánh trứ danh.

Các điểm tham quan và cung đường tham khảo

Từ thành phố Cao Bằng lên huyện Trùng Khánh, cảnh quan núi non vô cùng đẹp bởi những dòng sông lững lờ xanh biếc, hay những con đèo ngoằn ngoèo vắt ngang qua núi. Đặc biệt là đèo Mã Phục - một trong những con đèo đẹp và hiểm trở nhất miền Bắc. Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đèo cao 620 m, vượt qua bảy vòng dốc để đến được đỉnh, nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách.


Đèo Mã Phục quanh co.


Thác Bản Giốc có dòng nước trắng xóa từ trên độ cao gần 100 m đổ xuống ào ào qua mấy tầng thác bụi mù hơi nước. Những núi đá vôi sừng sững hai bên như góp phần làm nổi bật vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của dòng thác.

Chợ Trùng Khánh buôn bán tấp nập, mang sắc thái dân tộc vùng cao của người Tày, Nùng…

Cũng ở Cao Bằng, sau khi thăm thác Bản Giốc, bạn có thể ghé động Ngườm Ngao, hang Pác Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác ghi dấu lịch sử.

Các cung đường tham khảo:

Hà Nội - Lạng Sơn - Mẫu Sơn - Cao Bằng - Trùng Khánh

Cao Bằng - Hồ Ba Bể (Bắc Cạn) - Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) - Hà Nội

Lưu ý

Nếu chạy xe máy, cần chuẩn bị cẩn thận hành trang cho chuyến du lịch bụi, và mang theo bộ dụng cụ sửa xe, săm dự phòng… Chú ý đổ đầy bình xăng khi qua các thị trấn vì vào khu vực rừng núi rất hiếm trạm xăng.

Mùa hè là thời điểm con nước đầy, thác đẹp và nhiều nước nhất, nhưng cũng là mùa mưa lũ, đường xá có thể sạt lở. Do đó, bạn cần tìm hiểu và cập nhật thông tin thời tiết cẩn thận.

Khi đi du lịch đến vùng biên giới, cần chuẩn bị kỹ giấy tờ tùy thân, tuân thủ các yêu cầu của khu vực, tìm hiểu về phong tục tập quán của người địa phương để khéo léo giao tiếp, tránh tình huống xấu xảy ra.


Cảnh quan vùng biên hữu tình.
Xem thêm
Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014
Điểm khác biệt của Thác Bản Giốc so với các thác nước trên Việt Nam

Điểm khác biệt của Thác Bản Giốc so với các thác nước trên Việt Nam


Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta ở vùng biên giới Việt – Trung. Vào thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, thác này nằm trong địa phận của huyện Thượng Lang, ngày nay thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta ở vùng biên giới Việt – Trung. Vào thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc, thác này nằm trong địa phận của huyện Thượng Lang, ngày nay thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trên các bản đồ của vùng này, vị trí của thác nước thường không được ghi rõ; hai chữ “Bản Giốc” được nhìn thấy trên bản đồ thật ra nhằm để chỉ một bản (làng) của người Tày ở gần thác nước chứ không nhằm chỉ vị trí của thác nước.


Thác Bản Giốc nằm trong địa phận Trùng Khánh, Cao Bằng. (Ảnh: Cà phê Hương sơn tây)

Điều gì làm cho Thác Bản Giốc trở thành đặc sắc so với tất cả các thác nước trên toàn cõi Việt Nam? Trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam (ấn bản năm 1977), nhà địa lý học Lê Bá Thảo đã miêu tả Thác Bản Giốc như sau: “Sông Quây Sơn ở phía bắc Thượng Lang sau khi chảy qua một vùng đá vôi rộng lớn đến Bản Giốc thì đổ vào khu vực đá phiến tạo thành ba bậc thác nước chênh nhau đến 34m.


