.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014
Món ngon nức tiếng ở Bình Định

Món ngon nức tiếng ở Bình Định


Những món ăn như nem chợ huyện, bánh canh chả cá, bánh hỏi lòng heo mang đậm nét văn hóa của miền đất võ.

Du khách đến Bình Định không chỉ bị quyến rũ bởi danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa hay những đêm hát Bội hấp dẫn mà còn bị quyến rũ bởi nhiều món ăn lạ miệng.

1. Bánh canh chả cá

Bánh canh chả cá là đặc sản khá nổi tiếng ở Quy Nhơn, được bày bán ở nhiều con phố. Sự độc đáo của bánh canh chính là cách làm bánh, chả và chế biến nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị. Còn sợi bánh làm bằng bột gạo pha với bột mì, khi chín có độ dai và màu trong rất lạ. Nước dùng chủ yếu nấu bằng xương cá, đầu cá tạo ra cái ngọt thanh thanh, để lại cho người ăn cảm giác khó quên.


Bánh canh chả cá Bình Định được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á. Ảnh: VOV

Không giống như bánh canh ở các nơi khác, bánh canh chả cá Bình Định có hai loại chả mà du khách có thể chọn là chả chiên thơm nồng và chả hấp được giã bằng tay với các loại cá mối, các thác lác... làm nên vị ngọt đậm đà. Khách ăn bánh canh đôi khi không cần quán cầu kỳ, sang trọng mà chỉ ngồi ở vỉa hè mà thưởng thức.

2. Chình mun Châu Trúc

Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng lớn hơn nhiều, hay có những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ. Nhưng chình mun thì chỉ có ở vùng đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ. Gọi là chình mun vì nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng thơm ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao. Có rất nhiều cách chế biến chình mun, phổ biến vẫn là rô-ti, nấu cà-ri hay tiềm thuốc bắc...

Cá chình nấu măng hay nấu với lá giang là món có tính chất giã rượu. Khi nấu dùng ít nước và hầm kỹ để vị ngọt từ xương chình tiết ra. Chỉ cần đưa thìa canh lên đầu lưỡi, du khách đã cảm nhận được vị ngon, ngọt của chình mun nức tiếng.

3. Chim mía

Đến Bình Định, du khách sẽ được giới thiệu món chim mía khá hấp dẫn, có nhiều ở vùng Tây Sơn, do đây là vùng trồng nhiều mía. Một số người dân địa phương vẫn có nghề bẫy chim trong những ruộng mía, cung cấp cho các quán ăn, bởi vậy chim mía Tây Sơn thường tươi, ngon, nướng hay quay cả con đều rất ngọt.

4. Bánh xèo tôm nhảy

Là món bánh dân dã được rất nhiều người yêu thích, bánh xèo được làm từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa. Phần nhân bao gồm tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Đĩa bánh xèo dọn ra với sắc màu vàng của nghệ, màu trắng phau của giá, màu đỏ của tôm và màu xanh của rau hòa quyện thành một món ăn đẹp mắt.


Bánh xèo Bịnh Định dân dã với những con tôm đất thịt chắc nịch luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: dacsanbinhdinh

Ăn món này đúng cách là phải đặt bánh xèo lên một chiếc bánh tráng, cuốn cùng rau mầm và xoài chua rồi chấm ngập vào chén nước mắm. Cắn mạnh một miếng cảm nhận vị béo của dầu, ngòn ngọt của tôm tươi, cay cay của mắm tỏi ớt, ăn kèm bánh tráng gạo mỏng và các loại rau xanh khiến du khách không thể nào quên.

5. Bánh hỏi cháo lòng

Bánh hỏi là đặc sản Bình Định, ngon nhất là ở Diêu Trì. Du khách sẽ thấy nhan nhản những biển hiệu cháo lòng, bánh hỏi khi đến vùng đất này. Thật ra bánh hỏi cháo lòng là hai món ăn khác nhau nhưng lại được người dân kết hợp với nhau tạo nên món ăn thú vị. Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Còn cháo được nấu khá loãng, bằng huyết ninh với nước cốt hầm từ xương và lòng lợn. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm, ăn cùng với đĩa lòng lợn được chế biến khéo léo khiến món ăn này trở nên ngon ngọt khác thường.

6. Nem nướng, nem cuốn

Nem chợ huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính ở đây vẫn là thịt được chế biến từ heo cỏ nuôi dân dã. Nem có thể ăn với rau thơm, cuốn với bánh tráng, hoặc chỉ ăn mỗi nem để tận hưởng hương vị độc đáo của món đặc sản này. Nem khi được ăn chấm với nước mắm hay nước tương tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nước chấm được ưa thích nhất vẫn là nước chấm được pha loãng với lạc giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt khiến nước chấm sánh, đậm đà.