Ba bậc thác nước chênh nhau đến 34m. (Ảnh: Cà phê Hương sơn tây)

Vào mùa lũ (từ tháng 5 đến tháng 9), nước từ các hốc ngầm đá vôi ở thượng lưu tuôn đến đổ xuống các bậc tung bọt nước trắng xóa, làm đoạn thung lũng ở phía dưới thác mở ra rất rộng. Đứng trên bãi cát ven sườn thung lũng, người ta có cảm tưởng bị vây quanh bởi những bức tường nước đồ sộ nhưng chúng không hề gây cho chúng ta cảm giác sợ hãi. Trái lại, phong cảnh lại cực kỳ đẹp đẽ và bình dị. “Ba bậc thác nước chênh nhau đến 34 m” chính là vẻ đẹp cốt lõi của Thác Bản Giốc, làm cho nó khác hẳn tất cả các thác nước khác ở nước ta.


Đó chính là vẻ đẹp cốt lõi của Thác Bản Giốc. (ảnh: Cà phê Hương sơn tây)

Nếu nhìn một cách toàn diện,Thác Bản Giốc bao gồm hai phần. Phần thác chính ở phía bắc là “ba bậc thác nước chênh nhau đến 34m” như trên vừa nói – tạm gọi là “thác ba tầng”; phần thác phụ ở phía nam là “ba dòng thác” đổ từ trên cao xuống tương tự những thác thường thấy trong khắp cả nước, không có gì đặc sắc. Vào mùa nước lớn, khi nước chảy tràn trề, người ta có thể nhìn thấy rõ ba dòng thác làm nên thác phụ; nhưng đến mùa khô, nơi đây chỉ còn các dòng nước teo tóp đổ vào một vũng nước hẹp. Vì thế có thể nói phần thác chính mới là “linh hồn” của Thác Bản Giốc.


Có thể nói phần thác chính là linh hồn của Bản Giốc. (Ảnh: Cà phê Hương Sơn tây)

Những hình ảnh ngày xưa thường thấy trên các sách ảnh hay lịch treo tường thường là ảnh của phần thác chính. Do đó trước đây mỗi khi nghe nói đến Thác Bản Giốc, ít ai biết đến phần thác phụ. Điều đáng nói hơn cả là: vẻ đẹp củaThác Bản Giốc – dù là thác chính nói riêng hay toàn bộ hai phần của thác, chỉ thể hiện một cách trọn vẹn khi được nhìn ngắm từ chính diện hay từ phía “bờ bên kia”, tức là bờ phía bắc (tả ngạn sông Quây Sơn). Từ bờ Nam (hữu ngạn), chúng ta không thể nhìn thấy toàn cảnh của hai phần thác. Nếu chịu khó đi ra tận doi đất ven sông ở hạ lưu, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy “thác ba tầng”, nhưng chỉ có thể nhìn nghiêng chứ không thể nhìn được chính diện.


Vẻ đẹp của Thác Bản Giốc chỉ thể hiện một cách trọn vẹn khi ngắm chính diện. (Ảnh: Cà phê Hương Sơn tây)

Như vậy, không cần phải là chuyên gia về du lịch, chúng ta cũng có thể thấy ngay được sự thật: ai sở hữu được bờ bắc (tả ngạn sông Quây Sơn) sẽ nắm được thế thượng phong trong khai thác du lịch vì từ phía này, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh của thác (kể cả hai phần chính và phụ), có thể đi ngược dòng sông bằng thuyền bè đến tận chân thác, thậm chí có thể trèo lên tận đỉnh thác để ngắm cảnh, chụp ảnh, … Trong khi đó, người nắm giữ bờ phía nam không thể giúp du khách nhìn ngắm tất cả các vẻ đẹp của thác – trừ khi phải nhờ cậy phía bên kia.


Thác Bản Giốc ngày càng hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh: Cà phê Hương sơn tây)

Kể từ khi sở hữu được bờ bắc của sông Quây Sơn, nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa Thác Bản Giốc vào danh sách các điểm du lịch với cái tên mới là Đức Thiên Theo lộ trình thông thường, các du khách đi từ phía Trung Quốc sẽ được chở bằng xe ca đến một địa điểm ở phía đông-nam của thác. Sau đó du khách sẽ đi bộ một quãng đường và trên đường đi, họ có thể chụp được các tấm ảnh toàn cảnh đẹp như tranh vẽ – kể cả phần thác phụ nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Du khách cũng có thể dùng bè để đi đến chân thác.
Xem thêm
Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014
Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng


Làng Khuổi Kỵ nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ lâu, Khuổi Kỵ đã nổi tiếng với cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới.

Chiêm ngưỡng “làng đá”

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người Tày ở Cao Bằng “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ. Thế nhưng, những ngôi nhà sàn một thời mang dáng dấp của nhà Mạc đã ít nhiều chìm vào lãng quên.


“Làng đá” Khuổi Kỵ

Cụ Nông Văn Tâm (70 tuổi) ở làng Khuổi Kỵ cho hay: “Ngược thời gian vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý. 



Ngôi nhà đẹp nhất làng Khuổi Kỵ được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên

Hiện Khuổi Kỵ có 14 căn nhà sàn bằng đá và để bảo tồn, phục dựng lại nó các cơ quan chức năng Cao Bằng phải tiêu tốn ngót ba năm trời xếp đá. Mãi đến năm 2010 “làng đá” này được hoàn thành với những nét kiến trúc độc đáo. 

Tùy thuộc vào căn nhà sàn lớn hay nhỏ (thường là 3 gian - 2 chái và 1 gian - 2 chái), thì chuyện dựng nhà sàn gỗ của người Tày cũng cần ít nhất quãng thời gian 5 năm với hàng chục khối gỗ lớn, lạt, số lượng cột, kèo…” 


Cây cầu bắc qua suối trước “làng đá” được xây dựng khang trang, đẹp đẽ

Tuy nhiên, khi dựng nhà sàn đá lại chú trọng hơn đến khâu lựa chọn đá và sắp xếp chúng. Chẳng hạn, để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, có khi gần một năm. 

Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt dầm gỗ, sau đó xếp những tấm ván hoặc tre để làm sàn, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2. Những viên đá được chọn để dựng nhà gần như có kích thước tương đồng và chúng sẽ được gắn kết với nhau bằng hỗn hợp vôi trộn cát.

Một điều nữa có thể nhận thấy sự khác biệt của làng Khuổi Kỵ so với những nơi khác giữa các huyện miền núi là các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi. 

Độc đáo tục thờ “thần đá” 

Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên đã lập đền để thờ thần đá.

Bên chén rượu ngô đượm vị vùng cao, một ông cụ, dáng vẻ phong sương đã ngoài tuổi bát tuần tên Nông Văn Khang, người dân tộc Tày ở xã Đàm Thủy cho chúng tôi hay: “Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng. 


Đường đi quanh làng cũng được người dân dùng đá để làm hàng rào hai bên

Còn nhớ tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc, năm nào cũng vậy, cứ độ vào tiết trời thanh minh tháng Ba là cư dân cả bản dù có bận việc đến đâu cũng sẽ tạm gác lại để cùng họp nhau tại nơi thờ cũng thần đá được quy ước trong bản để làm lễ “mể-lồ-phỉ” (hiểu nôm na là lễ cúng thần đá)... 

... Hằng mong truyền đạt, cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Hay suy nghĩ sâu hơn nữa thì, tập tục tế thần đá này còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cả một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên”. 


Thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, người dân nơi đây đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách chắc chắn

Theo lời những người dân nơi đây, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế nên có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai dám phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá, chứng kiến chúng chẳng may bị hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại. 


Xung quanh những hàng rào bằng đá, làng Khuổi Kỵ đã lập đền để thờ thần đá

Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố. Mặc cho thời gian trôi qua, suốt hàng trăm năm nhưng những ngôi nhà sàn đá này vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn. 

Hay nói như ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh: "Đa số những người con của quê hương Đàm Thủy là dân tộc Tày, cho nên ngôi nhà cũng mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Người Tày có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá”.
Xem thêm