7. Mực rim nướng

Mực rim nướng là món ăn hè phố khoái khẩu của nhiều người tại Quy Nhơn. Món ăn dân dã này được chế biến khá đơn giản. Khô mực sau khi được nướng sơ sẽ được tẩm với các loại gia vị như mạch nha, ớt xào, tỏi... cho mực ngấm đều, tạo thành món ăn chơi hấp dẫn.

8. Gỏi sứa

Món gỏi sứa tai và gỏi sứa chân là món ăn được nhiều du khách đến Bình Định ưa thích. Gỏi sứa tai được làm từ sứa tai bóp sơ sau đó trộn cùng các loại gia vị, đậu phộng, chuối xanh, mướp đắng xắt mỏng, xoài xanh bào sợi và các loại rau thơm như rau răm, rau húng.


Gỏi sứa là món ăn ngon miệng. Ảnh: Khánh Hòa

Để làm gỏi sứa chân cầu kỳ hơn vì phải trộn cùng với thịt gà hoặc thịt lợn xắt mỏng cùng các loại ớt, xoài băm nhỏ, đậu phộng rang và một số loại rau thơm khác. Món ăn này ngon phải được chấm với mắm ruốc mới đúng vị.

9. Bánh ít lá gai

Là thứ bánh đơn sơ, mộc mạc và hồn hậu như con người đất võ nhưng hương vị ngọt lành của bánh ít lá gai luôn hấp dẫn du khách. Bánh ít lá gai được sử dụng trong những ngày giỗ, ngày lễ như cưới hỏi, thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ. Bánh được làm bằng bột nếp với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc dừa nạo. Bánh ít lá gai dẻo, thơm, ăn không dính răng với vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo thành một món ăn đậm đà hồn quê Bình Định.
Xem thêm
Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014
Thiên nhiên kì ảo trên dòng sông Hầm Hô, Bình Định

Thiên nhiên kì ảo trên dòng sông Hầm Hô, Bình Định


Hầm Hô là cả một khúc sông dài gần 3km, chiều rộng trên dưới 30m, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng, với các địa danh được gọi tên theo hình dạng của đá trên sông như: Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trải.

Hầm Hô thuộc địa phận xã Tây Phú, Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách Thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc.


Chèo thuyền đi bắt cá trên sông Hầm Hô

Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy trông đặc cả nước. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Dân gian truyền rằng, hằng năm Long vuong tổ chức kì thi cho cá tại thác Hầm Hô. Con nào vượt qua được sẽ hóa rồng, nên cá từ sông Côn dồn cả về đây để thử vận may. Có lẽ do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian thì gọi là thác Cá Bay. Vậy mới có thơ rằng:"Hầm Hô nước chảy trong xanh/ Dưới sông cá lội, trên cành chim reo".


Nếu du ngoạn bằng thuyền đi dọc sông, đắm mình vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên, du khách sẽ có cảm giác như đi vào thế giới thần thoại. Hơn thế, đến đây du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên, mà còn có dịp sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Chính tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước, vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Sau này, Mai Xuân Thưởng là nguyên soái đạo quân Cần Vương tại Bình Định từ giữa 1885 đến giữa năm 1887, dựa vào ví thế núi non hiểm trở của Hầm Hô, nghĩa quân do ông chỉ huy đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất và khiếp sợ.Với người con gái Tây Sơn, Bình Định quê tôi “Trước thăm cho biết Hầm Hô/Sau em bớt đợi, bớt chờ nghe anh!” 



Đường vào Hầm Hô


Dinh Tiên Hiền thờ hai anh em ông Lê Kim Bôi, Lê Kim Bảng, người có công đức xây dựng công trình thủy lợi ngăn sông Hầm Hô. Vào cuối thế kỷ 18 thời hậu Lê


Cây đa cổ thụ bến nước Hầm Hô


Du khách tham quan hóng mát bên sông Hầm Hô


Làn nước trong xanh nhìn thấy cá lội tung tăng của Hầm Hô


Càng lên xa về đầu nguồn,...


... dòng chảy mạnh hơn, nước tung bọt trắng xóa


Và đá cũng kỳ lạ hơn, cặp “đá đôi” hoàn hảo


Dòng nước qua thời gian đã chạm khắc lên đá


Một thắng cảnh Hầm Hô thật kỳ vĩ


Du khách đi thuyền khám phá Hầm Hô


Thỏa sức vẫy vùng với sông nước Hầm Hô


Thưởng thức món cá niêng nước với rau rừng tại nhà hàng Lộc Vừng bên sông Hầm Hồ
Xem thêm